Xây dựng, vận hành chợ sản phẩm hợp tác xã trực tuyến

ĐNO – Chiều 13-12, Viện Khoa học công nghệ và môi trường thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp Liên minh Hợp tác xã thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị triển khai giải pháp hỗ trợ hợp tác xã và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại miền Trung, trong đó có xây dựng và vận hành các chợ sản phẩm hợp tác xã trực tuyến.

Đại diện Liên minh Hợp tác xã (HTX) các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và lãnh đạo các HTX trên địa bàn thành phố dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị triển khai giải pháp hỗ trợ hợp tác xã và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Quang cảnh hội nghị triển khai giải pháp hỗ trợ hợp tác xã và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng Phạm Công Chính cho biết, hiện khu vực miền Trung có 6.510 HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động, trong đó, số thành lập mới là 349 HTX. Điều này cho thấy, kinh tế tập thể, HTX vẫn được là mô hình kinh tế được ưu tiên lựa chọn, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay ở nước ta.

Các HTX, liên hiệp HTX đã đóng góp quan trọng vào việc sản xuất khối lượng sản phẩm hàng hóa rất lớn, mang lại những giá trị tích cực cả về mặt kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, ngoài một số ít HTX có quy mô lớn, ổn định về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, có thương hiệu, có vị thế trên thị trường, còn lại phần lớn HTX vẫn rất lúng túng trong hoạt động xuất, kinh doanh và khó khăn trong việc giải quyết đầu ra sản phẩm, tiêu thụ.

Tồn tại, hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là các HTX chưa theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội, chậm trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Việc này đối với các HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Do đó, cần có các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hữu hiệu, nhất là xây dựng, vận hành chợ sản phẩm HTX trực tuyến, đây là giải pháp thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX nói chung và công tác hỗ trợ cho các thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng, nhằm thực hiện thành công chiến lược xây dựng nền kinh tế số và xã hội thông minh…

Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) Lê Tuấn An nhìn nhận, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển hiệu quả kinh tế tập thể, HTX sẽ cơ bản giải quyết được các vấn đề tồn tại trong phát triển kinh tế hộ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây cũng là cơ sở tạo động lực, khuyến khích thành viên HTX, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và điều kiện sống.

Liên minh HTX Việt Nam đang được giao thực hiện nội dung về hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2023-2025 gồm 2 phần chính là xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến.

Trên cơ sở chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ và môi trường đang khảo sát mức độ chuyển đổi số và đề xuất giải pháp xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến; xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số, nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho thành viên HTX và đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi;

Bên cạnh đó xây dựng trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thành viên HTX và đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; xây dựng một số ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn các nội dung dự án; thông tin, truyền thông về chương trình và chợ sản phẩm trực tuyến; tổ chức vận hành, hỗ trợ duy trì chợ sản phẩm trực tuyến…

Theo HOÀNG HIỆP – baodangnang.vn