Hàng trăm tấn nông sản được kết nối tiêu thụ và xuất khẩu

Sau một tuần triển khai Chương trình 503/CTr-LMHTXVN về chương trình kết nối cung – cầu tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT), Chương trình này đã đạt kết quả cao với sự kết nối giữa bên cung là các HTX, THT và bên cầu là các bên mua. Hàng trăm tấn nông sản được kết nối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Phóng viên Cổng Thông tin điện tử VCA đã có buổi trao đổi với bà Lê Thị Kim Oanh – Phó Giám Đốc Trung tâm Phát triển Thương mại và Đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) về quá trình thực hiện Chương trình 503 thông qua Cổng thông tin cung – cầu trong thời gian qua.

Phóng viên: Sau quãng thời gian hoạt động rất ngắn tiếp nhận nguồn thông tin qua Cổng thông tin cung – cầu, các HTX, THT đã tiếp cận đưa nông sản lên Cổng thông tin này như thế nào thưa bà?

Bà Lê Thị Kim Oanh: Sau một tuần hoạt động Cổng thông tin cung – cầu đã tiếp nhận rất nhiều nhu cầu của các HTX, THT về mặt hàng nông sản mà họ đang cần tiêu thụ. Được sự trợ giúp kỹ thuật từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các Liên minh Hợp tác xã tỉnh/thành phố, các HTX, THT đã tích cực cập nhật thông tin lên Cổng Thông tin, điều này cho thấy các HTX đã rất quan tâm và đánh giá cao cổng thông tin kết nối cung cầu.

Hiện nay đã có gần 200 HTX đăng ký tham gia bán hàng trên cổng thông tin kết nối cung – cầu. Sự kết nối tiêu thụ sản phẩm qua Cổng thông tin này là giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế hợp tác giúp các HTX, THT trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm mở rộng thị trường. Đây là kênh xúc tiến thương mại hỗ trợ kịp thời cho các HTX, THT trong đợt dịch Covid-19 kéo dài, đặc biệt là các tỉnh/thành phố phía Nam đang thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng chống dịch.

 

Liên minh HTX Việt Nam đã kết hợp với HTX công nghệ thông tin Huế cho ra mắt Cổng thông tin kết nối cung-cầu sản phẩm nhằm hỗ trợ các HTX tiêu thụ nông sản khi dịch Covid-19 đang diễn ra, cũng như tạo nền tảng cho các HTX kết nối với doanh nghiệp, người tiêu dùng về lâu dài. 

Phóng viên: Theo bà, nhu cầu khẩn thiết của các HTX, THT hiện nay như thế nào? Họ gặp khó khăn gì khi thực hiện các bước để có thể đưa nông sản vào hệ thống Cổng thông tin kết nối cung – cầu này? Những câu hỏi phía bà nhận được từ bà con HTX, THT là gì?

Bà Lê Thị Kim Oanh: Nhu cầu cần thiết hiện nay của HTX, THT là nhanh chóng được quảng bá sản phẩm, tiêu thụ được sản phẩm của đơn vị mình qua Cổng Thông tin. Các HTX, THT cũng có nhu cầu lớn được cung cấp thông tin về vận chuyển, lưu thông hàng hóa đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Các HTX, THT kết nối vào cổng thông tin kết nối cung – cầu đều không gặp khó khăn gì lớn. Tuy nhiên, nhiều HTX muốn đưa hình ảnh sản phẩm của đơn vị mình lên để kết hợp quảng bá sản phẩm, làm cho sản phầm hàng hóa của mình thêm sinh động hơn, khó khăn gặp phải là chưa biết đăng lên bằng cách nào. Nhưng những khó khăn này được chúng tôi tháo gỡ ngay bằng các giải pháp công nghệ hướng dẫn trực tuyến tới tận bà con HTX, THT.

Mặt khác, trong qua trình thực hiện việc kết nối bán hàng trên Cổng Thông tin kết nối cung – cầu các HTX, THT thường có thói quen bán hàng qua thương lái, nên kỹ năng bán hàng qua cổng kết nối cung – cầu còn lúng túng. Với thời đại thương mại hiện đại như hiện nay, việc kết nối mua bán trên Cổng Thông tin cung – cầu này sẽ thêm nhiều kỹ năng cho bà con khu vực HTX, THT thông thạo công nghệ 4.0 để thích ứng với việc chuyển đổi số trong việc mua bán.

Phóng viên: Tính đến thời điểm này đơn hàng tiêu thụ kết nối cung cầu đã được số lượng bao nhiêu? Đã có đơn hàng nào kết nối xuất khẩu được chưa thưa Bà?

Bà Lê Thị Kim Oanh: Thực hiện 503/CTr- LMHTXVN ngày 04 tháng 8 năm 2021 đến nay Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư đã hỗ trợ trực tiếp cho 61 HTX sản xuất thanh long, mít, nhãn, dừa, sầu riêng, bơ và các loại thủy hải sản… kênh hỗ trợ của Trung tâm tập trung vào kết nối các HTX có sản lượng lớn, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện tại, Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư đang kết nối cho 4 đơn vị gồm: (1) Liên hiệp HTX và 3 HTX sản xuất thanh long mít tại Bình Thuận, Đồng Tháp và Hậu Giang. Liên hiệp HTX trên có sản lượng cung cấp cho thị trường xuất khẩu từ 150-500 tấn/tháng. (2)Trung tâm cũng đã kết nối cho các HTX, THT sản xuất hàng nông sản, thủy hải sản và các mặt hàng thiết yếu tại 5 tỉnh: Cần thơ, Bến tre, Đắc Lắc, Bạc Liêu, Hậu Giang. Với hệ thống bán hàng online, offline thuộc chuỗi Foodmap, Lazada, Tiki và hệ thống di động Việt.

Hàng năm, nhu cầu Trung Quốc thu mua thanh long của các HTX, THT tại Việt Nam với sản lượng 50 nghìn tấn/năm. Theo con số thống kế sơ bộ, hiện nay, Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư đã kết nối xong HTX tại Bình Thuận xuất khẩu thanh long trắng, quận Thủ Đức (TPHCM) được 3 tấn, TP Đà Nẵng được 10 tấn. Bên cạnh đó, Trung tâm đã kết nối được HTX nhãn tại Bình Thuận với Công ty chế biến thực phẩm được 3 tấn.

Phóng viên: Vậy là chúng ta đã kết nối được cung – cầu khá tốt trong thời gian thực hiện Chương trình 503? Vậy theo Bà, những việc cần làm tiếp theo để đẩy mạnh việc kết nối này là gì?

Bà Lê Thị Kim Oanh: Theo tôi, thời gian tới Liên minh Hợp tác xã tỉnh/thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền tới từng HTX, THT về Chương trình 503 để các thành viên nắm được và cung cấp nhu cầu tới bộ phận thông tin của Cổng Thông tin cung – cầu Chương trình 503. Như vậy người dân HTX, THT mới chủ động kết nối và giao dịch với bên mua, kèm theo những thương thảo thương mại cụ thể của hai bên.

Thêm nữa, các thành viên HTX, THT cũng bối rối trong việc kết nối đơn vị vận chuyển và cũng đưa những yêu cầu kết nối đơn vị vận chuyển trong vấn đề tiêu thụ nông sản tới bên mua. Chúng tôi cũng đã kết nối giúp các HTX, THT về lĩnh vực vận chuyển tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung – cầu của HTX, THT một cách nhanh nhất, thuận tiện và đảm bảo nhất.

Rất mong thời gian tới đây, các HTX, THT sẽ kết nối nhiều hơn nữa với Cổng Thông tin cung – cầu để đưa được nông sản cần tiêu thụ lên Cổng Thông tin cung – cầu nhằm tiêu thụ nhanh nhất những mặt hàng của HTX, THT trong giai đoạn vào mùa thu hoạch, tránh tồn đọng nông sản dẫn đến phải bỏ hết sản phẩm thu hoạch vì không thể tiêu thụ được. Chúng tôi cam kết sẽ hết sức kết nối các bên, hỗ trợ tích cực cho bà con HTX, THT.

Phóng viên: Cảm ơn bà!

Quỳnh Trang (thực hiện)

Hỗ trợ cơ cấu lại nợ cho bà con hợp tác xã mùa dịch Covid-19

Trong bối cảnh đó, Nghị định 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được ban hành như một luồng gió mới thổi vào cộng đồng kinh tế tập thể, hợp tác xã, khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thời gian qua, tạo điều kiện cho hợp tác xã (HTX), Liên hiệp hợp tác xã (LHHTX), tổ hợp tác (THT) và thành viên các tổ chức này có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước đi lên.Trước sự kiện Nghị định về hệ thống Quỹ được ban hành, những giải pháp hỗ trợ giúp các hợp tác xã vượt qua giai đoạn khó khăn, Cổng Thông tin điện tử đã có buổi phỏng vấn ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã xung quanh vấn đề này.

Ông Phạm Công Bằng – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xãPhóng viên: Thưa ông, Nghị định 45/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có tác động tích cực như thế nào đến việc hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX)?Ông Phạm Công Bằng: Nghị định 45/2021/NĐ-CP (NĐ 45) ngày 31/3/2021 được ban hành đánh dấu bước phát triển mới đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cũng như hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã.
Ngay từ khi dự thảo Nghị định, Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã rất sát sao tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính tổ chức rất nhiều cuộc khảo sát, hội thảo, tọa đàm, tổ chức nhiều buổi làm việc với lãnh đạo Bộ và vụ chức năng, với hàng chục văn bản tham gia chính thức để xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ. Trong quá trình góp ý kiến, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, căn cứ tình hình hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, nhu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của KTTT, HTX nên đã được Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ ngành cơ bản ủng hộ, tiếp thu.
Do đó, Nghị định 45 được ban hành đã cơ bản phù hợp với hoạt động thực tiễn của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cũng như nhu cầu của khu vực KTTT, HTXkhắc phục những bất cập, vướng mắc của cơ chế cũ theo theo Quyết định 246/2006/QĐ-TTg và Quyết định 23/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 59/2007/QĐ-BTC về phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã như: 
(1) Đã thống nhất về cơ chế, tăng cường liên kết hệ thống; mô hình hoạt động đã thiết kế theo hướng gọn nhẹ, các Quỹ hoạt động độc lập, tự chủ và tự chịu trách nhiệm;
(2) quy định vốn điều lệ tối thiểu Quỹ địa phương là 20 tỷ đồng;
(3) mở rộng đối tượng cho vay đến thành viên HTX, thành viên THT;
(4) các Quỹ cho vay cả vốn ngắn, trung và dài hạn;
(5) điều kiện cho vay thông thoáng hơn;
(6) có cơ chế mở rộng huy động vốn từ thị trường;
(7) xác định cơ chế quản lý và thẩm quyền quản lý Quỹ cụ thể, trao nhiều quyền tự chủ cho các Quỹ và Liên minh Hợp tác xã các cấp trong tổ chức hoạt động, quản lý rủi ro, phù hợp với đặc thù khu vực kinh tế tập thể. …
Cụ thể, đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam, điểm mới nổi bật thứ nhất là theo cơ chế cũ, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã chỉ cho vay đối với HTX, LHHTX và chỉ cho vay đầu tư hình thành nên tài sản cố định, trong khi nhu cầu vay vốn của những thành viên HTX, thành viên THT là rất cần thiết. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn ngắn hạn để phục vụ tính chất mùa vụ của sản xuất nông nghiệp đối với các HTX nông nghiệp rất phổ biến và hết sức cấp bách, nhưng Quỹ cũng không được cho vay. Như vậy cơ chế cũ nó bó hẹp cả về cả phạm vi đối tượng và phương thức cho vay.
Những hạn chế đó bây giờ đã được khắc phục trong quy định của Nghị định 45 của Chính phủ, theo đó ngoài HTX, LHHTX, Quỹ HTX đã được cho vay đến thành viên của HTX, thành viên THT và được cho vay cả ngắn trung và dài hạn cho tất cả đối tượng vay để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khu vực KTTT, HTX để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.
Đấy là một điểm mới tháo gỡ rất lớn vướng mắc về đối tượng, phương thức, loại hình cho vay của Quỹ HTX.Điểm mới nổi bật thứ 2 của Nghị định 45 là cơ chế hoạt động của Quỹ HTX trước đây không được huy động vốn ngoài thị trường, thì theo quy định của Nghị định 45, Quỹ HTX được mở rộng hơn các hình thức huy động, đặc biệt là được phép huy động nguồn lực từ thị trường, nhận tiền gửi của các Quỹ địa phương, các nguồn huy động hợp pháp khác để bổ xung nguồn vốn hoạt động cho vay đối với khu vực KTTT, HTX.
Phóng viên: Như vậy, các thành viên của HTX, THT đã được chủ động vay vốn sản xuất, kinh doanh là một sự tạo điều kiện tích cực của Quỹ. Thưa ông, thành viên của HTX, tổ hợp tác được vay ở mức bao nhiêu?Ông Phạm Công Bằng: Về giới hạn cho vay, Nghị định 45 quy định giới hạn cho vay đối với một khách hàng không quá 15% vốn điều lệ thực có và cho vay một khách hàng và người liên quan không quá 25% vốn điều lệ. Điều này có nghĩa là Nghị định 45 cũng mở rộng giới hạn cho vay mà vẫn đảm bảo an toàn nguồn vốn quỹ khi không tập trung quá nhiều vốn vay vào một đối tượng vay và người có liên quan.So với quy định trước đây của Quỹ HTX, với một dự án vay vốn  không quá 10% vốn điều lệ thì quy định mới của Nghị định 45 đã mở rộng hơn và vì vậy Quỹ HTX có điều kiện cho vay các dự án lớn của các HTX có quy mô lớn, hoạt động trên địa bàn rộng, tác động dự án có ảnh hưởng lớn đến phát triển KTTT, HTX của cả vùng, miền hoặc phạm vi toàn quốc.
Ví dụ, một HTX nào đó có dự án hiệu quả, khả thi, cung ứng đầu ra cho HTX trên địa bàn liên tỉnh, hoặc cả nước mà họ có nhu cầu chính đáng, đủ điều kiện tiếp cận vốn của Quỹ HTX thì có thể xem xét cho vay với quy mô lớn hơn, mang lại hiệu quả thiết thực, sâu rộng hơn cho Khu vực KTTT, HTX.Phóng viên: Để triển khai Nghị định 45 trong thời gian tới Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam có kế hoạch gì để hỗ trợ Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố trong việc thành lập Quỹ hoặc chuyển đổi mô hình Quỹ để hoạt động hỗ trợ vốn cho khu vực KTTT, HTX được tốt hơn, thưa Ông?
Ông Phạm Công Bằng: Theo chỉ đạo của Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Quỹ HTX Việt Nam (Quỹ TW) ngoài việc hoàn thiện cơ chế theo Nghị định 45, ban hành và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành những văn bản theo quy định để chuyển đổi mô hình hoạt động thì Quỹ TW còn có một sứ mệnh là hỗ trợ cho Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố trong việc thành lập mới các Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã (đối với các tỉnh chưa có Quỹ) và chuyển đổi mô hình cho các Quỹ địa phương đã thành lập để hoạt động theo quy định của Nghị định 45.
Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ban hành kế hoạch 351/KH-LMHTXVN ngay 8/6/2021 về triển khai thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Kế hoạch này đã được gửi đến Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố. Theo đó, phân loại để hướng dẫn đối với các tỉnh chưa thành lập Quỹ cũng như các tỉnh đã có Quỹ thì các bước triển khai như thế nào, thời gian cụ thể ra sao, nhiệm vụ của Liên minh các cấp và các Quỹ được quy định rất cụ thể. Tại Kế hoạch 351, Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thành lập Tổ hỗ trợ, tư vấn hỗ trợ triển khai Nghị định 45. Tổ này sẽ kết hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong triển khai Nghị định 45. Theo đó, Quỹ HTX Việt Nam sẽ dự thảo một hệ thống các văn bản để hướng dẫn Liên minh HTX và Quỹ các tỉnh, thành phố thực hiện Nghị định 45. Sau đó, các Văn bản dự thảo này sẽ thông qua Tổ hỗ trợ, tư vấn triển khai Nghị định 45 để hoàn thiện trình Thường trực Liên minh Hợp tác xã thông qua để gửi cho Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố, hỗ trợ các đơn vị trong quá trình triển khai Nghị định 45, đảm bảo tiến độ và chất lượng tuân thủ đúng quy định của Nghị định 45, Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương.Phóng viên: Trong thời gian qua đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh doanh sản xuất ở địa phương, đặc biệt là khu vực KTTT, HTX.
Thời điểm khó khăn chung này, Quỹ HTX đã có phương án như thế nào để hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn?
Ông Phạm Công Bằng: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến các doanh nghiệp cũng như các HTX, tổ hợp tác. Đặc biệt, mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động nặng nề hơn với các HTX, tổ hợp tác bởi đây là nơi nguồn lực yếu, dễ bị tổn thương, khả năng chống chịu kém. Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong đó có Quỹ HTX Việt Nam tạo mọi điều kiện cho các HTX vượt qua thời kì khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Quỹ  HTX Việt Nam đã tiến hành rà soát tất cả các HTX đang có dư nợ tại Quỹ HTX, rà soát phân loại đánh giá và báo cáo Thường trực liên minh Hợp tác xã Việt Nam về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX vay vốn do ảnh hưởng dịch Covid-19.Trên cơ sở đó, Quỹ HTX đã gửi công văn đên tất cả các HTX còn dư nợ tại quỹ đề nghị báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình thực hiện các dự án đang vay vốn của Quỹ HTX và khả năng trả nợ, đề xuất cơ cấu lại nợ nếu thấy cần thiết. Ngay sau đó,  chúng tôi đã nhận được 40 đơn đề nghị cơ cấu lại nợ của 40 HTX với nhu cầu chủ yếu là xin giãn nợ tức là điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và chưa có HTX nào có đề nghị về việc xóa nợ hoặc khoanh nợ.
Trên cơ sở báo cáo của các HTX đang vay vốn Quỹ HTX, chúng tôi đã tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ các HTX đang vay vốn quỹ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.  Sau khi xem xét từng trường hợp cụ thể, Quỹ HTX đã cơ cấu lại nợ cho 38 HTX với số tiền nợ cơ cấu là 31 tỷ đồng của đợt 1 năm 2020. Đến đợt dịch thứ 2 năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Thường trực liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Quỹ HTX tiếp tục rà soát và nhận được những đơn đề nghị cơ cấu lại nợ của những HTX tiếp tục bị khó khăn bởi đại dịch Covid-19  lần thứ 2, chúng tôi đã tiếp tục cơ cấu lại nợ cho 7 HTX với số tiền là 25 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Quỹ HTX cũng đẩy mạnh công tác cho vay mới rất nhiều dự án để các HTX, liên hiệp HTX có nguồn lực đầu tư đổi mới hoạt động, đổi mới sản phẩm, tăng cường liên kết, thích nghi với giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế. Đến hôm nay, các HTX đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì đã phục hồi lại sản xuất kinh doanh và cũng đã dần ổn định để tiếp tục phát triển. Sau khi hết thời kì cơ cấu nợ thì các HTX này đã trả nợ đầy đủ cả nợ gốc và nợ lãi cho Quỹ HTX, không có HTX nào có hiện tượng chậm trả. Bên cạnh đó, các HTX không có đơn điều chỉnh cơ cấu lại nợ của những đợt dịch vừa rồi thì các HTX đó cũng chấp hành rất tốt nghĩa vụ trả nợ cho quỹ trong 2 năm vừa qua.Có thể nói, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, công tác hỗ trợ của Qũy HTX đã rất kịp thời, đúng đối tượng, đã phát huy tác dụng rất tốt đối với các HTX bị ảnh hưởng đại dịch, qua đó giúp các HTX đã tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ổn định sản xuất kinh doanh và tiếp tục phát triển.Phóng viên: Xin cảm ơn ÔngVân Khánh – Quang Trung (Thực hiện)

Nguồn: Hỗ trợ cơ cấu lại nợ cho bà con hợp tác xã mùa dịch Covid-19 (vca.org.vn)

Việt Nam ‘phấn đấu trở thành quốc gia số’ vào năm 2030

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phấn đấu trở thành quốc gia số là một trong những nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm tới.

Sáng 28/3, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt nghị quyết Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu chuyên đề Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025).

Theo đó, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro; trình độ khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong khó khăn thách thức, “chúng ta phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm”; đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm”, ông nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt nghị quyết Đại hội XIII. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt nghị quyết Đại hội XIII, sáng 28/3. Ảnh: VGP

Lãnh đạo Chính phủ cho biết Việt Nam ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên môi trường, sản xuất công nghiệp.

Chiến lược phát triển 10 năm tới đưa ra định hướng phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ số, làm nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số.

“Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới…”, Thủ tướng nói.

Chiến lược cũng xác định 11 chỉ tiêu, gồm 7 chỉ tiêu kinh tế, 4 chỉ tiêu môi trường. Trong đó, áp lực đối với Việt Nam là liên tục tăng trưởng cao, nếu không sẽ tụt hậu… “Năm nay, chúng ta phấn đấu 6-6,5%, sang năm có thể 7%, nhưng sắp tới phải 8-9% bình quân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị hôm qua (27/3), Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã báo cáo nội dung tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII.

Ông cho biết Đại hội XIII xác định nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó có việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu…

“Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, trong đó lưu ý cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”, ông Phạm Minh Chính nói.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Ảnh: Hoàng Phong
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Ảnh: Hoàng Phong

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Đại hội XIII không đặt vấn đề sửa đổi điều lệ Đảng. Tuy nhiên, chương trình làm việc toàn khóa của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã đặt đặt vấn đề nghiên cứu, tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng và dự kiến sẽ tổng kết vào năm thứ 2 thứ 3 của nhiệm kỳ, trên cơ sở đó có thể bổ sung, sửa đổi nếu thấy cần thiết.

Diễn ra trong 2 ngày 27-28/3, hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII được truyền trực tiếp từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) tới 67 điểm cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và được mở rộng đến hơn 7.300 điểm cầu cơ sở.

Lần đầu tiên gần một triệu đảng viên (chiếm gần 1/5 số đảng viên toàn quốc) được các lãnh đạo cấp cao của Đảng trong vai trò báo cáo viên trực tiếp quán triệt những nội dung chính của nghị quyết Đại hội XIII.

Hoàng Thùy

Áp dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Áp dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn mới đã đề cập đến thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.

Công nghệ luôn là phương thức và công cụ mạnh nhất để xây dựng một xã hội thịnh vượng vượt trội trong mọi thời đại. Trong lịch sử của mình, xã hội loài người đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghệ và đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Với nền tảng và sự nổi trội của mình, có thể nói kỹ thuật số sẽ chinh phục đời sống thế giới vì tính phổ thông trong sử dụng cùng tính lan toả tới mọi lĩnh vực trong xã hội với chi phí ngày càng giảm cho người sử dụng cũng như thúc đẩy đổi mới để tạo ra sản phẩm mới lạ.

Kỹ thuật số giúp thay đổi phương thức sản xuất và giao dịch giữa các thực thể trong nền kinh tế và con người nên có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, kinh tế khu vực, từng quốc gia và các địa  phương.

Tác động qua lại giữa áp dụng kỹ thuật số và tăng trưởng kinh tế

Kỹ thuật số theo nghĩa rộng được hiểu là kỹ thuật thông tin truyền thông (ICT) bao gồm các kỹ nghệ hợp thành như: Máy tính điện tử, chương trình phần mềm, internet, băng thông rộng, điện thoại di động …

Các nghiên cứu về mối tương quan giữa đầu tư phát triển kỹ thuật số với tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) giai đoạn 1980-2011 cho thấy cứ tăng 10 điểm phần trăm trong sử dụng điện thoại di động dẫn tới GDP tăng 0,21 điểm phần trăm ở các nước thu nhập cao và tăng 0,4 điểm phần trăm ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Tương tự, hiệu quả sử dụng internet trong sản xuất kinh doanh dẫn đến tăng trưởng GDP ở các nước OECD đang phát triển cao hơn các nước phát triển. Cụ thể trong giai đoạn 1980-2011, cứ tăng 10 điểm phần trăm sử dụng internet trong sản xuất kinh doanh dẫn tới GDP tăng 1,35 điểm phần trăm đối với các nước đang phát triển so với tăng 1,19 điểm phần trăm đối với các nước phát triển. Đặc biệt tăng 10 điểm phần trăm tỷ lệ sử dụng băng thông rộng dẫn tới GDP bình quân đầu người tăng 1,38 điểm phần trăm ở các nước đang phát triển và tăng 1,21 điểm phần trăm ở  các nước phát triển.

Đối với nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp (DN), phát triển và áp dụng kỹ thuật số đem lại một số lợi ích như: Thúc đẩy hoạt động phổ biến và ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sử dụng nguồn lực; giảm chi phí sản xuất, kích cầu tiêu dùng và đầu tư; thúc đẩy thương mại quốc tế, giảm chi phí giao dịch; tạo nền tảng cho các nước đang phát triển bắt kịp các nước phát triển bằng việc nâng cao năng suất theo phương thức “nhảy cóc”; thúc đẩy tiếp cận thị trường; giảm sự mất cân đối thông tin giữa người mua và nhà cung cấp, giảm chi phí môi giới…

Hiện nay, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến DN buộc phải nỗ lực thích ứng với công nghệ số. Áp dụng công nghệ số làm cho DN nâng cao khả năng tiếp cận thông tin để vững tin trong việc ra quyết định; nâng cao hiệu quả phối hợp trong sản xuất kinh doanh và cơ hội hoà vào mạng lưới sản xuất kinh doanh trong nước, khu vực và thế giới; giúp DN duy trì mối quan hệ kinh doanh với các đối tác… Điều này sẽ giúp DN không bị gián đoạn trong sản xuất, kinh doanh, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Nỗ lực áp dụng công nghệ số để phát triển

Trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật…), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới – kinh tế số, xã hội số, Chính phủ điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.

Đây vừa là mục tiêu, vừa là thách thức cho công cuộc chuyển đổi số của các DN Việt Nam do việc chuyển đổi số trong các DN nước ta còn rất khiêm tốn.

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, hiện cả nước chỉ có khoảng 15% DN đang áp dụng chuyển đổi số và chỉ các DN lớn mới có bộ phận CNTT, còn các DN nhỏ vẫn hạn chế.  Nguyên nhân là do phần lớn các DN có quy mô nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào quá trình chuyển đổi số vì gặp khó khăn về vốn, nhưng cũng có một phận DN coi đây là câu chuyện của DN lớn do chi phí đầu tư cao, hạ tầng CNTT, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế…javascript:void(0)

Một nguyên nhân khác là các quy định và quy tắc của DN không phù hợp với số hóa; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động và lãnh đạo DN…

Với thực trạng này, việc chuyển đổi số nên triển khai từ những khâu nhỏ nhất. trong đó, đòi hỏi đội ngũ lao động phải có kỹ năng phù hợp. Các DN phải sắp xếp lại quy trình sản xuất; cơ cấu lại tổ chức; đào tạo, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hợp lý (một thực tế tại Brazil cho thấy các DN áp dụng kỹ thuật số có được năng suất tăng chỉ sau khi đã minh bạch cơ cấu tổ chức của DN).

Để thực hiện thành công việc minh bạch cơ cấu và sắp xếp lại tổ chức đòi hỏi người lao động phải trách nhiệm, chủ động và tự chủ hơn.

Hiện nay, áp dụng kỹ thuật số cũng giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là xu thế không thể đảo ngược. Công nghệ kỹ thuật số sẽ lan nhanh và mạnh hơn, vì vậy giải pháp duy nhất đúng đó là đưa ra các chính sách thông minh nhằm tối đa hoá lợi ích của công nghệ kỹ thuật số, đồng thời giảm thiểu những bất cập, gián đoạn ngắn hạn không thể tránh khỏi. Cần tập trung vào các chính sách, giải pháp đáp ứng những thay đổi về tổ chức do cuộc cách mạng kỹ thuật số mang đến.

Trong bối cảnh quốc tế thay đổi sâu sắc và toàn diện, trong đó có tác động của đại dịch COVID -19, với tốc độ phát triển rất nhanh của công nghệ số, với thực tiễn tiềm lực kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, để áp dụng công nghệ kỹ thuật số, trước mắt, chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng và thực hiện một số giải pháp.

Theo đó, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển và áp dụng kỹ thuật số; chiến lược đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; tạo căn cứ pháp lý, nguồn lực tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển và áp dụng kỹ thuật số, đồng thời đào tạo cung cấp lực lượng lao động có chuyên môn, kỹ năng tốt, phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, áp dụng kỹ thuật số của nền kinh tế.

Đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, có cơ chế truy cập, chia sẻ thông tin những cơ sở dữ liệu này cho các đối tượng sử dụng phù hợp. Bên cạnh đó, thiết lập và vận hành đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin thị trường cho các tổ chức kinh tế và người tiêu dùng nhằm giảm bất cập và tác hại do thông tin không đầy đủ gây ra.

Khẩn trương xây dựng nền tảng kỹ thuật số vững mạnh, phù hợp với đặc trưng và cơ cấu kinh tế nước ta, đồng thời bắt nhịp được tiến trình phát triển và áp dụng kỹ thuật số của thế giới. Ở lĩnh vực này cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ TT&TT, Bộ KH&CN cùng các tập đoàn viễn thông lớn, tiềm lực mạnh.

Khẩn trương triển khai chương trình truyền thông nhằm phổ biến quan điểm, mục tiêu, các giải pháp thực hiện phát triển và áp dụng kỹ thuật số; đặc biệt phổ biến, đào tạo cho các tổ chức và khu vực doanh nghiệp hiểu rõ những nội dung về phát triển và áp dụng kỹ thuật số ở Việt Nam phù hợp với đặc trưng riêng của từng tổ chức, với khu vực doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau.

Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp nhằm cung cấp, hỗ trợ tín dụng cho các tổ chức, đặc biệt là khu vực DN thực hiện xây dựng và áp dụng kỹ thuật số trong hoạt động, sản xuất kinh doanh, đồng thời hội nhập tiến trình áp dụng kỹ thuật số trên thế giới.

Trong điều kiện hạn chế về nguồn nhân lực và vật lực, Chính phủ cần xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trước, tránh đầu tư dàn trải để tạo cơ sở và nền tảng cho phát triển áp dụng công nghệ kỹ thuật số.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác nhằm áp dụng hiệu quả và phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của nước ta.

Hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam lần thứ nhất, khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Sáng ngày 08/3, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam lần thứ nhất, khoá VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Tham gia hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; các đồng chí là ủy viên Ban Thường vụ, các Ban, đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam báo cáo các nội dung chuyên đề.

Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam, khoá VI, họp lần thứ nhất, tập trung vào các nội dung chính: Báo cáo tình hình phát triển KTTT, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021; Báo cáo công tác tổ chức Đại hội Liên minh HTX Việt Nam và cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo tình hình thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của hệ thống năm 2020; nhiệm vụ năm 2021; Báo cáo về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1120/QĐ-LMHTXVN ngày 26/10/2018; Báo cáo về xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020; định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2021-2025; Quy chế lựa chọn xây dựng, nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị, hiệu quả bền vững; Quy chế hỗ trợ HTX phát triển sản xuất; Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam khoá VI, nhiệm kỳ 2020-2025; Phân công nhiệm vụ Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam khoá VI, nhiệm kỳ 2020-2025;…

Quang cảnh hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam

Theo báo cáo tình hình phát triển KTTT, hợp tác xã của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam năm 2020, số lượng hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX, tổ hợp tác (THT) tiếp tục tăng, thành lập mới 2.153 HTX, 17 liên hiệp HTX, 3.000 THT; đến cuối năm 2020, cả nước có 25.454 HTX, tăng 836 HTX; 102 liên hiệp HTX, 119.399 THT. Trong đó có 16.520 HTX nông nghiệp; 1.188 Quỹ tín dụng nhân dân.

Theo đó, khu vực KTTT, HTX thu hút hơn 8,1 triệu thành viên, chiếm 33% tổng số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn; 96% HTX được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên; giải thể 811 HTX, 06 liên hiệp HTX. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 56%; tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 3,5 triệu đồng/người/tháng; Cả nước có 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.913 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị…

Quang cảnh hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam

Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh năm 2020 là năm diễn ra với nhiều sự kiện quan trọng của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, bên cạnh việc chủ động nghiên cứu, tham mưu và triển khai thực hiện kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương về phát triển KTTT, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các văn bản, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển KTTT, HTX…. Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam triển khai nhiều họat động sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực KTTT và thành viên; tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX; vị thế, uy tín của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam ở trong nước và các tổ chức quốc tế nâng thêm một tầm cao mới.

Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận về các vấn đề về triển khai nhiệm vụ 2021; dự thảo Quy chế làm việc của Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Liên minh HTX Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Quy chế lựa chọn xây dựng, nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị, hiệu quả bền vững; Quy chế hỗ trợ HTX phát triển sản xuất; kế hoạch tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX và 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết dựa trên những kết quả đã đạt được, KTTT, HTX trong năm 2021 tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Về một số nhiệm vụ công tác trọng tâm trong năm 2021, đồng chí Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đề nghị các các ban tham mưu, các đơn vị sự nghiệp; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam trên cương vị, trách nhiệm và nhiệm vụ mới được phân công, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nội dung trọng tâm đã đề ra.

Một số hình ảnh tại hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam lần thứ nhất, khóa VI:

 Trung tâm Thông tin – Tuyên truyền

VCA: Phát động thi đua 90 ngày chuẩn bị tốt và tổ chức Đại hội đại biểu Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Chiều ngày 8/9, tại Hà Nội, cơ quan Liên minh HTX Việt Nam tổ chức phát động thi đua 90 ngày chuẩn bị tốt và tổ chức Đại hội đại biểu Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 do đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Liên minh HTX Việt Nam chủ trì.

Tham dự có các đồng chí Thường trực Liên minh HTX Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng; các Ban tham mưu; Trưởng Phó các đơn vị trực thuộc, cùng toàn thể cán bộ làm việc tại trụ sở cơ quan Liên minh HTX Việt Nam.

Nhằm triển khai thực hiện tốt công việc theo Kế hoạch số 416/KH-LMHTXVN ngày 19/6/2020 của Liên minh HTX Việt Nam về tổ chức Đại hội Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thường trực Liên minh HTX Việt Nam tổ chức phát động thi đua 90 ngày chuẩn bị tốt và tổ chức Đại hội đại biểu Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Liên minh HTX Việt Nam chủ trì.

Thay mặt cho Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam, đồng chí Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo biểu dương và trân trọng cảm ơn công sức miệt mài, sáng tạo của toàn thể cán bộ, công nhân viên trong thời gian qua, đạt được những kết quả bước đầu trong công tác chuẩn bị đại hội các tỉnh. Đếm ngược 90 ngày chào mừng thời khắc lịch sử Đại hội, đây là đại hội ngành, có tầm cỡ, quy mô, vị trí hết sức quan trọng của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Cùng với sự phấn đấu miệt mài của chúng ta, các Bộ, ngành Trung ương đến địa phương đã ngày càng quan tâm, tạo điều kiện hơn đến khu vực KTTT, HTX.

Đồng chí Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên của cơ quan Liên minh HTX Việt Nam và các đơn vị trực thuộc tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm, tình cảm, công sức của mình đóng góp sự thành công của Đại hội của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Việc tổ chức Đại hội lần này là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, trách nhiệm của cả hệ thống, đặc biệt là thành công của Đại hội Liên minh HTX Việt Nam. Đồng chí nhận định khối lượng công việc còn nhiều, đòi hỏi sự sáng tạo, tập trung cao độ của toàn thể cán bộ, công nhân viên, cùng đồng lòng, đồng sức để Đại hội thành công rực rỡ. 

Một số hình ảnh tại Lễ phát động:

HTX với xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trong khuôn khổ Hội thảo cấp quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La vào ngày 12-13/9. 

Phiên chuyên đề thứ 3 với nội dung: Hợp tác xã xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu kết thúc chuyên đề Hợp tác xã với việc xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Mở đầu chuyên đề, Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành trình bày báo cáo chuyên đề về phát triển vùng hồ thủy điện Sơn La. Bài tham luận đưa ra 03 kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về ban hành chính sách ổn định nông dân vùng lòng hồ, bảo vệ rừng và nguồn nước cho các hồ đập, chính sách phát triển sản xuất gắn với du lịch sinh thái vùng lòng hồ sông Đà; triển khai du lịch nhà máy Thuỷ điện và điểm du lịch khác.

Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành trình bày báo cáo chuyên đề tại hội thảo
Sau đó, nội dung của Liên minh HTX Việt Nam là: Vai trò của HTX trong xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam trình bày.
Theo báo cáo, Kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là loại hình kinh tế phổ biến ở các nước phát triển và đang phát triển, thu hút hầu hết hộ cá thể vùng nông thôn tham gia, phù hợp với phương thức kinh tế chia sẻ, bền vững, gắn với chuỗi giá trị. Trên thế giới hiện có hơn 03 triệu HTX, 1,2 tỷ thành viên; doanh thu hằng năm đạt 3.000 tỷ đô la Mỹ, tác động trực tiếp đến đời sống của ½ dân số và đóng góp 10% GDP toàn cầu.
Đến nay, vùng DTTS&MN có 11.558 HTX, chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, 35 liên hiệp HTX, 61.471 THT; số HTX hoạt động hiệu quả đạt 53%. Hầu hết HTX trong vùng đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012; các HTX thành lập từ năm 2013 đến nay đều mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyển biến tích cực về qui mô, năng lực quản tri; có 601 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị (chiếm 30% số HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị của cả nước), thu hút 3,7 triệu thành viên, tạo 1,1 triệu việc làm, giảm nghèo, ổn định chính trị – xã hội.
Trong thời gian qua, KTTT, HTX có những đóng góp trong xây dựng NTM vùng DTTS&MN như tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động; thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động; tập trung ruộng đất; liên kết giữa các HTX, giữa HTX với các doanh nghiệp để sản xuất gắn với chuỗi giá trị; góp phần phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giữ gìn bản sắc dân tộc vùng DTTS&MN; Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Như vậy, phát triển kinh tế tập thể, HTX có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng NTM vùng DTTS&MN.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS&MN thời gian qua có một số tồn tại, hạn chế: Công tác tổ chức, quản lý điều hành các HTX chưa bắt kịp những thay đổi của thị trường; Thiếu vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém; năng lực tiếp cận thị trường còn yếu; hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế sẵn có; Thiếu chủ động liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Văn Thịnh- Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam trình bày báo cáo chuyên đề

Liên minh HTX Việt Nam đưa đề xuất phương hướng và đưa ra những mục tiêu cụ thể, giải pháp phát triển KTTT, hợp tác xã góp phần phát triển kinh tế – xã hội  và xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Cả nước phấn đấu đến năm 2025: thành lập mới 2.000 HTX; trong đó có 200 HTX sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; thu hút ít nhất 70% số hộ nông dân tham gia HTX; Đến năm 2030: Thành lập mới 3.000 HTX, trong đó có thêm ít nhất 5 HTX có quy mô cấp tỉnh, 01 HTX có quy mô cấp quốc gia và khu vực do người DTTS làm chủ…

Liên minh HTX Việt Nam đề xuất một số giải pháp phát triển KTTT, HTX vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030: Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt về bản chất của kinh tế tập thể, HTX, nhất là về HTX kiểu mới; Tăng cường công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS; Phát triển mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó HTX là nòng cốt; Đổi mới và hoàn thiện các chính sách và nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX phù hợp với từng giai đoạn và nhu cầu thực tế; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; vai trò Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hiệp hội ngành hàng, vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương…

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La- Lê Tiến Lợi đã trình bày tham luận tại hội thảo

Từ thực tiễn của tỉnh Sơn La về phát triển mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị; Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La- Lê Tiến Lợi đã trình bày tham luận: Kinh nghiệm trong phát triển mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm gắn với vai trò của HTX.

Trong chuyên đề này, ông Chékou Oussouman, Trưởng đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Cộng đồng Pháp ngữ cho biết, tổ chức này đang coi các HTX như cầu nối để tiếp cận và hỗ trợ người nông dân tại khu vực nông thôn. Hiện tại, tổ chức đang hỗ trợ cho 3 HTX tại Việt Nam, trong đó có 1 đơn vị tại Đồng Tháp, 2 đơn vị tại tỉnh Lai Châu. 2 dự án tại Lai Châu đều tập trung vào các sản phẩm nông sản chủ lực của người dân tộc thiểu số, điển hình là cây sắn.

Gs.Ts Trần Đức Viên, Học viện nông nghiệp Việt Nam, cho rằng vai trò của HTX, tổ hợp tác trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là không thể phủ nhận. Cần giải quyết 2 khó khăn, một là hình thức sản xuất, hai là bài toán thị trường; tạo được niềm tin của người dân. Chỉ khi có được niềm tin của người dân, cần tiếp tục hoàn thiện luật…

Gs.Ts Trần Đức Viên, Học viện nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo 
Phát biểu kết thúc chuyên đề, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tổng hợp ý kiến và đưa ra một số đề xuất:
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tạo điều kiện cho Liên minh HTX Việt Nam chủ trì, cùng các địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai Đề án “Phát triển KTTT, HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”;
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ HTX, Liên hiệp HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở mức cao hơn vùng khác;
Đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi quan tâm nghiên cứu dành thời lượng và nội dung đáng kể về phát triển KTTT, HTX phù hợp nghiên cứu thực tế và Kết luận của Bộ Chính trị số 70-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX vào Nghị quyết Đại hội trình Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Trung tâm Thông tin – Tuyên truyền