Nông dân, HTX sốt ruột vì… mất mùa vải

Thông thường như mọi năm, đến thời điểm này chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là nông dân, HTX ở Bắc Giang sẽ bước vào vụ thu hoạch vải. Thế nhưng, năm nay, do mất mùa nên sản lượng vải dự kiến sẽ giảm cả nghìn tấn so với những năm trước, điều này khiến người dân, HTX không khỏi sốt ruột, lo lắng…

Chị Nguyễn Thị Minh Thùy – Giám đốc HTX Lục Ngạn Xanh (Xã Đồng Cốc – Huyện Lục Ngạn – Bắc Giang) cho biết, HTX hiện trồng khoảng hơn 20ha vải các loại như: vải u hồng, vải lai sớm, vải thiều ngọt… Những năm trước, quả vải được mùa, vào thời điểm này HTX đã bắt đầu chuẩn bị vào vụ thu hoạch, do diện tích trồng lớn cộng thêm sản lượng quả cho ra nhiều nên HTX luôn thu hoạch sớm 1 tuần so với các hộ dân. Nhưng năm nay, tình hình dường như khó khăn hơn khi cây vải ra ít hoa và đậu ít trái khiến HTX nhìn thấy rõ sự thất thu.

Sản lượng vải sụt giảm mạnh

Năm ngoái, HTX Lục Ngạn Xanh thu hoạch hơn 100 tấn vải với doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng. Sản lượng vải lớn nhưng đầu ra của HTX vẫn luôn ổn định. HTX kí hợp đồng với doanh nghiệp để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, EU,..

Nhưng năm nay, quả vải mất mùa, chị Thùy dự tính, HTX chỉ thu được khoảng 3-4 tấn vải, giảm rất nhiều so với năm ngoái, không thể đủ sản lượng để đáp ứng cho những đơn vị liên kết.

Theo quy luật tự nhiên, “một năm ăn quả, một năm trả cành”, sau khi được mùa 3 – 4 năm, sức khỏe cây trồng sẽ kém đi, trong khi vải Bắc Giang đã liên tiếp được mùa từ năm 2020 đến nay.

Lý giải về tình trạng mất mùa vải, chị Thùy cho biết, vải là loại cây dễ trồng, không mất quá nhiều công chăm bón, tuy nhiên lại bị phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Năm nay, thời điểm vải ra hoa, thời tiết mưa liên tục, ẩm ướt, nên hoa rụng hết, chẳng còn được bao nhiêu. Ít nắng nên hoa không thụ phấn được, lác đác mỗi chùm đậu vài quả.

“Theo quy luật tự nhiên, “một năm ăn quả, một năm trả cành”, sau khi được mùa 3 – 4 năm, sức khỏe cây trồng sẽ kém đi, trong khi vải Bắc Giang đã liên tiếp được mùa từ năm 2020 đến nay. Cùng với đó, mùa Đông năm ngoái rét muộn, nhiệt độ trung bình cũng cao hơn những năm khác khoảng 1,5 độ C, trong khi cây vải cần rét sớm thì mới phân hóa được mầm hoa. Thời tiết đầu năm ẩm ương nên số lượng cây có hoa đậu quả ít lắm”, chị Thùy chia sẻ.

Khó khăn không chỉ riêng HTX Lục Ngạn Xanh, chia sẻ với chúng tôi, anh Ngô Văn Liên – Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Hải (Xã Thanh Hải, Huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, cây vải từ khi trồng cho đến khi thu hoạch, quả vải được bảo quản, chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn nhằm bảo đảm chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX luôn chú trọng vào chất lượng quả để đưa tới tay người tiêu dùng cũng như xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Theo chia sẻ, năm 2023, HTX Thanh Hải được mùa lớn, thu hơn 30 tấn vải, lợi nhuận thu về gần 250 triệu. Vải của HTX xuất đến các tỉnh trên cả nước, đưa vào các siệu thị, chợ lớn và xuất sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, HTX rất lo lắng khi vải năm nay mất mùa, trên diện tích 2ha đất có đến 90% số cây vải chính vụ không ra hoa. Các đối tác thì gọi liên tục đặt hàng, thậm chí cả những đơn xuất khẩu nhưng lượng hàng năm nay dự tính còn không được 3 tấn.

“Lượng cây không có quả rất nhiều, ra vườn vải chỉ thấy toàn lá, có thể nói, năm nay đầu tư bao nhiêu mất bấy nhiêu. Lượng vải thu hoạch còn không bằng 1% so với năm ngoái. Như thế này thì lượng tiêu thụ trong nước còn không đủ, chứ xuất khẩu là quá khó với HTX”, anh Liên trải lòng.

Nông dân, HTX cần chủ động tìm hướng đi

Theo thống kê năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 29.700 ha, sản lượng trên 200.000 tấn. Doanh thu từ vải thiều ước đạt trên 4.658 tỉ đồng, doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.218 tỉ đồng. Tuy nhiên, thời tiết những tháng đầu năm nay mưa nắng thất thường, nồm ẩm liên tục khiến cho cây cối không có điều kiện tốt để phát triển đặc biệt một số loại cây thu hoạch sớm vụ đầu hạ như vải,…làm giảm sản lượng, gây khó khăn cho người dân, HTX.

Với nhân định sản lượng vải thiều năm nay sụt giảm mạnh, dự báo giá bán sẽ cao hơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đảm bảo duy trì tốt các mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói, đúng quy chuẩn để xuất khẩu. Cố gắng dù sản lượng sụt giảm sâu nhưng thu nhập, đời sống của người dân trồng vải không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Sản lượng vải giảm, gây ra những vấn đề đáng lo ngại cho nông dân, HTX cũng như toàn ngành Nông nghiệp.

Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, mặc dù năm nay sản lượng có thể ít nhưng Bắc Giang vẫn đảm bảo tất cả quả vải xuất khẩu đều đạt chất lượng. Thực tế, lượng vải xuất khẩu sẽ giảm mạnh đối với thị trường Trung Quốc do quốc gia này thu mua tới 90% sản lượng xuất khẩu, các nước khác số lượng xuất khẩu ít nên vẫn có thể đảm bảo sản lượng không bị giảm quá nhiều.

Trong bối cảnh như hiện nay, việc hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức liên quan là cực kỳ quan trọng, như cung cấp kỹ thuật canh tác hiện đại, và chính sách bảo hiểm cho nông dân, HTX để họ có thể vượt qua khó khăn và duy trì sản xuất, đạt hiệu quả trong vụ tiếp theo.

Việc cung cấp các gói hỗ trợ tài chính sẽ giúp các HTX vượt qua những khó khăn về vốn lưu động và chi phí sản xuất. Điều này có thể bao gồm vay vốn ưu đãi, miễn giảm lãi suất hoặc hỗ trợ vốn đầu tư vào các dự án phát triển nông nghiệp.

Các chuyên gia nông nghiệp khuyên rằng, để chủ động đối phó với tình hình hiện nay, các HTX cần phải thực hiện các biện pháp nhất quán và linh hoạt. Tạo ra các kế hoạch dự phòng chặt chẽ để giảm thiểu thiệt hại từ mất mùa vải. Việc này bao gồm việc đầu tư vào hệ thống dẫn nước, hệ thống tưới tiêu, và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường sự hợp tác và trao đổi thông tin với các đơn vị nghiên cứu và Chính phủ để nắm bắt kịp thời thông tin về dự báo thời tiết và các biến động khí hậu, giúp HTX có thể điều chỉnh kế hoạch canh tác và chăm sóc cây trái theo hướng có lợi nhất.

Việc đào tạo và nâng cao kiến thức kỹ thuật cho các nông dân thành viên trong HTX được cho là rất quan trọng, để có thể đối phó với các tình huống khó khăn và tối ưu hóa hiệu suất sản xuất.

Theo Lê Hồng – Vnbusiness.vn