Lợi thế Nông nghiệp phải trở thành động lực nền kinh tế, sức mạnh quốc gia

“Lợi thế nông nghiệp của đất nước đã đóng tốt vai trò trụ đỡ làm nền tảng nền kinh tế xã hội hiện nay nhưng trong tương lai có thể trở thành động lực cốt lõi, là sức mạnh quốc gia”, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn.

Phân tích vai trò, tầm nhìn chiến lược ngành nông nghiệp, TS Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN-PTNT rất tâm đắc với vấn đề thay đổi tư duy.

Nhìn lại 76 năm truyền thống ngành NN-PTNT Việt Nam (14/11/1945 – 14/11/2021), ông Sơn cho rằng, thay đổi tư duy chính là nhân tố quyết định để NN-PTNT trở thành một trong những lĩnh vực thành công nhất, thắng lợi nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Năm 1945, thời điểm đất nước mới giành được độc lập, hàng triệu người chết vì nạn đói, phần lớn dân cư mù chữ, thế mà chỉ trong một thời gian rất ngắn sản xuất nông nghiệp phát triển đã chống được giặc đói, nông dân hăng hái xóa được giặc dốt và góp phần quyết định dựng nên và bảo vệ chính quyền non trẻ trên toàn quốc. Có thể nói nông nghiệp, nông dân, nông thôn lúc đó là sức mạnh chính của Việt Nam.

Năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, nông nghiệp đóng góp, tài chính, nông dân xây dựng quân đội, nông thôn là căn cứ địa kháng chiến rộng khắp. Điều kỳ diệu là thời điểm đó chưa có kinh tế kế hoạch, chưa có hợp tác xã, hỗ trợ quốc tế chủ yếu là vũ khí nhưng suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã đảm bảo đủ “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, mỗi thôn làng là pháo đài chống giặc.

Khi chiến thắng quân Pháp, sản xuất nông nghiệp nhanh chóng phục hồi, năng suất lúa ở miền Bắc năm 1956 vào loại cao nhất Đông Nam Á. Năm 1954-1960, nông nghiệp, nông dân nông thôn là nền tảng của công nghiệp hóa, vừa chuyển tài nguyên ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp để giữ gìn sự ổn định, vừa vượt qua thiên tai, vượt qua bom đạn để sản xuất, tiếp tục đóng góp sức người sức của cho chiến trường.

Vượt qua những khó khăn, hạn chế của kinh tế hợp tác, của cơ chế quan liêu kế hoạch hóa, ngay từ thập kỷ 1960 đã nhen nhóm xuất hiện những tấm gương sáng tạo, dũng cảm xé rào thực hiện khóan để chuẩn bị giải pháp đổi mới kinh tế. Những bài học quí báu đó đã trở thành giải pháp kịp thời mở ra cánh cửa cứu đất nước khi bị dồn vào chân tường khủng hoảng đầu những năm 1980, cho phép Đảng đưa ra quyết sách về Chỉ thị 100 và Khoán 10.

Công cuộc Đổi mới kinh tế đã mở đường phát triển sản xuất nông nghiệp giúp Việt Nam từ quốc gia thiếu ăn, mỗi năm nhận hàng triệu tấn lương thực viện trợ trở thành nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản… có uy tín trên thế giới. Nông thôn Việt Nam tiếp tục là địa bàn quan trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ quốc phòng cung cấp tài nguyên cho nền kinh tế. Sức lao động của người nông dân bắt đầu chảy mạnh sang các lĩnh vực phi nông nghiệp trở thành động lực chiến lược cho quá trình công nghiệp hóa.

Cùng với sự phát triển trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tam nông trở thành nền tảng vững chắc để bảo vệ đất nước mỗi lúc gặp khó khăn. Từ khủng hoảng phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên Xô, khủng hoảng kinh tế Đông Nam Á, khủng hoảng tài chính thế giới hay đại dịch Covid-19 hiện nay, an ninh lương thực luôn được đảm bảo, cán cân thương mại xuất nhập khẩu được cân bằng, không bị lạm phát, lao động thất nghiệp quay về nông thôn vẫn có việc làm…

Năm 2008, Đảng đã ra Nghị quyết 26-NQ/TW đem lại một sự thay đổi quan trọng trong nhận thức và tư duy của toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân về tầm quan trọng, vai trò chiến lược của nông nghiệp nông dân nông thôn. Tiếp theo đó là Chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp, Xây dựng nông thôn mới, cùng các trương trình Xóa đói, giảm nghèo, phát triển miền núi và vùng đồng bào dân tộc đưa công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam lên một bước phát triển mới.

Đổi mới tư duy về vai trò quan trọng, về giải pháp phát triển tam nông là cả một quá trình sáng tạo không ngừng. Từ phát huy quyền làm chủ chính quyền cho người dân thoát khỏi chế độ cũ, khoan sức cho dân trong chế độ mới, đến tổ chức chiến tranh nhân dân, xây dựng mặt trận đoàn kết trong kháng chiến. Cách thức tập thể hóa sản xuất nông nghiệp, rồi trao quyền làm chủ sản xuất, kinh doanh cho dân trong đổi mới, tổ chức sản xuất lớn, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn công nghiệp hóa, …

Câu chuyện nông nghiệp còn đi rất xa khi đã phát huy sức mạnh mềm như góp phần bảo vệ an ninh lương thực cho thế giới. Sản xuất lúa gạo lúc đó đã không còn đơn thuần là hiệu quả kinh tế bởi mỗi khi tình hình thế giới căng thẳng các nước vẫn nhìn về lúa gạo Việt Nam. Thủ tướng nhiều nước vẫn viết thư gửi Thủ tướng chúng ta đề nghị tiếp tục duy trì xuất khẩu lúa gạo là một minh chứng sức mạnh mềm trong nông nghiệp.

Và cho đến bây giờ là nền nông nghiệp, là lĩnh vực nông thôn, là giai cấp nông dân  khi đi vào cơ chế thị trường không chỉ có lo toan đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, cung cấp tài nguyên cho nên kinh tế mà còn ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc… Không những thế, với vai trò lợi thế nổi bật của đất nước trong thế giới toàn cầu hóa, lĩnh vực tam nông còn phải đạt vị thế cạnh tranh mạnh và tạo ra giá trị gia tăng cao, phát triển vững bền đưa đất nước vươn lên.

Chúng ta nói nhiều về vai trò trụ đỡ, nền tảng và sự thay đổi tư duy trong nông nghiệp, vậy theo ông, những điểm chính của tư duy mới trong nông nghiệp hiện nay là gì?

Chúng ta đang đứng trước những thay đổi rất lớn trong và ngoài nước nên cũng đang có nhiều tư duy rất mới trong nông nghiệp như nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, tuần hoàn,…; nông dân thông minh, chuyên nghiệp, khởi nghiệp…; nông thôn hiện đại, số hóa, xanh, truyền thống,… Cuộc sống thay đổi càng ngày càng nhanh, các vấn đề mới ngày càng xuất hiện nhiều và liên tục thay đổi. Theo tôi có thể nói về mấy điểm cốt lõi trong tư duy nông nghiệp là liên kết, bền vững và trách nhiệm.

Về tư duy liên kết, tổng hợp trong nông nghiệp. Trước đây, khi nói đến nông nghiệp là nghĩ về một ngành sản xuất kinh tế trong đó chia ra nhiều công đoạn, nhiều địa bàn… cùng lắm khi nói về liên kết cũng chỉ có liên kết các nhà. Còn bây giờ liên kết, tổng hợp trong nông nghiệp phải theo chuỗi cả đầu vào, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, logistics…, trong cả hệ sinh thái, gắn lĩnh vực nông nghiệp với các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến, cả trong và ngoài nước…

Cách đặt vấn đề như thế đã tạo ra những khái niệm liên ngành, liên vùng và liên kết trong khâu tổ chức. Hộ sản xuất kinh doanh nhỏ nếu có hợp tác xã có thể liên kết được với doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệp hội có thể gắn với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn nếu có liên kết với chuỗi toàn cầu có thể liên kết với các doanh nghiệp đa quốc gia… Toàn bộ hệ thống của các tác nhân khác nhau trong xã hội liên kết với nhau thành khái niệm kinh tế nông nghiệp.

Tư duy thứ hai là tính bền vững. Tôi từng nghe Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đại ý rằng điểm nghẽn trong nông nghiệp hiện nay là người nông dân còn tư duy “mùa vụ”, doanh nghiệp còn tư duy “thương vụ” còn các cấp chính quyền là tư duy “nhiệm kỳ”. Tức là mỗi người chỉ biết đến khoảng không gian, thời gian ngắn ngủi đó để đem lại lợi ích cho mình mà không tính đến tương lai, không tính đến gắn kết. Đó chắc chắn không thể là tư duy của chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

Vững bền là dài hạn, những gì chúng ta tiêu dùng cho ngày hôm nay thì cũng phải tính đến để dành cho con cháu trong tương lai. Năng lượng, tài nguyên khoáng sản, không gian, cảnh quan thiên nhiên môi trường… Chúng ta không thể phá hết núi đá vôi, đào hết cát sông, phá những cảnh quan thiên nhiên để lấy vật liệu xây dựng, không thể đánh bắt khai thác tận diệt từ rừng xuống biển, không thể vét hết than, nước ngầm, hút hết dầu… như đã từng làm. Phát triển ngày hôm nay không thể không tính đến tương lai. Tư duy của chúng ta phải thay đổi để tính đến yếu tố vững bền, cả về môi trường tự nhiên cả về xã hội.

Có thể chúng ta đang ở thời kỳ dồi dào về lao động và cạnh tranh bằng lao động giá rẻ để thu hút FDI. Vấn đề ở đây là FDI sử dụng nhiều lao động giá rẻ là FDI bẩn, tiêu tốn nhiều tài nguyên, hàm lượng công nghệ rất thấp… Chúng ta đổi lợi ích tăng trưởng trước mắt lấy tổn thất về môi trường, lấy năng suất lao động thấp. Một khi dân tộc già đi, khi cánh cửa vàng dân số đóng lại trong khoảng 20 tới thì hậu quả con cháu chúng ta phải chịu. Già đi khi chưa kịp giàu lên sẽ không có gì để dành và không có tương lai.

Bản thân nông nghiệp, nông thôn cũng rất mềm dẻo trong vấn đề chống cự dịch bệnh, thiên tai, địch họa, khủng hoảng kinh tế…Trong các đợt khủng hoảng như dịch bệnh Covid-19 nếu không có nông thôn để rút lao động về tá túc, không có nông nghiệp để sản xuất lương thực thực phẩm, giữ CPI ở mức thấp, chống lạm phát, duy trì cán cân xuất khẩu để đảm bảo giá trị của đồng tiền Việt Nam thì kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ không ổn chứ chưa nói đến vấn đề lòng dân. Nông nghiệp như tấm áo giáp, nông thôn như pháo đài đối với đất nước những lúc khó khăn.

Một vấn đề cũng gắn với vững bền là tư duy nông nghiệp trách nhiệm. Sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản phải xanh, nhân đạo và ổn định. Trên thế giới hôm nay, khi thu nhập tăng lên thì người tiêu dùng đã không còn bận tâm vấn đề ăn no, thậm chí không là ăn ngon nữa mà là ăn bổ, ăn có giá trị. Sản phẩm phải được tích hợp đa giá trị, không chỉ vấn đề dinh dưỡng mà còn văn hóa, môi trường… Thị trường mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng. Ngược lại, thị trường cũng đòi hỏi khách hàng có trách nhiệm với người sản xuất. Họ phải được đối xử tử tế trong an toàn lao động, trong môi trường sống, trong chính sách xã hội.

Thị trường như thế đòi hỏi chúng ta phải thay đổi, nhất là khi chúng ta đã ký các hiệp định thương mại, chấp nhận cuộc chơi ở những thị trường khó tính nhất. Tất cả đều phải thay đổi để chuyển thành tư duy mới thứ ba là nền nông nghiệp có trách nhiệm.

Trách nhiệm trước hết là với người tiêu dùng, thứ hai là với người sản xuất, thứ ba là trách nhiệm với môi trường với xã hội. Ở đây không phải ai bắt buộc ai mà cùng nhau vì những giá trị cao hơn. Sản xuất lúc này cũng không còn tập trung đơn thuần vào quy mô, sản lượng, năng suất mà là câu chuyện giá trị, thu nhập, phúc lợi cho tất cả các bên. Tôi cho rằng đây là điểm cực kỳ cao trong tư duy nông nghiệp mới.

Thưa ông, để có thể thay đổi tư duy, đáp ứng được những mục tiêu, định hướng thị trường như ông vừa phân tích, chắc chắn đòi hỏi quốc gia nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng có những chiến lược tầm cỡ và dài hạn. Theo ông, vai trò, tầm vóc của nông nghiệp trong tương lai sẽ thế nào?

Chắc chắn chúng ta cần chiến lược định hướng, trong đó phải làm rõ nông nghiệp đóng vai trò như thế nào trong phát triển quốc gia. Ví dụ, chúng ta lấy cột mốc năm 2030 sẽ trở thành nước có thu nhập khá và năm 2045 sẽ vươn lên nước giàu, vậy thì cần phải biết nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tương lai sẽ trông như thế nào? Đặt câu hỏi để quay trở lại vấn đề hôm nay chúng ta cần phải làm gì.

Có một cách suy nghĩ rất phổ biến của nhiều người trên thế giới hiện nay rằng, kinh tế trong tương lai thuộc về công nghiệp. Nông nghiệp trong tương lai nhỏ lắm, chỉ chiếm khoảng 5-7% GDP, dân số nông thôn chỉ chiếm khoảng 5% và chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực, cung cấp lương thực thực phẩm, duy trì văn hóa, môi trường…

Cách nghĩ của tôi thì khác. Chúng ta đã bước vào cuộc chơi của cơ chế thị trường thì bản chất phải xác định như Giáo sư Michael Eugene Porter ở Đại học Harvard đã nói, mấu chốt là lợi thế. Một cá nhân, một doanh nghiệp, một địa phương hay một quốc gia cũng vậy, phải biết được lợi thế của mình là gì. Đặc biệt ở tầm quốc gia, nếu nhìn nhận sai về lợi thế nghĩa là thất bại, phải biết lợi thế của mình để đứng trên lợi thế đó mà phát triển.

Cũng chính Michael Eugene Porter khi đến Việt Nam đã khẳng định lợi thế của chúng ta là nông nghiệp và lao động. Với tư duy này thì trước hết phải đặt vấn đề dựa trên lợi thế của quốc gia, lợi thế so sánh của từng vùng miền để có có cái nhìn tổng hợp. Nếu xác định lợi thế của Việt Nam là nông nghiệp thì phải xác định thật rõ để nông nghiệp Việt Nam không còn là nền nông nghiệp hi sinh, phục vụ công nghiệp, dịch vụ một cách thuần túy nữa. Ngược lại, trong một giai đoạn nhất định, ở những vùng nhất định mà nông nghiệp có lợi thế thì những ngành khác phải phục vụ nó, phát huy vai trò của nó và lấy nó để phát triển mình.

Ví dụ, Đồng bằng sông Cửu Long là bờ xôi ruộng mật, là vựa lúa của cả thế giới thì không thể như giai đoạn trước đây, không thể đổ đất cát xuống lấp phù sa màu mỡ, lấp hệ thống thủy lợi để rồi mọc lên những khu công nghiệp chưa bao giờ được lấp đầy. Đồng bằng sông Cửu Long phải phát triển mạnh lúa, thủy sản, trái cây và công nghiệp, dịch vụ ở đó phải phục vụ cho nông nghiệp. Công nghiệp phải là chế biến, công nghiệp sản xuất vật tư đầu vào, máy móc nông nghiệp, làm được thế thì cả nông nghiệp lẫn công nghiệp, du lịch đều có thể tăng giá trị.

Tây Nguyên phải phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi lớn, phát triển rừng và công nghiệp ở Tây Nguyên cũng phải là cung cấp đầu vào, đầu ra cho nông nghiệp, dịch vụ, logistics, phải phục vụ vận chuyển sản phẩm nông nghiệp.

Duyên hải miền Trung phải phát triển kinh tế biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản rồi năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp, dịch vụ cũng chung sức phục vụ những ngành hàng đó…

Chúng ta muốn chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì phải đa dạng sản phẩm, đa giá trị, đa chức năng để từ đó có thể liên kết, tổng hợp thành kinh tế nông nghiệp.

Thực tiễn cũng chứng minh, Đồng bằng sông Cửu Long có thể địch nổi lợi thế đồng bằng với mọi khu vực Đông Nam Á, Tây Nguyên đủ sức cạnh tranh cây công nghiệp với nhiều vùng ở Nam Mỹ và toàn bộ dải duyên hải miền Trung là vùng kinh tế biển mà nhiều nước thèm khát… Đó hoàn toàn là những cơ sở để nền nông nghiệp của chúng ta có thể trở nên hùng cường.

Vai trò của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai không chỉ là nền tảng, trụ đỡ như những năm qua mà phải là động lực, cốt lõi của nền kinh tế, đóng vai trò thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ để trở thành lợi thế và sức mạnh của đất nước.

Sức mạnh của chúng ta là thiên nhiên nhiệt đới tuyệt vời, sức mạnh của chúng ta là trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt vẫn có những vùng sản xuất ngon lành, vẫn có nguồn nước mà ít có quốc gia nào trên thế giới có được. Trên tất cả là sức mạnh của con người nông dân và doanh nhân Việt Nam.

Lợi thế đó chúng ta phải nắm lấy ngay bởi vì đất chúng ta còn rất ít, phải sản xuất nông nghiệp vào chiều sâu, nâng giá trị lên càng nhanh càng tốt. Phải nắm lấy ngay bởi lao động chúng ta rồi sẽ già đi, cần  phải phát huy sức mạnh càng nhanh càng tốt, chuyển sức lao động thành trí tuệ càng nhanh càng tốt.

Chúng ta phải biến 95% sản phẩm nông sản thô hiện nay thành chế biến sâu. Biến phế phụ phẩm trong nông nghiệp thành thuốc, thành thực phẩm chức năng, nguyên liệu may mặc, nguyên liệu thủ công mỹ nghệ… Chúng ta có thể  trở thành quốc gia bán máy móc nông nghiệp, máy chế biến nông sản, bán vật tư… Người Việt Nam đi xuất khẩu lao động phải là người làm vườn, người đánh cá, người chăm sóc vật nuôi cây cảnh, nhân giống ghép cành, người nấu bếp…

Trong tương lai xa hơn, Việt Nam phải là cường quốc về kinh tế sinh học. Hiện nay ở Châu Âu đang phát triển kinh tế sinh học. Họ sản xuất tất cả các sản phẩm từ nuôi trồng sau đó phân rã thành phân tử, nano, tế bào rồi mới tổ hợp lại thành những sản phẩm mới. Dựa trên xu thế đó, nền kinh tế chúng ta có thể không sản xuất đơn thuần nữa mà đi vào các dịch vụ chữa bệnh, nấu ăn, làm thuốc… Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đi con đường kinh tế như thế thì không phải cạnh tranh ngang với bất cứ quốc gia nào. Còn nếu chúng ta chỉ nhăm nhăm con đường công nghiệp thì khó khăn để thoát khỏi mô hình gia công giá trị thấp.

Trong 20 đến 30 năm tới, hàng chục triệu người sẽ dịch chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, chuyển dịch từ nông thôn về đô thị… Đó là sự thay đổi vĩ đại và bài toán là làm nào để làm chủ quá trình chuyển đổi đó?

Tôi nghĩ rằng không một ai, không một quốc gia nào, không một lực lượng doanh nghiệp nào đủ mạnh để đủ sức tạo dựng quá trình dịch chuyển đó. Vì vậy phải có chiến lược để trao quyền làm chủ quá trình đó cho chính người nông dân. Họ phải là chủ quá trình lột xác xã hội, thay đổi sinh kế, địa bàn sinh sống, thay đổi ngành nghề… Muốn như thế phải thay đổi cách quản lý, tổ chức, dịch vụ hỗ trợ đầu tư công để biến người dân thực sự trở thành chủ thể. Có như thế chúng ta mới có được nông thôn thực sự hiện đại hóa, nông dân thực sự khỏe mạnh, tài ba, có trí tuệ, năng lực và tố chất, tác phong công nghiệp.

Và phải có chính sách thưa ông? Trong lịch sử chúng ta đã có, với bối cảnh hiện nay nên chăng cũng cần những chính sách như thế để tạo sự đột phá?

Chắc chắn phải có chiến lược đột phá. Thứ nhất xung quanh tất cả mọi người đều thay đổi, sau Covid-19 thì toàn thế giới đang sắp xếp lại chuỗi sản xuất của mình. Thứ hai, những cột mốc, mục tiêu mà chúng ta đặt ra trong bối cảnh tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu đến nông nghiệp cũng đòi hỏi chúng ta không thể không thay đổi chính sách.

Trên thế giới không ai muốn phụ thuộc nước ngoài nặng nề, không ai muốn bị đứt gãy và tôi tự hỏi khi họ sắp xếp lại như thế thì vai trò, vị trí của Việt Nam ở chỗ nào?

Nếu chúng ta vẫn theo cách cũ thì chắc chắn khó có sân chơi cho mình. Kể cả những thị trường như Trung Quốc cũng đã thay đổi rất nhiều, cũng đòi hỏi phải có xuất xứ, số hóa vùng trồng… Các nước khác họ đã thay đổi để đáp ứng điều đó nhưng tôi có cảm giác chúng ta chưa đủ sẵn sàng. Chúng ta cũng đã ký nhiều hiệp định thương mại với các thị trường khó tính nhưng lại chưa chuẩn bị nhiều về vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị cho thị trường tương lai.

Tóm lại, thị trường đang đòi hỏi chúng ta phải thay đổi, phải xây dựng các vùng nguyên liệu hẳn hoi, chuẩn chỉ, xây dựng hạ tầng để đáp ứng, đảm bảo thông thương, ít nhất là hàng nông sản, chuẩn bị giải pháp kỹ thuật để bảo quản nông sản… Có như thế mới không bị bỏ lại phía sau.

Hiện tại Bộ NN-PTNT đang gấp rút xây dựng “Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trình Chính phủ. Tôi nghĩ rằng, chiến lược lần này cũng phải mang tinh thần như Khoán 10, như Chỉ thị 100 mà chúng ta đã từng làm thành công. Sức đột phá không đến từ tiền Nhà nước rót mà đến từ tín hiệu đèn xanh cho người dân vào những lãnh địa từng cấm cản, bỏ phá những hàng rào từng ngăn chặn, đốt lên ngọn lửa trước đây bị dội nước vào… Nói cách khác là cần có chính sách để phá rào, thay đổi thể chế để tạo động lực, để đột phá tạo ra cửa mở như chúng ta đã từng làm rất sáng tạo.

Hoàng Anh
Trọng Toàn
Tùng Đinh
Nguồn: nongnghiep.vn

Thư chúc mừng của Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có thư gửi đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức và người lao động của các Trường thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xin giới thiệu toàn văn Thư chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam:

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Nguồn: VCA

Nông nghiệp hữu cơ bùng nổ ở Bắc Phi

Tự hào khoe những sọt rau quả tươi ngon, nông dân Tunisia Sarah Shili tin rằng mô hình trồng trọt hữu cơ là “tương lai của nông nghiệp”.

Mô hình nông trại hữu cơ của Sarah Shili. Video: AFP

Shili hiện điều hành nông trại Domaine Elixir Bio rộng 94 ha gần thủ đô Tunis của Tunisia, chuyên sản xuất các loại trái cây, rau và ngũ cốc được chứng nhận hữu cơ theo cách mà cô nói là “tôn trọng thiên nhiên”.

Doanh thu của trang trại đã tăng mạnh nhờ thị trường mở rộng, đặc biệt là tăng trưởng trong doanh số bán hàng trực tuyến – gấp 5 lần trong nhiều năm để đạt 100.000 euro vào năm 2020, bất chấp các sản phẩm hữu cơ có giá cao hơn ở một quốc gia có thu nhập trung bình như Tunisia, nơi hầu bao của nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và những năm khủng hoảng kinh tế.

Khi nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng lên, Shili cho biết những thách thức chính nằm ở phía cung. “Ngoài tình trạng thiếu nước triền miên giống như những nông dân khác, chúng tôi phải tự làm mọi thứ từ tra cứu thông tin, tìm kiếm hạt giống đến trồng trọt hữu cơ”, cô nói.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, lĩnh vực này đã tăng trưởng mạnh ở Tunisia kể từ đầu thiên niên kỷ. Năm 2001, chỉ có 16.000 ha đất nông nghiệp dành cho canh tác hữu cơ, nhưng đến nay, con số đã nhân lên gấp 20 lần.

Nông dân thu hoạch cà tím trong nông trại của Sarah Shili. Ảnh: AFP

Nông dân thu hoạch cà tím trong nông trại của Sarah Shili. Ảnh: AFP

Trong số 250 loại sản phẩm hữu cơ ở Tunisia, khoảng 60 loại được xuất khẩu, trong đó chủ yếu là dầu ô liu, chà là, cây thơm và cây thuốc, bên cạnh một số loại rau và trái cây.

Mặc dù có quy mô nhỏ, Tunisia hiện đứng thứ 30 thế giới và đứng đầu châu Phi về diện tích được chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Khi thị trường mở rộng, lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ kéo theo sự phát triển của du lịch và năng lượng tái tạo.

Canh tác sinh học cũng đang tăng trưởng ở Morocco, một quốc gia Bắc Phi khác, nơi diện tích đất nông nghiệp được chứng nhận sản xuất hữu cơ đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2011, đạt hơn 10.300 ha.

Tuy nhiên, “điều đó vẫn còn kém xa so với tiềm năng của một quốc gia nông nghiệp”, người đứng đầu liên minh nông dân hữu cơ Morocco Reda Tahiri nói với AFP.

Phần lớn các vườn ô liu, cam quýt và hạnh nhân của đất nước nằm xung quanh khu vực Marrakech ở phía nam và gần thủ đô Rabat ở phía tây bắc. Tahiri tin rằng 300.000 ha cây thơm, cây thuốc và cây argan mang tính biểu tượng của đất nước (dùng để chiết xuất dầu) có nhiều tiềm năng để chuyển đổi sang mô hình trồng trọt hữu cơ.

Các nhà chức trách đang cố gắng phát triển lĩnh vực này với “Kế hoạch Morocco Xanh”, nhằm hỗ trợ nông dân trang trải chi phí để lấy chứng nhận. Tahiri cho biết chứng nhận để xuất khẩu nông sản sang các thị trường châu Âu hoặc Bắc Mỹ có thể tốn tới 1.000 euro (1.115 USD) mỗi ha hàng năm.

Bộ Nông nghiệp Morocco cho biết sẽ ưu tiên trồng trọt hữu cơ và hy vọng 100.000 ha đất nông nghiệp có thể đạt chứng nhận vào năm 2030, với 900.000 tấn sản phẩm mỗi năm và 2/3 trong số đó dành cho xuất khẩu.

Đoàn Dương (Theo AFP)

Nguồn: Vnexpress

Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã trong lĩnh vực chăn nuôi

Chiều ngày 8/11, tại Hà Nội, cơ quan Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có buổi làm việc với Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi về chương trình phối hợp triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển HTX trong lĩnh vực chăn nuôi.

Quang cảnh buổi làm việc

Ngành chăn nuôi cũng đối mặt với đứt gãy chuỗi cung ứng

Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ngành chăn nuôi triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Việc giãn cách xã hội thực hiện ở nhiều tỉnh thành phố ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Bên cạnh đó việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh cả về giá và cạnh tranh cả về chất lượng và đa dạng sản phẩm sẽ tăng lên khi sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và Châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. “Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam trong giai đoạn tới” – ông Thắng đánh giá.

Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Văn Cương, Phó Trưởng ban Chính sách và Phát triển HTX, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, ước tính đến 31/12/2021, cả nước có 1.034 HTX chăn nuôi, tăng 715 HTX so với năm 2013, 27.612 THT chăn nuôi, trong đó có 112 HTX chăn nuôi bò, 350 HTX chăn nuôi lợn, 572 HTX chăn nuôi gia cầm; 21.421 các THT, HTX chăn nuôi thu hút hơn 1,3 triệu thành viên, phần lớn là các hộ gia đình ở khu vực nông thôn, với 2 mô hình chủ yếu là chăn nuôi tập trung và chăn nuôi phân tán, vừa tập trung; cung ứng các dịch vụ chăn nuôi khép kín từ quy hoạch thiết kế xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn đến cung cấp giống, thức ăn, dịch vụ thú y, sản xuất theo quy trình Vietgap và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên với giá cả ổn định, đảm bảo có lãi cho các thành viên với mức khoảng 30% so với giá thành.

Hỗ trợ tích cực việc tái đàn, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm

Nói đến các giải pháp phát triển HTX chăn nuôi, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đưa ra một số giải pháp như: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tạo điều kiện cho các HTX, THT chăn nuôi, sản phẩm không phân biệt chủng loại được cơ quan thú ý xác nhận “Bảo đảm an toàn thực phẩm” được phép tiêu thụ rộng rãi trên thị trường và điều tiết từ nơi cung cao hơn cầu đến nơi cung thấp hơn cầu; Cần có dự báo nhu cầu của thị trường và dự báo kế hoạch sản xuất; Tạo điều kiện cho HTX, THT chăn nuôi bị dịch và những cơ sở giảm quy mô hoặc bỏ trống chuồng, đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện chăn nuôi “An toàn toàn sinh học” được phép tái đàn; Phát huy vai trò của HTX tham gia hoàn thiện hệ thống tổ chức thú y từ Trung ương đến địa phương,…

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Qua đây, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất trong chăn nuôi như triển khai Luật Chăn nuôi, văn bản quản lý, triển khai Chiến lược Phát triển chăn nuôi; các giải pháp quản lý nhà nước, cơ chế chính sách hỗ trợ; giải pháp trước mắt và lâu dài về phát triển liên kết sản xuất.

Tại buổi làm việc, 2 bên đã cùng nhau trao đổi về các vấn đề liên quan đến hoạt động của các HTX chăn nuôi, thảo luận về giải pháp huy động nguồn lực hỗ trợ HTX, đề xuất thành lập câu lạc bộ HTX chăn nuôi chuyên ngành, và cùng nhau xây dựng chương trình phối hợp triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển HTX trong lĩnh vực chăn nuôi trong thời gian tới.

Lê Huy – Quỳnh Trang

Nguồn: VCA

Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba – Industry Summit 4.0, chiều ngày 9/11 Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức Hội thảo “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường tham dự Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm thực tế ảo về Công nghiệp 4.0 là sự kiện thường niên do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì cùng với sự tham gia phối hợp của nhiều bộ ngành liên quan. Năm 2021, với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”, sự kiện sẽ tập trung tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 22/3/2019 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau 3 năm thực hiện.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng: Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đồng thời, xác định rõ yêu cầu “đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam là lĩnh vực thay đổi nhanh nhất, là ngành tốt nhất để đi tắt đón đầu với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số; mạng 5G bắt đầu được triển khai thương mại hóa, cơ sở hạ tầng cốt lõi với mạng băng thông rộng tốc độ cao làm nền tảng tốt cho đẩy mạnh hoạt động sản xuất thông minh. Các doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất.

Chính vì vậy, để đẩy mạnh triển khai thực Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi về kinh nghiệm chuyển đổi số trong các ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Hội tự động hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm mục đích tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất, các nhà cung cấp giải pháp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, số hóa và tự động hóa quy trình sản xuất.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tham dự Hội thảo chuyên đề 2

Đây là một trong 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba – Industry Summit 4.0. Phiên Hội thảo chuyên đề 2 sẽ tập trung vào một số nội dung như: Phát biểu đề dẫn của Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, 6 Báo cáo chính từ 6 chuyên gia đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có kinh nghiệm trong việc thiết kế, cung cấp và xây dựng các nhà máy thông minh, tự động hóa quy trình sản xuất.

Tiếp theo đó, Hội thảo sẽ đến với Phiên Thảo luận bàn tròn với chủ đề “Sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhằm trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm trong việc thiết lập mô hình và chuyển đổi số cho doanh nghiệp; khai thác công nghệ số trong tối ưu hóa vận hành nền sản xuất; xây dựng nhà máy thông minh trên nền tảng cũ; số hóa chuỗi cung ứng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Lê Huy

Nguồn: VCA

Đại biểu Quốc hội Hà Nội: Cần giải pháp thiết thực hỗ trợ phục hồi ngay khu vực nông nghiệp

Kinhtedothi- Trong giai đoạn trong và sau Covid-19, Chính phủ cần phải có những giải pháp thiết thực về giống, về logistics, về sản xuất, chế biến… và về nguồn lực tài chính để hỗ trợ phục hồi ngay khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân dễ bị tổn thương này. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan- Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề xuất tại Phiên thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 vào sáng 8/11.

Dành nguồn lực thích đáng cho nông nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, năm 2021 là năm rất đặc biệt, đó là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và là năm đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Trong bối cảnh đất nước đầy gian khó phải gánh chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có do dịch bệnh, do các yếu tố bất lợi và các xung đột địa chính trị gây ra, nhưng với sự đoàn kết toàn dân, sự lãnh đạo thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự lãnh đạo thường xuyên, sáng suốt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ đã đưa đất nước vượt qua thời khắc khó khăn, kiên định mục tiêu ưu tiên phòng, chống Covid-19 và đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.

Báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến nhiều nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao để vừa sẵn sàng chủ động ứng phó, giảm thiểu những thiệt hại do Covid-19 gây ra và vừa để phục hồi, phát triển kinh tế trong giai đoạn cuối năm 2021 cũng như năm 2022. Tuy nhiên, đại biểu Lan đề nghị Chính phủ, Quốc hội dành sự quan tâm đầy đủ, dành nguồn lực thích đáng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, coi đây là nền tảng căn cốt và cần xác định rõ bất luận trong hoàn cảnh nào thì nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ, đảm bảo cho sự phát triển ổn định của xã hội và là tiền đề cho các bước phát triển kinh tế xã hội tiếp theo.
Đặc biệt trong giai đoạn trong và sau Covid-19, Chính phủ cần phải có những giải pháp thiết thực về giống, về logistics, về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và về nguồn lực tài chính để hỗ trợ phục hồi ngay khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân dễ bị tổn thương này.
Quốc hội và Chính phủ cần có chương trình hành động, có giải pháp đột phá theo tinh thần của Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50 của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Chính phủ cần quan tâm có chính sách đặc thù để khuyến khích đội ngũ trí thức khoa học đông đảo đến từ các trường đại học và Viện nghiên cứu. Đây chính là lực lượng nòng cốt thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia. Chúng ta có 237 trường đại học, 16.500 tiến sĩ, 574 giáo sư và 4.113 phó giáo sư, hàng năm đào tạo khoảng 1.500 tiến sĩ với 36 nghìn thạc sĩ, gần 1,5 triệu sinh viên đại học và khoảng vài ngàn đề tài nghiên cứu khoa học các cấp chỉ được triển khai từ các trường đại học.
Hàng năm, rất nhiều đề tài được thực hiện và rất nhiều quy trình công nghệ, sản phẩm khoa học có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn nhưng chỉ một số khiêm tốn được chuyển giao hay thương mại hóa để tạo ra giá trị gia tăng cao, phục vụ quốc kế dân sinh, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Và để có thể phát huy tiềm năng, lợi thế to lớn về trí tuệ, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo này, trong Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu đã kiến nghị với Quốc hội về một số chính sách chung để thúc đẩy sự phát triển đổi mới sáng tạo trong trường đại học, viện nghiên cứu và đề cập đến tầm quan trọng và lợi ích của mô hình spin-off tạm gọi là mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ.
Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp 
Tại kỳ họp này, đại biểu tiếp tục đề xuất với Quốc hội, Chính phủ một số vấn đề cụ thể để tháo gỡ vướng mắc cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp spin-off, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong trường đại học và viện nghiên cứu.
Doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ là doanh nghiệp được hình thành trong trường đại học để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu do chính các nhà khoa học nắm giữ công nghệ hay bằng sáng chế. Mô hình này đã rất thành công ở nhiều nước trên thế giới và đã tạo ra doanh thu khá lớn, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội và đã lan tỏa tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên. Mặc dù mô hình spin-off được cho là phù hợp, có nhiều ưu việt và đầy hứa hẹn như vậy nhưng ở Việt Nam chúng ta chưa được quan tâm đúng mức để phát triển mạnh mẽ, vẫn còn vướng mắc một số quy định trong các luật khác nhau như Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học, công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý tài sản công. Rồi các Nghị định như Nghị định số 13, Nghị định số 70 của Chính phủ…. Các luật này cho phép hình thành các doanh nghiệp trong trường đại học nhưng lại không hướng dẫn cụ thể quy định đối với spin-off, cần bổ sung các quy định về góp vốn, góp vốn bằng bản quyền công nghệ quy định về thẩm quyền quyết định chuyển giao góp vốn, sản phẩm của đề tài có sử dụng ngân sách nhà nước vào các spin-off và các nhà khoa học được tham gia vào bộ máy quản lý công ty này để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khu vực trường đại học, viện nghiên cứu…
Bằng kinh nghiệm thực tiễn nghiên cứu phát triển mô hình spin-off của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và tham khảo các mô hình spin-off của các nước trên thế giới, đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát, bổ sung các quy định pháp luật, các hướng dẫn thực hiện cho loại hình doanh nghiệp spin-off. Trong thời gian chờ sửa đổi luật, đề nghị Chính phủ cho thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách thuận lợi cho mô hình spin-off, trong đó cho phép thứ nhất, cho phép các nhà khoa học được tham gia vào Ban quản lý điều hành doanh nghiệp spin-off để làm chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo công nghệ, tạo sản phẩm mới, chất lượng và hiệu quả. Thứ hai, giao quyền cho các cơ sở nghiên cứu, trường đại học quyết định khai thác, sử dụng các sản phẩm đề tài nghiên cứu từ nguồn ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí thu được cho việc tái đầu tư cho nghiên cứu.
Nguồn: Kinhtedothi

Cứ áp dụng Nghị định 70, dễ làm nhà khoa học nhụt chí

VAAS có 19 đơn vị thành viên, vừa rồi đều rất băn khoăn khi triển khai Nghị định 70 và đã có văn bản kiến nghị phải điều chỉnh hoặc hướng dẫn phù hợp.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NVCC. 

Chuyện “lọt sàng xuống nia”

“Cứ áp dụng Nghị định này (Nghị định 70/2018/NĐ-CP) dễ làm cho anh em nản chí, không ra được những sản phẩm tốt”, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) mở đầu cuộc trò chuyện.

“Tôi từng hỏi nhóm tác giả xây dựng nên Nghị định rằng loại tài sản này là gì? Tài sản cố định, tài sản trí tuệ, tài sản đào tạo hay là các loại tài sản khác nữa, phải thật cụ thể. Và được họ trả lời phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) để định dạng cho rõ”, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn kể.

Theo hướng dẫn thực hiện Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật KH-CN, sản phẩm KH-CN gồm dạng I (mẫu, model, maket), sản phẩm, vật liệu, thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ, giống cây trồng, giống vật nuôi và các loại khác; dạng II (nguyên lý ứng dụng, phương pháp, tiêu chuẩn, quy phạm, phần mềm máy tính, bản vẽ, báo cáo…và dạng III (bài báo; sách chuyên khảo…).

Như vậy, vì chưa có thông tư hướng dẫn nên việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 70 này còn nhiều vướng mắc, trong đó quan trọng là xác định loại sản phẩm và định giá tài sản. Các nhiệm vụ khoa học mà Nhà nước hiện hỗ trợ cho các viện nghiên cứu công lập thực hiện thường là các nhiệm vụ mà các doanh nghiệp chưa thể thay thế được.

Hiện có nhiều doanh nghiệp hiện đã hình thành bộ phận nghiên cứu, phát triển giống nhưng thực tế số thành công không nhiều, vẫn phải liên kết với các viện nghiên cứu của Nhà nước để mua bản quyền hay sử dụng giống nhập ngoại.

Ngoại trừ các giống rau lai ta chưa làm chủ được công nghệ nên phần lớn vẫn phải dựa vào nhập ngoại, còn các giống cây trồng khác phần lớn đã làm chủ được, đều do các viện nghiên cứu tạo ra như các giống lúa thuần, cà phê, tiêu, điều và đa số các giống cây ăn quả.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn lội ruộng kiểm tra lúa. Ảnh: NVCC.

“Liên quan đến thực tiễn xác định giá trị của tài sản là kết quả nhiệm vụ KH-CN được ngân sách cấp, hỗ trợ, chúng tôi nhận thấy: Đối với kết quả dạng I mới dừng ở quy mô phòng thí nghiệm, hoặc đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm ở quy mô hẹp, chưa đáp ứng điều kiện sản xuất, thương mại theo quy định của pháp luật.

Việc xác định giá trị thương mại của chúng không đơn giản vì không đủ cơ sở dữ liệu, ngoại trừ các một số sản phẩm như giống cây trồng đã được công nhận lưu hành hoặc công bố lưu hành. Hơn nữa, để thương mại hóa cần thiết phải tiếp tục đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ và kinh phí cho việc phát triển thị trường, sản xuất sản phẩm ở quy mô hàng hóa”, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn nêu vấn đề.

Theo ông, trên thực tế, việc định giá các sản phẩm khoa học không thực sự dễ. Cùng mức kinh phí hỗ trợ gần giống nhau nhưng có những giống cây trồng tạo ra được ứng dụng rộng rãi, quy mô có thể tới hàng triệu ha như giống lúa OM5451, có giống chỉ được vài chục ngàn ha. Vậy cái gì tạo nên sự khác biệt đó?

Rõ ràng, bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước, còn có sự đầu tư chất xám, sự lao động miệt mài của các nhà khoa học nữa. Như vậy, việc định giá tài sản để giao cho các đơn vị nghiên cứu hay đơn vị nhận chuyển giao khác không đơn giản vì với chu kỳ nghiên cứu của một đề tài từ 3 – 4 năm, chưa đủ để biết được mức độ chấp nhận của sản xuất với một sản phẩm KH-CN, trong đó có sự đầu tư nguồn vốn của Nhà nước và sự đầu tư trí tuệ, công sức của nhà khoa học.

Phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Ngô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiện nay, đã có nhiều mô hình liên kết chuyển nhượng, chia sẻ bản quyền tác giả đối với một số giống cây trồng giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp nhưng rất khó định giá, bản thân tác giả và doanh nghiệp đều không biết hết được giá trị đích thực của sản phẩm. Mặt khác, nếu các sản phẩm được tính toán đầy đủ theo đúng giá trị của nó thì nó sẽ được kết tinh vào giá thành, và giá bán sản phẩm sẽ cao, nông dân không được hưởng lợi.

Quay trở lại ví dụ với giống lúa OM5451, nếu cả Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (đơn vị nghiên cứu ra giống) và Tập đoàn Lộc Trời (đơn vị nhận chuyển giao) khai thác được hết bản quyền thì khoản tiền thu được sẽ rất lớn, có thể tương đương kinh phí nghiên cứu của toàn bộ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Nhưng thực tế, cả viện và doanh nghiệp đều chỉ thu được một khoản kinh phí rất nhỏ, phần lớn giống do các hợp tác xã, nông dân tự để, tự sản xuất đều không thu được tác quyền.

“Trước kia, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long có thu tác quyền 100 – 200 đ/kg thóc giống, cũng không đáng kể so với lợi ích mang lại cho xã hội. Tương tự như vậy, hiện nay phần lớn các giống cây ăn quả, cây công nghiệp được nhân giống theo hình thức vô tính đều chưa có đơn vị nhận chuyển giao bản quyền giống vì nó dễ mất bản quyền. Dĩ nhiên trong trường hợp này, nông dân sẽ được lợi.

Như vậy, nếu Nhà nước không thu lại được vốn đã đầu tư thì người được hưởng lợi đầu tiên là nông dân, có thể coi đó là “lọt sàng xuống nia”.

Có lẽ đến lúc này, chức năng, bổn phận của các cơ quan nghiên cứu công lập vẫn còn rất lớn. Nhà nước vẫn nên tiếp tục đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN để giúp cho dân nhanh chóng tiếp cận và áp dụng chúng vào sản xuất”.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn.

Để nhà khoa học chỉ việc bước chân vào phòng thí nghiệm

Theo quy định hiện nay, khi các tổ chức khoa học chuyển giao được sản phẩm hình thành từ nguồn ngân sách do Nhà nước hỗ trợ, đều phải nộp một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, Nhà nước nên tiếp tục giao sản phẩm khoa học cho các tổ chức khoa học quản lý, khai thác, sử dụng. Nếu cần, có thể bổ sung thêm các khoản trích quỹ phát triển của đơn vị để bù vào phần ngân sách hỗ trợ hằng năm hoặc nâng cao năng lực cho các tổ chức khoa học công lập.

Đối với trường hợp kết quả nghiên cứu ở dạng II và dạng III thì không thể xác định được giá trị thương mại. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các quy trình công nghệ, quy trình kỹ thuật phần lớn đang được chuyển giao miễn phí cho nông dân, hợp tác xã nên hầu như không thu hồi được kinh phí.

Như vậy, qua ý kiến của nhiều tổ chức và cá nhân, cần nghiên cứu lại các quy định tại Nghị định 70 để đảm bảo tính khả thi, đồng thời tạo động lực để các tổ chức, các nhà khoa học có nhiều sản phẩm có chất lượng cao hơn.

Cần có những cơ chế, càng tạo thông thoáng, cởi mở càng tốt để động viên cán bộ nghiên cứu tạo ra nhiều giống xuất sắc hơn nữa mới đúng, chứ không phải làm nhụt chí của anh em. Thậm chí họ làm ra nhiều con lai tốt nhưng lại giấu bớt đi, chuyển lén cho tư nhân thì Nhà nước lại càng thiệt hơn. Như vậy, Nhà nước có muốn quản các sản phẩm khoa học cũng khó nếu không nhờ sự tự giác và cái tâm của các nhà khoa học.

Đi cấy ở Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong thời gian qua, nhiều cán bộ khoa học đã không thể thích ứng được với chính sách đãi ngộ và cơ chế quản lý nên đã rời các viện nghiên cứu, mặc dù “chất xám” có chảy thì cũng chảy từ trong ra ngoài, từ đơn vị công lập sang doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng dù sao, đây cũng là hồi chuông cảnh báo về chính sách trọng dụng cán bộ khoa học có trình độ tốt, đặc biệt là những người được đào tạo ở nước ngoài. Bởi được đào tạo rất cơ bản nên họ cần có điều kiện làm việc tốt, những phòng thí nghiệm tiêu chuẩn, những chế tài, cơ chế cởi mở để chỉ còn việc bước chân vào phòng thí nghiệm làm việc mà đầu óc không phải suy nghĩ đến những chứng từ tài chính nọ kia.

Phải công bằng đánh giá, hơn ba thập kỷ qua, KH-CN, đặc biệt là khoa học trong nông nghiệp đã có một giai đoạn phát triển rất nhanh, góp phần tạo ra lượng sản phẩm dồi dào, giúp chúng ta thoát đói, giảm nghèo.

Bây giờ, nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp đang có nhịp trễ để chuyển sang giai đoạn nghiên cứu về chất lượng, hiệu quả kinh tế thì không thể tiếp tục duy trì tốc độ phát triển nhanh như giai đoạn trước đây được.

Cấy lúa thí nghiệm ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bởi để tăng trưởng về số lượng, có thể chúng ta chỉ mất một chục năm, nhưng để thay đổi về chất lượng có khi mất cả vài chục, thậm chí hàng trăm năm. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục tin tưởng, tạo điều kiện và có cơ chế đãi ngộ phù hợp để tiếp sức cho các cán bộ khoa học, giúp họ có cơ hội phát triển để tạo ra sản phẩm đột phá, có chất lượng tốt hơn.

“Hiện mỗi năm, các thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu được vài ba chục giống cây trồng các loại nhưng cũng chỉ có một số giống có thể nhân rộng được trong sản xuất. Phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, mặc dù các sản phẩm giống cây trồng được phát triển và đạt tiêu chuẩn quốc gia nhưng không nhân rộng được trong sản xuất”.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn.

Nguồn: nongnghiep.vn

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: đề cao nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi trong phát triển hợp tác xã

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành trọn ngày 2/11 để khảo sát và làm việc chuyên đề với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Ninh Bình về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cuộc làm việc này diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Và Bộ Chính trị đang nghiên cứu chủ trương mới để phát triển thành phần kinh tế này.

Như VnBusiness đưa tin, sáng 2/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khảo sát hai mô hình hợp tác xã (HTX Gốm Bồ Bát và HTX Sinh Dược) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đây là các HTX phát triển từ kinh tế hộ thành các HTX quy mô, kết nối được chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến bán lẻ. Đây là những minh chứng tiêu biểu cho sự phát triển thực chất của 421 HTX và 500 tổ hợp tác, đang thu hút hơn 330.000 lao động, chiếm gần 60% tổng số lao động của tỉnh. Nhiều HTX đã giải quyết tốt vấn đề phúc lợi, quyền lợi của thành viên; quan tâm người lao động, có chiến lược phát triển, nhìn nhận về kinh tế thị trường rất tốt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể (KTTT) ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Do đó KTTT nói chung, HTX nói riêng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta. Đồng thời tác động bao trùm cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, môi trường và an sinh xã hội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tổng kết lý luận, tổng kết mô hình, nhân rộng cách làm hiệu quả trong phát triển KTTT, HTX.

HTX-jpeg-6668-1635880593.jpg

Sự phát triển và nâng cao vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc làm việc chuyên đề với tỉnh Ninh Bình về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, chiều ngày 2/11/2021.

Trong chuyến khảo sát của Chủ tịch nước, đại diện các HTX ở Ninh Bình đã mạnh dạn nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình. Đây đồng thời cũng là tiếng nói chung của khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên cả nước nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.

Những “tâm tư” của HTX

HTX sản xuất, dịch vụ gốm thương mại Bồ Bát nằm ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, nơi có làng gốm cổ Bồ Bát với lịch sử 3000 năm. Nghề gốm được ông Phạm Văn Vang, người con Làng gốm, khôi phục từ 13 năm trước và sau đó tham gia hình thành HTX gốm Bồ Bát.

Tiếp đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cán bộ Liên minh HTX Việt Nam, các ban ngành tỉnh Ninh Bình, Giám đốc Phạm Văn Vang chia sẻ: “Với nền tảng vững vàng, HTX gốm Bồ Bát vẫn có bước đi ổn định trong bối cảnh dịch Covid-19 đầy thách thức và tự tin hoạt động tốt trong thời kỳ bình thường mới”.

Tuy nhiên, theo ông Vang, để phục hồi và bứt tốc, HTX rất cần sự đồng hành của cơ quan quản lý. Đầu tiên cần kể đến chính sách đất đai. Bản thân HTX Bồ Bát đang có nguyện vọng được hỗ trợ thêm 2 ha để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm mới. Thực tế cho thấy, mong muốn của HTX Bồ Bát cũng là mong muốn chung của không ít HTX trên cả nước.

Thứ hai là về cơ sở hạ tầng, công nghệ. Một điểm chung của nhiều HTX hiện tại, ngay cả với các HTX chuyên ngành, quy mô lớn, có doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi năm như HTX Bồ Bát cũng đang gặp khó khăn về khả năng tiếp cận công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, chuỗi giá trị.

Thứ ba là về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo vị Giám đốc HTX Bồ Bát, trong những năm qua dù Liên minh HTX Việt Nam, chính quyền địa phương đã dành không ít nguồn lực cho việc đào tạo, nâng cao trình độ lao động, song khu vực HTX so với doanh nghiệp vẫn còn một khoảng trống về năng lực, trình độ chuyên ngành.

Thứ tư, về xúc tiến thương mại. Bắt nhịp với xu thế thị trường, các HTX trên cả nước đang dần tiếp cận với các phương thức bán hàng mới từ thương mại điện tử, chuyển đổi số… Các cơ quan quản lý nhà nước, Liên minh HTX Việt Nam cũng có nhiều hỗ trợ về quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm OCOP, tuy nhiên để sản phẩm HTX đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp, tiếp cận các thị trường lớn thì cần nhiều giải pháp mang tính đột phá.

Đồng tình với quan điểm của đại diện HTX Bồ Bát, ông Vũ Trung Đức – Giám đốc HTX Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn nói thêm rằng, chủ trương thực hiện “mục tiêu kép”, chuyển từ “zero Covid” sang sống chung với đại dịch là chìa khoá để HTX nói riêng và đơn vị sản xuất kinh doanh nói chung phục hồi.

“Mong muốn lớn nhất của HTX Sinh Dược lúc này là đại dịch được kiểm soát. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng chính quyền các cấp, địa phương kiểm soát dịch tốt hơn để tình trạng giãn cách, tê liệt hoạt động không còn xảy ra. Với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đây chính là giải pháp cần kíp nhất, bên cạnh các nguồn lực kích cầu”, ông Đức nhấn mạnh.

Cần sự vào cuộc của các cấp ngành

Sau khi lắng nghe tiếng nói của đại diện các HTX, tại cuộc làm việc chuyên đề vào buổi chiều ngày 2/11 với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Ninh Bình về phát triển KTTT, HTX, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kinh tế hộ, kinh tế cá thể nhỏ lẻ như kinh tế Việt Nam đi ra thị trường khó có thể cạnh tranh. Nên cần phải tổ chức, sắp xếp lại để có nguồn lực tốt hơn và phải khai thác lợi thế tiềm năng của mô hình HTX. Đó là lợi thế về xã hội, lợi thế về số đông để tạo ra sự thay đổi cơ bản, sâu sắc về phương thức sản xuất trong nông nghiệp cũng như các lĩnh vực của đời sống nông thôn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu ví dụ cụ thể trường hợp HTX gốm Bồ Bát. Từ nguồn vốn ban đầu chỉ có 5 triệu đồng nhưng nhờ được vay vốn hơn 200 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ mà HTX này đã phát triển được như ngày nay. Từ đó Chủ tịch nước nhấn mạnh muốn phát triển HTX mà chỉ hô khẩu hiệu, không có nguồn lực hỗ trợ thì khó thành công. Cách đây 4 năm Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung 1000 tỷ đồng vào Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục bổ sung vốn cho các Quỹ phát triển HTX đi cùng với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách.

Chủ tịch nước khẳng định Nhà nước hỗ trợ sự phát triển của HTX nhưng tôn trọng nguyên tắc thị trường, không quay lại cơ chế bao cấp, phi kinh tế mà đề cao nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Sự phát triển và nâng cao vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp cần trực tiếp lãnh đạo và coi đây là nhiệm vụ chính trị cần tập trung chỉ đạo. Nếu hệ thống chính trị của chúng ta không quan tâm thì khó có thể thành công trong xây dựng KTTT ở nước ta. Vai trò của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế hợp tác, HTX là vô cùng quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay”.

Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý trong thời kỳ hội nhập, tâm thế của các HTX, cụ thể là những người đứng đầu HTX là vô cùng quan trọng. Để tiến lên, các giám đốc HTX tự tin với tâm thế của một doanh nhân thực thụ, cương trực và có trách nhiệm xã hội.

Các HTX cần phát huy được 3 vai trò chính, đầu tiên là một tổ chức kinh tế hoàn thiện, có thể tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cao cho thành viên. Thứ hai là đơn vị tự chủ lấy con người là trung tâm trong quá trình toàn cầu hóa, coi trọng việc tạo ra phúc lợi xã hội. Và cuối cùng, HTX là tổ chức dựa vào cộng đồng, đề cao tính dân chủ và nguyên tắc tự nguyện.

22-7668-1635861109.jpg

HTX rất cần sự đồng hành của cơ quan quản lý. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm HTX Sinh Dược sáng ngày 2/11/2021.

Để mô hình kinh tế HTX thành công, Chủ tịch nước khẳng định cần xây dựng một chiến lược phát triển HTX, tổ hợp tác. Để làm được việc đó, các ban, bộ ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn hiện nay, nhất là những hạn chế, bất cập về pháp luật, chính sách, quản trị; vấn đề tiếp cận đất đai, nguồn vốn, công nghệ, thị trường, phát triển chuỗi giá trị, đào tạo lao động.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng để bứt tốc, các HTX cần có sự chuyển biến về tư duy sản xuất. Một thực tế là rất nhiều HTX được thành lập sau năm 2012 hiện có những giám đốc trẻ, có trình độ cao, nên khả năng sáng tạo cao, tiếp cận nhanh với chuyển đổi số, thương mại điện tử…

Các HTX thành lập sau năm 2012 cũng đang có xu hướng hoạt động theo chuyên ngành, nghĩa là tập trung vào sản phẩm thế mạnh, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Ở Ninh Bình, HTX Bồ Bát và Sinh Dược là những trường hợp điển hình.

Còn ở góc nhìn của bộ ngành, ông Võ Thành Thống – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận định, để HTX phát triển cần tiếp tục hoàn thiện 3 điểm, gồm bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế chính sách đặc biệt về chuyển đổi số, công nghệ cao cho HTX, và nâng cao năng lực quản lý, trình độ lao động HTX.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, cần có cơ chế mạnh hơn cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, trình độ nhân lực HTX. Không cần một số tiền quá lớn, chỉ cần mỗi năm từ 10 – 15 tỷ đồng, thì mục tiêu mỗi HTX có một cán bộ trình độ cao là không quá khó.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để HTX vươn tầm, cần có một cuộc “cách mạng” cho các HTX hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là các HTX toàn xã, thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thành viên nhưng giá trị mang lại không cao. Nếu không có khả năng thay đổi thì cần dứt khoát giải thể.

Có thể thấy, bên cạnh việc phát huy tối đa nội lực, sự đồng hành của các ban ngành quản lý là vô cùng quan trọng để các HTX phục hồi và kỳ vọng bứt tốc sau dịch. Thực tế là ngay sau khi làn sóng dịch lần thứ tư được kiểm soát, các biện pháp giãn cách được nới lỏng, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức hàng loạt hội nghị, diễn đàn nhằm tìm giải pháp giúp các HTX và đơn vị thành viên phục hồi, thích ứng với tình hình mới.

Nếu tiếp tục có thêm các chính sách, nguồn lực hỗ trợ, cùng với một tâm thế mới, khu vực HTX hoàn toàn có thể tự tin vươn tầm, cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.

Hiến Nguyễn

Nguồn: Vnbusiness

Thương mại điện tử toàn cầu tiếp tục bùng nổ trong tháng 10

Tháng 10 mở màn lễ hội mua sắm cuối năm với chuỗi ưu đãi lớn từ các sàn thương mại điện tử, là bước đệm doanh số vững vàng cho Ngày độc thân 11/11.

Quý IV hàng năm với lễ hội Halloween, Ngày độc thân 11/11, Giáng sinh, Tết… là thời điểm “vàng” cho các doanh nghiệp thương mại điện tử đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu. Hàng loạt những sự kiện mua sắm với chương trình ưu đãi lớn mạnh với nhiều lợi ích đi kèm thôi thúc người tiêu dùng mạnh dạn mở hầu bao, sắm sửa chuẩn bị cho mùa lễ hội và năm mới 2022.

Đặc biệt, sau khi trải qua hơn nửa năm 2021 với nhiều trở ngại, khó khăn do dịch bệnh, người dân ở những nước bị phong tỏa, giãn cách xã hội trong nhiều tháng có xu hướng chi tiêu mạnh tay hơn. Đa phần, họ tập trung mua sắm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thiết yếu, tiêu dùng nhanh…; giảm bớt chi phí cho những mặt hàng xa xỉ phẩm, đồ điện tử. Dù có sự chuyển đổi rõ rệt về thói quen tiêu dùng, song doanh số ghi nhận từ các sàn thương mại điện tử trong tháng 10 vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ trong tháng 10/2021. Ảnh: Acowebs

Thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ trong tháng 10/2021. Ảnh: Acowebs

Cụ thể, tại châu Âu, số liệu ghi nhận từ Euromonitor cho thấy Amazon tiếp tục giữ vững vị thế nằm trong top 3 sàn thương mại điện tử được yêu thích, có doanh số cao và tăng trưởng ổn định. Hai thị trường nổi trội nhất của ông lớn ngành e-commerce này là Pháp và Tây Ban Nha. Chỉ trong quý III/2021, thời điểm đại dịch bùng phát trở lại tại một số nước châu Âu, doanh số của Amazon giữ nguyên mức tăng trưởng ổn định với 19,3%. Trong khi đó, thị phần của “ông lớn” Alibaba cũng tăng đến 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cũng cho thấy ngành hàng tiêu dùng nhanh với các danh mục thực phẩm, thức uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình ghi nhận doanh số thương mại điện tử tăng gấp đôi tại Italy và Tây Ban Nha trong quý đầu tiên của năm nay và vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cho đến tháng 10/2021.

Với khu vực châu Á, mạng lưới vận chuyển Cainiao ghi nhận tăng trưởng đến 286% về số lượng mặt hàng thương mại điện tử xuất khẩu từ Nhật Bản sang Trung Quốc. 10 triệu sản phẩm được chuẩn bị từ tháng 10, sẵn sàng cho Ngày hội mua sắm toàn cầu 11/11 lớn nhất năm của quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều đó phần nào thể hiện nhu cầu mua sắm online của người dân tại đây chẳng những không suy giảm do dịch, ngược lại còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với những năm trước.

Người tiêu dùng châu Á, nhất là tại Trung Quốc, đã quen thuộc với Ngày hội mua sắm trực tuyến toàn cầu 11/11. Ảnh: iStock

Người tiêu dùng châu Á, nhất là tại Trung Quốc, đã quen thuộc với Ngày hội mua sắm trực tuyến toàn cầu 11/11. Ảnh: iStock

Trong số các nước Đông Nam Á, Indonesia được đánh giá là mảnh đất màu mỡ của thương mại điện tử khi liên tục ghi nhận tăng trưởng trong những năm gần đây. Mới đây, ông Perry Warjiyo, Thống đốc Ngân hàng Indonesia (BI) đã đưa ra dự báo mới đây rằng giá trị thương mại điện tử của quốc gia này sẽ tăng tới 48,4% trong năm nay.

Ông cho biết các giao dịch thương mại kỹ thuật số tăng trưởng rất cao nhờ sự hỗ trợ từ các dịch vụ thanh toán trực tuyến dễ dàng. Thêm vào đó, như những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, mua sắm trực tuyến của người dân trong bối cảnh đại dịch cũng thay đổi mạnh mẽ, chính là lực đẩy khiến thương mại điện tử nước này bùng nổ trong tháng 10 vừa qua.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Tây Java lần thứ ba năm 2021 tổ chức ngày 21/10, vị Thống đốc đã đưa ra các con số ấn tượng về lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số và ngân hàng kỹ thuật số. Ông dự đoán cả hai mảng này đều có thể tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ lần lượt là 35,7% và 30,1% trong những tháng tiếp theo.

Không kém cạnh về mặt bùng nổ thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á, thị trường tại Việt Nam cũng sôi nổi với các đợt lễ hội mua sắm 9/9 và 10/10. Việt Nam còn là một trong những quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử B2B. Số liệu ghi nhận năm 2020 cho thấy Việt Nam đứng đầu về mức độ phát triển trong khu vực và tiềm năng dẫn đầu ngành tại khối Đông Nam Á. Bên cạnh tiềm lực về B2B, thị trường thương mại điện tử bán lẻ B2C tháng 10 vừa qua cũng nhộn nhịp không kém.

Là một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam, số liệu từ báo cáo quý III/2021 cho thấy hình thức mua sắm vẫn tiếp tục là lựa chọn tối ưu của phần đông người dân do ảnh hưởng dịch bệnh. Cụ thể, sàn ghi nhận lượng lớn khách hàng truy cập hàng ngày, số lượng đơn hàng và khách mua hàng trên nền tảng đều tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Giao diện mua thực phẩm tươi sống trên một sàn thương mại điện tử. Ảnh: Viễn Thông

Giao diện mua thực phẩm tươi sống trên một sàn thương mại điện tử. Ảnh: Viễn Thông

Doanh số tăng mạnh ở các ngành hàng bách hóa, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, phục vụ nhu cầu giải trí tại nhà… Trong đó, ngành hàng bách hóa trên Lazada đứng đầu doanh thu với mức tăng trưởng hơn gấp 4 lần so với quý III/2019 Riêng thực phẩm tươi sống đạt con số tăng trưởng ấn tượng khi cao gấp 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là ngành hàng có lượt tìm kiếm nhiều nhất vào cuối tháng 8 khi chỉ thị 16 được ban hành và liên tục tăng trưởng xuyên suốt quý.

Ngoài hình thức mua hàng online truyền thống, hình thức “săn sale” trên livestream cũng được người tiêu dùng dần quen thuộc và đặc biệt ưa chuộng trong hai tháng 9 và 10. Tổng doanh thu thông qua LazLive tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái và lập kỷ lục với doanh thu 700 triệu đồng, được ghi nhận chỉ trong 2 giờ livestream vào “Lễ hội mua sắm 9.9”.

Sắp tới, Lazada cho biết sẽ tiếp tục mang đến Lễ hội mua sắm 11.11 - 1 ngày sale To với ưu đãi lớn từ các thương hiệu đình đám; hàng nghìn sản phẩm chính hãng giảm giá đến 50%; miễn phí giao hàng; 1,1 tỷ voucher ưu đãi kèm những phần quà giá trị lên đến hàng triệu đồng. Ảnh: Lazada Việt Nam

Sắp tới, Lazada cho biết sẽ tiếp tục mang đến “Lễ hội mua sắm 11.11 – 1 ngày sale To” với ưu đãi lớn từ các thương hiệu đình đám; hàng nghìn sản phẩm chính hãng giảm giá đến 50%; miễn phí giao hàng; 1,1 tỷ voucher ưu đãi kèm những phần quà giá trị lên đến hàng triệu đồng. Ảnh: Lazada Việt Nam

Với các số liệu trên từ một số quốc gia ở các châu lục lớn bao gồm cả Việt Nam, thị trường thương mại điện tử vẫn không ngừng lớn mạnh và dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ trong những tháng cuối năm. Ngày độc thân 11/11 hứa hẹn sẽ là đỉnh điểm tăng trưởng khi không chỉ Trung Quốc, quốc gia tiên phong xem ngày này là ngày mua sắm toàn cầu, mà cả thế giới đều hưởng ứng nhiệt tình. Đây hứa hẹn sẽ là bước đệm vững vàng cho ngành thương mại điện tử trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2022.

Thiên Khải

Nguồn: Vnexpress