Để HTX không còn gặp ‘hạn hán’ trên cánh đồng chuyển đổi số

Các HTX hiện nay hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nên việc chuyển đổi số cần phù hợp với lĩnh vực này thay vì áp đặt những mô hình chuyển đổi số ở những lĩnh vực khác vào ngành nông nghiệp khiến HTX dở dang trên con đường ứng dụng công nghệ.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số.

HTX chưa là trung tâm chuyển đổi số?

Tuy nhiên theo các HTX, nhiều ứng dụng, công nghệ hiện nay chưa thực sự hướng đến người nông dân nên chưa tạo ra được ứng dụng rộng khắp trong nông nghiệp. Lấy ví dụ về vấn đề này, ông Trần Quang Võ, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Sơn Lâm (Tuyên Quang) cho rằng, trong chăn nuôi hiện rất có rất nhiều ứng dụng như: Pigmania (Australia), Porcitec (Tây Ban Nha), Vietpig (Viện Chăn nuôi)…

Tuy mỗi phần mềm có một ưu điểm nhưng theo ông Võ, các ứng dụng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về quản lý giống tại các HTX nên gây nhiều khó khăn cho thành viên khi ứng dụng. Có phần mềm không cho dùng thử, phải mất thêm phí khi đồng bộ hóa với các thiết bị khác, có phần mềm đưa ra các yêu cầu quản lý quá rườm rà, mang nặng tính lý thuyết… Đặc biệt là các ứng dụng từ nước ngoài còn bất cập về ngôn ngữ, chi phí chuyển giao phần mềm cao nên gây khó cho người nông dân.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp-dịch vụ Ia Ring (Gia Lai) cho biết, ngay việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm thôi nhưng sử dụng công nghệ châm phân tự động loại nào để phù hợp với cây trồng, nâng cao được giá trị sản xuất thì không phải người nông dân nào cũng biết. Trong khi trên thị trường có rất nhiều công nghệ châm phân với xuất xứ khác nhau.

Ông Hưng cũng cho rằng, có rất nhiều ứng dụng tích lũy tiền được các nhà sản xuất giới thiệu như Infina, MoMo, ZaloPay… nhưng rủi ro từ lừa đảo trên không gian mạng quá nhiều đi liền với các tranh chấp liên quan với các đơn vị cung cấp. Trong khi thực tế nhiều trường hợp gặp rủi ro nhưng chắc chắn chịu phần thiệt nên dù biết những ứng dụng này tiện dụng nhưng các thành viên HTX cũng hết sức e dè.

Có lẽ rất nhiều HTX mong muốn và hiểu được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, không phải họ muốn là có thể thực hiện được.

Nhiều HTX cho rằng hiện nay có rất nhiều công nghệ mới ra đời và khi họ đầu tư vào công nghệ mới cũng chính là đánh cược cả trang trại, vốn liếng vào đó. Đầu tư công nghệ có thể mang lại hiệu quả cao nhưng cũng có những rủi ro nhất định khiến họ gặp hiểm họa về tài chính. Trong khi các app về công nghệ phát triển nhanh chóng nhưng nông nghiệp lại luôn tiềm ẩn về rủi ro. Ngay cả sản xuất trong nhà kính nhưng không có nghĩa là rau màu không có dịch bệnh hay ứng dụng cảm biến nhiệt độ, dự báo thời tiết nhưng cũng không thể tránh được sự khắc nghiệt của thiên tai dịch bệnh.

Đặc biệt, trong quá trình ứng dụng công nghệ, các app điện tử, nông dân không thể tự khắc phục được các sự cố về máy móc, cảm biến… Thay vào đó, nông dân, thành viên HTX cần sự trợ lực ngay của những người có trình độ chuyên môn. Nếu điều này không được giải quyết trong thời gian phù hợp có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Cần coi nông dân, HTX là trung tâm của quá trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp để có những hỗ trợ phù hợp hơn.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, sản xuất ra các ứng dụng nông nghiệp vẫn chưa tập trung vào việc giải quyết nhanh chóng những khó khăn, gián đoạn, khiếu nại trong ứng dụng kỹ thuật nên không tạo được niềm tin, sự hứng khởi cho nông dân, HTX trong chuyển đổi số.

Chia sẻ trong một tọa đàm gần đây, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng, một trong những rào cản trong chuyển đổi số của HTX, nhất là những HTX ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi đó là họ mới chỉ khởi đầu của quá trình này bằng điện thoại, chưa có nhiều các công nghệ hiện đại mang tính đồng bộ, thậm chí nhiều nông dân, HTX vẫn còn chưa có điện thoại thông minh. Việc ứng dụng công nghệ bằng máy tính, máy in, các công nghệ tự động vẫn còn khiêm tốn. Đi liền với đó là công tác quản trị, quảng bá về chuyển đổi số vẫn còn lỏng lẻo.

Thống kê của Bộ TT&TT cũng cho thấy, tỷ lệ người dân ở nông thôn, miền núi hiện dùng điện thoại thông minh vẫn còn thấp, chỉ khoảng 30% (bằng một nửa so với mức bình quân chung của cả nước). Và khi người dân không có điện thoại thông minh thì việc khởi đầu cho quá trình chuyển đổi số đã gặp khó khăn.

Cần tính hiệu quả trong ứng dụng công nghệ

Hiện, 65% dân số Việt Nam đang ở khu vực nông thôn. Những năm gần đây, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Ngay như năm nay, khi nhiều ngành như dệt may, gỗ… gặp khó khăn do suy thoái kinh tế thì nông nghiệp vẫn khẳng định được thế mạnh của mình khi giá trị xuất siêu 10 tháng năm 2023 đạt 9,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong sự phát triển của ngành nông nghiệp, không thể không nhắc đến nền tảng của các HTX trong chuỗi giá trị hàng hóa. Do đó, để HTX tiếp tục phát triển cần đẩy mạnh chuyển đổi số cho khu vực này. Nhưng để chuyển đổi số hiệu quả cho các HTX thì điều cần làm là phải coi nông dân, HTX là trung tâm của quá trình này. Nông dân, HTX thực chất không cần quá nhiều công nghệ, ứng dụng mới mà điều quan trọng là họ quan tâm nhiều hơn đến tính hiệu quả trong quá trình triển khai, ứng dụng công nghệ.

Ông Phan Thanh Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Airnano Việt Nam, cho biết các HTX muốn chuyển đổi số hiệu quả cần có sự đồng hành dẫn dắt từ chính các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu công nghệ trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và sự đồng hành của các cấp quản lý trong việc hoàn thiện, tháo gỡ cơ chế.

Để làm được điều này, các đơn vị cung cấp nền tảng số cần phải hiểu những khó khăn, mong muốn của các HTX cũng như tìm hiểu sâu hơn về các chu kỳ phát triển của cây trồng vật nuôi. Có như vậy mới thu hẹp được khoảng cách giữa công nghệ nghiên cứu và thực tế sản xuất kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Không thể áp dụng các công nghệ của nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất lớn để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân, HTX ở trong nước. Và mỗi HTX ở từng lĩnh vực khác nhau như trồng lúa, chăn nuôi, thủy sản cũng cần có những công nghệ ứng dụng phù hợp.

Còn theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, cần có sự đầu tư cho chuyển đổi số trong nông nghiệp nhiều hơn mới có thể giúp HTX đi tắt đón đầu và thúc đẩy các HTX vùng dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ số hiệu quả. Trong khi không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý cũng đã khẳng định, kinh tế tập thể, HTX chính là mảnh đất màu mỡ, nhiều dư địa để chuyển đổi số vì chuyển đổi số trong khu vực này mới manh nha.

Và để giải quyết được bài toán này, một trong những yếu tố cần quan tâm nhất đó chính là nguồn vốn nên việc đẩy mạnh hỗ trợ các HTX đầu tư công nghệ. Đi liền với đó là cần có sự hỗ trợ trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giúp các HTX thuận lợi trong ứng dụng công nghệ.

“Nếu có công nghệ mà không có nguồn nhân lực thì các doanh nghiệp, người dân ở thành phố, vùng đồng bằng còn khó chuyển đổi số chứ không nói đến người dân, HTX ở vùng sâu vùng xa. Đây là bài toán cần các cấp, các ngành chung tay nhằm giúp các HTX thu hút được nguồn lực chất lượng cao, từ đó tạo thuận lợi trong chuyển đổi số”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Theo Huyền Trang – vnbusiness.vn

Công nghệ thông tin ‘chắp cánh’ cho HTX dân tộc miền núi vươn xa

Thương mại điện tử, công nghệ số đã và đang giúp người dân, HTX khu vực miền núi tiêu thụ nông sản, kinh doanh thuận lợi hơn nhưng vẫn còn nhiều nông sản, HTX ở vùng sâu vùng xa chưa tiếp cận được với nền tảng công nghệ hiện đại.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc HTX sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, tại địa phương có đến hơn 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng các thành viên HTX đã biết bán hàng bằng điện thoại thông minh, máy tính.

Bước đầu ứng dụng công nghệ

Cũng nhờ kết nối internet mà thành viên HTX tiếp cận được với chuyên gia nông nghiệp ở nhiều nơi để hỗ trợ sản xuất cũng như học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, thông qua các lớp đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Liên minh HTX tỉnh kết hợp với các ban ngành triển khai, không ít thành viên trong HTX đã biết chụp ảnh, quay video, viết bài giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội để quảng bá và tiếp cận khách hàng.

Chính vì vậy mà HTX đã hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho 10 thành viên với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng và 60 lao động địa phương với mức thu nhập từ 150-200 nghìn đồng/ngày.

Chị Đoàn Thị Lương, Giám đốc HTX Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương (TP Yên Bái) chia sẻ, ngoài ứng dụng công nghệ vào chế biến các sản phẩm từ quả táo mèo theo hướng hiện đại khép kín, việc sử dụng công nghệ trong tiếp cận khách hàng đã giúp HTX có cơ hội xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đến các thành phố lớn và cả ở nước ngoài.

Tại Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin cho các tổ hợp tác, HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” ngày 22/11, ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX Yên Bái chia sẻ, thời gian qua, không ít HTX trên địa bàn tỉnh và ở vùng miền núi đã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và xuất khẩu.

Tiêu biểu như HTX Kiến Thuận (Văn Chấn) là một trong những đơn vị đầu tàu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh và xuất khẩu giúp doanh thu tăng từ 10 tỷ đồng lên trên 20 tỷ đồng/năm.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp sản phẩm của các HTX ở miền núi đến gần hơn với khách hàng.

Nắm bắt cơ hội về kinh tế số, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết 51 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 86 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác mở tài khoản giới thiệu, mua, bán trên các sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, có những tổ hợp tác, HTX dù ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa nhưng đã ứng dụng công nghệ thông tin bắt đầu từ chiếc điện thoại thông minh cùng với sự thay đổi tư duy trong sản xuất kinh doanh. Đây được coi là nền móng quan trọng trên con đường chuyển đổi số, thích ứng thời đại 4.0 cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, theo đại diện các HTX, do hoạt động trên địa bàn đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều thành viên, người lao động trong hầu hết HTX vốn quen với cách sản xuất kinh doanh truyền thống nên khi ứng dụng công nghệ vào bán hàng còn gặp nhiều vướng mắc, bỡ ngỡ.

Ông Đàm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thái Sơn (huyện Lục Yên, Yên Bái) cho biết, để người tiêu dùng nắm bắt thông tin và chất lượng sản phẩm nhanh nhất, các HTX không thể quảng bá, truyền thông theo kiểu truyền thống mà công nghệ thông tin chính là phương tiện hỗ trợ HTX quảng bá rộng, nhanh và hiệu quả nhất hiện nay.

Vậy nhưng, không phải HTX nào ở vùng miền núi cũng có thể dễ dàng làm được điều này. Bởi khi tiêu thụ nông sản bằng công nghệ hiện đại, dù là sản phẩm nào thì cũng phải có công bố đảm bảo chất lượng. Đi liền với đó khâu vận chuyển cần được quan tâm để bảo đảm thời gian cũng như chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Thế nhưng, hiện nay, nhìn chung hệ thống giao thông ở các tỉnh miền núi chưa phát triển, gây khó khăn khi vận chuyển nông sản từ đồng ruộng về nhà máy, đến các điểm phân phối, kho bán hàng hiện đại.

Theo một số doanh nghiệp, hiện nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm đặc sản vùng miền và các sản phẩm nông sản an toàn rất lớn. Vậy nhưng có những thời điểm, nhu cầu thị trường về những mặt hàng này tăng thì năng lực cung ứng của các tổ hợp tác, HTX ở khu vực miền núi lại bị gián đoạn do quy mô và năng lực sản xuất còn hạn chế.

HTX là bệ đỡ trong chuyển đổi số 

Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh giúp các HTX tiếp cận được đa dạng khách hàng, tiết kiệm nhiều chi phí bán hàng, marketing truyền thông, phân phối và tối ưu chi phí lưu kho.

Đặc biệt, HTX ở các tỉnh miền núi có lợi thế về đất đai để phát triển kinh tế hàng hóa trên quy mô lớn. Điều này buộc các HTX phải ứng dụng công nghệ thông tin vào trong tiêu thụ thì mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản khi thu hoạch rộ. Trong khi mua hàng bằng công nghệ thông tin đã là hình thức quen thuộc đối với người tiêu dùng.

Chia sẻ tại Tọa đàm, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số giúp nông đặc sản của các HTX ở vùng miền núi phía Bắc có thể đến các vùng miền xa hơn. Tuy nhiên, muốn các HTX này chuyển đổi số hiệu quả thì các thành viên trong HTX cần thêm nhiều kiến thức và thông tin hơn nữa về cách sử dụng nền tảng số. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần tiếp tục tạo điều kiện để các HTX nâng cao năng lực trong chuyển đổi số như hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo tập huấn.

Đặc biệt, các thành viên HTX ở miền núi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy có những khó khăn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ về ứng dụng thông tin, nên việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức mới có thể giúp người dân, HTX tiếp cận được nguồn lực hỗ trợ.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, các cơ quan quản lý cần có cơ chế giúp HTX ở miền núi đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng như có các chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đặc biệt là quan tâm hình thành các HTX do các bạn trẻ khởi nghiệp để xóa bớt những khó khăn và làm bệ đỡ trong chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Huyền Trang – vnbusiness.vn

Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KT-XH cho các HTX, tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”

Chiều 22/11, tại Yên Bái, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội cho các hợp tác xã, tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023”

Xây dựng HTX là điểm kết nối cung cầu công nghệ, xúc tiến thương mại và chuyển đổi số cho các thành viên

Chiều 22/11, tại Yên Bái, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội cho các hợp tác xã, tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023”. Tham dự buổi Tọa đàm có đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Quang cảnh Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Nguyễn Thế Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái và các tỉnh lân cận; cùng đại diện một số HTX, THT trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thế Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh tỉnh Yên Bái luôn quan tâm và đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng tạo cơ sở pháp lý để phát triển kinh tế tập thể.

Xác định được vị trí quan trọng của ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện chuyển đổi số phù hợp với hạ tầng sản xuất, CNTT và trình độ nhân lực, nhiều HTX đã thích ứng và từng bước tham gia thành công vào chuyển đổi số. Hiện nay, đã có rất nhiều sản phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn , Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và đồng chí Nguyễn Thế Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái chủ trì Tọa đàm

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn do trình độ, nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT của cán bộ lãnh đạo, thành viên, người lao động HTX còn hạn chế; cơ sở hạ tầng CNTT chưa đồng bộ, nhất là các HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Buổi tọa đàm sẽ là cơ hội để Yên Bái tiếp nhận thêm nhiều thông tin từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh bạn trong công tác chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối với các HTX trên địa bàn tỉnh nói chung và HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái chia sẻ.

Tại buổi Tọa đàm, đội ngũ chuyên gia và các đại biểu đã tìm hiểu thực trạng, mức độ chuyển đổi số của các HTX, THT và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những thuận lợi, khó khăn về nhân lực chuyên trách thực hiện chuyển đổi số; hạ tầng CNTT, máy tính, thiết bị thông minh còn thiếu còn yếu; đường truyền tín hiệu Internet, 3G, 4G…; một số nơi còn chưa được phủ sóng; hệ sinh thái chuyển đổi chưa đồng bộ và chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền, năng lực của các HTX, thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng: Hỗ trợ HTX phát triển kinh tế hợp tác hiệu quả, xây dựng HTX là điểm kết nối về cung cầu công nghệ, xúc tiến thương mại và chuyển đổi số là rất cần thiết. Đây sẽ là cơ sở, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập và điều kiện sống cho đồng bào thành viên HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của các HTX bên lề Tọa đàm

Đồng thời cần phải thực hiện mạnh mẽ công tác tuyên truyền đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong các HTX thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; Thống nhất khung Chương trình đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức phù hợp với đặc thù của các HTX và thành viên thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy liên kết hợp tác, huy động nguồn lực xã hội thông qua doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, chuyển giao công nghệ và chuyển đổi số; Lựa chọn, thống nhất hệ sinh thái chuyển đổi số miễn phí, phục vụ hỗ trợ chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX; Củng cố tổ chức hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ tư vấn, hỗ trợ của Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ Trung ương đến địa phương làm nền tảng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao…

Nguồn: vca.org.vn

Hồi sinh vùng bưởi tiến vua nhờ kỹ thuật thụ phấn chéo

YÊN BÁI – Nhờ áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo, vùng bưởi đặc sản Đại Minh đã được hồi sinh, năng suất, chất lượng ngày càng được cải thiện.

Nhân rộng giống bưởi tiến vua trăm tuổi

Từ lâu, xã Đại Minh (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc với đặc sản bưởi “tiến vua”. Các cụ cao tuổi ở thôn Khả Lĩnh (xã Đại Minh) cho biết, cây bưởi tổ ở gần đình làng đã gần 300 tuổi vẫn tươi tốt và cho quả mỗi năm. Nơi đây cũng chính là vùng đất gốc của giống bưởi đặc sản này, hiện nay cả thôn còn hơn 70 cây bưởi cổ hơn 200 năm tuổi, mỗi mùa vẫn đều đặn đơm hoa, kết trái.

Những cây bưởi Đại Minh cổ thụ có chất lượng thơm ngon nhất được người dân chiết, ghép để nhân rộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Chị Tạ Thị Hồng Tuyết ở thôn Khả Lĩnh cho biết, từ cây bưởi cổ thụ trong làng, người dân đã chiết, ghép nhân giống ra khắp vùng, hình thành vùng trồng bưởi rộng lớn. Hiện nay, trong vườn bưởi của gia đình chị có gần 200 cây bưởi có tuổi đời trên 100 năm, được trồng từ đời cụ, đến chị Tuyết là đời thứ tư. Qua nhiều năm, diện tích vườn bưởi của gia đình chị đã mở rộng lên gần 5ha với hơn 1.000 gốc bưởi ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Theo chị Tuyết, toàn bộ diện tích bưởi đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cây bưởi được tưới đủ lượng nước cần thiết, bón phân chuồng ủ hoai mục kết hợp với phân vi sinh theo đúng chu kỳ sinh trưởng để cho chất lượng quả thơm ngon nhất. Tùy theo giá bưởi hàng năm, vườn bưởi cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm, nếu giá cao có thể thu được gần 800 triệu đồng.

Du khách có thể tham quan, trải nghiệm và thưởng thức những quả bưởi tiến vua ngay tại vườn cùng người dân địa phương. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Văn Định cũng là hộ dân trồng bưởi lâu năm ở xã Đại Minh, vườn bưởi của gia đình ông có hơn 100 gốc gần 70 năm tuổi được truyền lại từ đời cha ông. Gần 40 năm trước, ông Định đã trồng thêm 150 gốc, hiện nay diện tích bưởi của gia đình ông đã có hơn 1ha, mỗi năm cho thu nhập gần 150 triệu đồng.

Ông Định phấn khởi cho biết, vườn bưởi của ông vừa đạt giải nhất cuộc thi vườn bưởi đẹp trong Lễ hội bưởi Đại Minh năm 2023. Để có vườn bưởi mẫu, ông đã áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa, tạo tán, giới hạn số lượng quả trên mỗi cây.

Trong vườn bưởi, ông còn trồng thêm một số cây bưởi Diễn, bưởi Cát Quế, khi đến mùa hoa, gia đình sẽ lấy phấn từ hoa bưởi Diễn thụ phấn chéo cho bưởi Đại Minh, bởi nếu để tự nhiên cây bưởi Đại Minh sẽ đậu ít quả, chất lượng kém thơm ngon.

Thời kỳ quả non, ông Định tiếp tục tỉa quả, mỗi cây chỉ để từ 200 – 300 quả tùy theo tán lá, độ tuổi giúp các quả bưởi lớn đều, trọng lượng quả khi thu hoạch đạt từ 1 – 1,2kg. Vừa qua, vườn bưởi của ông Định và một số hộ dân đã được gắn mã truy xuất nguồn gốc để thuận tiện quảng bá thương hiệu, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu các thông tin về sản phẩm như độ tuổi, tọa độ địa lý, nguồn gốc…

Khách hàng có thể quét mã truy xuất nguồn gốc khi mua sản phẩm bưởi Đại Minh. Ảnh: Thanh Tiến.

Hồi sinh vùng bưởi quý nhờ kỹ thuật thụ phấn chéo

Bưởi Đại Minh được coi là đặc sản tiến vua vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều vitamin và khoáng chất ở dạng vi lượng có lợi cho sức khỏe con người. Quả bưởi có vị ngọt mát, hàm lượng axit thấp, mùi vị đặc trưng, vỏ mỏng, khi chín màu vàng nhạt, mỗi quả bưởi chỉ nặng từ 0,8 – 1,2kg, sau thu hoạch bảo quản để được vài tháng nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Trước đây, bưởi ở Đại Minh chỉ phục vụ nhu cầu tại địa phương, là cây ăn trái trong vườn nhà của mỗi hộ dân. Vì vậy, việc chăm sóc, mở rộng diện tích chưa được quan tâm. Bưởi tự lớn lên, ra hoa kết trái, tỷ lệ đậu quả thấp, múi bưởi khô, kém mọng nước, làm giảm năng suất và chất lượng. Giá trị thu nhập thấp nên nhiều diện tích bưởi từng bị người dân bỏ mặc, không đầu tư chăm sóc, có hộ chặt bỏ chuyển đổi sang trồng chè và cây lâm nghiệp khác.

Trước thực trạng có thể đánh mất vùng bưởi đặc sản, huyện Yên Bình đã phối hợp với các ngành chức năng và các cơ quan chuyên môn tập trung tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Năm 2012, đề tài khoa học của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã nghiên cứu về nguyên nhân suy giảm chất lượng, năng suất giống bưởi Đại Minh, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất và chất lượng bưởi; khai thác, phát triển nguồn gen bưởi Đại Minh.

Kết quả nghiên cứu đã xác định các yếu tố làm suy giảm năng suất, chất lượng vùng bưởi. Từ đó đưa ra giải pháp áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo để tăng tỷ lệ đậu quả, nâng cao năng suất.

Bà Đào Thị Thanh Hiền – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Bình cho biết, chính kỹ thuật thụ phấn chéo đã góp phần giúp “hồi sinh” vùng bưởi quý Đại Minh. Phương pháp này đơn giản nhưng phải tỉ mỉ, hoa bưởi để thụ phấn phải lấy từ cây bưởi khác dòng như bưởi chua, bưởi hạt, bưởi Diễn… sau đó chấm vào từng đài của hoa cái cây bưởi Đại Minh. Cách làm này mang lại hiệu quả rõ ràng qua từng năm, quả bưởi mọng hơn, vị ngọt mát, thơm ngon nên bà con chăm chút đầu tư và coi đây là loại cây làm giàu.

Những quả bưởi đạt chuẩn có trọng lượng từ 1 – 1,2kg. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh phổ biến kỹ thuật thụ phấn chéo cho bà con, hàng năm, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các xã khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng bưởi tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến lựa chọn cây giống chất lượng cao, sạch bệnh để nhân ra diện rộng.

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bưởi Đại Minh”. Hiện nay, 2 sản phẩm bưởi của HTX Bưởi VietGAP Đại Minh và HTX đặc sản Bưởi Đại Minh đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái. Từ đây, đã xây dựng được thương hiệu, giúp cho sản phẩm tiếp cận được thị trường rộng hơn.

Ông Nguyễn Trường Giang – Giám đốc HTX đặc sản bưởi Đại Minh cho biết: Diện tích bưởi của HTX được sản xuất theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các thành viên trong HTX thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau xác định đúng tỷ lệ phân bón cho cây bưởi theo từng giai đoạn phát triển. Năng suất, chất lượng bưởi tăng lên rõ rệt, quả mọng, hàm lượng vitamin C cao.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm bưởi ngày càng được mở rộng nhờ các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm 2021, bưởi của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái. Thông qua các gian hàng trưng bày, lễ hội, chương trình xúc tiến thương mại, bưởi Đại Minh đã tiếp cận được khách hàng nhiều nơi trên cả nước.

Hiện nay, huyện Yên Bình có trên 1.000ha bưởi, tập trung chủ yếu ở xã Đại Minh và Hán Đà. Năng suất loại bưởi đặc sản này đạt hơn 9 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt gần 10.000 tấn, doanh thu đạt hơn 80 tỷ đồng/năm. Huyện Yên Bình đang tiếp tục triển khai liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá trên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ góp phần tăng thu nhập cho người dân và tạo chỗ đứng ổn định trên thị trường.

Đưa nông nghiệp công nghệ cao, hướng hữu cơ về vùng đất phèn

Ông Tống Viết Vinh là người tiên phong đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ ở vùng đất phèn huyện Yên Mô (Ninh Bình).

Bản lĩnh, thận trọng, dám nghĩ, dám làm là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với lão nông tỷ phú Tống Viết Vinh, 62 tuổi ở xã Mai Sơn (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Sau khi rời quân ngũ, trở lại quê hương từ năm 1988, xuất thân từ một gia đình thuần nông, ông hiểu rõ những khó khăn từ vùng đất phèn Mai Sơn nên đã chuyển hướng sang buôn bán nông sản. Từ đó, ông đã bén duyên với nông nghiệp hữu cơ theo hướng công nghệ cao sau khi nếm trải nhiều cay đắng.

Cơ ngơi tiền tỷ trên đất phèn

Được trui rèn ở quân ngũ nên ông Vinh có ý chí rất sắt đá, không ngại thất bại, sự nhạy bén của người lính cũng được ông áp dụng vào làm nông nghiệp.

Ông Tống Viết Vinh tại mô hình trồng dưa vàng, dưa bao tử, ớt chuông theo hướng hữu cơ. Ảnh: Bảo Thắng.

Xác định cây lúa trên vùng đất phèn Mai Sơn khó có thể giúp mình thoát nghèo nên ông Vinh xác định phải tìm hướng khác làm giàu. Nghĩ là làm, ông đi vay vốn khắp nơi để khởi nghiệp với nghề buôn nông sản. “Đầu tiên nó là sinh kế, sau cũng là cơ hội để mình tiếp cận những sản vật từ địa phương khác, biết được thêm những loại cây trồng phù hợp với quê hương, những cách làm mới”, ông Vinh tâm sự.

Khởi đầu buôn nông sản, ông Vinh thấy cà chua được ưa chuộng, giá cao. Thấy ở vùng Thường Tín (Hà Nội), Hưng Yên có điều kiện thổ nhưỡng tương tự với đất Mai Sơn và phát triển các loại cây rau màu, nhất là cây cà chua rất tốt, ông đã bỏ công sức, thời gian đến những khu vực này để tìm tòi, học hỏi cách làm. Sau khi nắm được phương pháp, năm 1991, ông đưa cà chua, cải bắp và su hào về trồng tại quê nhà.

“Sau khi trồng được, mình mang sản phẩm vào tận Quỳ Hợp (Nghệ An) để bán nhưng do ít kinh nghiệm nên tính đi tính lại cũng may là hòa vốn”, ông Vinh kể. Không nản chí, ông lại chuyển đổi toàn bộ đất hai lúa của gia đình làm rau màu nhưng hiệu quả cũng không cao nên đến năm 2013 ông lại phải tiếp tục quay về với nghề buôn nông sản.

Đến năm 2016, sau thời gian lặn lội trên thị trường nông sản, ông Vinh bén duyên với nông nghiệp hữu cơ kết hợp công nghệ cao. Nhận thấy đây là hướng đi bền vững có thể thoát nghèo nên ông tiếp tục vay vốn quay lại đầu tư làm nông nghiệp.

Khu vực trồng dưa vàng, dưa bao tử, ớt chuông theo hướng hữu cơ của ông Vinh. Ảnh: Huy Bình.

Lần này, ông Vinh đã trang bị cho mình vốn kiến thức đồ sộ về nông nghiệp hữu cơ cũng như nắm bắt được nhu cầu của thị trường nên đã triển khai mô hình trồng dưa vàng, dưa bao tử, ớt chuông một cách bài bản, quy củ.

Trong sản xuất, ông không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, bổ sung các loại chế phẩm vi sinh vào đất trồng để cải tạo đất. Hệ thống nhà màng đã được ông Vinh đầu tư xây dựng để chống sự xâm nhập của sâu bệnh hại. Rau chỉ sử dụng chế phẩm thảo dược để phòng trừ sâu bệnh hại, 100% ruộng rau màu được phủ nilon để chống cỏ dại, không sử dụng hóa chất diệt cỏ…

Khởi đầu chỉ hơn một mẫu (3.600m2) được canh tác theo hướng hữu cơ, sau đó thấy hiệu quả tăng dần nền ông Vinh tích cóp vay mượn để đầu tư tăng diện tích lên 3 mẫu, rồi 5 mẫu. Đỉnh cao vào năm 2019, ông Vinh trúng đậm vụ rau màu, tậu được cả xe hơi. Từ khi chuyển hướng làm nông nghiệp hữu cơ, gia đình ông Vinh có thu nhập nuôi 2 con ăn học, xây được nhà khang trang và tạo việc làm thường xuyên cho 8 – 12 nhân công.

Khuyến nông dịch vụ hỗ trợ chuỗi liên kết nông nghiệp hữu cơ

Sau những thành công của mô hình trồng dưa vàng, dưa bao tử, ớt chuông theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình đang hỗ trợ, giúp đỡ ông Vinh làm các quy trình, thủ tục để công nhận sản phẩm OCOP cho các sản phẩm nông sản.

Mô hình của ông Vinh thường xuyên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật và kết nối cung ứng vật                           tư, tiêu thụ sản phẩm của Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

“Nếu đạt được sản phẩm OCOP, chúng tôi sẽ có một thương hiệu nhất định, từ đó tạo ra chuỗi liên kết trên thị trường, đưa sản phẩm tiếp cận được nhiều khách hàng hơn nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm”, ông Vinh kỳ vọng.

Ông Phạm Hồng Sơn – cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình đánh giá: Ông Vinh là hộ sản xuất nông nghiệp hàng hóa có kinh nghiệm, có kỹ thuật và có trình độ quản lý nên chính quyền địa phương cùng Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình đã tập trung hỗ trợ để xây dựng một mô hình tương đối đồng bộ cả về công nghệ cao, nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới cũng như các công nghệ khác.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao công nghệ, cử cán bộ hướng dẫn ông Vinh quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong đó tập trung vào các khâu chính như sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, đầu tư nhà lưới, nhà màng để giảm thiểu sâu bệnh…

“Có những vụ không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu phải sử dụng thì chỉ triệt để sử dụng các thảo mộc để hoàn toàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là trên các loại rau quả ăn sống”, ông Sơn nói.

Để sản xuất theo hướng hữu cơ, ông Vinh cũng tận dụng các nguồn hữu cơ tại địa phương như ủ phân chuồng hoặc các phụ phẩm của cơ sở làm nấm được tận dụng để làm giá thể sinh học.

Một góc trang trại của ông Vinh. Ảnh: Bảo Thắng.

Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình đã triển khai hoạt động khuyến nông dịch vụ giúp cơ sở của ông Vinh liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cung ứng dịch vụ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

“Hiện nay, Ninh Bình có chủ trương làm nông nghiệp gắn với du lịch nên an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm hướng nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đồng thời liên kết thêm với các cơ sở du lịch để cung cấp cho du khách những sản phẩm nông sản tốt nhất, đồng thời tăng thu nhập cho người sản xuất”, ông Phạm Hồng Sơn – cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình cho biết.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ một cách bền vững, ông Vinh cũng đề nghị các ngành chức năng có cơ chế xác định rõ phân khúc cho thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Bởi khi làm hữu cơ, nông dân phải tốn thêm nhiều công chăm sóc, đội chi phí sản xuất lên cao, tuy nhiên sản phẩm lại chưa thể bán được với giá cao hơn một cách vượt trội so với sản phẩm thông thường. Bên cạnh đó, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ, tạo bước đệm ban đầu cho người làm nông nghiệp hữu cơ, bởi giai đoạn đầu sản xuất theo hướng hữu cơ, người sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Huy Bình – Bảo Thắng – Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Chuyển đổi số hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Chuyển đổi số sẽ giúp khắc phục những hạn chế về chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu… để từ đó hình thành nền nông nghiệp hiện đại, đem lại giá trị, thu nhập cao.

Và đó cũng là những mục tiêu mà ngành Nông nghiệp Thủ đô đang nỗ lực hướng tới.

             Ứng dụng công nghệ cao sản xuất nho hạ đen ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ. Ảnh: Ánh Ngọc

Những dấu ấn ban đầu

Đến thăm khu trồng rau của Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) mới thấy rõ, công nghệ 4.0 đang được ứng dụng rõ nét trong sản xuất.

Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý cho biết, HTX thực hiện nghiêm ngặt theo đúng nguyên tắc “5 không” (không sử dụng thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, giống biến đổi gen). Đáng chú ý là trong sản xuất, HTX đều sử dụng phân bón hữu cơ và men vi sinh, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy từ trong ra ngoài, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng máy phun sương chờ ngày thu hoạch.

Đặc biệt, hiện nay HTX đang sử dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội để tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm. Với sự chủ động trong ứng dụng công nghệ số, HTX đã quảng cáo các sản phẩm của mình thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… Nhờ đó, những năm qua, thương hiệu rau hữu cơ của HTX đã nổi tiếng khắp trong và ngoài thành phố Hà Nội. Trên mỗi bó rau được đóng gói, khách hàng chỉ cần cầm điện thoại thông minh quét mã vạch là có thể biết được địa chỉ, quy trình sản xuất… Đến nay, toàn bộ 5ha rau hữu cơ với 17 sản phẩm rau hữu cơ được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp thành phố và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Một mô hình điểm nữa trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất của Hà Nội là mô hình trồng lúa chất lượng cao tại HTX nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai).

Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên, HTX đã ứng dụng công nghệ vào quản lý, giám sát vùng sản xuất trên quy mô 20ha trồng lúa. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng, thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử Egap… Quy trình sản xuất lúa hữu cơ được camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh. Hiện nay, sản phẩm gạo của HTX đều được dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc và kết nối giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Đánh giá về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp Hà Nội hiện nay, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hà Nội xác định dựa trên nền tảng dữ liệu, tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản…; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các khâu trong quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Hiện toàn ngành có trên 900ha ứng dụng công nghệ số. Đây là diện tích đã được quy hoạch gọn vùng gọn thửa, thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm.

  Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau hữu cơ tại Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng).

Tiếp sức để tạo sức bật mạnh mẽ

Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, với nền nông nghiệp Thủ đô hiện nay, những nơi ứng dụng công nghệ số mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, do đó chưa tạo được sức bật lớn cho ngành bứt phá.

Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh chỉ rõ những hạn chế trong chuyển đổi số nông nghiệp hiện nay, đó là cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn nhiều hạn chế; cơ sở dữ liệu phục vụ nông nghiệp còn chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Mặt khác, chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp còn nhiều bất cập, khó tích hợp đồng bộ.

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong ứng dụng công nghệ số, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến Nguyễn Thị Huyền cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất cần phải có quy hoạch vùng, kế đó là tập huấn kiến thức cho người sản xuất.

“Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất đã bắt đầu có những thuận lợi, tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ, quảng bá sản phẩm vẫn đang là điều khó khăn với nông dân, xã viên bởi nhiều người thiếu kiến thức về công nghệ và máy móc” Giám đốc Nguyễn Thị Huyền cho biết. 

Thực tế, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, khi thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, huyện yêu cầu các xã ứng dụng công nghệ số, định vị điểm soát xuất, thiết lập hồ sơ về chất lượng nguồn đất, nước và những tác động môi trường khi sản xuất để hình thành bộ dữ liệu vùng phục vụ cho việc ứng dụng các mô hình sản xuất công nghệ cao.

Đồng thời, đối với định hướng phát triển các sản phẩm OCOP – Chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện yêu cầu các sản phẩm tham gia xếp hạng, đánh giá phải có nguồn gốc rõ ràng, có dữ liệu quản lý điện tử, có tem nhãn phục vụ truy xuất nguồn gốc để kết nối trên các sàn thương mại điện tử.

Về phía ngành Nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở sẽ bám sát những văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu vùng sản xuất; cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng. Đồng thời, Sở sẽ cùng các địa phương, đơn vị tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức – kết hợp cả hình thức trực tuyến và trực tiếp – để đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua những sàn giao dịch như Voso, Sendo… Đặc biệt, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển các chuỗi sản xuất gắn với công nghệ số. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp còn hướng đến mục tiêu tạo mối liên kết giữa các thành phần của hệ sinh thái nông nghiệp một cách tự nhiên theo chuỗi giá trị; kết nối người dân, doanh nghiệp và thị trường; kết nối người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường. Giải quyết bài toán chuyển đổi số cũng chính là giải quyết bài toán về kết nối giữa các thành phần kinh tế từ sản xuất đến tiêu thụ.

 

Theo Đỗ Minh, báo Hà Nội Mới

Sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ: Một nhu cầu cấp thiết

Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ nhằm hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

                   Các đại biểu tham quan triển lãm gian hàng trưng bày sản phẩm khoa học, công nghệ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tháng 10-2023.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Luật Khoa học và Công nghệ ra đời từ năm 2000, được sửa đổi vào năm 2013, phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học và công nghệ. Hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp nâng cao chất lượng tăng trưởng; các quy định về tổ chức khoa học và công nghệ, trọng dụng, sử dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hoàn thiện; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hội nhập quốc tế…

Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật còn gặp những khó khăn, vướng mắc do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa phù hợp với quy định của các luật liên quan, dẫn đến chưa thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ với vai trò là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Cho đến nay, khoa học Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, chưa giải quyết được triệt để ở nhiều khía cạnh của quá trình quản lý, nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu: Chưa thu hút được vốn xã hội và tư nhân đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), vẫn tồn tại những rắc rối, nhiêu khê trong thủ tục giấy tờ ở các dự án nghiên cứu do Nhà nước tài trợ, chưa khuyến khích được chuyển giao công nghệ từ trường, viện cho doanh nghiệp, chưa có nhiều công ty spin-off, startup trên nền tảng công nghệ từ trường, viện, chưa có nhiều nhà khoa học được hưởng chế độ đãi ngộ và khuyến khích làm việc từ Nhà nước; còn thiếu quy định về đạo đức trong nghiên cứu, rủi ro trong nghiên cứu… Đồng thời, Luật Khoa học và Công nghệ cũng chưa có quy định liên quan đến quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban soạn thảo dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ 2013 chỉ rõ, một số vấn đề quan trọng mà Luật 2013 đã giải quyết được như khuyến khích thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, định hướng xây dựng các tổ chức khoa học và công nghệ tầm quốc gia, mở rộng hợp tác quốc tế, bảo đảm sự đầu tư từ ngân sách nhà nước và thu hút nguồn đầu tư từ bên ngoài… Tuy nhiên, đây vẫn là các quy định chung, Việt Nam thực sự mới bắt đầu bước vào kinh tế thị trường nên thiếu kinh nghiệm, chưa có các chính sách cụ thể, vì thế không thực hiện được hoặc thực hiện không tốt. Vì vậy, Luật Khoa học và Công nghệ cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong gần 10 năm thi hành cũng như những bất cập nảy sinh giữa quy định của Luật Khoa học và Công nghệ với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành gần đây.

Từ đó, hoàn thiện thể chế theo hướng thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các quy định về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, có 6 nhóm chính sách được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm: Hoàn thiện quy định thành lập và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cường quản lý và nâng cao vai trò của tổ chức khoa học và công nghệ; hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; bổ sung quy định về chức danh công nghệ và các chính sách ưu đãi; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ khoa học và công nghệ; sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện quy định hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

 

Theo Trần Nhân, báo Hà Nội Mới

 

Nâng tầm trà chùm ngây Hồng Vân

Trà chùm ngây hữu cơ là một trong những sản phẩm tiêu biểu, sản xuất theo chuỗi với công nghệ hiện đại của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín).

Đây cũng là sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội.

Khách hàng lựa chọn trà chùm ngây – sản phẩm OCOP 4 sao của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín). Ảnh: Đỗ Tâm

Năm 2018, xã Hồng Vân đã trở thành “Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh” thành phố Hà Nội. Nhằm tăng cường thêm các sản phẩm du lịch chào đón du khách khi đến thăm Hồng Vân, Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất trà chùm ngây theo công nghệ hiện đại – sản phẩm trà hữu cơ tốt cho sức khỏe.

Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân Nguyễn Văn Tứ cho biết, Hồng Vân có hơn 5ha vùng nguyên liệu chùm ngây. Các vườn trồng chùm ngây làm nguyên liệu chế biến trà đều phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng hữu cơ. Theo đó, các hộ phải thường xuyên cải tạo đất, trồng đúng mật độ, ngắt ngọn, tỉa lá để cây không bị gãy khi có gió, bão mạnh. Chùm ngây là cây dễ trồng, ít sâu hại và ưa môi trường sống sạch. Vì vậy, chỉ cần tưới nước sạch và bón phân hữu cơ bảo đảm 90% cây sống và phát triển đến khi thu hoạch. Chùm ngây sau khi thu hoạch làm trà phải được cắt cả cành bằng tay, lấy lá và cành sấy khô, nghiền nhỏ làm trà túi lọc. Quá trình sản xuất, hợp tác xã không sử dụng chất bảo quản, bảo đảm các quy trình về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thành viên Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, chùm ngây là cây thân gỗ, dễ trồng, dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên, ưa đất bãi phù sa bồi ven sông. Mỗi năm, chùm ngây cho thu hoạch 3 lứa, 3 tháng/lứa (trừ 3 tháng mùa đông). “Nếu chỉ trồng để làm rau phục vụ bữa ăn hằng ngày thì hàng chục năm mới phải thay cây 1 lần. Còn thu hái quanh năm để sản xuất trà, khoảng 3 năm phải thay cây. Cành lá tươi vào mùa hè có giá 8.000 đồng/kg; mùa đông 13.000-15.000 đồng/kg. Ngoài bán nguyên liệu cho hợp tác xã chế biến trà, gia đình cũng bán lá cho khách hàng để làm bột cho trẻ hoặc nấu cháo dinh dưỡng”, bà Loan chia sẻ.

Các sản phẩm từ cây chùm ngây của hợp tác xã khá đa dạng, gồm: Trà chùm ngây, bột chùm ngây, rễ chùm ngây, thân, rau chùm ngây, cây giống, hạt giống… Hiện tại, 1 hộp trà chùm ngây trọng lượng 200g có giá bán 60.000 đồng/hộp; 24 hộp đóng thành 1 thùng. Bình quân một tháng, hợp tác xã xuất bán hơn 100 thùng.

Không chỉ chú trọng vào sản xuất sản phẩm, hợp tác xã còn quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường. Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân Nguyễn Văn Tứ chia sẻ, quá trình chế biến trà chùm ngây phải cần một lượng nước để thực hiện các công đoạn sơ chế, vệ sinh máy móc, nông cụ…, nên việc xả thải ra môi trường là điều khó tránh khỏi. Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại. Nước trong quá trình sản xuất được thu gom theo đường ống, sau đó đi qua các bể lắng lọc nên khử được mùi và bảo đảm các điều kiện trước khi xả ra môi trường. Chính vì vậy, ở Hồng Vân không có tình trạng nước sản xuất tràn ra mặt đường hay cống thoát nước bị ứ đọng, ô nhiễm.

Đánh giá về sản phẩm trà chùm ngây của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho rằng, chùm ngây là loại thảo dược giàu chất dinh dưỡng và an toàn với sức khỏe con người. Trong cây chùm ngây chứa đến 46 loại chất chống ô xy hóa, đặc biệt là giàu vitamin A và C. Đồng thời, chùm ngây chứa tới 18 axit amin thiết yếu. Do vậy, loài cây này được coi là nguồn protein “hoàn hảo” và là loại cây rất quý trong thế giới thực vật. Việc trồng, chế biến các sản phẩm trà chùm ngây hữu cơ theo chuỗi khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với vùng đất bãi tại Hồng Vân. Với tính ưu việt như trên, năm 2019, sản phẩm trà chùm ngây hữu cơ của hợp tác xã đạt chứng nhận 4 sao OCOP.

Việc phát triển các sản phẩm nông sản của địa phương kết hợp du lịch sinh thái đã và đang giúp Hồng Vân trở thành điểm sáng của thành phố Hà Nội về du lịch nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp xanh. Với sản phẩm đa dạng, được chứng nhận OCOP sẽ mở ra nhiều tiềm năng hơn nữa cho Hồng Vân trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, giàu bản sắc, vững kinh tế… và trở thành miền quê xanh, đáng sống của Thủ đô.

 

Theo Đỗ Minh – Báo Hà Nội Mới

“Mở lối” tiếp cận vốn cho hợp tác xã

Do nhiều nguyên nhân, thời gian qua, các hợp tác xã của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Do đó, thời gian tới, các ngành, cơ quan liên quan sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã tăng khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng.

Sơ chế rau tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh:­ Minh Phúc

Mới có 0,5% số hợp tác xã được vay vốn ngân hàng

Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Mạnh, mặc dù mỗi tháng hợp tác xã cung ứng hàng chục tấn rau an toàn ra thị trường, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay của đơn vị đang rất khó khăn. Nguyên nhân là do hợp tác xã chưa được cấp đất, chưa có tài sản bảo đảm nên ngân hàng từ chối cho vay vốn.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh thương mại tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức) Nguyễn Phi Đức thông tin, hạn chế lớn nhất của hợp tác xã khi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng là không có tài sản bảo đảm. Hiện tại, hợp tác xã chủ yếu vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, nhưng chỉ được vay tối đa vài chục triệu đồng, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, hiện các hợp tác xã chủ yếu tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Mỗi năm, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội hỗ trợ cho hơn 200 dự án, với số vốn khoảng 100 tỷ đồng. Một con số quá nhỏ so với nhu cầu của hàng nghìn hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô. Trong khi đó, có rất ít hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, do không có tài sản bảo đảm. Qua rà soát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong số hơn 1.000 hợp tác xã đang hoạt động, số hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không nhiều.

Đáng chú ý, theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện có khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và chỉ có 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) Lê Hồng Phúc cho hay, mặc dù đơn vị đã có nhiều phương án cấp tín dụng, song việc cho vay đối với các hợp tác xã vẫn gặp nhiều khó khăn. Do hệ thống báo cáo tài chính của hợp tác xã chưa bài bản, minh bạch, hoàn thiện…, ảnh hưởng không nhỏ tới việc cấp tín dụng.

Gỡ khó để tăng khả năng hấp thụ vốn

Nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của các hợp tác xã, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã thành phố sẽ tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý, thành viên làm công tác chuyên môn, kỹ thuật của hợp tác xã các chuyên đề: Tìm hiểu về cách thức và quy trình vay vốn ngân hàng; các kiến thức cơ bản trong vay vốn ngân hàng cho hợp tác xã…

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Tuấn Khanh, để các hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng thương mại có thể cho tín chấp bằng các dự án hoặc tài sản sẵn có, thay vì phải tín chấp bằng tài sản cá nhân. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn, có giải pháp hỗ trợ hợp tác xã về thủ tục hồ sơ; định hướng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, đường hướng hoạt động; hỗ trợ hạ tầng, công nghệ, xúc tiến thương mại sản phẩm. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngân hàng trong hoạt động thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách liên quan đến khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; công tác xử lý tài sản bảo đảm, nợ xấu…

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho rằng, muốn tiếp cận vốn ngân hàng, các hợp tác xã phải tự nâng cao “chỉ số năng lực” bằng cách vươn lên đổi mới, sáng tạo trong quản trị điều hành. Cùng với đó, các thành viên cần chủ động góp vốn, xây dựng và triển khai phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tiễn, chuẩn hóa sản phẩm gắn với xúc tiến thương mại, mở rộng quy mô, gia tăng nguồn thu. Các hợp tác xã cũng cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các cơ chế, chính sách có liên quan, chủ động trong quan hệ giao dịch với các ngân hàng…

Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Hà Thu Giang thông tin, nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho hợp tác xã, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm tăng khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế, trong đó có kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời bản thân các hợp tác xã cũng phải chủ động khắc phục các hạn chế như quy mô, năng lực cạnh tranh, công tác quản trị…, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tăng doanh số cho vay”, bà Hà Thu Giang nhấn mạnh.

Bạch Thanh/ Hà Nội Mới