Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024: Cơ hội quảng bá sản phẩm và kết nối tiêu thụ sản phẩm

Thiết thực chào mừng Kỷ niệm 78 năm ngày Bác Hồ viết thư kêu gọi điền chủ, gia nông Việt Nam tham gia hợp tác xã nông nghiệp (11/4/1946-11/4/2024), 13 năm Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/4); Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức “Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024″ nhằm khơi dậy lòng tự hào, phát huy truyền thống của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chặng đường qua; tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ cho các tổ chức kinh tế tập thể; ghi nhận và tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xin gửi thư mời hợp tác đến Quý Doanh nghiệp có năng lực, quan tâm và mong muốn phối hợp cùng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để tổ chức, thực hiện các hoạt động của chuỗi sự kiện bằng hình thức: tài trợ cho từng nội dung sự kiện hoặc trọn gói toàn bộ các nội dung của sự kiện.

  1. Các nội dung gồm:

1.1 Tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu của các hợp tác xã của 63 tỉnh, thành phố tại sảnh Hội trường nhà hát Quân đội – 130 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.

1.2 Tổ chức lễ Tôn vinh, trao giải ngôi sao Hợp tác xã lần thứ nhất “Co-op Star Awards” cho các Hợp tác xã tiêu biểu năm 2024, truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình.

  1. Quyền lợi và trách nhiệm của Quý doanh nghiệp khi tham gia hợp tác cùng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam:

– Thay mặt Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức huy động, tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí để triển khai các nội dung của sự kiện theo đúng quy định của pháp luật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quyết định của đơn vị liên quan đến những nội dung nêu tại mục I.

– Đảm bảo các nhân sự thực hiện công việc có đủ kinh nghiệm, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc;

– Hoàn thành công việc đúng nội dung, phạm vi và tiến độ được phê duyệt;

– Sau khi hoàn thành công việc, dựa trên kết quả cụ thể, quý doanh nghiệp sẽ được xem xét, trao bằng khen đã có thành tích tổ chức thành công Chương trình; được ưu tiên lựa chọn là đơn vị tổ chức sự kiện Chương trình trao giải Co-op Star Awards các năm tiếp theo;

– Các quyền và nghĩa vụ khác (nếu có) sẽ thống nhất trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng tổ chức

Đề nghị quý doanh nghiệp quan tâm gửi hồ sơ năng lực gửi về Liên minh Hợp tác xã Việt Nam qua địa chỉ sau: Đồng chí Trần Hữu Đức – Trưởng phòng Quản trị, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, điện thoại: 0904 108 303

Hạn nộp hồ sơ: chậm nhất là ngày 19/3/2024.

Chi tiết thư mời hợp tác tham khảo tại đây

Nguồn vca.org.vn

Bộ Khoa học và Công nghệ lần đầu tiên công bố Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII)

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng gọi tên 10 địa phương có số điểm cao nhất, trong đó Hà Nội dẫn đầu.

Chiều 12/3, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 (viết tắt là PII – Provincial Innovation Index), sau một năm xây dựng. Bộ chỉ số cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.

Kết quả, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất, đạt 62.86 điểm, xếp hạng 1. Sau đó là TP HCM (hạng 2), Hải Phòng (hạng 3), Đà Nẵng (hạng 4), Cần Thơ (hạng 5), Bắc Ninh (hạng 6), Bà Rịa- Vũng Tàu (hạng 7), Bình Dương (hạng 8), Quảng Ninh (hạng 9) và Thái Nguyên (hạng 10).

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc tại buổi công bố. Ảnh: Tùng Đinh

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc buổi công bố. Ảnh: Tùng Đinh

Hà Nội đứng đầu cả nước ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần. Hà Nội có điểm cao về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, trong đó có đầu tư cho nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế xã hội như chỉ số phát triển con người.

TP HCM xếp thứ hai, với 12/52 chỉ số thành phần có điểm cao. Trong đó TP HCM có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và một số sản phẩm về tài sản trí tuệ.

PII 2023 cũng được xếp hạng theo 6 vùng kinh tế xã hội. Các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng có điểm trung bình cao nhất 45.17 điểm, tiếp đến là các địa phương vùng Đông Nam Bộ với 44.81 điểm. Các địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long có điểm số trung bình sát nhau, lần lượt là 36.96 điểm và 36.36 điểm. Hai vùng Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc có điểm số thấp gần như nhau, lần lượt là 32.72 điểm và 32.19 điểm. Bộ chỉ số cũng đưa ra top các địa phương dẫn đầu từng vùng và phân tích đánh giá theo nhóm thu nhập.

Các địa phương dẫn đầu chỉ số PII theo vùng kinh tế.

Các địa phương dẫn đầu chỉ số PII theo vùng kinh tế.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc so sánh trực tiếp giữa các địa phương chỉ mang tính tương đối, không phải là mục đích chính của bộ chỉ số, bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau. Bộ chỉ số PII chỉ cung cấp căn cứ khoa học và các minh chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết cho biết đây là công cụ định lượng mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển từng địa phương.

“Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương là tài liệu hữu ích, cung cấp căn cứ khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp để ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách thúc đẩy phát triển, cũng như cung cấp thông tin hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương”, Bộ trưởng nói.

Từ trái qua: Thứ trưởng Hoàng Minh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn nút công bố kết quả PII. Ảnh: Tùng Đinh

Từ trái qua: Thứ trưởng Hoàng Minh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn nút công bố kết quả PII. Ảnh: Tùng Đinh

Trước đó Chuyên gia độc lập quốc tế, TS William Becker, đánh giá Bộ Chỉ số PII 2023 đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về tính đúng đắn dưới góc độ thống kê và phương pháp luận. Bộ chỉ số nhằm tạo công cụ giám sát hiệu quả, đáng tin cậy để đánh giá về đổi mới sáng tạo cấp địa phương tại Việt Nam.

Năm 2022 bộ chỉ số đã được xây dựng thử nghiệm với 20 địa phương. Sau khi có kết quả, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ “triển khai xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023” (Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023). Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) là đơn vị xây dựng bộ chỉ số.

PII (với 52 chỉ số) được xây dựng bám sát cấu trúc của bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index với 80 chỉ số) do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hàng năm và được Chính phủ sử dụng trong quản lý, điều hành từ năm 2017. Những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Việt Nam liên tục được tổ chức WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Các số liệu được thu thập từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác (Cải cách hành chính; Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chuyển đổi số; Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh).

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, với phạm vi rộng, toàn diện, bộ chỉ số PII sẽ là công cụ để mỗi tỉnh/thành phố soi chiếu được chi tiết góc độ ở các khía cạnh đầu ra, đầu vào, xác định rõ điểm mạnh, yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

PII_2023_Report

Nguồn vnexpress.net

Tập huấn xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị

Ngày 14/12/2023, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định tổ chức lớp “Tập huấn cán bộ hợp tác xã về chuyển đổi số; xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị” với Chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc các hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Nam Định. Thời gian tập huấn từ ngày 14-16/12/2023. Đến dự và khai mạc lớp tập huấn có đồng chí Dương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định và đại diện các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Nam Định. 

báo cáo kết quả mức độ chuyển đổi số

Tại lớp Tập huấn, các đại biểu được nghe Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường báo cáo kết quả mức độ chuyển đổi số và giải pháp xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến cho các hợp tác xã (HTX).

Khai mạc lớp tập huấn xây dựng

Khai mạc lớp tập huấn, đồng chí Dương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định chia sẻ thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thương mại điện tử trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, thuận lợi khó khăn khi triển khai các chương trình hỗ trợ và một số giải pháp nâng cao năng lực chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể… Đồng chí Dương Anh Tuấn cũng đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, mở rộng nội dung hỗ trợ để việc triển khai chương trình chuyển đổi số cho HTX được thuận lợi và đáp ứng thời đại số như hiện nay.

Theo Bùi Mạnh – vca.org.vn 

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số nhằm hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Chiều ngày 13/12/2023, tại TP. Đà Nẵng, Liên minh HTX TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức hội nghị “Giải pháp hỗ trợ hợp tác xã và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá mức độ chuyển đổi số của các hợp tác xã (HTX) và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giải pháp xây dựng “Chợ sản phẩm trực tuyến”. Đồng thời, đánh giá thực trạng hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; những khó khăn, vướng mắc trong triển khai xây dựng Chợ sản phẩm trực tuyến. Từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ đồng bào DTTS&MN tiếp cận thông tin về thị trường và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng công nghệ số.

img-6758-1702457701.jpeg
Ông Phạm Công Chính, Chủ tịch Liên minh HTX TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc hội nghị

Tham dự Hội nghị có TS. Lê Tuấn An – UVBTV Liên minh HTX Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường; ông Phạm Công Chính – Chủ tịch Liên minh HTX TP. Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh miền Trung; lãnh đạo các Sở: Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Công thương; lãnh đạo Hội CCB; Hội Nông dân; Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Đà Nẵng và các HTX tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được xem phóng sự về các hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trong giai đoạn vừa qua; báo cáo mức độ chuyển đổi số của các HTX và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải pháp xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến; thực trạng hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở một số địa phương.

Có thể thấy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách về phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào DTTS&MN và với sự nỗ lực cố gắng của các cấp chính quyền và đồng bào, một số vùng DTTS&MN đã đi vào sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất tinh thần cũng đã được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, các xã đều có trạm y tế, có điện, phổ cập giáo dục tiểu học, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp.

223b9dcf32b21d6640a625223e083875-1702457701.jpeg
Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, cuộc sống của đồng bào DTTS&MN nói chung còn rất nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát, theo phương thức truyền thống cho hiệu quả thấp, điều kiện về khoảng cách địa lý, cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin kém, khả năng tiếp nhận, đổi mới công nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế. Việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển hiệu quả kinh tế hợp tác, HTX sẽ cơ bản giải quyết đươc các vấn đề tồn tại trong phát triển kinh tế hộ tại vùng đồng bào DTTS&MN, đây cũng là cơ sở tạo động lực, khuyến khích thành viên HTX, đồng bào DTTS&MN tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và điều kiện sống.

Trong xu thế hội nhập và cách mạng 4.0 hiện nay, chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, HTX phát triển. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và Ủy ban Dân tộc đã giao nhiệm vụ cho Liên minh HTX Việt Nam triển khai thực hiện việc “Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2023 – 2025 ” thuộc tiểu dự án 2, dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Phạm Công Chính – Chủ tịch Liên minh HTX TP. Đà Nẵng cho biết: “Tính đến cuối tháng 10/2023, miền Trung có tổng số 6.510 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động, trong đó, số thành lập mới là 349 hợp tác xã. Điều này cho thấy hợp tác xã vẫn là mô hình kinh tế được ưu tiên lựa chọn, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay ở nước ta. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ở khu vực miền Trung đã và đang đóng góp quan trọng vào việc sản xuất khối lượng sản phẩm hàng hóa rất là lớn, mang lại những giá trị tích cực cả về mặt kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài một số ít hợp tác xã có quy mô lớn, ổn định về hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, có thương hiệu, có vị thế trên thị trường, còn lại phần lớn các hợp tác xã vẫn hết sức lúng túng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khó khăn trong việc giải quyết đầu ra sản phẩm để tiêu thụ. Tồn tại, hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do chúng ta không theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội, chậm trong ứng dụng công nghệ thông tin, do vậy việc tổ chức hội nghị “Giải pháp hỗ trợ HTX và thành viên, đồng bào vùng DTTS&MN ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” là hết sức cần thiết”.

img-6756-1702457701.jpeg
Ông Lê Ngọc Trung, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam phát biểu tham luận tại Hội nghị

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu được nghe các báo cáo tham luận, chia sẻ của lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh khu vực miền Trung và các hợp tác xã tiêu biểu của TP. Đà Nẵng điển hình trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận những khó khăn vướng mắc và đưa những giải pháp thực hiện trong chuyển đổi số đối với khu vực Kinh tế tập thể, Hợp tác xã nói chung và các hợp tác xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

Theo Vũ Hà – nguonluc.com.vn

Ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Sáng ngày 11/12 , đoàn công tác Liên minh Hợp tác xã Việt Nam do đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu. Tiếp đoàn có đồng chí Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành trong tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng biểu trưng cây đờn kìm cách điệu

và chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Đồng chí Phạm Văn Thiều đã thông tin sơ lược về tình hình phát triển kinh tế xã hội nói chung và tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) nói riêng; đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc trong phát triển kinh tế tập thể, HTX thời gian qua tại tỉnh Bạc Liêu. Đồng chí Phạm Văn Thiều cũng nhấn mạnh, tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm đến sự phát triển của các HTX và hoạt động của Liên minh hợp tác xã tỉnh, tuy nhiên, để có giải pháp, hướng đi bền vững và phù hợp với thực tiễn, yêu cầu Liên minh hợp tác xã tỉnh cần chủ động phối hợp với hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng đề án chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện được tốt hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm cũng như chủ trương, chính sách của tỉnh Bạc Liêu trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Đối Liên minh hợp tác xã tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều tích cực trong việc phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, qua đó giúp cho các HTX phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Quỹ hỗ trợ HTX vận hành tương đối hiệu quả, tỷ lệ cho vay, giải ngân đạt khá đã giúp cho nhiều HTX trên địa bàn tỉnh tháo gỡ một số khó khăn.

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân cũng bày tỏ mong muốn tỉnh Bạc Liêu tiếp tục quan tâm đến loại hình kinh tế tập thể, HTX và có những sự kiện vinh danh thu hút mời gọi đầu tư, phát triển, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, tiếp tục hỗ trợ loại hình kinh tế này phát triển mạnh mẽ…

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

trao tặng máy tính cho 03 hợp tác xã tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu 

Chiều cùng ngày, đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và đồng chí Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tham dự và đồng chủ trì Hội nghị “Giải pháp hỗ trợ hợp tác xã và thành viên vùng đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” do Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bạc Liêu tổ chức.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Huỳnh Lam Phương, UV Ban Thường vụ, Trưởng cơ quan thường trực miền Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đồng chí Trần Văn Cứng, UV Ban Thường vụ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang; đồng chí Lê Tuấn An, UV Ban Thường vụ, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường và Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã các tỉnh miền Nam, các HTX tỉnh Bạc Liêu; các ban, ngành tỉnh Bạc Liêu.

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Mục tiêu của Hội nghị nhằm đánh giá về thực trạng mức độ chuyển đổi số của các hợp tác viên và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), để xác định nhu cầu và đề ra giải pháp cụ thể cho giai đoạn 2020-2025 nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021- 2025. Bên cạnh đó, đánh giá việc triển khai thực hiện Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến cho vùng đồng bào DTTS&MN đến năm 2023, phương hướng cho giai đoạn tiếp theo; Vai trò HTX trong phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trao đổi kinh nghiệm, khảo sát để nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả.

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

tham quan gian trưng bày của các hợp tác xã tại Hội nghị

Tại Hội nghị các đại biểu đã có các tham luận về kết quả triển khai nhiệm vụ, bên canh đó cũng nêu những khó khăn, vướng mắc của HTX, thành viên, đồng bào DTTS&MN và trong tiếp cận chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, kinh tể tập thể với nòng cốt là HTX luôn có vai trò và vị trí quan trọng đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Tuy nhiên, còn nhiều HTX chưa ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử để hợp tác liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác, dân cư vùng đồng bào DTTS&MN đối với thị trường trong nước và thế giới.

Kết luận Hội nghị đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng chỉ rõ, Bạc Liêu là một trong những địa phương có nhiều mô hình HTX kiểu mới đã và đang phát huy hiệu quả. Hoạt động của các HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh không chỉ mở rộng về quy mô, mà còn ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại địa phương, vùng đồng bào DTTS&MN…

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

thăm quan gian hàng của hợp tác xã bên lề Hội nghị

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân chia sẻ, để có thể giảm nghèo bền vững, một trong các hoạt động cần được quan tâm triển khai đó là ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các HTX và thành viên vùng đồng bào DTTS&MN. Đây là một trong những giải pháp căn cơ, hiệu quả để có thể thay đổi và phát triển một cách thực chất kinh tế – xã hội khu vực này. Đồng chí Cao Xuân Thu Vân cũng yêu cầu hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức chuỗi các sự kiện Kỷ niệm ngày Hợp tác xã hằng năm để biểu dương vai trò, khuyến khích, động viên các HTX và thành viên tham gia vào phát triển kinh tế – xã hội.

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân cũng định hướng các hoạt động của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường nói riêng và các đơn vị trực thuộc nói chung cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ chuẩn bị kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số, thương mại điện tử cho HTX, thành viên, đồng bào DTTS & MN. Đồng thời chỉ đạo Viện tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các HTX về thiết kế bao bì mẫu mã sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm mang đặc trưng của HTX để đẩy mạnh tiêu thụ, tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong chuỗi làm việc tại khu vực phía Nam, sáng ngày 12/12, đoàn công tác Liên minh Hợp tác xã Việt Nam do đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam dẫn đầu đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang. Tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Hữu Phú, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang báo cáo tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh, những cơ chế chính sách đến phát triển kinh tế tập thể, HTX đến thành viên. Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Cao Xuân Thu Vân trao tặng tặng 10 bộ máy tính cho 10 hợp tác xã tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang.

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trao tặng 10

máy tính cho các hợp tác xã tiêu biểu tại tỉnh Hậu Giang

 Theo vca.org.vn

Xây dựng, vận hành chợ sản phẩm hợp tác xã trực tuyến

ĐNO – Chiều 13-12, Viện Khoa học công nghệ và môi trường thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp Liên minh Hợp tác xã thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị triển khai giải pháp hỗ trợ hợp tác xã và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại miền Trung, trong đó có xây dựng và vận hành các chợ sản phẩm hợp tác xã trực tuyến.

Đại diện Liên minh Hợp tác xã (HTX) các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và lãnh đạo các HTX trên địa bàn thành phố dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị triển khai giải pháp hỗ trợ hợp tác xã và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Quang cảnh hội nghị triển khai giải pháp hỗ trợ hợp tác xã và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng Phạm Công Chính cho biết, hiện khu vực miền Trung có 6.510 HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động, trong đó, số thành lập mới là 349 HTX. Điều này cho thấy, kinh tế tập thể, HTX vẫn được là mô hình kinh tế được ưu tiên lựa chọn, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay ở nước ta.

Các HTX, liên hiệp HTX đã đóng góp quan trọng vào việc sản xuất khối lượng sản phẩm hàng hóa rất lớn, mang lại những giá trị tích cực cả về mặt kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, ngoài một số ít HTX có quy mô lớn, ổn định về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, có thương hiệu, có vị thế trên thị trường, còn lại phần lớn HTX vẫn rất lúng túng trong hoạt động xuất, kinh doanh và khó khăn trong việc giải quyết đầu ra sản phẩm, tiêu thụ.

Tồn tại, hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là các HTX chưa theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội, chậm trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Việc này đối với các HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Do đó, cần có các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hữu hiệu, nhất là xây dựng, vận hành chợ sản phẩm HTX trực tuyến, đây là giải pháp thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX nói chung và công tác hỗ trợ cho các thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng, nhằm thực hiện thành công chiến lược xây dựng nền kinh tế số và xã hội thông minh…

Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) Lê Tuấn An nhìn nhận, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển hiệu quả kinh tế tập thể, HTX sẽ cơ bản giải quyết được các vấn đề tồn tại trong phát triển kinh tế hộ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây cũng là cơ sở tạo động lực, khuyến khích thành viên HTX, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và điều kiện sống.

Liên minh HTX Việt Nam đang được giao thực hiện nội dung về hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2023-2025 gồm 2 phần chính là xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến.

Trên cơ sở chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ và môi trường đang khảo sát mức độ chuyển đổi số và đề xuất giải pháp xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến; xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số, nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho thành viên HTX và đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi;

Bên cạnh đó xây dựng trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thành viên HTX và đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; xây dựng một số ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn các nội dung dự án; thông tin, truyền thông về chương trình và chợ sản phẩm trực tuyến; tổ chức vận hành, hỗ trợ duy trì chợ sản phẩm trực tuyến…

Theo HOÀNG HIỆP – baodangnang.vn

Người Dao đưa chè Shan tuyết ra nước ngoài

HÀ GIANG: Hơn 50 hộ dân trong thôn Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) góp vốn thành lập hợp tác xã và từng bước đưa thương hiệu Fìn Hò trà đến nhiều thị trường quốc tế.

Gây dựng thương hiệu

Phìn Hồ có độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ với khí hậu trong lành, mát mẻ. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng một sản vật là cây chè Shan tuyết. Nhiều thế hệ người Dao đỏ ở bản Phìn Hồ đều gắn bó với những cây chè cổ thụ. Họ cũng cất giữ một bí quyết riêng để làm ra sản phẩm chè Shan tuyết với màu nước xanh, vàng sánh, cùng vị nồng, chát xen lẫn ngọt hậu và hương thơm đậm đà.

Sơ chế chè búp tươi, công đoạn đầu tiên để chế biến các sản phẩm chè.

Sơ chế chè búp tươi, công đoạn đầu tiên để chế biến các sản phẩm chè. Ảnh: Nguyễn Phương.

Ngày trước, chè chỉ là thức uống để bà con tiếp đón khách, cũng có khi đem ra chợ bán, nhưng giá không cao. Từ năm 2008, các hộ dân thôn Phìn Hồ đã liên kết thành lập hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, từng bước đưa chè Phìn Hồ đến với nhiều khách hàng cả nước.

Thời gian đầu, hợp tác xã chủ yếu thu mua chè búp tươi của các hộ thành viên, chế biến thành chè xanh theo phương pháp truyền thống để bán. Nguồn nguyên liệu đầu vào gói gọn trong khoảng 30 ha chè của các gia đình nên sản lượng ít, bao bì, nhãn mác thô sơ, bộ máy quản lý còn thiếu kinh nghiệm. Giai đoạn 2008-2010, doanh thu của hợp tác xã đạt khoảng 500 triệu đồng một năm.

Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè cổ thụ, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu. Hiện nay, hơn 500 hộ trồng chè ở các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán cung cấp nguyên liệu cho hợp tác xa. Đây là những vùng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu. Năm 2017, nhờ sự hỗ trợ kinh phí từ chương tình xóa đói giảm nghèo, hợp tác xã đầu tư văn phòng, phòng trưng bày sản phẩm, nhà xưởng sản xuất… với diện tích trên 3.000m2. Bên cạnh đó, đơn vị đổi mới toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất, nâng công suất từ 4 tấn chè tươi lên 15 tấn một ngày.

Cây chè shan tuyết gần 500 tuổi ở Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh cắt từ video.

Cây chè shan tuyết gần 500 tuổi ở Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh cắt từ video.

Năm 2018, lần đầu hợp tác xã xuất khẩu trên 20 tấn chè khô sang thị trường Đài Loan, đánh dấu sự vươn tầm của thương hiệu Fìn Hò trà. Hợp tác xã cũng thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hồi tháng 7 năm nay, Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ là một trong 12 doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ Biofach/Vivaness diễn ra tại Đức. Đây là hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ. Ngoài ra, hợp tác xã đã triển khai trên 200 hệ thống mạng lưới đại lý, điểm bán hàng ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Gây dựng thành công thương hiệu Fìn Hò trà, hợp tác xã cũng đa dạng hóa các sản phẩm sản xuất với 5 dòng chè khác nhau đó là: trà xanh, hồng trà, trà đen, bạch trà, trà tiên. Mỗi loại sản phẩm đều có hương và vị khác nhau, với giá bán từ 300 nghìn đồng đến 12 triệu đồng một cân. Năm 2015, Fìn Hò trà đã được tổ chức liên minh Châu Âu chứng nhận sản phẩm Organic EU.

Dấu ấn OCOP

Với việc luôn tuân thủ những quy định về sản xuất, chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, không ngừng đầu tư, nâng cấp công nghệ sản xuất và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2021, hai sản phẩm của hợp tác xã là trà xanh hộp 100gr và hồng trà hộp 100gr đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Đây cũng là hai sản phẩm đầu tiên của tỉnh Hà Giang đạt danh hiệu này.

Những búp chè shan tuyết tươi non trong nắng sớm. Ảnh cắt từ video.

Những búp chè shan tuyết tươi non trong nắng sớm. Ảnh cắt từ video.

Giám đốc hợp tác xã Lý Mùi Mương cho biết, từ khi triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, đơn vị đã tích cực tham gia, lựa chọn sản phẩm tốt nhất và có tiềm năng lớn nhất để xây dựng hồ sơ sản phẩm. Với vùng nguyên liệu sạch, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hình ảnh bao bì và tên thương hiệu sản phẩm xuất phát từ thực tế đời sống của các xã viên ở bản Phìn Hồ cùng quy trình sản xuất, chế biến đảm bảo tiêu chuẩn nên hiện nay, hợp tác xã đã có hai sản phẩm đạt OCOP 4 sao và hai sản phẩm đạt OCOP 5 sao quốc gia. Sau khi được công nhận, đơn vị tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phát triển bền vững thương hiệu Fìn Hò trà.

Tham gia chương trình OCOP đã giúp các sản phẩm của hợp tác xã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến hơn, góp phần tăng giá trị sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã nhận được tín hiệu thị trường khá tốt khi có nhiều đơn vị ký kết đơn hàng về chè hữu cơ cao cấp. Bên cạnh việc chú trọng đổi mới dây chuyền công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, hợp tác xã thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hái, sơ chế chè cho nông dân, đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ để giữ vững chất lượng sản phẩm.

Từ năm 2019, sản phẩm Fìn Hò trà đã xuất hiện tại hệ thống siêu thị Winmart và hệ thống cửa hàng Sài Gòn Co.opmart. Hợp tác xã hiện có 6 nhà phân phối với hàng trăm điểm bán hàng trong cả nước và 2 đơn vị xuất khẩu. Hiện nay, các sản phẩm này đã xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Đức… nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng.

Theo Nguyễn Phương – VnExpress.net

Hợp tác xã non trẻ khẳng định tên tuổi nhờ kiên định với rau hữu cơ

Chế phẩm sinh học, chất dinh dưỡng để trồng rau thủy canh được Duy Tân Farm nhập từ các nước có nền nông nghiệp phát triển, với 16 khoáng chất cần thiết…

Xác định tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đô Lương (Nghệ An) đã chủ động nhân rộng nhiều mô liên kết sản xuất cho giá trị cao. Tiêu biểu như Hợp tác xã (HTX) Rau củ quả sạch Duy Tân, được biết đến với thương hiệu Duy Tân Farm.

Hợp tác xã Rau củ quả sạch Duy Tân (Duy Tân Farm) bước đầu thành công khi lựa chọn con đường nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Việt Khánh. 

Hợp tác xã Rau củ quả sạch Duy Tân (Duy Tân Farm) bước đầu thành công khi lựa chọn con đường nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Việt Khánh. 

Duy Tân Farm là điển hình của phong trào làm nông nghiệp theo tư duy mới. Ở đây hội tụ những con người cùng chí hướng, chung hoài bão, họ chấp nhận đương đầu với thử thách dù mới “chân ướt chân ráo” nhập cuộc với lĩnh vực sản xuất mới.

Chưa đầy 2 năm, Duy Tân Farm đã khẳng định được “tên tuổi” trong lĩnh vực nông nghiệp ở Nghệ An. Sự thành công đó bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn dài hơi, nhất là chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, lấy nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi.

Nhận thấy sản phẩm nông sản sản xuất theo hướng hữu cơ là xu thế tất yếu, Duy Tân Farm đã chủ động phát triển mô hình trồng rau thủy canh và tưới nhỏ giọt công nghệ cao để làm ra những sản phẩm hữu cơ vì mục tiêu và phương châm “Gìn giữ sức khỏe của người Việt”.

Trên tổng quỹ đất khá khiêm tốn 6,5ha, HTX Rau củ quả sạch Duy Tân mới đưa vào sử dụng chừng 3,5ha, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động cùng 5 lao động thời vụ.

Các sản phẩm rau quả của Duy Tân Farm được sản xuất nghiêm ngặt theo quy tiêu chuẩn hữu cơ, được khách hàng đánh giá cao. Ảnh: Việt Khánh.

Các sản phẩm rau quả của Duy Tân Farm được sản xuất nghiêm ngặt theo quy tiêu chuẩn hữu cơ, được khách hàng đánh giá cao. Ảnh: Việt Khánh.

Chị Dương Thị Liên, Giám đốc HTX Rau củ quả sạch Duy Tân thông tin: Đến thời điểm này, Duy Tân Farm đã đầu tư 3,6 tỷ đồng cho mô hình trồng rau thủy canh, dù tốn kém nhưng hiệu quả thu về rất khả quan. Rau được trồng chủ yếu trong hệ thống nhà màng nên hạn chế các yếu tố bất lợi của khí hậu, thời tiết bên ngoài, hạn chế được côn trùng và nhiều sinh vật gây hại. Theo chị Liên, ứng dụng phương pháp thủy canh phải đặc biệt chú tâm đến quá trình sinh trưởng của cây, từ đó kịp thời có phương án điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thực tế.

Với phương pháp trồng rau thủy canh trong hệ thống nhà màng, mỗi năm HTX Rau củ quả sạch Duy Tân thu hoạch hàng trăm tấn sản phẩm, từ rau ăn lá (cải, xà lách, cúc, cần, rau muống, rau dền, mùng tơi…) đến các loại củ quả (cà chua, dưa chuột…). Mùa nào thức nấy, sản phẩm làm ra đều đa dạng, bắt mắt, đảm bảo chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ chỗ là “tay mơ” lấn sân vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, sản phẩm của Duy Tân Farm không ngừng được mở rộng, thương hiệu ngày một vang xa và “phủ sóng” khắp địa bàn huyện Đô Lương và các vùng lân cận, được các thương lái, nhà hàng, trường học… ưu tiên lựa chọn. Từ “bệ phóng” này, Duy Tân Farm tự tin sẽ sớm chinh phục các chuỗi cửa hàng thực phẩm, các siêu thị với giá bán cao, yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh.

Chị Dương Thị Liên (trong ảnh), Giám đốc HTX Rau củ quả sạch Duy Tân kiên định với con đường sản xuất hữu cơ, lấy sự hài lòng của khách hàng là điều quan trọng nhất. Ảnh: Việt Khánh.

Chị Dương Thị Liên (trong ảnh), Giám đốc HTX Rau củ quả sạch Duy Tân kiên định với con đường sản xuất hữu cơ, lấy sự hài lòng của khách hàng là điều quan trọng nhất. Ảnh: Việt Khánh.

Xác định lấy nông nghiệp hữu cơ làm “kim chỉ nam”, Duy Tân Farm đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ khâu kiểm soát vật tư đầu vào, điều kiện và quy trình sản xuất, kiên quyết “nói không” với thuốc BVTV, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học tuyệt đối an toàn, sử dụng bộ giống chất lượng cao, có xuất xứ rõ ràng, không nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, sơ chế đóng gói… Từ đó cam kết cung cấp ra thị trường những mặt hàng đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, lấy sức khỏe và sự hài lòng của khách hàng làm thước đo.

Quá trình canh tác rau thủy canh của Duy Tân Farm đạt chuẩn khi hạt giống còn nằm trên giá thể cho đến lúc thu hoạch. Riêng bầu ươm cây mỗi lần sử dụng đều phải sát khuẩn, vệ sinh sạch sẽ.

Đặc biệt, chế phẩm sinh học, hữu cơ, chất dinh dưỡng nuôi cây được nhập từ các nước có nền nông nghiệp phát triển (Bỉ, Israel, Ấn Độ…), phải hội đủ yếu tố đa, vi, trung lượng với 16 khoáng chất cần thiết, kết hợp nguồn nước sạch 100% để rau thủy canh phát triển ổn định, lại giữ được hương vị tự nhiên vốn có.

Việt Khánh
Theo nongnghiep.vn

Trà hoa hồi sẽ thành sản phẩm OCOP của Lạng Sơn

Đằng sau ‘trend’ mì tôm thanh long

Cơn sốt mì tôm thanh long nhìn rộng ra cho thấy đối với người nông dân, HTX muốn hóa giải khó khăn trong tìm đầu ra cho nông sản thì cần chú trọng đến nghiên cứu để đa dạng các sản phẩm cũng như xây dựng quy trình trong quảng bá, tiếp thị sản phẩm một cách phù hợp.

Theo số liệu của YouNet Media, trong vòng chưa đầy 72 giờ đã có gần 1 triệu tương tác và 81,93 nghìn thảo luận về đề tài mì tôm thanh long trên mạng xã hội. Còn theo Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Caty Food, doanh nghiệp này cũng đang chạy hết công suất mà chưa đáp ứng hết các đơn hàng.

Sáng tạo mở cơ hội

Có thể thấy từ đầu năm đến nay, ngành F&B đã tạo ra rất nhiều trend độc đáo như trà mãng cầu, cà phê muối, bánh đồng xu, bánh canh phồng tôm, trà chanh giã tay và hiện nay là mì tôm thanh long… Và những món ăn này khi ra thị trường đều có sự đón nhận của một lượng lớn người tiêu dùng, người sử dụng mạng xã hội, từ đó tạo nền tảng cho những nông sản làm nguyên liệu chế biến ra những món ăn này rộng đầu ra hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch HĐQT HTX Cái Bát (Cà Mau), cho biết phồng tôm trước đây thường được tiêu thụ nhiều ở khu vực miền Nam. Nhưng sau khi món bánh canh phồng tôm gây sốt thì đầu ra cho sản phẩm được mở rộng hơn ở các tỉnh miền Bắc. Trước, HTX chủ yếu bán cho các mối hàng quen với số lượng khoảng 500kg/tháng thì thời gian gần đây đã tăng lên gần một tấn/tháng và dự báo vào vụ Tết còn tăng nhiều hơn.

Có thể thấy, sự sáng tạo khi tạo ra những món ăn mới trên nền nguyên liệu, nông sản quen thuộc đã mang lại cơ hội cho nhiều đơn vị sản xuất. Theo bà Nguyễn Thu Liên (Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch-AFT), đúng là luôn có cơ hội cho những người dám đi đầu và luôn sáng tạo. Và trong kinh doanh sáng tạo, chịu khó đổi mới là điều hết sức cần thiết.

Nhìn từ thực tế cho thấy, đã có những đơn vị trong ngành kinh doanh thực phẩm chỉ xuất hiện ở thị trường nhỏ hẹp như cửa hàng bình dân, các quán lẩu và rất khó lôi kéo khách do không chịu đổi mới.

Chẳng hạn như thương hiệu mì Miliket từng thống trị thị trường vào những năm 70-80 nhưng sau đó một thời gian dài, thương hiệu này vẫn chưa tìm được ánh hào quang dù thời gian gần đây đã có những thay đổi nhất định về bao bì sản phẩm. Trong khi các đối thủ của Miliket lại tỏ ra rất nhanh nhạy trong việc đổi mới bao bì, hương vị, nâng cấp sản phẩm và cả truyền thông.

-4861-1701770251.jpg

Phồng tôm giã tay là món ăn thuần Việt nhưng được nhiều người tiêu dùng đón nhận nhờ cách chế biến mới.

Sự đổi mới, nhanh nhạy của các đối thủ của thương hiệu Miliket là hoàn toàn có cơ sở bởi đối với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ hiện rất ưa thích những điều mới lạ. Họ cũng thường không quan tâm nhiều đến những đánh giá, dù cho đó là những đánh giá trái chiều mà thay vào đó họ thích được trải nghiệm theo kiểu thử cho biết.

Khảo sát của Kearney, doanh nghiệp tư vấn và quản lý đa quốc gia hàng đầu của Mỹ, cho thấy 88% người tiêu dùng luôn có hứng thú và sẵn sàng trải nghiệm những sản phẩm mới. Chính vì vậy những đơn vị kinh doanh mảng nông sản, ẩm thực và đồ uống có thể bám vào điều này để nâng cấp, đổi mới sản phẩm của mình nhằm thu hút người tiêu dùng, mở rộng đầu ra. Nhất là hiện nay, nhu cầu sử dụng mạng xã hội trong giới trẻ rất rộng lớn, khi tạo được cơn sốt sẽ là cơ hội hiếm có cho HTX, doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận.

Thuận nước thì đẩy thuyền

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm mì tôm thanh long dù có nổi tiếng và tạo cơn sốt rồi cũng đến đoạn thoái trào và nối tiếp bước đi “sớm nở tối tàn” của trà mãng cầu, bánh đồng xu,…

Chia sẻ về vấn đề này, Ts Hồ Đắc Nguyên Ngã, chuyên gia Marketing, cho biết marketing là phạm trù rất rộng, bao gồm cả tìm hiểu nhu cầu khách hàng, thiết kế, đóng gói, làm sản phẩm và quảng bá sản phẩm chứ không đơn thuần ở việc quảng bá sản phẩm.

Có thể trend mì tôm thanh long nổi lên được nhiều người cho rằng chính là do chiến lược marketing của nhà sản xuất từ trước đó. Nhưng để hút được khách lâu dài thay vì chỉ ‘hot’ trong một thời gian ngắn thì ngoài quảng bá, nhà sản xuất cần cân nhắc đến giá tiền, bao bì, sự thay đổi nhu cầu-khẩu vị của khách hàng trong từng giai đoạn… Bởi nếu giá cao, bao bì không đổi mới, sản phẩm không theo nhu cầu thị trường thì cũng rất khó cạnh tranh với sản phẩm khác cùng loại về lâu dài.

Còn theo bà Nguyễn Thu Liên, tạo thành trend sau đó hết trend là hết sức bình thường nhưng việc cần nhìn nhận ở đây là sáng tạo, đổi mới sản phẩm, bao bì, nâng chất lượng cũng cần đi theo dòng chảy của HTX, doanh nghiệp thay vì chỉ dừng lại ở việc tạo trend một thời gian. Và HTX, doanh nghiệp nên biết nắm bắt thời cơ, vừa bán sản phẩm đang có nhưng cũng song song đó có thể nghiên cứu thêm sản phẩm mới để tận dụng một lượng khách hàng đang có thay vì đứng yên một chỗ.

Điều quan trọng là HTX cần có câu chuyện sản phẩm hay, chất lượng sản phẩm tốt. Bởi việc mì tôm thanh long đánh bại trend nước chanh giã tay du nhập từ Trung Quốc một phần cũng nằm từ ý nghĩa của câu chuyện liên kết hỗ trợ nông dân trong nước tiêu thụ thanh long trong lúc đầu ra của loại nông sản này gặp khó khăn.

Đi liền với đó là ý tưởng kết hợp thanh long với mì để hạn chế tính nóng của mì tôm đã thể hiện việc quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng, từ đó thu hút người tiêu dùng quan tâm, dùng thử chứ không hoàn toàn từ những bài quảng cáo với câu từ mỹ miều.

Vậy nhưng, để có những sản phẩm mới để thu hút người tiêu dùng là điều không hề dễ, nhất là đối các mô hình kinh doanh còn nhỏ bé như các HTX. Bởi để cho ra mắt những sản phẩm, món ăn mới đáp ứng nhu cầu ưa trải nghiệm của giới trẻ, HTX cần có đội ngũ R&D.

Nhưng theo các chuyên gia, thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là trở ngại đối với không ít HTX. Ngay các HTX do các bạn trẻ dẫn dắt hiện nay cũng phải làm việc kiêm nhiệm. Có giám đốc HTX vừa chăm vườn, vừa ở xưởng sản xuất, vừa bán hàng… nên không có thời gian nghiên cứu sản phẩm, thị trường. Chính vì vậy, lấp đầy khoảng trống về nhân lực là điều cần được tính toán để giải quyết bài toán đổi mới sản phẩm về lâu dài cho các HTX.

 

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn