Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm là 6 từ khóa quyết định chiến lược nông nghiệp dài hạn.
Ngày 28/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động”. Khách mời có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Nhỏ nhưng không lẻ
Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kết quả chung đó, nông nghiệp có đóng góp lớn, thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Riêng trong quý III, khi dịch COVID-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện khác sau đại dịch, đó là đánh giá nền kinh tế và doanh nghiệp dựa trên sự lan toả, chiều sâu.
“Có thể quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sẽ có sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân và kết nối trở thành sức mạnh. Chính vì vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đêm lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải một nhóm người”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Theo Bộ trưởng, mặc dù Việt Nam đang ở giai đoạn chống chọi với dịch bệnh, ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp còn nhiều khó khăn như chi phí đầu vào cao, những biến cố thị trường, đứt gãy logistic cung ứng thế giới… Tuy nhiên niềm tin của chúng ta là dư địa nông nghiệp vẫn còn rất lớn.
Bộ NN-PTNT tự tin sẽ đạt được kế hoạch đặt ra là 42,5 tỷ USD. Chính phủ mở cửa nền kinh tế, phục hồi phát triển có thể gặp một vài khó khăn khi dịch bùng phát tại một số địa phương, tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt, sự chủ động của các địa phương sẽ là điểm tựa cho các doanh nghiệp xuất khẩu tái khởi động lại.
Trong bối cảnh đó, những bước đi của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2021-2025 với tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nông nghiệp không phải quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, tăng ngành này giảm ngành kia mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Tư duy đó bắt đầu được khơi thông.
“Đã đến lúc phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỷ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Nhìn nông nghiệp không phải kỹ thuật, sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà phải tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội…
Bởi vì đã có những nghiên cứu văn hóa, xã hội cũng là nguồn lực. Văn hóa, xã hội nông thôn, tri thức hóa người nông dân tạo ra cộng đồng nông dân năng động ở địa phương sẽ trở thành nguồn lực tinh thần hợp tác của người nông dân với nhau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta thường nói nông nghiệp là phải sản xuất quy mô lớn nhưng bây giờ điều đó cũng chưa chắc. Nhất là sau những tác động của đại dịch COVID-19 như vừa rồi. Công nghiệp, đô thị đã phải chia nhỏ và nông nghiệp cũng vậy. Cần có sự thay đổi để thích ứng với đại dịch. Tất nhiên là phải sản xuất lớn, nhưng chúng ta không tuyệt đối hóa mô hình nào. Nhiều khi chúng ta chạy theo cái này mà bỏ cái kia. Nông nghiệp phải biết tích hợp giá trị, cần tích hợp giá trị cho sản xuất nhỏ. Bởi vì nếu chỉ nhìn vào một giá trị mà quên đi những giá trị còn lại thì biết đâu trong đó lại có cơ hội hơn.
Chung quan điểm này, theo ông Vũ Tiến Lộc, hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ. Phải tích tụ, tập trung sản xuất thành những chuỗi lớn, nhưng đồng thời cũng không thể xóa đi vai trò của những hộ kinh doanh nhỏ.
“Nhỏ nhưng không lẻ mà phải liên kết lại với nhau. Làm sao nhỏ nhưng phải kết nối lại theo chuỗi, như những giọt nước kết nối với nhau thành biển cả”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Lần đầu tiên nông nghiệp Việt Nam có chiến lược dài hạn
Khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan đã nhiều lần xin Chính phủ thí điểm Tái cơ cấu nông nghiệp. Sau thời gian dài đồng hành với người nông dân, đồng hành với doanh nghiệp đã đúc rút được 6 từ khóa mà hiện tại Bộ NN-PTNT đang chuyển hóa vào chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030.
Đó sẽ là lần đầu tiên nền nông nghiệp Việt Nam có một chiến lược dài hạn thay vì kế hoạch sản xuất hàng năm, kế hoạch 5 năm như từ trước đến giờ. Chiến lược đó phải định vị lại để có chiến lược, để biết người biết ta, biết được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình để tránh rơi vào những cái bẫy, tránh những lời nguyền của nông nghiệp là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
3 từ khóa đầu là hợp tác, liên kết, thị trường. Dứt khoát những người sản xuất phải hợp tác với nhau chứ không thể 18,5 triệu hộ nông dân cứ ruộng nhà ai nấy làm, vườn nhà ai nấy làm, đèn nhà ai nấy sáng được. Đó là cái bẫy chết người nếu không có sự hợp tác.
Thứ hai là phải liên kết để tạo thành chuỗi giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.
Thứ ba, dù hợp tác hay liên kết, sản xuất hay kinh doanh nông sản thì thị trường mới là yếu tố quyết định, chúng ta bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái chúng ta có.
3 từ khóa tiếp theo là giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm hay chế biến. Tổng cộng cả 6 từ khóa này cộng với các mô hình nông nghiệp mới sẽ nằm trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững.
“Nền nông nghiệp chúng ta đang đứng trước 3 chữ biến. Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Xu thế của thế giới đã tiến tới nông nghiệp 4.0, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ… và tiêu dùng xanh sẽ dần chi phối thị trường nông sản. Những yếu tố đó sẽ xoay trục toàn bộ nền nông nghiệp, chúng ta buộc phải thay đổi để đi theo, nếu không sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Nông dân phải chuyên nghiệp
Một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp được đưa ra bàn thảo tại tọa đàm là vai trò của hợp tác xã trong 6 từ khóa mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập.
Theo Bộ trưởng, hợp tác xã là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp và chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.
“Hợp tác xã khi quần tụ với nhau sẽ trở thành kinh tế tập thể và Nhà nước có các chính sách hỗ trợ thông qua đó chứ không phải từng hộ nhỏ lẻ. Tôi tin rằng đến một ngày nào đó hợp tác xã sẽ ngồi ngang hàng với các doanh nghiệp để đàm phán những vấn đề liên kết. Và tôi cũng mong muốn truyền thông đừng đẩy người nông dân ở các hợp tác xã và các doanh nghiệp thành hai chiến tuyến. Sự hợp tác của người nông dân thông qua hợp tác xã sẽ trở thành một bi kịch nếu hai bên xem nhau là đối trọng chứ không phải đối tác của nhau và lúc đó chữ hợp tác, liên kết sẽ không tồn tại”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ.
Và cuối cùng, cả Bộ trưởng Lê Minh Hoan và ông Vũ Tiến Lộc thống nhất, dù thế nào đi nữa thì người nông dân cũng phải chuyên nghiệp lên, phải thay đổi suy nghĩ của người nông dân để góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, nếu nông nghiệp không chuyên nghiệp thì sẽ để lại hệ lụy rất lớn: Quốc hội đang bàn Luật Bảo hiểm, trong đó có đặt vấn đề bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên sẽ không thể nào áp dụng được bảo hiểm nông nghiệp nếu nền nông nghiệp, người nông dân không chuyên nghiệp. Đừng để người nông dân trong một ốc đảo tri thức. Ở nước ngoài, người dân nói chuyện như một nhà khoa học, không ai biết họ là nông dân. Vì vậy, không có con đường nào khác là phải chuyên nghiệp.
Nguồn: nongnghiep.vn