‘Câu chuyện sản phẩm’ giúp HTX thuyết phục khách hàng

Không chỉ sản phẩm OCOP mà rất nhiều sản phẩm khác của HTX muốn vươn xa đều cần phải xây dựng được câu chuyện sản phẩm. Đây được đánh giá là giá trị vô hình, là công cụ hiệu quả để các HTX tạo ra nét riêng cho sản phẩm và cũng là điều khiến nhiều khách hàng có quyết định “xuống tiền” hay ký hợp đồng lâu dài với HTX hay không.

Ông David Lyons, Chủ tịch kiêm Giám đốc sáng lập Hiệp hội Văn hóa trà Úc cho biết, một trong những điểm cần nhấn mạnh nếu muốn xuất khẩu hàng hóa sang Úc đó là các đơn vị sản xuất kinh doanh của Việt Nam nên kể câu chuyện của mình, của sản phẩm mình làm ra. Việc chia sẻ về khu vực sản xuất, hoàn thiện quy trình, sự khác biệt hay độc đáo trong sản xuất và xây dựng sản phẩm… cho phép các đối tác hiểu rõ về HTX, doanh nghiệp và cân nhắc vì sao nên mua sản phẩm.

Xây dựng niềm tin từ câu chuyện cụ thể

Tuy nhiên, với vai trò là một đơn vị sản xuất, ông Triệu Khánh Hoàng, Giám đốc HTX chè Đoỏng Pán (Cao Bằng) thừa nhận, các thành viên trong HTX mới chỉ biết về những điểm như diện tích, đặc tính của chè, cách sử dụng, chế biến, còn làm sao để viết ra được một câu chuyện hay, lôi cuốn về sản phẩm thì là điều rất khó, vì mọi người đều là nông dân, là đồng bào dân tộc thiểu số. Có lẽ chính vì vậy mà sản phẩm của HTX chưa tạo sự thú vị, sự khác biệt và chưa lôi cuốn được khách hàng.

Có thể thấy, nhiều HTX, nhất là những HTX ở nông thôn vùng sâu vùng xa hiện nay chưa quan tâm hoặc chưa đủ tiềm lực cho vấn đề marketing sản phẩm. Hơn nữa, sản phẩm của một số HTX vẫn gặp tình trạng hạn chế về số lượng, thiếu sự ổn định nên khó đưa vào các kênh phân phối lớn, hiện đại.

HTX Laba Banana Đạ K’Nàng đã xuất khẩu thành công nhờ kể được câu chuyện hấp dẫn về sản phẩm.

Chính vì lý do này mà để tiếp cận thị trường, các HTX cần có con đường riêng, đó là dựa vào sự độc đáo, khác biệt, tính bản địa của sản phẩm. Và câu chuyện sản phẩm chính là con đường riêng, hiệu quả để giúp các HTX quảng bá, truyền thông cho chính sản phẩm của mình.

Cùng một nải chuối trên thị trường chỉ có giá khoảng 25-35 nghìn đồng thì nhờ viết kể câu chuyện chuối tiến vua gắn chip trên vùng đất Tây Nguyên mà giá chuối của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng (Lâm Đồng) đã tăng gấp 8-10 lần sau khi xuất khẩu, chế biến.

Theo các chuyên gia, nhiều HTX được thừa hưởng những thế mạnh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên có thể tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt. Nhưng để nhận diện và cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới, tầm quan trọng của việc kể câu chuyện sản phẩm là không thể không tính đến, vì nó có liên quan trực tiếp đến vấn đề quảng bá sản phẩm, marketing, cạnh tranh sau này của HTX.

“Bán nông sản sạch nói riêng không đơn giản chỉ là xuất trình sản phẩm và chứng nhận đi kèm, mà đó là cả một quá trình để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm của bạn thông qua những câu chuyện cụ thể”, ông David Lyons phân tích.

Câu chuyện cần gắn với trải nghiệm

Tập trung xây dựng thương hiệu, kể câu chuyện sản phẩm để đưa cái hồn vào sản phẩm được coi là việc lớn đối với các HTX. Bởi theo các chuyên gia, một nhà sản xuất khó có thể làm được điều này thuận lợi, nhất là đối với các HTX vì họ đang phải tập trung phần lớn nguồn lực vào khâu sản xuất. Trong khi câu chuyện sản phẩm được coi là có giá trị cốt lõi nhưng lại vô hình. Chính vì vậy, các HTX rất khó đong đếm, định hình.

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam, cho biết khi HTX cho ra đời một thương hiệu, hay nói đúng hơn là muốn xây dựng câu chuyện sản phẩm, các thành viên cần tư duy xem sản phẩm của mình có gắn với yếu tố gì, văn hóa, lịch sử, đặc trưng của địa phương hay không.

Cùng với đó, HTX xem sản phẩm mà các thành viên làm ra có mang lại giá trị gì cho người tiêu dùng. Bởi trong xã hội hiện tại, những sản phẩm khắc sâu vào yếu tố cá nhân hóa, liên quan mật thiết đến người tiêu dùng thì càng có ý nghĩa, càng kích thích được nhu cầu mua của người tiêu dùng

Ông Nguyễn Trung Thành dẫn chứng, “Kỳ Linh Ất Mùi” tuy chỉ là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ đơn thuần của làng gốm Bát Tràng nhưng khi gắn với câu chuyện “30 ngày hạ sinh, 60 ngày tái xuất” đã nêu bật được quy trình sản xuất, tính độc đáo của sản phẩm và thể hiện sự “độc quyền” của chủ nhân sản phẩm.

Chính vì vậy, câu chuyện sản phẩm tưởng chừng là xa vời nhưng đó lại là điều gần gũi, quen thuộc. Chỉ cần các thành viên HTX lưu tâm, chú ý quan sát thì sẽ tìm ra sự độc đáo và xây dựng cho sản phẩm của mình câu chuyện thú vị, lôi cuốn.

Theo các chuyên gia, một câu chuyện sản phẩm hay phải không bị trùng lặp, hay na ná với câu chuyện của sản phẩm khác. Sự khác biệt còn ở nằm ở chỗ: câu chuyện đó khi tra Google cũng không thể ra. Muốn vậy, câu chuyện đó phải sáng tạo, phải gắn với trải nghiệm cá nhân của nhân vật làm ra sản phẩm hay những trải nghiệm của khách hàng được diễn ra trong thực tiễn. Một khi đã gắn với trải nghiệm thực tiễn của thành viên HTX và do chính thành viên HTX viết ra thì khó có thể bị trùng lặp, giống trên Google.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn