Trong bối cảnh khu vực kinh tế hợp tác xã đang rất cần một điểm tựa để vượt qua “cơn hồng thủy” mang tên Covid-19, trong những ngày đầu tháng 11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm và làm việc tại Ninh Bình nhằm khích lệ tinh thần vượt khó của khu vực hợp tác xã.
Một điều đặc biệt trong cuộc làm việc trên đất “cố đô” là thay vì tổ chức các hội nghị bàn giấy, Chủ tịch nước quyết định dành gần như toàn bộ thời lượng để đi tham quan thực tế nhằm lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các hợp tác xã (HTX) trong thời kỳ bình thường mới .
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, làm việc cùng HTX Gốm sứ Bồ Bát, tỉnh Ninh Bình. |
Mở đầu chuyến đi thực tế sáng ngày 2/11, Chủ tịch nước cùng đoàn cán bộ Liên minh HTX Việt Nam và tỉnh Ninh Bình, đến thăm cơ sở sản xuất của HTX Gốm sứ Bồ Bát, một trong những đơn vị tạo nhiều việc làm, cùng khát vọng phục hồi mạnh mẽ sau làn sóng dịch lần thứ tư.
Lắng nghe báo cáo của đại diện HTX Gốm sứ Bồ Bát Phạm Văn Vang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong nhiều thập kỷ qua, kinh tế hợp tác là thành phần kinh tế quan trọng, không thể thiếu trong nền kinh tế quốc dân, đang tạo ra hàng triệu việc làm cho lao động.
Với HTX Bồ Bát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành công đang có, đồng thời nhấn mạnh đơn vị cần tiếp tục phát huy những thế mạnh sẵn có, mang lại nhiều thành quả hơn nữa.
Trong thời gian tới, HTX Gốm sứ Bồ Bát cần chú ý tới 3 điểm cốt lõi là cải tiến công nghệ, gia tăng chất lượng và tiếp cận thị trường lớn. Đây là 3 vấn đề riêng biệt song lại có quan hệ mật thiết tạo nên thành công bền vững cho HTX Bồ Bát nói riêng và các HTX trên cả nước.
Cụ thể, khi có công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm của HTX sẽ gia tăng, từ đó tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chất lượng là vấn đề đáng quan tâm nhất, hiện tại đã rất cao, nhưng so với quốc tế như Mỹ, Châu Âu thì thế nào, đã đủ sức cạnh tranh hay chưa.
“Để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân HTX, vai trò của Liên minh HTX Việt Nam, các cơ quan quản lý địa phương là đặc biệt quan trọng. Liên minh HTX cần làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và HTX, vừa tham mưu cho cơ quan quản lý, vừa trực tiếp hỗ trợ HTX phát triển. Các chính sách hỗ trợ cần nhanh mạnh, kịp thời hơn”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đáp lại nguyện vọng của Giám đốc HTX Bồ Bát Phạm Văn Vang về các vấn đề mở rộng diện tích sản xuất, vốn đầu tư, đào tạo nhân lực, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là nhu cầu chính đáng, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh, các cơ quan quản lý địa phương cần lắng nghe, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ ngay và kịp thời.
Chủ tịch nước thăm thực tế, hỏi thăm đời sống người lao động HTX Sinh Dược Ninh Bình. |
Cũng tương tự khi ghé thăm HTX Bồ Bát, đối thoại với cán bộ, thành viên HTX Sinh Dược xã Gia Sinh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng khi HTX đang có bước phát triển vững mạnh, với hơn 80 thành viên, người lao động.
Chủ tịch nước đánh giá rất cao vai trò “cánh chim đầu đàn” trong phong trào kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vai trò truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều người, hỗ trợ thành lập nhiều HTX mới của HTX Sinh Dược.
Khi lắng nghe nguyện vọng của Giám đốc HTX Sinh Dược Vũ Trung Đức, rằng “mong muốn lớn nhất của HTX lúc này là “dịch bệnh được kiểm soát, để hoạt động bình thường trở lại”, Chủ tịch nước cho rằng đây là nguyện vọng cho thấy tầm nhìn xa của vị Giám đốc sinh năm 1988, một kỹ sư hoá dược xuất thân từ Đại học Bách khoa.
“Các giải pháp kích cầu hiện tại là vô cùng quan trọng, song cần kíp nhất lúc này rõ ràng là kiểm soát dịch bệnh để các HTX phục hồi. Vì vậy, tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát dịch, tạo môi trường thông thoáng để các HTX sản xuất, kinh doanh, từ đó khắc phục khó khăn, phát huy nội lực”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Có một điểm chung khi đến thăm các HTX là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong thời kỳ bình thường mới, đối diện với nhiều khó khăn, các HTX cần đảm bảo quyền lợi cho thành viên, người lao động. Đây là những tế bào của HTX, và chỉ khi tế bào mạnh thì HTX mới mạnh.
Chủ tịch nước nói: “Cũng giống như doanh nghiệp, HTX là một đơn vị kinh doanh, sản xuất nên lợi nhuận đương nhiên là quan trọng, song lợi ích của người lao động là yếu tố cốt lõi, cần được quan tâm nhiều hơn. Chỉ khi được đảm bảo quyền lợi, người lao động mới làm việc hết mình, phát huy tối đa được sức sáng tạo, mang lại hiệu quả công việc cho HTX”.
Chủ tịch nước để lại lời căn dặn cho Giám đốc HTX Sinh Dược Vũ Trung Đức. |
Sự hiện diện trong bối cảnh cộng đồng HTX đang rất cần sau sự tàn phá của đại dịch, cho thấy ở cương vị nào, Chủ tịch nước cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực HTX.
Còn nhớ, trong cuộc tiếp đón đoàn cán bộ Liên minh HTX Việt Nam tại Phủ Chủ tịch vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới sự phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX. Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để xã hội hiểu rõ hơn về vai trò của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế. Từ đó, tạo sự quan tâm của các Bộ, ngành và xã hội đối với khu vực này”.
Hay tại Đại hội VI Liên minh HTX Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025, khi còn ở cương vị Thủ tướng Chính Phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu đầy tâm huyết khi nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” để nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế hợp tác, HTX.
Hiến Nguyễn
Nguồn: vnbusiness.vn
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm là 6 từ khóa quyết định chiến lược nông nghiệp dài hạn.
Ngày 28/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động”. Khách mời có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Nhỏ nhưng không lẻ
Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kết quả chung đó, nông nghiệp có đóng góp lớn, thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Riêng trong quý III, khi dịch COVID-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện khác sau đại dịch, đó là đánh giá nền kinh tế và doanh nghiệp dựa trên sự lan toả, chiều sâu.
“Có thể quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sẽ có sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân và kết nối trở thành sức mạnh. Chính vì vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đêm lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải một nhóm người”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Theo Bộ trưởng, mặc dù Việt Nam đang ở giai đoạn chống chọi với dịch bệnh, ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp còn nhiều khó khăn như chi phí đầu vào cao, những biến cố thị trường, đứt gãy logistic cung ứng thế giới… Tuy nhiên niềm tin của chúng ta là dư địa nông nghiệp vẫn còn rất lớn.
Bộ NN-PTNT tự tin sẽ đạt được kế hoạch đặt ra là 42,5 tỷ USD. Chính phủ mở cửa nền kinh tế, phục hồi phát triển có thể gặp một vài khó khăn khi dịch bùng phát tại một số địa phương, tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt, sự chủ động của các địa phương sẽ là điểm tựa cho các doanh nghiệp xuất khẩu tái khởi động lại.
Trong bối cảnh đó, những bước đi của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2021-2025 với tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nông nghiệp không phải quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, tăng ngành này giảm ngành kia mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Tư duy đó bắt đầu được khơi thông.
“Đã đến lúc phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỷ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Nhìn nông nghiệp không phải kỹ thuật, sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà phải tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội…
Bởi vì đã có những nghiên cứu văn hóa, xã hội cũng là nguồn lực. Văn hóa, xã hội nông thôn, tri thức hóa người nông dân tạo ra cộng đồng nông dân năng động ở địa phương sẽ trở thành nguồn lực tinh thần hợp tác của người nông dân với nhau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta thường nói nông nghiệp là phải sản xuất quy mô lớn nhưng bây giờ điều đó cũng chưa chắc. Nhất là sau những tác động của đại dịch COVID-19 như vừa rồi. Công nghiệp, đô thị đã phải chia nhỏ và nông nghiệp cũng vậy. Cần có sự thay đổi để thích ứng với đại dịch. Tất nhiên là phải sản xuất lớn, nhưng chúng ta không tuyệt đối hóa mô hình nào. Nhiều khi chúng ta chạy theo cái này mà bỏ cái kia. Nông nghiệp phải biết tích hợp giá trị, cần tích hợp giá trị cho sản xuất nhỏ. Bởi vì nếu chỉ nhìn vào một giá trị mà quên đi những giá trị còn lại thì biết đâu trong đó lại có cơ hội hơn.
Chung quan điểm này, theo ông Vũ Tiến Lộc, hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ. Phải tích tụ, tập trung sản xuất thành những chuỗi lớn, nhưng đồng thời cũng không thể xóa đi vai trò của những hộ kinh doanh nhỏ.
“Nhỏ nhưng không lẻ mà phải liên kết lại với nhau. Làm sao nhỏ nhưng phải kết nối lại theo chuỗi, như những giọt nước kết nối với nhau thành biển cả”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Lần đầu tiên nông nghiệp Việt Nam có chiến lược dài hạn
Khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan đã nhiều lần xin Chính phủ thí điểm Tái cơ cấu nông nghiệp. Sau thời gian dài đồng hành với người nông dân, đồng hành với doanh nghiệp đã đúc rút được 6 từ khóa mà hiện tại Bộ NN-PTNT đang chuyển hóa vào chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030.
Đó sẽ là lần đầu tiên nền nông nghiệp Việt Nam có một chiến lược dài hạn thay vì kế hoạch sản xuất hàng năm, kế hoạch 5 năm như từ trước đến giờ. Chiến lược đó phải định vị lại để có chiến lược, để biết người biết ta, biết được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình để tránh rơi vào những cái bẫy, tránh những lời nguyền của nông nghiệp là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
3 từ khóa đầu là hợp tác, liên kết, thị trường. Dứt khoát những người sản xuất phải hợp tác với nhau chứ không thể 18,5 triệu hộ nông dân cứ ruộng nhà ai nấy làm, vườn nhà ai nấy làm, đèn nhà ai nấy sáng được. Đó là cái bẫy chết người nếu không có sự hợp tác.
Thứ hai là phải liên kết để tạo thành chuỗi giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.
Thứ ba, dù hợp tác hay liên kết, sản xuất hay kinh doanh nông sản thì thị trường mới là yếu tố quyết định, chúng ta bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái chúng ta có.
3 từ khóa tiếp theo là giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm hay chế biến. Tổng cộng cả 6 từ khóa này cộng với các mô hình nông nghiệp mới sẽ nằm trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững.
“Nền nông nghiệp chúng ta đang đứng trước 3 chữ biến. Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Xu thế của thế giới đã tiến tới nông nghiệp 4.0, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ… và tiêu dùng xanh sẽ dần chi phối thị trường nông sản. Những yếu tố đó sẽ xoay trục toàn bộ nền nông nghiệp, chúng ta buộc phải thay đổi để đi theo, nếu không sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Nông dân phải chuyên nghiệp
Một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp được đưa ra bàn thảo tại tọa đàm là vai trò của hợp tác xã trong 6 từ khóa mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập.
Theo Bộ trưởng, hợp tác xã là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp và chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.
“Hợp tác xã khi quần tụ với nhau sẽ trở thành kinh tế tập thể và Nhà nước có các chính sách hỗ trợ thông qua đó chứ không phải từng hộ nhỏ lẻ. Tôi tin rằng đến một ngày nào đó hợp tác xã sẽ ngồi ngang hàng với các doanh nghiệp để đàm phán những vấn đề liên kết. Và tôi cũng mong muốn truyền thông đừng đẩy người nông dân ở các hợp tác xã và các doanh nghiệp thành hai chiến tuyến. Sự hợp tác của người nông dân thông qua hợp tác xã sẽ trở thành một bi kịch nếu hai bên xem nhau là đối trọng chứ không phải đối tác của nhau và lúc đó chữ hợp tác, liên kết sẽ không tồn tại”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ.
Và cuối cùng, cả Bộ trưởng Lê Minh Hoan và ông Vũ Tiến Lộc thống nhất, dù thế nào đi nữa thì người nông dân cũng phải chuyên nghiệp lên, phải thay đổi suy nghĩ của người nông dân để góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, nếu nông nghiệp không chuyên nghiệp thì sẽ để lại hệ lụy rất lớn: Quốc hội đang bàn Luật Bảo hiểm, trong đó có đặt vấn đề bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên sẽ không thể nào áp dụng được bảo hiểm nông nghiệp nếu nền nông nghiệp, người nông dân không chuyên nghiệp. Đừng để người nông dân trong một ốc đảo tri thức. Ở nước ngoài, người dân nói chuyện như một nhà khoa học, không ai biết họ là nông dân. Vì vậy, không có con đường nào khác là phải chuyên nghiệp.
Nguồn: nongnghiep.vn
Thông qua Ý định thư, Việt Nam chuyển nhượng CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026 với tổng trị giá 51,5 triệu USD.
Sự kiện diễn ra vào cuối giờ chiều ngày 31/10 theo giờ địa phương tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh), tức nửa đêm cùng ngày giờ Việt Nam, nhân chuyến làm việc của đoàn Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu, trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26).
Hai bên tham gia ký kết Ý định thư là Bộ NN-PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) – cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF), với sự tham gia của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Giám đốc điều hành Emergent là ông Eron Bloomgarden.
Với Ý định thư này, Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026.
LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn CO2 với tổng giá trị là 51,5 triệu USD. Diện tích rừng thương mại dịch vụ giảm phát thải đăng ký là 4,26 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 3,24 triệu ha và rừng trồng 1,02 triệu ha.
Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính từ rừng trên quy mô lớn. Ý định thư này tiếp tục đánh dấu sự tiến triển của Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ và phát triển rừng gắn với việc đạt được các mục tiêu quốc gia về giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
“Thương mại giảm phát thải từ rừng không chỉ là mục tiêu chiến lược, mà đã là kế hoạch hành động cụ thể của Việt Nam, là thành quả của sự hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam với LEAF và Emergent với sự hỗ trợ quí báu của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế”, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu tại lễ ký kết.
Bộ trưởng cho biết thêm, thực hiện Ý định thư sẽ góp phần tích hợp giá trị của rừng và thúc đẩy quản lý rừng bền vững gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cộng đồng địa phương và đảm bảo an toàn sinh thái và phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên toàn cầu ký Ý định thư với LEAF/Emergent. Đây được xem là cơ sở để hai bên tiếp tục đàm phán, xây dựng nội dung với mục tiêu trong vòng 12 tháng sau khi ký kết, Việt Nam sẽ chuẩn bị để ký Thỏa thuận Mua bán Giảm phát thải (ERPA) với LEAF/Emergent. ERPA là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý rừng bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài chính khác về khí hậu.
Đến nay, nguồn kinh phí cam kết đóng góp cho LEAF để thực hiện chi trả cho dịch vụ giảm phát thải từ rừng lên tới 1 tỷ USD. Đây cũng là nỗ lực của Việt Nam góp chung cùng sáng kiến tại COP26, nhằm thực hiện các cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) là một liên minh công – tư tìm cách chấm dứt nạn phá rừng nhiệt đới và giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu bằng cách cung cấp tài chính cho rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới giúp giảm thiểu mất rừng và suy thoái rừng thành công.
Emegent là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, đóng vai trò là điều phối viên của Liên minh LEAF và làm việc với các bên tham gia Liên minh LEAF và các quốc gia có rừng nhiệt đới nhằm tạo ra một thị trường mới với các giao dịch quy mô lớn về tín chỉ các bon ở cấp tỉnh/ vùng/ quốc gia.
Từ khi Liên minh được thành lập vào tháng 4/2021, LEAF đã làm việc với 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh, cùng với 18 nhà tài trợ đóng góp và cam kết với tổng trị giá 1 tỷ USD. Ngoài Việt Nam, 3 quốc gia còn lại đã ký kết Ý định thư với LEAF/Emergent là Costa Rica, Ecuador và Ghana.
Sau khi ký kết Ý định thư, Bộ NN-PTNT sẽ hợp tác với các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong vòng 12 tháng để chuẩn bị cho ERPA, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu, thông lệ quốc tế và tuân thủ theo quy định pháp luật của Việt Nam.
Lợi ích từ Thỏa thuận Mua bán Giảm phát thải (ERPA)
Ý định thư và sau này là ERPA được đánh giá là sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, đồng thời mở ra cơ hội hiện thực hóa việc triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng:
– Góp phần tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững.
– Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, chủ rừng, cộng đồng, hộ gia đình, khu vực tư nhân về giá trị dịch vụ các bon rừng, hiểu được lợi ích và giá trị kinh tế, môi trường do rừng mang lại.
– Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, chủ rừng; thu hút lao động nông thôn, tạo việc làm gắn với ổn định sản xuất và đời sống, ổn định chính trị, củng cố an ninh, quốc phòng.
– Góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Cải thiện chất lượng rừng thông qua việc trồng mới, phục hồi rừng, tăng cường chức năng phòng hộ và giá trị sinh thái của rừng, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu.
– Được sử dụng tối đa 100% tổng lượng chuyển quyền giảm phát thải theo ERPA để thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện Thỏa thuận Paris và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
– Thể hiện tầm nhìn và trách nhiệm cao của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững.
Cũng nhân dịp này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, đại diện cho Bộ NN-PTNT và ông Carlos Montanes – Giám đốc điều hành Tập đoàn HIPRA (Tây Ban Nha) đã trao đổi biểu trưng hỗ trợ của Tập đoàn cho Việt Nam 50 triệu liều vacxin phòng bệnh gia cầm.
Tập đoàn HIPRA là một trong những đơn vị sản xuất vacxin lớn trên thế giới và đã có mặt tại Việt Nam. Hiện HIPRA đang phối hợp với Tập đoàn T&T trong việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vacxin phòng Covid-19, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất cho phía Việt Nam. HIPRA, Tập đoàn T&T và Đại học Y Hà Nội đang hợp tác trong việc thành lập Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng vacxin tại Việt Nam.
Nguồn: Nongnghiep.vn
Sáng ngày 29/10, đoàn công tác Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về thực hiện mục tiêu phát triển ngành dược liệu để tỉnh Bắc Kạn trở thành trung tâm sản xuất về chế biến dược liệu của vùng Đông Bắc và một số nội dung về phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã (HTX).
Phát triển hệ thống cung ứng giống cây dược liệu
Tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết tỉnh Bắc Kạn là một tỉnh miền núi vùng cao, với địa hình phức tạp, đa dạng với khoang 72,9% rừng che phủ, Bắc Kạn có nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú, với hơn 1.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: Bình Vôi, Hà Thủ Ô, Ba kích, Cát Sâm,… Nguồn tài nguyên này, nếu được bảo vệ, khai thác và phát triển hợp lý, có thể mang lại nguồn lợi đáng kể cho công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tại buổi làm việc
Bà Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, xuất phát từ thực tiễn và điều kiện tự nhiên của tỉnh Bắc Kạn phù hợp phát triển cây dược liệu. Trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm chỉ đạo bảo tồn và phát triển cây dược liệu. UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Bắc Kạn tại Quyết định số 2362/QĐ-UBND ngày 25/12/2020, với các mục tiêu cụ thể như phát triển hệ thống các chủ thể phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị, bao gồm các hộ gia đình trồng dược liệu, 16 tổ chức kinh tế tại cộng đồng, dưới dạng HTX và công ty cổ phần, 3 doanh nghiệp chủ chốt, các nhà hỗ trợ chuỗi và các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm sản xuất, tiêu thụ hết các sản phẩm sản xuất được. Phát triển hệ thống cung ứng giống cây dược liệu, đến năm 2025 cung ứng được 60% và đến năm 2035 là 80% giống dược liệu sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao. Khai thác bền vững một số loài cây được liệu tự nhiên ở các địa phương với sản lượng khoảng 32 tấn dược liệu khô/năm; phát triển trồng cây dược liệu, trong đó trồng 26 loài dược liệu tại 4 tiểu vùng của tỉnh Bắc Kạn, với diện tích đến năm 2025 là 545 ha, trong đó 345 ha cây dược liệu theo hình thức thâm canh và 200 ha trồng dưới tán rừng, tạo ra 1.500 tấn dược liệu khô; nghiên cứu phát triển tạo ra các sản phẩm.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn
Mong muốn hỗ trợ xây dựng chuỗi dược liệu hoàn chỉnh
Cũng tại buổi làm việc, đánh giá về thực trạng bảo tồn và phát triển dược liệu trong tỉnh Bắc Kạn, PGS. TS Trần Văn Ơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Dược Khoa nhấn mạnh điểm mạnh trong bảo tồn và phát triển dược liệu tại Bắc Kạn do tồn tại cả hai vùng sinh thái là vùng cao, thích hợp cho các dược liệu có thể phát triển tốt ở đai á nhiệt đới như ở Pác Nặm, Ngân Sơn, Chợ Đồn và vùng thấp thích hợp cho việc phát triển các cây thuốc nhiệt đới như Chợ Mối, Bạch Thông, Na Rì… Bên cạnh đó, có diện tích rừng che phủ lớn, trong đó có nhiều dược liệu tự nhiên. Đã có một diện tích khá lớn cây thuốc được phát triển trong cộng đồng (như Quế, Hồi, Nghệ, Thạch đen…) Có chương trình OCOP với định hướng phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, trong đó có các sản phẩm từ dược liệu.
PGS. TS Trần Văn Ơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Dược Khoa
“Mong muốn hỗ trợ xây dựng chuỗi dược liệu hoàn chỉnh với quy mô vừa và 3 cấp độ quốc dược-tỉnh dược-cộng đồng, và người hưởng lợi chính là bà con nông dân, đồng thời có thể tận dụng tiềm năng lợi thế dưới tán rừng. Điều này là không chỉ là mục tiêu phát triển thông thường nữa, đó còn là mục đích an sinh xã hội của tỉnh Bắc Kạn” bà Đỗ Thị Minh Hoa đề nghị.
Đồng thời, đoàn công tác UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ về khoa học công nghệ, tư vấn hỗ trợ đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn sản phẩm, công tác tư vấn đào tạo, củng cố hệ thống HTX đặc biệt là lĩnh vực dược liệu, thông tin truyền thông, xúc tiến thương mại.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ quan điểm với mục tiêu thúc đẩy phát triển khu vực KTTT, HTX tỉnh Bắc Kạn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhất trí với những đề xuất mà đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn đưa ra. Trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và tỉnh Bắc Kạn sẽ cùng nhau xây dựng những kế hoạch cụ thể phát triển mô hình hợp tác xã dược liệu theo mô hình chuỗi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Sáng ngày 28/10, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có buổi làm việc với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương về Chương trình phối hợp triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại cho hợp tác xã.
Chuyển đổi sang thương mại điện tử phục hồi sản xuất, mở rộng thị thường
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bày tỏ quan điểm từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 đến nay, các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương hàng hóa của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã gặp rất nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, xúc tiến thương mại tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa điện tử là hướng đi tất yếu. Việc chuyển đổi từ xúc tiến thương mại theo lối truyền thống, trực tiếp sang xúc tiến thương mại trực tuyến là giải pháp được cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như không ít doanh nghiệp thúc đẩy nhằm kết nối phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
“Mặc dù xúc tiến thương mại trực tuyến mới chỉ phổ biến kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và ban đầu chỉ được xem như một giải pháp tình thế trong bối cảnh hạn chế đi lại. Tuy nhiên, đến hiện tại, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định, đây sẽ là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ đắc lực cho xúc tiến thương mại trực tiếp, trở thành hình xúc tiến thương mại – đầu tư mới, hiệu quả lan tỏa ra hầu hết các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, HTX trên cả nước”- ông Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ.
Trong năm 2020. Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng 05 ứng dụng, phần mềm bao gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý khách hàng (CRM); Hệ sinh thái xúc tiên thương mại (VECOBIZ); Cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hóa (https://vietnam.tradeportal.org); Nền tảng đào tạo XTTM trực tuyến (E-learning). Các ứng dụng trên dự kiến được đưa vào vận hành trong năm 2021.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương
Các HTX bắt kịp xu hướng phát triển chung, nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong kinh doanh
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cúc Xúc tiến thương mại, xúc tiến thương mại điện tử thực chất là cách thức các doanh nghiệp sử dụng Internet, website và các thiết bị điện tử, các mạng viễn thông để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm mục đích cuối cùng là phân phối được sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ đến thị trường mục tiêu.
Về chủ thể tham gia trong hoạt động xúc tiến thương mại điện tử phải có tối thiểu ba chủ thể tham gia. Đó là bên thực hiện hoạt động xúc tiến, đối tượng được hướng tới và bên cung cấp các dịch vụ, công cụ trực tuyến. Đây là những người tạo môi trường cho việc chuyền tải thông điệp giữa hai bên còn lại.
Nhấn mạnh về vai trò của xúc tiến thương mại điện tử đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, việc tham gia về các hoạt động này sẽ giúp cho các HTX bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong kinh doanh, mở rộng phạm vi, đối tượng khách hàng
Ông Phú cho biết điều mà các doanh nghiệp cần làm lúc này đó là biết cách tự kết nối, tương tác, truyền tải đúng, đủ và nhanh nhất mọi thông điệp của mình tới khách hàng thông qua các công cụ xúc tiến thương mại điện tử. Hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ) là nền tảng ứng dụng tích hợp các dịch vụ xúc tiến thương mại như tư vấn/đào tạo, truy xuất xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm. Hiện tại, Hệ sinh thái đã được đưa vào vận hành.
Tại buổi làm việc, 2 bên đã cùng nhau lắng nghe, chia sẻ về các chương trình và dự án trong thời gian tới, với mục đích đẩy mạnh triển khai các hoạt động giúp ích cho bà con khu vực KTTT, HTX, góp phần quan trọng hỗ trợ HTX hội nhập và phát triển.
Lê Huy – Quỳnh Trang
Nguồn: VCA
Theo Bộ NN&PTNT, việc triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW và Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trong nông nghiệp đã làm chuyển đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tính cấp thiết của việc phát triển HTX trong nông nghiệp, mô hình HTX kiểu mới trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; xây dựng môi trường thể chế, hệ thống các cơ chế, chính sách phù hợp và đặc thù trong nông nghiệp; duy trì hệ thống quản lý nhà nước theo ngành dọc. Kinh tế tập thể, HTX đã có những tiến bộ cả về lượng và chất, ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai.
Hoạt động của các HTX nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
Trong thực tiễn, xuất hiện nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả; trình độ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp được nâng cao rõ rệt, đội ngũ cán bộ quản lý được trẻ hóa. Cả nước có 2.297 HTX nông nghiệp thành lập doanh nghiệp trong HTX; 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất; trên 4.339 HTX đảm nhận bao tiêu nông sản… Hoạt động của các HTX nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người nông dân. Năm 2020, doanh thu bình quân/HTX đạt 2,44 tỷ đồng/năm (gấp 5,64 lần so với năm 2001); thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu đồng/năm (gấp 9,1 lần so với năm 2001)… qua đó, đóng góp chung vào thành tựu phát triển của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn suốt 20 năm qua.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW còn chậm, chưa quyết liệt; Nghị quyết và Luật ban hành đã lâu nên các nội dung, giải pháp và quy định chưa được cập nhật, phù hợp với tình hình mới; số HTX hoạt động có hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững; quy mô thành viên và doanh thu của các HTX nông nghiệp còn nhỏ bé; các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, số lượng các HTX có khả năng liên kết chưa nhiều, mới đạt 24% tổng số HTX; Nghị quyết số 13 -NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2010 đưa kinh tế tập thể, HTX thoát khỏi những yếu kém, tuy nhiên đến nay mục tiêu này mới cơ bản được hoàn thành; cả nước vẫn còn 985 HTX nông nghiệp ngừng hoạt động chưa giải thể được; một số HTX tuy đã đăng ký tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012 nhưng không chuyển đổi được mô hình hoạt động nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp…
Tham gia vào hợp tác xã các thành viên hưởng lợi nhiều hơn. Ảnh: Internet
Những chuyển biến rõ nét trogn kinh tế tập thể
Tại Thừa Thiên Huế, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật HTX, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến rõ nét, hiện có 310 HTX, 43 tổ hợp tác với trên 172.000 thành viên, tổng vốn góp của các thành viên trên 280 tỷ đồng. Trong đó HTXNN có 218 HTX với hơn 101.090 thành viên, năm 2020 doanh thu bình quân của 1 HTX là 1,94 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, việc thành lập HTX Lâm nghiệp bền vững của từng thôn, xã; tiến đến hình thành liên hiệp các HTX lâm nghiệp là hướng đi rất phù hợp. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ bà con nông dân giai đoạn 2016-2020 ngoài mục tiêu mở rộng quy mô rừng trồng gỗ lớn khu vực nông hộ, có chứng chỉ rừng tối thiểu là 5.000 ha với ít nhất 1.250 hộ nông dân và 5.000 người dân được hưởng lợi gắn với phát triển 30 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững, hoạt động theo chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ rừng; có doanh nghiệp đầu mối bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ lớn. Và tiến độ đến nay, tỉnh đã có 1.028 lâm hộ dân với diện tích trên 5.100 ha rừng trồng có chứng chỉ rừng; thành lập được 25/30 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững; cho thấy chiến lược đề ra của tỉnh là đúng đắn, phù hợp thực tiễn và hợp lòng dân.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, hiện nay có tổng số 241 HTX nông nghiệp và 56 HTX phi nông nghiệp, 1 Liên hiệp HTX, hơn 300 tổ hợp tác, 8 trang trại. Các HTX hoạt động tốt chiếm 39% và trung bình chiếm 40%. Toàn tỉnh có 131 sản phẩm OCOP, trong đó có 95 sản phẩm của HTX nông nghiệp. Nhiều HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, tạo ra được sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đạt chất lượng và an toàn khá cao, có xu hướng phát triển hợp tác liên kết bền vững.
Tại tỉnh Lào Cai, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13, tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao: Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 7,7%/năm; giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng đạt 9,9%/năm, năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 tốc độ tăng trưởng đạt 6,31%; GRDP bình quân đầu người của tỉnh đến hết năm 2020 đạt 71,6 triệu đồng/người/năm. Số lượng HTX năm 2021 là 435 HTX (tăng 338 HTX so với năm 2001). Thu nhập bình quân đầu người của lao động trong HTX năm 2021 đạt 38 triệu đồng/năm (tăng 31,4 triệu đồng so với năm 2001). Doanh thu bình quân của HTX năm 2021 đạt 773 triệu đồng/năm; lãi bình quân HTX năm 2021 đạt 93 triệu đồng/năm. Đóng góp của khu vực HTX vào tổng sản phẩm của địa phương và nền kinh tế đạt 0,15% GRDP. Vai trò lớn nhất của khu vực HTX là đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên (chủ yếu khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình).
Đối với tỉnh Thái Nguyên, Nghị quyết số 13-NQ/TW đã được triển khai thực đối đầy đủ cả về nhận thức và quan điểm phát triển kinh tế tập thể, HTX, từng bước được khẳng định và thống nhất trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cấp huyện, xã; vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương dần được khẳng định. Hoạt động khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài, có nhiều tín hiệu phát triển. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều, đặc biệt các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Số lượng HTX dự kiến tại thời điểm 31/12/2021 là 433 HTX (tăng 363 HTX so với thời điểm 31/12/2001). Trong đó số HTX thành lập mới 06 tháng đầu năm 2021 là 16 HTX; 04 HTX đã giải thể, chuyển đổi lĩnh vực khác.
Vân Khánh (tổng hợp)
Nguồn: VCA
Kinh tế chia sẻ là xu thế tất yếu nếu muốn phát triển HTX nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa bền vững. Tuy vậy, quá trình ứng dụng kinh tế chia sẻ trong các HTX mới chỉ ở bước “sơ khai” và muốn đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, thì HTX còn nhiều việc cần phải làm.
Hội thảo “Vận dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hoạt động của HTX trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức cho thấy, kinh tế chia sẻ (như điện toán đám mây, big data, IoT, robot tự động, thiết bị truy xuất nguồn gốc, sàn giao dịch điện tử….) sẽ giúp người dân, HTX tận dụng lợi thế của công nghệ số để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đồng thời giúp HTX tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực.
Khó khăn bủa vây
Mang lại những lợi ích thiết thực như vậy nhưng hiện nay, kinh tế chia sẻ vẫn chỉ được số ít HTX hiểu và ứng dụng thành công. Theo khảo sát của Viện phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) trên 1.000 HTX nông nghiệp thực hiện đầu năm 2021 cho thấy, đa số cán bộ quản lý HTX chưa hiểu về kinh tế chia sẻ.
Khảo sát cho thấy, với 400 phiếu điều tra tại các HTX, có tới 104 phiếu trả lời chưa biết gì về kinh tế số (chiếm 26%), 203 phiếu trả lời chỉ biết và hiểu một ít về kinh tế số (chiếm 50,7%), 77 phiếu chọn đã hiểu về kinh tế chia sẻ (chiếm 19,3%), còn lại chỉ có 15 phiếu trả lời hiểu rõ về kinh tế chia sẻ (chiếm 3,8%).
Ứng dụng kinh tế chia sẻ vẫn còn mới mẻ với các HTX nông nghiệp. |
Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng rào cản lớn nhất là trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận, đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế.
Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, trong số 56.470 cán bộ HTX nông nghiệp chỉ có 11.675 cán bộ có chứng chỉ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên (chiếm 20,6%); 17.243 cán bộ có trình độ sơ cấp, trung cấp (chiếm 30,53%); 27.552 cán bộ chưa qua đào tạo (chiếm 48,79%).
Thực tế vẫn còn nhiều HTX nông nghiệp hoạt động dựa vào số cán bộ cao tuổi, trình độ chuyên môn thấp, quản lý chủ yếu bằng kinh nghiệm và uy tín cá nhân. Đây là một trong những rào cản đối với HTX khi ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là những vấn đề liên quan đến công nghệ thông minh, công nghệ cao.
Bên cạnh yếu tố nhân lực, quy mô nhỏ lẻ cũng ảnh hưởng đến việc ứng dụng kinh tế chia sẻ của các HTX hiện nay. Theo nghiên cứu, bình quân 1 HTX có 280 thành viên nhưng chủ yếu số thành viên này từ các HTX nông nghiệp được thành lập trước khi có Luật HTX năm 2012. Số HTX được thành lập những năm gần đây thì thành viên bình quân chỉ khoảng 7-30 thành viên.
Cùng với đó, diện tích canh tác khiêm tốn cũng khó thúc đẩy ứng dụng kinh tế chia sẻ. Trong khi việc tích tụ ruộng đất quy mô lớn sẽ tạo thuận lợi cho đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo Tổng cục thống kê, từ 2016-2020, số thửa đất sản xuất nông nghiệp bình quân của 1 hộ cũng chỉ tăng từ 2,5 thửa (năm 2016) lên 2,8 thửa (diện tích bình quân một thửa ruộng là 2.026,3m2). Thực tế tại các HTX, nhất là các HTX ở phía Bắc, diện tích sản xuất của người dân, HTX còn ít hơn nhiều bởi điều kiện địa hình đồi núi, địa phương chưa chú trọng đến dồn điền, đổi thửa.
Để ứng dụng kinh tế chia sẻ hiệu quả, ngoài việc mở rộng quy mô sản xuất, các HTX cần quản lý giao dịch bằng hệ thống điện tử, thanh toán bằng thẻ. Thế nhưng các HTX nông nghiệp hiện nay vẫn chưa làm được điều này. Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, cuối năm 2020, cả nước có 1.292 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chiếm 5% tổng số HTX cả nước) và chỉ những HTX mới đang chú trọng giao dịch bằng hệ thống điện tử, thanh toán bằng thẻ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thực hiện các giao dịch điện tử vừa giúp các HTX hạn chế việc phải ghi chép thủ công bằng sổ sách lại bảo đảm yếu tố chính xác, minh bạch, từ đó bảo đảm vấn đề quản lý thông tin sản xuất kinh doanh. Điều này cũng được quy định cụ thể trong Điều 9, Luật HTX 2012 là: “Các HTX phải đưa vào điều lệ việc minh bạch thông tin, cung cấp thông tin cho thành viên, kiểm soát minh bạch thông tin kiểm soát, kiểm toán…”. Nhưng thực tế, nhiều HTX chưa thực hiện tốt nội dung này.
Ông Hoàng Văn Long (Viện Phát triển kinh tế hợp tác) cho biết, khi ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hoạt động của HTX các hoạt động như vay vốn, sử dụng tài nguyên, máy móc, thiết bị, thanh toán… đều làm thủ công thì rất dễ để xảy ra tình trạng trục lợi cá nhân, gây khó khăn cho HTX khi làm việc với ngân hàng, doanh nghiệp và đối tác nước ngoài.
Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Thực tế, ứng dụng kinh tế chia sẻ đã thực hiện thành công ở một số HTX. Ông Bùi Văn Vũ, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp an toàn Vũ Anh (Thái Bình) cho biết, hiện nay HTX đã đầu tư sản xuất rau màu theo mô hình công nghệ cao. Đặc biệt, nhờ sự phát triển của công nghệ, HTX đã ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc kết nối với máy tính để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp thành viên tự tin đưa sản phẩm ra thị trường.
Tuy nhiên theo ông Vũ, không phải HTX nào cũng có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ vì ngoài những khó khăn nội tại, các HTX còn gặp rào cản từ các quy định pháp luật về vay vốn, tích tụ đất đai…
Chính vì vậy, để đưa kinh tế chia sẻ vào trong HTX nông nghiệp, ông Vũ cho rằng trước tiên cần tập trung hỗ trợ những HTX trẻ, có đầu tư, tự nguyện tham gia HTX. Sau khi các mô hình này thí điểm, ứng dụng hiệu quả có thể lan tỏa ra các mô hình khác vì đây là mô hình sản xuất mới, cần thời gian để các HTX thích ứng.
Việc liên kết với doanh nghiệp cũng được cho là giải pháp hiệu quả giúp HTX giải quyết những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. |
Thực tế cho thấy, kinh tế chia sẻ khá tương đồng với mô hình HTX vì đều thực hiện theo nguyên tắc “mua chung, bán chung và cùng chia sẻ lợi ích”. Theo các chuyên gia, cũng giống như mô hình kinh tế chia sẻ Grab, chỉ cần người biết sử dụng dịch vụ hướng dẫn thì vẫn có nhiều người lớn tuổi có thể sử dụng được dịch vụ này. Điều quan trọng, tất cả các khái niệm, văn bản pháp luật đến ứng dụng về kinh tế chia sẻ cần đơn giản để phù hợp với nhận thức, điều kiện, hoàn cảnh của HTX. Bên cạnh đó, việc liên kết với doanh nghiệp cũng được cho là giải pháp hiệu quả giúp HTX giải quyết những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Đỗ Minh Cương, Chủ nhiệm đề tài khoa học “Vận dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hoạt động của HTX trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn” cho biết, trước đây, quả vải của một số HTX ở Bắc Giang chưa đạt VietGAP chỉ bán 20.000 đồng kg, nhưng sau khi được doanh nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thông qua điện thoại thông minh thì quả vải đã bán được với giá 40.000 đồng/kg.
“Trong mối quan hệ này, HTX chỉ cần bỏ đất, công để trồng còn doanh nghiệp sẽ hỗ trợ về công nghệ. Đây là một cách làm hiệu quả, phù hợp giúp HTX phát triển được những thế mạnh nội lực trong ứng dụng kinh tế chia sẻ”, ông Cương nói.
Huyền Trang
Mới đây, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị toàn thể PSAV với chủ đề: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo – Hướng tới một nền nông nghiệp xanh”.
Trên cơ sở sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mô hình PPP đã được thể chế hóa thành Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (gọi tắt là PSAV) đang triển khai 8 nhóm công tác PPP ngành hàng bao gồm: Cà phê, chè, rau quả, thủy sản, gạo, hồ tiêu, chăn nuôi và hóa chất nông nghiệp, với sự tham gia của 120 tổ chức, các công ty trong nước và quốc tế, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT – Lê Minh Hoan cho biết, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,68% năm 2020 và 9 tháng năm 2021, nông nghiệp duy trì tăng trưởng 2,74%. Vai trò của ngành nông nghiệp càng đặc biệt quan trọng trong điều kiện bình thường mới cả về kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Khả năng cạnh tranh của các hộ sản xuất quy mô nhỏ, còn hạn chế; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Đây là cơ sở để Bộ NNPTNT dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2021.
“Theo đó, chiến lược hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng thời xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại”, “nông dân thông minh”. Ngành nông nghiệp cũng xác định yêu cầu chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. Bộ NNPTNT đánh giá việc triển khai 8 nhóm công tác PPP ngành hàng đã và đang mang lại kết quả tích cực, đáng khích lệ.