‘Siêu Hiệp định’ RCEP sẽ mở cuộc chơi mới cho doanh nghiệp Việt

Trong bối cảnh COVID-19, việc có thêm một công cụ là Hiệp định RCEP để thâm nhập thị trường, tức là thêm một cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam sớm vượt qua được những khó khăn của dịch bệnh, tiếp tục phát triển vững mạnh trong tương lai.

Hiệp định RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 5 quốc gia khác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Từ này 01/01/2021, RCEP chính thức có hiệu lực – hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, tạo ra thị trường chiếm gần 30% dân số thế giới (khoảng 2,2 tỷ người) và chiếm gần 30% GDP toàn cầu.

Những ngành nào sẽ hưởng lợi?

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu (XK), tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.

xuat-khau-nong-san-4791-1641200014.png

Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng xuất khẩu nông sản tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. 

Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa XK của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng XK trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Úc, New Zealand, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Phân tích rõ hơn, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết khi có RCEP – Hiệp định mang tính đa phương với những quy tắc rõ ràng và có sự tham gia của nhiều nước, chúng ta hy vọng sẽ tạo được môi trường ổn định hơn để phát triển. Đơn cử vừa qua, chúng ta nhìn thấy rõ ràng những quan hệ thương mại với một đối tác láng giềng, nếu như không dựa trên những nguyên tắc mang tính ổn định, lâu dài và thương mại mang tính chính thức thì sẽ có nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng.

Hay quy định về kiểm dịch động thực vật, nếu như không có một quy tắc của nó thì một nước có thể đơn phương áp dụng quy tắc đó, điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng nông sản của đối tác XK. Tuy nhiên, với quy tắc chung của Hiệp định RCEP được thừa nhận từ 15 nước thì những tiêu chuẩn đó mang tính ổn định hơn nhiều.

Vì vậy, ông Thái hy vọng lợi ích từ RCEP không phải chỉ là trực tiếp từ mở cửa thị trường mà cao hơn là thị trường ổn định, dễ dự báo hơn và DN có thể chuyển dần hướng từ XK không chính thức trước đây sang hệ thống chính thức cao hơn. Đây chính là mục tiêu lâu dài mà các nước tham gia hiệp định hướng tới.

Đơn cử, nếu biết tận dụng tốt RCEP, việc chuyển từ XK tiểu ngạch sang chính ngạch sẽ được đẩy mạnh hơn đối với hoạt động thương mại của Việt Nam – Trung Quốc, chấm dứt tình cảnh hàng nghìn container hàng hóa ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh như thời gian gần đây.

Ở góc độ DN, Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) đặt mục tiêu đạt doanh thu năm 2022 là 150 triệu USD, theo đó Nhật Bản, Trung Quốc – là những thị trường thuộc khối RCEP được DN này kỳ vọng.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Thuận Phước chia sẻ, DN tiếp tục hướng tới Nhật Bản vì đây là thị trường ổn định, an toàn về thanh toán tài chính. Song bất an lớn nhất là thị trường này đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Còn với Trung Quốc – đây là thị trường rất tiềm năng. Nhu cầu tiêu thụ lớn, thu nhập của người tiêu dùng Trung Quốc cao trong khi họ có xu hướng giảm diện tích nuôi trồng. Đây là cơ hội cho thủy sản Việt Nam.

Vì vậy, ông Lĩnh kỳ vọng, việc thực thi RCEP sẽ giúp ngành thủy sản tận dụng được cơ hội nhiều hơn từ thị trường này, xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm, có kiểm soát, sản xuất hàng theo theo quy mô lớn.

“RCEP sẽ giúp thị trường này thay đổi trong phương thức nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Nếu theo luật chơi mới của quốc tế, DN Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế”, ông Lĩnh cho hay.

Áp lực cạnh tranh sân nhà với ngành nông nghiệp

Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính, khi RCEP có hiệu lực có thể làm tăng thu nhập toàn cầu lên 186 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030 và thêm 0,2% vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên. Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ là những nước hưởng lợi chính của RCEP. 

Chỉ ra cơ hội từ RCEP, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM, dẫn lại câu chuyện vừa qua hàng chục DN thủy sản Ấn Độ bị cấm XK sang Trung Quốc vì Hải quan nước này phát hiện virus SARS – CoV- 2 trên bao bì. “Chúng ta cũng thấy rằng Ấn Độ nằm ngoài RCEP, do vậy đây vừa thách thức nhưng cũng sẽ là cơ hội cho thủy sản Việt Nam mở rộng thị phần. Để tận dụng được điều này, DN Việt cần phải rút ra bài học từ các vụ việc, tránh vi phạm lại lỗi mà đối thủ gặp phải.

“Cơ hội không ung dung mà hưởng, chúng ta cần rút ra từ sự cố của đối tác để hoàn thiện bản thân. Kiểm soát bao gói của mình làm thế nào để tránh câu chuyện tương tự và tận dụng RCEP”, ông Dương nhìn nhận cuộc chơi hợp tác về thương mại, đầu tư trong RCEP gắn với cơ hội thách thức, chúng ta phải “gạn đục khơi trong” tìm kiếm từng cơ hội, xử lý từng thách thức một.

Hơn nữa, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định RCEP cũng mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn so với khả năng hiện tại của Việt Nam.

Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, ngay cả khi mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của ta nhưng cũng chính là thách thức cạnh tranh trong khu vực RCEP này.

Hay với thị trường Hàn Quốc, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết do có quan hệ đầu tư rất lớn nên phần nhiều là nhập nguyên vật liệu, máy móc, vì vậy nhập siêu có đóng góp cho quá trình phát triển của Việt Nam. Nhưng nếu lượng nhập siêu quá lớn và mang tính lâu dài thì cũng có thể có rủi ro nhất định.

Trước thách thức trên, ông Thái cho rằng không có một phương án chung dành cho tất cả DN trong tận dụng cơ hội hay vượt qua thách thức, thay vào đó DN cần phải chuẩn bị một cách chủ động.

“Tính chủ động đây không phải là chỉ từ cộng đồng DN mà cả cơ quan nhà nước phải hướng dẫn DN tận dụng cơ hội. Chỉ có sự tích cực và chủ động hơn, thì chúng ta mới có thể khai thác hiệu quả được những thị trường tiềm năng của RCEP”, ông Thái nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, trong bối cảnh COVID-19, việc có thêm hiệp định RCEP sẽ không tạo thêm thách thức, bởi không có hiệp định này thì DN Việt Nam cũng phải đối mặt với khó khăn, đó là những vấn đề luôn xảy ra thường trực. Trong khi có RCEP, chúng ta có thêm cơ hội, lợi thế để cạnh tranh tốt hơn. Thêm RCEP chính là thêm một cơ hội để doanh nghiệp Việt phục hồi và lớn mạnh sau đại dịch.

Anh-chup-Man-hinh-2022-01-03-l-7320-6402

Ông Trần Quốc Khánh

Thứ trưởng Bộ Công Thương

RCEP đi vào thực thi từ đầu năm 2022 sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn, tạo ra chuỗi cung ứng mới trong khu vực và đây sẽ là nguồn cầu mới, động lực mới cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển. Chưa kể, trong trung và dài hạn, Hiệp định này có thể tạo ra một chuỗi cung ứng mới trong khu vực. Khi xuất khẩu theo chuỗi cung ứng tăng, nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ thấp hơn. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng cơ hội trong bối cảnh COVID-19, ngành Công Thương đã và đang triển khai nhiều phương thức xúc tiến thương mại mới, tận dụng nền tảng số, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác được đơn hàng xuất khẩu.

Anh-chup-Man-hinh-2022-01-03-l-8423-2856

Ông Phạm Đình Đoàn

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái

Việt Nam liệu có trở thành hạt nhân mới của chuỗi cung ứng toàn cầu hay không, doanh nghiệp Việt Nam làm thế nào để vượt qua thách thức, nắm bắt được cơ hội phát triển từ các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có RCEP là điều không hề đơn giản. Để gặt hái được thành công từ hội nhập cần có sự chung tay của cả Chính phủ và doanh nghiệp bởi không phải cứ ký được hiệp định là xong mà phải thay đổi tư duy, cải cách thể chế…

Anh-chup-Man-hinh-2022-01-03-l-3946-6411

TS. Lê Quốc Phương

Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương)

Để hạn chế rủi ro, lo ngại nhập siêu từ RCEP, rõ ràng Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước. Thời gian qua, không ít chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy lĩnh vực này nhưng trên thực tế chưa làm được gì nhiều. Ví dụ ngành dệt may, yêu cầu đặt ra là chủ động nguồn nguyên liệu nhưng chính các địa phương lại từ chối dự án dệt nhuộm vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Trong khi, chính chúng ta chưa tập trung giải quyết bài toán công nghệ để có thể phát triển song song cả đầu vào và đầu ra.

Thy Lê

Nguồn vnbusiness.vn