Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba – Industry Summit 4.0, chiều ngày 9/11 Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức Hội thảo “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường tham dự Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm thực tế ảo về Công nghiệp 4.0 là sự kiện thường niên do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì cùng với sự tham gia phối hợp của nhiều bộ ngành liên quan. Năm 2021, với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”, sự kiện sẽ tập trung tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 22/3/2019 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau 3 năm thực hiện.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng: Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đồng thời, xác định rõ yêu cầu “đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam là lĩnh vực thay đổi nhanh nhất, là ngành tốt nhất để đi tắt đón đầu với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số; mạng 5G bắt đầu được triển khai thương mại hóa, cơ sở hạ tầng cốt lõi với mạng băng thông rộng tốc độ cao làm nền tảng tốt cho đẩy mạnh hoạt động sản xuất thông minh. Các doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh triển khai thực Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi về kinh nghiệm chuyển đổi số trong các ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Hội tự động hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm mục đích tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất, các nhà cung cấp giải pháp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, số hóa và tự động hóa quy trình sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tham dự Hội thảo chuyên đề 2
Đây là một trong 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba – Industry Summit 4.0. Phiên Hội thảo chuyên đề 2 sẽ tập trung vào một số nội dung như: Phát biểu đề dẫn của Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, 6 Báo cáo chính từ 6 chuyên gia đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có kinh nghiệm trong việc thiết kế, cung cấp và xây dựng các nhà máy thông minh, tự động hóa quy trình sản xuất.
Tiếp theo đó, Hội thảo sẽ đến với Phiên Thảo luận bàn tròn với chủ đề “Sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhằm trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm trong việc thiết lập mô hình và chuyển đổi số cho doanh nghiệp; khai thác công nghệ số trong tối ưu hóa vận hành nền sản xuất; xây dựng nhà máy thông minh trên nền tảng cũ; số hóa chuỗi cung ứng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Lê Huy
Nguồn: VCA