Author Archives: admin

Thúc đẩy kinh tế tập thể tham gia phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

(ĐCSVN) – Các chính sách của Nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới để kinh tế tập thể tham gia tích cực vào quá trình khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó kỳ vọng sẽ góp phần tác động vào thành công chung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021- 2025.

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ RẤT QUAN TRỌNG VÀO THÀNH TỰU PHÁT TRIỂN CHUNG CỦA KHU VỰC KINH TẾ HỢP TÁC XÃ

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) hiện có gần 12 nghìn hợp tác xã (HTX). Quá nửa trong số đó đang hoạt động hiệu quả với mức thu nhập bình quân của thành viên, người lao động khu vực HTX nông nghiệp đạt từ 0,7 – 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực HTX phi nông nghiệp đạt từ 1,8 – 3 triệu đồng/người/tháng.

Tỷ trọng lúa, gạo, hồ tiêu, rau, quả do các HTX, liên hiệp HTX, Tổ hợp tác (THT) và các thành viên sản xuất chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của cả nước; tỷ trọng các nông sản khác và thuỷ sản chiếm từ 25 – 30%; tỷ trọng sản xuất sản phẩm OCOP chiếm 45%; tỷ trọng dịch vụ vận tải hành khách và hàng hoá chiếm 29%; tỷ trọng bán lẻ hàng hoá tiêu dùng thiết yếu chiếm 28%; tỷ trọng dư nợ tín dụng ở địa bàn nông thôn chiếm 14%; các HTX nông nghiệp vùng biên giới, HTX đánh bắt hải sản còn góp phần tích cực vào bảo vệ chủ quyền đất nước.

Số HTX vùng DTTS&MN hiện chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, chưa kể con số 35 liên hiệp HTX, 61.471 THT; trong đó có hơn 600 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị (chiếm 30% của cả nước). Như vậy có thể khẳng định, các HTX, liên hiệp HTX, THT vùng DTTS&MN đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu phát triển chung của khu vực kinh tế HTX, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

Kinh tế HTX ở vùng DTTS & MN có những đóng góp sau:

Thứ nhất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động

Khu vực kinh tế này thu hút hơn 3,7 triệu thành viên, chiếm 37% tổng số thành viên HTX trên cả nước, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn; tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu lao động. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới ở vùng DTTS&MN đều có THT hoặc HTX hoạt động và đây là thành phần kinh tế có tác động tích cực đến thực hiện tiêu chí thu nhập ở nông thôn.

Thứ hai, thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động

Tham gia THT, HTX, người dân dần loại bỏ những phong tục lạc hậu, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, để tập trung sản xuất ở quy mô lớn hơn, theo tiêu chuẩn cao hơn. Hầu hết người nông dân tham gia vào THT, HTX được đào tạo cách thức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, thực hiện sản xuất gắn với chuỗi giá trị, có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó giảm chi phí sản xuất từ 8 – 15% nhưng lại tăng thu nhập từ 14 – 18%/năm.

Nhà nước còn hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ quản trị và lao động nông thôn có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, kỹ thuật sản xuất, công nghệ… Nhiều HTX có đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ cao, có khả năng quản trị hiệu quả, đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của HTX.

Thứ ba, tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao.

Các HTX đã tích tụ, tập trung được hơn 1 triệu ha đất để sản xuất quy mô lớn, hiệu quả hơn, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Một số tỉnh phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu, điển hình như: Sơn La, Gia Lai, Phú Yên…

Ở nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, HTX là đơn vị chủ trì xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, sắp xếp, bố trí sản xuất cho thành viên… Nhiều HTX đã đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lao động tăng 3 – 5 lần. Một số HTX sử dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại.

Thứ tư, tạo ra liên kết giữa các HTX, giữa HTX với doanh nghiệp để sản xuất gắn với chuỗi giá trị

Nhiều HTX đã liên kết với các tập đoàn kinh tế ứng trước vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi để tạo vùng nguyên liệu tập trung cung ứng cho các nhà máy, cơ sở sản xuất; ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, xử lý môi trường; tiêu thụ sản phẩm, tạo vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp vùng DTTS&MN.

Thứ năm, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Hầu hết các HTX đã trích một phần lãi để xây dựng đường giao thông, điện, kênh mương thuỷ lợi, trường học, nhà trẻ, trạm y tế, nhà văn hoá… Các thành viên HTX đã góp công sức và vật liệu, hỗ trợ phương tiện vận tải, vật liệu để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng ở nông thôn.

Nhiều HTX phát triển sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như các HTX du lịch cộng đồng, du lịch homestay ở Lào Cai, Sơn La… đã kết hợp du lịch với mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống như thuốc tắm truyền thống, thổ cẩm, tinh dầu, vừa mang lại lợi ích kinh tế – xã hội, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống.

Thứ sáu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Các HTX môi trường, HTX nước sạch, HTX y tế, HTX trường học, HTX lâm nghiệp đã góp phần phát triển ngành nghề và dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế của các địa phương, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống của người dân; góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển bền vững… Các HTX thuỷ, hải sản còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta.

Trong một số lĩnh vực, HTX còn tạo thêm nhiều ngành nghề phát triển kinh doanh tổng hợp nhằm giải quyết nhu cầu, lợi ích chính đáng của thành viên và người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động… trên tinh thần hợp tác, tương thân, tương ái, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng DTTS & MN.

CẦN TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC XÃ Ở VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

Theo xu hướng chung, cơ cấu kinh tế của các tỉnh vùng DTTS&MN đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch chậm, lao động chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp theo quy mô hộ gia đình, sản xuất phân tán, kỹ thuật canh tác nhìn chung kém phát triển.

Giá trị sản xuất của các tỉnh vùng DTTS&MN hiện vẫn được cấu thành chủ yếu từ nông, lâm nghiệp. Đó cũng là lý do vì sao 65% số doanh nghiệp, HTX ở vùng DTTS&MN hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản.

Vùng DTTS&MN hiện có gần 3,7 triệu hộ, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước, 86% dân số DTTS sống ở nông thôn. Sinh kế của đồng bào DTTS chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp. Tỷ trọng lao động có việc làm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là 72,3%, cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. 20/53 dân tộc có chỉ tiêu này cao trên 95%.

 Tỷ lệ hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chế biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xuất phát từ những khó khăn về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, trình độ kinh tế – xã hội, dân trí chưa cao… vùng DTTS&MN dù có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn bị hạn chế về khả năng hấp dẫn, thu hút đầu tư của khối doanh nghiệp lớn.

Theo nghiên cứu của TS. Lương Văn Khôi, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội quốc gia, khoảng 98% doanh nghiệp và đầu tư của doanh nghiệp vào vùng DTTS&MN là doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào khu vực I (khu vực bước đầu phát triển), tiếp đến là khu vực II, trong khi rất cần thu hút vào khu vực III (khu vực đặc biệt khó khăn) lại chiếm tỷ lệ rất thấp.

Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Mô hình kinh tế này được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc các thành viên cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.

Tuy nhiên, tỉ trọng các HTX, doanh nghiệp, cơ sở chế biến vùng DTTS&MN so với toàn quốc vẫn còn khiêm tốn (5,9%). Vì vậy, dù đã có những thành quả ban đầu nhưng đóng góp của khu vực HTX, THT chưa cao.

Phát triển kinh tế HTX là nhu cầu khách quan, bởi vùng DTTS&MN có điều kiện về diện tích, khí hậu, thổ nhưỡng… để phát triển nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Vấn đề là diện tích canh tác nông, lâm nghiệp và mặt nước phân bố không đều. Phần lớn hộ dân có diện tích canh tác nhỏ hơn 0,8ha. Chỉ có tổ chức sản xuất theo mô hình THT, HTX thì mới tập trung được ruộng đất, giúp nông dân có điều kiện đảm bảo sản xuất đủ số lượng và chất lượng, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Mặt khác, THT, HTX kiểu mới được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, công bằng, dân chủ, minh bạch sẽ là cầu nối giúp hộ cá thể và người dân huy động các nguồn lực về tài chính, đất đai, nhân lực, khoa học công nghệ, thông tin kinh tế, khả năng tiếp thị, nghiên cứu thị trường… phục vụ cho phát triển. Thúc đẩy HTX phát triển sẽ đóng góp cho phát triển KT – XH vùng DTTS&MN.

Với những đóng góp to lớn đã được khẳng định trong thực tiễn, cộng với dư địa phát triển còn rất rộng thì tập trung phát triển kinh tế HTX tại vùng DTTS&MN là phù hợp với mục tiêu, quan điểm, giải pháp trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 88/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030.

Ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã bỏ phiếu thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, nhưng một số quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2023 nhằm thể chế hóa 8 chính sách tại Nghị quyết 20-NQ/TW.

Trong đó có các chính sách của Nhà nước về phát triển THT, HTX, liên hiệp HTX tại địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện Nghị quyết số 88/QH14 của Quốc hội, trong Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng DTTS&MN đã thiết kế một số tiểu dự án liên quan đến hỗ trợ hoạt động của HTX, nhất là những HTX chế biến nông, lâm sản.

Tại Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN cho phép HTX, liên hiệp HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người DTTS, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại Nghị định này được vay vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay.

HTX, liên hiệp HTX tham gia vào Dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý có thể được vay không vượt quá 45% tổng mức đầu tư dự án và không vượt quá 96 tỷ đồng trong thời hạn tối đa là 10 năm; lãi suất cho vay 3,96%/năm; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người DTTS được vay tối đa là 02 tỷ đồng/khách hàng, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm. Lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Những chính sách tín dụng ưu đãi với cơ chế đặc thù về thủ tục, mức vốn, lãi suất được kỳ vọng là đủ sức hấp dẫn, tạo xung lực mới để HTX, liên hiệp HTX tham gia tích cực vào quá trình khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng DTTS & MN.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, trong những năm gần đây và trong những năm tới, hoạt động của Liên minh HTX sẽ tiếp tục tập trung vào địa bàn vùng DTTS&MN, vì đây là địa bàn tiềm năng để phát triển chuỗi giá trị. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn DTTS&MN khá cao.

Đồng chí Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX sẽ tạo cơ hội về công ăn việc làm, tạo ra những sản phẩm có khối lượng lớn, chất lượng cao, hướng đến thị trường lớn cho vùng đồng bào DTTS; góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh, tri thức vùng DTTS.

Về phía Ủy ban Dân tộc đã giao các Vụ, đơn vị tham mưu hoạt động phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam thực hiện một số nội dung tiểu dự án, dự án về nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng DTTS&MN…

Trần Quỳnh – Phương Liên

Đổi mới, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua

Sáng ngày 11/9, tại trụ sở cơ quan Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Đại hội Đại biểu Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra, với sự tham dự của 150 đại biểu.

Đại biểu thực hiện nghi lễ Chào cờ tại Đại hội

Đến tham dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Đông, Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn viên chức Việt Nam; đồng chí Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đồng chí Phạm Công Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đồng chí Phùng Khánh Toản, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tuyên truyền, Chủ tịch Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; các đồng chí: đại diện Thường vụ và Tổ công tác Công tác Viên chức Việt Nam, Trưởng các ban, đơn vị Trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa VIII và 150 đại biểu chính thức đại diện cho 19 công đoàn trực thuộc.

Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028

Trong nhiệm kỳ 2015 – 2023, một thời gian dài đại dịch Covid – 19 bùng phát làm ảnh hưởng đến mọi mặt của hoạt động kinh tế – xã hội, sức khỏe – đời sống, tinh thần – vật chất của người dân, trong đó có cán bộ, đoàn viên, người lao động Công đoàn Liên minh HTX Việt Nam. Bên cạnh đó, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, trong đó kinh tế tập thể (KTTT) được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, vì vậy nhiệm vụ chính trị của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam ngày càng nhiều, áp lực công việc ngày càng cao, song dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn, Đảng ủy cơ quan, sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, sự chỉ đạo thường xuyên của Công đoàn Viên chức Việt Nam, Ban Chấp hành Công đoàn Liên minh HTX Việt Nam cùng với các cán bộ, người lao động và đoàn viên Công đoàn Liên minh HTX Việt Nam đã phát huy truyền thống tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt huyết với phong trào phát triển KTTT, HTX, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, nhiều giải pháp chăm lo thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, dân chủ, cùng phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Đồng chí Phùng Khánh Toản, Chủ tịch Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2023 phát biểu tại Đại hội

Theo báo cáo tại Đại hội, tính đến tháng 6 năm 2023, Công đoàn Liên minh HTX Việt Nam có 384 đoàn viên trong tổng số 430 cán bộ, người lao động của 15 công đoàn bộ phận và 4 công đoàn cơ sở thành viên thuộc khối văn phòng, các ban, đơn vị tham mưu và đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam (Cơ quan). Trong đó, đoàn viên có trình độ cử nhân là 175 người, chiếm 45,6%; đoàn viên có trình độ thạc sỹ là 151 người, chiếm 39,3%; đoàn viên có trình độ tiến sỹ là 14 người, chiếm 3,65% và có 01 đoàn viên nữ là Phó Giáo sư. Trong tổng số đoàn viên Công đoàn cơ quan có 220 đoàn viên nữ chiếm 57,3% và có 64 chị làm công tác lãnh đạo chiếm 29,1% trên tổng số đoàn viên nữ. Các đoàn viên Công đoàn cơ quan hầu hết được đào tạo cơ bản, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, hăng hái tích cực chủ động học tập nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nhằm đảm bảo hoàn thành tốt công việc được giao.

Trong nhiệm kỳ 2015-2023, công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật; kiểm tra, giám sát, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, người lao động; Công tác chăm lo cho cán bộ, đoàn viên, người lao động và hoạt động xã hội tình nghĩa; Công tác đổi mới nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền, giáo dục, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động trong sạch, vững mạnh; Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong cán bộ, đoàn viên, người lao động; Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng; Công tác nữ công; Công tác kiểm tra, giám sát; …

Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn viên chức Việt Nam phát biểu tại Đại hội

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Phạm Công Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh Đại hội lần này có nhiệm vụ thảo luận, thông qua các báo cáo của ban chấp hành nhiệm kỳ qua; quyết định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới của Công đoàn Liên minh; bầu Ban chấp hành công đoàn khóa IX nhiệm kỳ 2023-2028 gồm những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đủ sức mạnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, đủ sức lãnh đạo hoàn thành những nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong những năm tới; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI.

Cùng với quá trình phát triển của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã không ngừng phát triển, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của minh. Là tổ chức chính trị – xã hội của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động, trong nhiệm kỳ vừa qua, tổ chức công đoàn và đoàn viên, cán bộ, viên chức, người lao động Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ chức công đoàn, bám sát định hướng của công đoàn cấp trên, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp tốt với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong phong trào và hoạt động Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Đồng chí Phạm Công Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Đại hội

Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đưa ra các chỉ tiêu cho nhiệm kỳ 2023-2028 như: 100% cán bộ, đoàn viên, người lao động được học tập, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết và chủ trương của tổ chức Công đoàn; 100% Công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam, Công đoàn Liên minh HTX Việt Nam và của cơ quan, đơn vị phát động; 90% Công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên trở lên là tập thể công đoàn xuất sắc, không có tập thể công đoàn không hoàn thành  nhiệm vụ; 100% đoàn viên công đoàn là đoàn viên công đoàn xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có đoàn viên không hoàn thành nhiệm vụ; 95% nữ cán bộ, đoàn viên, lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp; Hằng năm, Công đoàn Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với lãnh đạo cơ quan tổ chức thành công Hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động và phối hợp triển khai, giám sát thực hiện toàn diện nội dung Nghị quyết hội nghị; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đoàn viên, người lao động, phấn đấu năm sau cao hơn năm trước; Phấn đấu trong nhiệm kỳ tổ chức ít nhất 02 Hội nghị tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác Công đoàn và nữ công cho cán bộ công đoàn các cấp; hàng năm, phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức các giải thể thao nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước, ngày Hợp tác xã Việt Nam 11/4, ngày thành lập Liên minh HTX Việt Nam 29/10; Trong nhiệm kỳ,  giới thiệu từ 20 đến 30 đoàn viên công đoàn ưu tú cho tổ chức Đảng để xem xét kết nạp; Phấn đấu mỗi năm tổ chức ít nhất 01 chương trình ủng hộ người nghèo, gia đình gặp khó khăn, các hoạt động thiện nguyện…; Thực hiện đầy đủ việc trích nộp kinh phí và đoàn phí công đoàn, thu đúng, thu đủ theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ít nhất 50% công đoàn các cấp được kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ…

Đại hội biểu quyết danh sách đề cử Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028

Bên cạnh đó, Đại hội cũng đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho nhiệm kỳ 2023-2028 là: Tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu, nghiên cứu xây dựng văn bản, chính sách, pháp luật có liên quan và các quy chế, quy định; thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, đoàn viên, người lao động; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục góp phần nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ; Đổi mới, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua; đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt công tác tài chính – công đoàn; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Ban Chấp hành Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt Đại hội

Đại hội đã bầu danh sách bầu cử Ban Chấp hành Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Khóa IX, nhiệm kỳ 2023 – 2028 gồm 11 đồng chí; bầu 4 đại biểu chính thức, 1 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội Công đoàn Đại hội công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI.

Công đoàn viên chức Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Đại hội chia tay các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 2015 – 2023

Đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028

Đồng chí Phạm Minh Điển, Trưởng Ban Kế hoạch Hỗ trợ, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 phát biểu tại Đại hội

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hảo, Ban thư ký Đại hội đọc dự thảo Nghị quyết Đại hội Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028

Quang Trung – Quỳnh Trang

Ảnh: Lê Huy

Viện KHCN & MT tổ chức Tập huấn nâng cao kỹ năng chuyển đổi số trong hoạt động SXKD & Tiêu thụ sản phẩm HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Lai Châu

Ngày 19/8 đến ngày 21/8/2023, Viện khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lai Châu và Hội nông dân tỉnh tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chuyển đổi số trong hoạt động SXKD & Tiêu thị sản phẩm HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tham gia lớp tập huấn có hơn 60 học viên là Chủ tịch, giám đốc các hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện được triển khai tập huấn năm 2023.

Trong thời gian 03 ngày, các học viên được giảng viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trực tiếp là Trung tâm Khoa học công nghệ và Kinh tế số – Vietpro hướng dẫn các kỹ năng tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, …Từ đó vận dụng vào tổ chức hoạt động, sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã trong giai đoạn mới.

Lớp Tập huấn là một trong các nội dung nằm trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế – Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 do Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt nam thực hiện.

Một số hình ảnh của lớp tập huấn:

Đại diện Hợp tác xã Dương Yến chia sẻ kinh nghiệm. (Ảnh:Bảo bảo)

Quang cảnh lớp tập huấn. (Ảnh:Bảo bảo)

Bảo Bảo – VietPro

Tập huấn Mô hình HTX lâm nghiệp phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ rừng cho các HTX tỉnh Cà Mau.

Rừng ngập mặn là một hệ sinh thái đặc biệt, có giá trị cao cả về môi trường và kinh tế mà thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam. Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, hấp thụ CO2 từ khí quyển, tích lũy carbon, chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm đặc biệt là trong tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra ngày càng nghiêm trọng như hiện nay. Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng ngập mặn với tổng diện tích trên 63.000 ha. Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường khu vực ven biển.

Thuộc khuôn khổ của nhiệm vụ bảo vệ môi trường “Đánh giá hiện trạng ô nhiễm rừng ngập mặn sản xuất và đề xuất giải pháp xây dựng, phát triển mô hình HTX lâm nghiệp bền vững, chống biến đổi khí hậu”, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Cà Mau tổ chức lớp tập huấn Mô hình HTX phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ rừng ngập mặn cho các HTX nông nghiệp, thủy sản gần hoặc trong rừng ngập mặn của tỉnh Cà Mautrong hai ngày 15-16/8/2023 tại thành phố Cà Mau. Tham dự lớp tập huấn có đại diện Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, 50 học viên là giám đốc, thành viên các HTX trên địa bàn tỉnh và đại diện ban chủ nhiệm nhiệm vụ.

Ông Trần Quốc Hương – phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Trần Quốc Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ HTX Doanh nghiệp vừa và nhỏ – Liên minh HTX tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có HTX lâm nghiệp mà chỉ có mô hình HTX nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cũng đang phát triển dựa vào rừng ngập mặn và các lợi ích của rừng ngập mặn. Do đó, lớp tập huấn sẽ cung cấp các thông tin, kiến thức hữu ích cho các học viên về tiềm năng, vai trò và chức năng của rừng ngập mặn, cũng như các gợi ý về việc thành lập mô hình HTX lâm nghiệp phát triển dựa vào rừng ngập mặn. Đây không chỉ là mô hình HTX có tính khả thi về kinh tế mà còn rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường và tương trợ xã hội”.

Thạc sỹ Vũ Thị Thuận, Chủ nhiệm nhiệm vụ đang trao đổi với các học viên

Tại lớp tập huấn, giảng viên đã chia sẻ kiến thức cơ bản về các giải pháp quản lý, khai thác rừng ngập mặn, các giải pháp quản lý bền vững trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Giảng viên cùng học viên đã trao đổi, thảo luận rất sôi nổi về các kiến thức, các tình huống thực tế trong khai thác, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn cũng như công tác bảo vệ môi trường nói chung trong thực tiễn sản xuất của các HTX.

INOSTE

Tập huấn “Ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây lúa”

Ngày 18/7, Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) tổ chức lớp tập huấn “Ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây lúa” cho 260 học viên là cán bộ quản lý và thành viên của HTX nông nghiệp Hùng Việt, HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Hùng Việt (Cẩm Khê); HTX nông nghiệp Cao Xá, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại (Lâm Thao).

 Tại lớp tập huấn, giảng viên là chuyên gia từ Viện KHCN&MT trao đổi về sự cần thiết, lợi ích có được của người sản xuất, người tiêu dùng khi áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất; các yêu cầu cần tuân thủ đối với người lao động, cơ sở vật chất, giống, đất, nước, thuốc BVTV, phân bón, rác thải … trong quá trình sản xuất. Quy trình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP được đảm bảo từ nguồn nguyên liệu đầu vào, khâu chăm sóc đến thu hoạch, cung ứng ra thị trường được quản lý chặt chẽ, minh bạch và sự an toàn cho sản phẩm lúa gạo. Việc thực hiện quy trình trồng lúa theo đúng tiêu chuẩn VietGAP giúp các HTX dễ dàng mở rộng thị trường, nâng cao giá trị và chất lượng lúa gạo trong nước. Đồng thời, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng cũng như trong việc liên kết sản xuất.

Tại lớp tập huấn, giảng viên đã đưa ra những vướng mắc thường gặp, cách xử lý trong quá trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn chi tiết cách ghi chép sổ nhật ký sản xuất gồm: theo dõi nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Các học viên được thực hành ghi sổ nhật ký quy trình sản xuất lúa của chính mình và nhận được sự tham gia góp ý của các thành viên trong lớp và giảng viên.

Các chuyên gia của Viện KHCN&MT cũng đã tiến hành lấy mẫu đất, nước tại khu vực sản xuất lúa của HTX nông nghiệp Hùng Việt, HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Hùng Việt (Cẩm Khê); HTX nông nghiệp Cao Xá, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại (Lâm Thao) để kiểm nghiệm, đánh giá hàm lượng kim loại nặng đối với tầng đất, mặt đất nông nghiệp và chất lượng nước mặt phục vụ tưới tiêu trong sản xuất lúa. Đây là điều kiệu làm hồ sơ cấp chứng nhận vietGAP cho vùng sản xuất của các HTX.

Trong chương trình tập huấn, đại diện HTX mì gạo Hùng Lô (TP.Việt Trì) cũng có những trao đổi về nhu cầu thu mua gạo an toàn làm nguyên liệu sản xuất mì và cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm gạo của các hộ thành viên HTX nếu các thành viên thực hiện đúng theo quy trình sản xuất VietGAP và đảm bảo chất lượng gạo an toàn. Chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo giúp các thành viên HTX có đầu ra ổn định, yên tâm sản xuất. Đồng thời là điều kiện HTX mì gạo Hùng Lô, có vùng nguyên liệu an toàn từ địa phương, hỗ trợ HTX trong quá trình lập hồ sơ đánh giá và phân loại sản phẩm OCOP 5 sao.

Kết thúc lớp tập huấn, hầu hết các học viên đều nắm được sự cần thiết và quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, phương pháp ghi sổ nhật ký sản xuất. Đây là nội dung rất thiết thực và cần thiết giúp cho các HTX nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; kiểm soát tốt các yếu tố gây ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV; dần thay đổi nhận thức, thói quen, biết cách sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao trình độ thâm canh lúa, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 Lê Thị Thu Trang
Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ
Nguồn: VCA

Tổ chức tuyên truyền, triển khai sâu rộng về Luật HTX 2023 đến từng thành viên

Thực hiện điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ngày 20/7 tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã diễn ra Hội nghị Ban thường vụ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ 10 khóa VI nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Các đồng chí là Uỷ viên Ban Thường vụ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khoá VI nhiệm kỳ 2020 – 2025; Lãnh đạo một số Ban, Đơn vị trực thuộc được phân công chủ trì xây dựng báo cáo, tài liệu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết Hội nghị Ban Thường vụ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ 9, khoá VI sẽ tập trung thảo luận một số nội dung quan trọng như: Báo cáo tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác (HTX) xã 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023; Báo cáo tình hình hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; Báo cáo tình hình và kết quả tham gia Dự án Luật HTX (sửa đổi), những điểm mới và Đề xuất nội dung triển khai, thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2023; Báo cáo và Kế hoạch công bố kết quả khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của HTX đối với cấp ủy, chính quyền địa phương năm 2022; Báo cáo tình hình tổ chức thực hiện các hoạt động Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (29/10/1993 – 29/10/2023); Kế hoạch tuyên truyền Luật Hợp tác xã 2023; Báo cáo tình hình triển khai các dự án đầu tư công trung hạn và Dự án “Trung tâm giới thiệu sản phẩm ngành nghề truyền thống và dịch vụ kinh tế hợp tác, HTX”;…

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo chủ trì Hội nghị

Theo Báo cáo Tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn như lạm phát toàn cầu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. GDP 6 tháng đầu năm 2023 cả nước tăng 3,72% , trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%. Kinh tế trong nước nói chung, kinh tế tập thể có nhiều biến động và thách thức, tăng trưởng thấp.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước thành lập mới 1.032 HTX (61/63 tỉnh trên cả nước có HTX được thành lập mới ; đạt 51,6% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023); tổng số HTX trên cả nước là 30.425 HTX (tăng 2.204 HTX so với cùng kỳ năm 2022) thu hút trên 6,93 triệu thành viên (tăng 30.770 thành viên so với cùng kỳ năm 2022) và 2,58 triệu lao động (tăng 48.348 lao động so với cùng kỳ năm 2022).

Về Tổ hợp tác (THT) và Liên hiệp Hợp tác xã (LHHTX), tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 120.983 tổ hợp tác (trong đó có 76.456 THT nông nghiệp và 44.497 THT phi nông nghiệp) và 133 Liên hiệp Hợp tác xã (tăng 13 LHHTX so với cùng kỳ năm 2022).

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ tham dự Hội nghị

Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm các HTX, LHHTX, THT thành lập mới ở tất cả các tỉnh, thành phố và tốc độ thành lập mới quý II tăng hơn quý I , một số nơi vượt chỉ tiêu đề ra; một số tăng quy mô tài sản, nguồn vốn và mở rộng phạm vi hoạt động. Tỷ lệ cao THT, HTX, LHHTX nông, lâm nghiệp, thủy sản  trong xu hướng phát triển của cả nước đẩy mạnh phát triển, liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm, ổn định sản xuất đối với hợp tác xã và thu nhập cho thành viên; đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với những hoạt động của khu vực kinh tế tập thể 6 tháng đầu năm, Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực bám sát các nội dung, tập trung thực hiện có kết quả các nhiệm vụ công tác như: Chủ động tham mưu, đề xuất triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về kinh tế tập thể và các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX; Tích cực chủ động tham mưu xây dựng Luật Hợp tác xã và hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển; Chủ động triển khai, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành, địa phương các đề án, dự án, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, HTX; triển khai thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ HTX; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin gắn với phong trào thi đua Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (29/10/1993 – 29/10/2023) và đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX; Đẩy mạnh tư vấn hỗ trợ, cung ứng dịch vụ nhất là tiêu thụ sản phẩm cho thành viên;…

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ tham dự Hội nghị

Trong 6 tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 09/NQ-CP về phát triển kinh tế tập thể, HTX và Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX; triển khai Chương trình tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, Đề án thí điểm thành lập Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đề án thành lập hoặc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã.

Tổ chức tuyên truyền, triển khai sâu rộng về Luật Hợp tác xã; xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, biên soạn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn, cẩm nang về Luật Hợp tác xã; tổ chức thi tìm hiểu về Luật HTX; chủ động phối hợp tham mưu xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã; tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã; đẩy mạnh tiến độ triển khai Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam theo Nghị quyết 06/NQ-LMHTXVN ngày 06/01/2023 của Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; huy động các nguồn lực thực hiện tư vấn, hỗ trợ HTX, LHHTX và phát triển thành viên; phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại, kết hợp xúc tiến đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị, chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả cho HTX, LHHTX, THT giai đoạn 2023-2025; tham gia thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, chương trình, nhiệm vụ về phát triển kinh tế tập thể, HTX được Chính phủ giao.

Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về phát triển KTTT, HTX; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Liên minh HTX Việt Nam.

Tổ chức thực hiện kịp thời và hiệu quả Kế hoạch Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (29/10/1993 – 29/10/2023) và các phong trào thi đua hướng vào thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX

Tại Hội nghị, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được cũng như những cố gắng, đóng góp của toàn thể cán bộ, nhân viên hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023. Những ý kiến đóng góp của các Uỷ viên Ban Thường vụ tại Hội nghị đều được tiếp thu, tổng hợp để bổ sung trình tại Hội nghị Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần tới.

Lê Huy

Nguồn: VCA

Đoàn thanh niên Liên minh Hợp tác xã Việt Nam dâng hương và tặng quà tại tỉnh Phú Thọ

Ngày 21/7, Đoàn Thanh niên Liên minh HTX Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, Đoàn Thanh niên Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ tổ chức dâng hương tại Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ tính Phú Thọ; thăm hỏi, tặng quà cho 09 Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX là đối tượng thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ, gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thăm quan, học tập, tuyên truyền về mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả tại HTX Mỳ gạo Hùng Lô.

Đoàn công tác dâng hương tại Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ tính Phú Thọ

Tham dự chương trình có đồng chí Phùng Khánh Toản – Giám đốc Trung tâm Thông tin Tuyên truyền, Chủ tịch Công đoàn Liên minh HTX Việt Nam, đồng chí Nguyễn Quyết Chiến – Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đồng chí Nguyễn Quốc Dũng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ, đồng chí Nguyễn Duy Việt – Bí thư Đoàn Liên minh HTX Việt Nam, đồng chí Trần Xuân Bách – Bí thư Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Lê Thị Thuỷ – Bí thư Đoàn Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cùng các đoàn viên, cán bộ các cơ quan, đơn vị.

Trong những năm qua, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam luôn cố gắng thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, trách nhiệm và tình nghĩa. Với chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo đến cán bộ, thành viên, người lao động trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là thương binh, bệnh binh, bị nhiễm chất độc hóa học, là con liệt sĩ, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; luôn động viên họ với ý chí tự lực, tự cường vượt lên trên hoàn cảnh, thương tật hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực và trí tuệ trong lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, xây dựng quê hương, đất nước, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo.

Một số hình ảnh của đoàn công tác tại Phú Thọ:

Đoàn công tác dâng hương tại Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ tính Phú Thọ

Đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà cho 09 Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX là đối tượng thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ, gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Đoàn công tác thăm HTX Mỳ gạo Hùng Lô

Đoàn công tác tặng quà lưu niệm cho HTX Mỳ gạo Hùng Lô

Đoàn thanh niên 3 cơ quan chụp ảnh lưu niệm tại HTX Mỳ gạo Hùng Lô

Đoàn công tác tặng quà lưu niệm cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ

Lê Huy

Nguồn: VCA

5 NHÓM CHÍNH SÁCH MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2023

Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, với 94,33% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Việc Luật Hợp tác xã được sửa đổi, bổ sung toàn diện đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các tổ hợp tác, hơp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia vào nền kinh tế – xã hội trong nước và hội nhập quốc tế… Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu 5 nhóm chính sách mới nổi bật của Luật Hợp tác xã năm 2023:

Trọng Quỳnh

Nguồn: quochoi.vn

Thúc đẩy mô hình nông lâm kết hợp ứng phó với biến đổi khí hậu

Sáng 3/7, tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đã có buổi làm việc với đoàn Tổ chức Phát triển Hợp tác xã Hà Lan (Agriterra), Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu của Robobank (Acorn) và Tổ chức hợp tác rừng Châu Á (AfoCo) về Chương trình thúc đẩy mô hình nông lâm kết hợp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có ông Harm Haverkort, Quản lý chung Chương trình Acorn Châu Á –  Thái Bình Dương; ông Sungho Choi, Quản lý Chương trình AfoCo; bà Lê Thị Thu Hiền, Trưởng đại diện Agriterra Việt Nam; ông Lê Tuấn An, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Phát biểu tại buổi làm việc Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Việt Nam cũng như năng nhiệm, nhiệm vụ và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại buổi làm việc

Đồng thời đánh giá cao những đóng góp của Agriterra với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ mong muốn Agriterra cùng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ có nhiều chương trình hợp tác hơn nữa, qua đó tiếp tục giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có những đóng góp lớn hơn cho sự phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Ông Harm Haverkort Quản lý chung Chương trình Acorn Châu Á –  Thái Bình Dương giới thiệu về Chương trình thúc đẩy mô hình nông lâm kết hợp

Giới thiệu về Chương trình thúc đẩy mô hình nông lâm kết hợp, ông Harm Haverkort cho biết Chương trình Chương trình thúc đẩy mô hình nông lâm kết hợp nhằm mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu của ngân hàng Rabobank (Acorn) phối hợp với Agriterra đang xây dựng đề xuất hợp tác đa phương và tham vấn các bên nhằm giới thiệu và tìm kiếm cơ hội hợp tác thúc đẩy quản lý rừng bền vững và tạo tác động tích cực trong ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Acorn và Agriterra tại Việt Nam mong muốn được hợp tác với VCA về tiềm năng tham gia của các hợp tác xã và thành viên vào Chương trình này.

Ông Sungho Choi, Quản lý Chương trình AfoCo

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá cao tính khả thi của Chương trình và cho rằng đây là một Chương trình hết sức có ý nghĩa đối với người nông dân Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu quản lý rừng bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị các bên cử đầu mối phối hợp để cùng lên kế hoạch triển khai các đầu công việc, qua đó đạt được những thỏa thuận, hợp tác sớm đưa chương trình vào thực tiễn trong thời gian tới.

Lãnh đạo ba cơ quan chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc

 Lê Huy
Nguồn: VCA