Thiếu đất làm trụ sở, nhất là thiếu đất để sản xuất, kinh doanh đang là những rào cản lớn hạn chế sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của các HTX.
Trước những khó khăn mà các HTX đang gặp phải, Liên minh HTX Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có giải pháp cụ thể để tháo gỡ, qua đó tạo điều kiện để các HTX phát triển cả lượng và chất, góp phần tích cực vào việc thu hút thành viên, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội (KT-XH), xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Chính sách cần đi vào cuộc sống
Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, HTX cho thấy trong giai đoạn 2002 – 2012 (thời gian thi hành Luật HTX 2003), tính đến 31/12/2011 chỉ có 1.588 HTX (8,1%) trong tổng số HTX được hỗ trợ giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích đất được giao khoảng 1.752 ha; 901 HTX (4,6%) được thuê đất với diện tích 10.305 ha; 87 HTX (4,5%) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 648 ha.
Giai đoạn 2013 – 2018, sau khi Luật HTX 2012 được ban hành, triển khai Nghị quyết số 30- NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, Quyết định 686/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước… Theo đó, đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh (SX-KD), trong đó có đất sử dụng vào mục đích SX-KD của HTX được Nhà nước cho thuê đất và được ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất nếu đầu tư vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư… Trong giai đoạn này, cả nước có 2.044 HTX được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích là 12.676 ha.
Mặc dù đã có những quy định ưu đãi về đất đai đối với các HTX, nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn. Số HTX được hưởng thụ chính sách này không nhiều do quỹ đất công hiện nay hạn chế, chỉ chiếm khoảng 14% tổng số HTX nông nghiệp. Một số địa phương có quỹ đất công nhưng chưa tạo điều kiện hỗ trợ HTX. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) còn vướng mắc do một số nguyên nhân như quy định về quyền thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất theo quy định Luật Đất đai 2013 vẫn còn thiếu linh hoạt trong việc hỗ trợ tài chính cho HTX khi thế chấp tại tổ chức tín dụng…
Nhu cầu về đất đai để xây dựng trụ sở, để mở rộng diện tích SX-KD là kiến nghị của nhiều đại diện HTX. Ông Nguyễn Phi Đức – Chủ tịch HĐQT HTX Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội), cho biết hiện nay chưa có nhiều HTX được giao đất, nhiều HTX nông nghiệp chuyển đổi đã có đất nhưng chưa được giao đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Để HTX hoạt động hiệu quả cần quan tâm tới đất đai để HTX xây dựng trụ sở, nơi SX-KD.
“Đề nghị Chính phủ giao các địa phương chủ động cân đối quỹ đất để giao cho các HTX thuê, tập trung tháo gỡ khó khăn bằng những cơ chế đặc thù giúp các HTX hoàn thành thủ tục được giao đất, thuê đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ”, ông Đức kiến nghị.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường: Cần tháo gỡ chính sách về đất đai để HTX phát triển
Tạo điều kiện để HTX phát triển
Nghị định 46/2014/ NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với HTX nông nghiệp đến hết năm 2020, trong đó HTX thuê đất để sử dụng làm trụ sở, cơ sở SX-KD được giảm 50% tiền thuê đất, nhưng chỉ đối với các dự án mới còn dự án cũ đều không được giảm. Do vậy, nhiều HTX kiến nghị Chính phủ quy định giảm 50% tiền thuê đất hằng năm cho tất cả các HTX nông nghiệp bất kể là dự án thuê đất mới hay là đất đã được giao trước đây. Đồng thời cũng nên sửa Luật HTX 2012 để quy định tỷ lệ giảm tiền thuê đất cho các HTX phi nông nghiệp để bảo đảm môi trường được ưu đãi cho HTX nói chung.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho rằng những khó khăn về đất đai đã và đang hạn chế sự phát triển của các HTX cả về số lượng và chất lượng. “Đất đai không chỉ để các HTX xây dựng trụ sở làm việc, nhà chứa, kho chứa, mà còn là tư liệu sản xuất để mở rộng SX-KD, thu hút thành viên, tạo việc làm nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và nông thôn, qua đó góp phần vào phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới. Thiếu đất, HTX khó phát triển quy mô lớn, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, dẫn đến hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Do vậy rất mong Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm, hỗ trợ đất đai cho các HTX”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường kiến nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ còn vướng mắc do quy định về quyền thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất theo quy định Luật Đất đai 2013 vẫn còn thiếu linh hoạt trong việc hỗ trợ tài chính cho HTX khi thế chấp tại tổ chức tín dụng. Nhiều HTX hiện đang quản lý, sử dụng đất không có giấy tờ pháp lý về đất đai. Có trường hợp không ít HTX chỉ tồn tại trên danh nghĩa, không có hoạt động SX-KD, hoặc không đăng ký kinh doanh, hoặc có quy mô quá nhỏ, đang quản lý đất đai, nhưng khó xử lý, thu hồi. Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng còn những bất cập nhất định, gây khó khăn cho các HTX.
“Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Luật Đất đai và các quy định của pháp luật liên quan phù hợp với tính chất, quy mô, hình thức hoạt động theo hướng ưu đãi hơn hiện nay cho các HTX, đồng thời sẽ sớm trình Chính phủ xem xét để đưa ra trình Quốc hội”, ông Võ Thành Thống cho biết.
Theo Phạm Duy/ Tạp chí Kinh doanh