HTX lấy cảm hứng từ những livestream đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng

Nhiều phiên livestream của những người có sức ảnh hưởng với doanh thu hàng chục tỷ đồng đang khiến nhiều HTX đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, dù là bán hàng online hay offline thì mỗi HTX cũng sẽ có những tệp khách hàng cho riêng mình.

Phiên livestream của chủ tài khoản “Quyền Leo Daily” kéo dài hơn 12 tiếng trên nền tảng TikTok đạt doanh thu lên đến 75 tỷ đồng vẫn đang được nhiều HTX bàn tán. Một con số có sức nặng chắc chắn khiến nhiều HTX phải vắt tay lên trán suy nghĩ về thời thế. HTX thay đổi để thích nghi hay tụt hậu hoặc phải tìm ra con đường mới để tồn tại.

Doanh thu bán online chỉ chiếm khoảng 30%

Thực chất, thay đổi là đúng. Bởi theo ông Trịnh Văn Hoàn, Giám đốc HTX Bảo An (Bắc Giang) đã có rất nhiều loại nông sản được tiêu thụ thuận lợi nhờ những phiên livestream, qua kênh bán hàng hiện đại. Và đặc biệt từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, thói quen mua hàng online của người dân đã phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Hoàn ngay như việc HTX bán hàng ở các kênh hiện đại thì có một điều là khách hàng của HTX sẽ được mở rộng nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc những khách hàng mua hàng theo cách truyền thống giảm đi. Mà thậm chí thông qua các video giới thiệu, các bài đăng giới thiệu hàng hóa, nhiều đơn vị như cửa hàng nông sản sạch, siêu thị lại đến tận nơi làm việc và đặt hàng của HTX.

Có thể thấy, tình trạng mà HTX Bảo An đang gặp phải thực chất không hiếm gặp. Bởi bên cạnh những người mua hàng hiện đại thì vẫn còn những người vẫn giữ thói quen mua hàng trực tiếp. Họ vẫn muốn “sờ tận tay, day tận mắt” xem sản phẩm như thế nào mới đưa ra quyết định mua hàng.

htx-lay-cam-hung-tu-nhung-livestream-dat-doanh-thu-hang-chuc-ty-dong.jpg

Bán hàng online không đồng nghĩa với việc khách hàng truyền thống hoàn toàn giảm đi.

Theo đánh giá của Savills Việt Nam, dù bán hàng trực tuyến đã sôi động nhưng đối với các nhà bán lẻ, thực tế nguồn thu từ bán hàng trực tuyến chưa chiếm phần lớn trong kết quả phân phối sản phẩm của họ.

Và điều này cũng đúng với thực tế của các HTX hiện nay. Dù nhiều HTX đã thực hiện bán online, thực hiện livestream nhưng lượng hàng bán ra từ kênh này chưa nhiều. Có HTX bán được nhiều hàng qua hình thức này chỉ tập trung ở những HTX đã đầu tư bài bản cho thương mại điện tử, liên kết chặt chẽ với Tik Tok hoặc đó là những phiên livestream có sự hỗ trợ của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Thay vào đó, đến thời điểm này, thương mại điện tử thực chất đang là kênh giới thiệu, quảng bá của các HTX hoặc thông qua đó sẽ kích cầu mua sắm với những khách hàng nhạy cảm về giá thành, sự đặc sắc của sản phẩm và sau đó họ vẫn đến cửa hàng trực tiếp để trải nghiệm sản phẩm.

Nhìn vào thực tế này, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills Việt Nam, cho biết thực chất mỗi kênh bán hàng dù là online hay trực tuyến cũng sẽ có những tệp khách hàng riêng. Và không phải khi các nhà bán lẻ mở rộng kênh bán hàng online thì sẽ khiến kênh bán hàng truyền thống hoàn toàn bị cản trở.

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX dịch vụ thủy sản Hồng Tiến (Thái Bình) cho biết, HTX chủ yếu kinh doanh các sản phẩm mắm cáy. Khi thấy bán hàng online phát triển, HTX cũng đầu tư vào hình thức này. Tuy nhiên, bán hàng online chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng doanh thu bán hàng của HTX. Khi đó, HTX nhận thấy giá trị của kênh bán hàng truyền thống vẫn rộng mở nên tích cực đưa sản phẩm vào các cửa hàng tạp hóa, siêu thị và tham gia các hội chợ…

Lựa chọn phù hợp

Theo các chuyên gia, bán hàng online là điều không thể thiếu trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, xét về một khía cạnh bền vững, lâu dài thì bán hàng trực tiếp vẫn giữ được những thế mạnh nhất định.

Bởi sau những lần mua hàng online không giống với như những gì khách mong đợi khiến không ít người tiêu dùng thất vọng. Đi liền với đó, dịch Covid-19 dường như đã lùi vào quá khứ nên việc quay lại mua sắm bằng hình thức truyền thống vẫn sẽ thu hút nhiều người.

Đặc biệt, người tiêu dùng thông thái đều muốn tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm. Trong khi, mặt hàng của các HTX bán ra phần lớn là nông sản, thực phẩm, dược liệu, tinh dầu… nên việc bán hàng trực tiếp vẫn có những lợi thế riêng nhằm tăng trải nghiệm khách hàng, giúp HTX nhanh chóng nhận được những phản hồi để có những thay đổi phù hợp.

htx-lay-cam-hung-tu-nhung-livestream-dat-doanh-thu-hang-chuc-ty-dong.jpg

Bán hàng trực tiếp giúp HTX nắm được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng một cách thuận lợi hơn.

Bà Đỗ Thu Ngân (chuyên gia tài chính đầu tư ở Canada) cho biết không chỉ khách hàng trong nước mà đối với khách hàng nước ngoài, kênh bán hàng trực tiếp vẫn giữ vị trí quan trọng. Ngay như Canada, đến giữa năm 2023, khảo sát cho thấy có đến 56% người dân vẫn giữ thói quen mua hàng online. Tuy nhiên, điều này đang giảm dần vì dịch Covid-19 đã không còn. Thói quen đến tận siêu thị, cửa hàng để đọc từng thông tin trên bao bì, xem thực tế sản phẩm có bảo đảm an toàn, bền vững không rồi mới mua được phần lớn người Canada giữ gìn. Điều này theo bà Ngân không chỉ diễn ra ở Canada mà sẽ đúng với nhiều quốc gia khác, nhất là khi du lịch đang trên đà phục hồi.

Như vậy, có những đầu tư cho từng hình thức bán hàng online hay offline như thế nào là quyết định của từng HTX bởi mỗi hình thức bán hàng sẽ có những lợi thế riêng. Nhưng có một điều chắc chắn đó là các cửa hàng trực tiếp vẫn có những giá trị vô hình như tăng khả năng trải nghiệm, giúp HTX xây dựng và mở rộng những mối quan hệ bền vững. Và ngoài siêu thị, cửa hàng tạp hóa thì ngay cả các chợ truyền thống vẫn đang là một kênh tiêu thụ hàng hóa của phần lớn HTX hiện nay.

Chính vì vậy, việc các nhà quản lý có những giải pháp củng cố và phát triển chợ truyền thống, hỗ trợ HTX đưa hàng vào kênh này cũng vẫn là một hướng đi hiệu quả.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn

 

HTX du lịch khai thác lợi thế của quản trị vận hành từ xa

Nhiều HTX đầu tư mô hình du lịch bằng các homestay, farmstay nhưng vì nhiều lý do mà những người lãnh đạo HTX phải quản trị vận hành từ xa. Việc này là hoàn toàn bình thường trong thời đại 4,0. Tuy nhiên, không phải HTX nào cũng quản trị vận hành mô hình của mình một cách hiệu quả vì thiếu phương pháp.

Anh Triệu Mềnh Kinh, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng Nậm Hồng (Hà Giang), cho biết, nhiều bạn trẻ hiện nay bỏ phố về vườn đầu tư làm homestay, làm du lịch trải nghiệm nhưng có thể chỉ đầu tư theo sở thích còn vẫn bận những việc khác nên lại lưu trú ở một địa phương khác. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận hành mô hình du lịch. Trong khi đây là mô hình đầu tư tiền tỷ, lượm tiền xu.

Chỉ quan tâm đến vận hành

Theo anh Kinh, nếu làm việc từ xa mà không quản lý tốt, những người đứng đầu mô hình này rất dễ rơi vào tình trạng buông lỏng quản lý, không nắm được doanh thu, chất lượng dịch vụ, không nắm được những phát sinh, mẫu thuẫn giữa nội bộ nhân viên hoặc giữa nhân viên với khách hàng nên khó có hướng giải quyết phù hợp. Điều này dễ dẫn đến chủ HTX là người đầu tư nhưng lại bị phụ thuộc vào người lao động.

Có thể thấy trong thời đại công nghệ 4.0, làm việc từ xa là điều hoàn toàn phù hợp. Nhưng bên cạnh những thuận lợi, việc quản trị vận hành mô hình du lịch với các HTX cũng đi kèm với không ít thách thức.

Quản trị vận hành từ xa cần phát huy vai trò đa năng của hệ thống nhân sự để thu hiệu quả.

Bà Phương Nhi (chủ chuỗi homestay Bên Hồ), cho rằng những thách thức trong làm việc từ xa đối với các chủ HTX du lịch đến từ việc họ đang chỉ quan tâm đến vấn đề vận hành mà chưa quan tâm nhiều đến việc quản trị vận hành. Chính vì vậy mà khi đầu tư một homestay, một farmstay xong, HTX chỉ nghĩ đơn thuần là khi có khách thì đón và phục vụ. Nhưng thực tế trong quá trình vận hành homestay luôn phát sinh rất nhiều vấn đề ngoài dịch vụ có sẵn mà HTX đã đầu tư (khách đòi thêm khăn, khách hỏi có loa kéo hát karaoke…).

Chính vì vậy, muốn làm việc được từ xa đồng nghĩa với việc người đứng đầu HTX phải quản lý vận hành được mô hình của mình thay vì chỉ nghĩ đơn giản mỗi việc vận hành. Tức là khi đầu tư một homestay, các thành viên HTX phải hiểu được mô hình của mình đi theo hướng nào, phát triển như thế nào, tệp khách ra sao… để có hướng quản trị vận hành phù hợp. Tránh hôm nay HTX quản lý homestay theo mô hình cắm trại, mai quản lý theo mô hình lãng mạn, hay khi ế khách thì quản lý vận hành theo nhu cầu khách hàng, từ đó khiến chính HTX sẽ bị mắc những lỗi, bị rối trong quản lý vận hành từ xa vì không biết khách hàng của mình là ai và phải bắt đầu quản lý từ đâu.

Quản trị con người đa năng

Để tránh tình trạng này, theo các chuyên gia, điều đầu tiên, HTX phải xác định được tệp khách hàng, xác định được nội dung kinh doanh của mô hình du lịch mà HTX đầu tư, từ đó thiết kế được mô hình quản trị vận hành cụ thể thì mới có thể ứng dụng quản trị vận hành từ xa hiệu quả, từ đó giúp HTX tiết kiệm công sức, thời gian, tiền bạc. Trong khi tất cả những điều này, nhất là nguồn vốn là vấn đề còn những hạn chế nhất định đối với các HTX làm du lịch.

Để xác định được đối tượng khách du lịch, HTX phải trả lời được câu hỏi, khách của mình là thuộc cao cấp, trung cấp hay bình dân, khách đi theo đội nhóm hay cá nhân. Việc xác định được điều này giúp HTX có những đầu tư phù hợp về cơ sở vật chất, nội thất, dịch vụ… Sau khi dựa vào tệp khách hàng đã xác định, HTX kiểm tra lại xem mô hình du lịch của mình đã phục phụ được khách từ cơ sở vật chất đến dịch vụ chưa. Việc xác định rõ những điều này giúp HTX tự tin rất nhiều trong quá trình phục vụ khách.

Chẳng hạn như nếu khách hỏi những đồ vật, dịch vụ ngoài nhóm đối tượng, dịch vụ mà HTX đang tập trung đầu tư, HTX có thể dũng cảm tìm cách giải quyết phù hợp. Cụ thể, nhân viên gọi điện báo giám đốc HTX hôm nay khách muốn thuê thêm xe máy, muốn thuê loa, muốn ăn thêm thay vì chỉ có dịch vụ đồ uống… nếu không xác định được nội dung kinh doanh, giám đốc HTX sẽ bị động.

Ông Hân Võ, chủ farmstay Phan Gia Xanh Garden, cho biết việc xác định được tệp khách hàng cũng giúp HTX lọc khách ngay từ đầu để khớp dịch vụ với đối tượng khách hàng. Nếu không HTX sẽ rơi vào tình trạng tốn phí đầu tư, tốn dịch vụ, tốn nhân công.

Khi xác định được đối tượng khách và dịch vụ phù hợp, HTX có thể thuận lợi trong thiết kế mô hình dịch vụ quản trị từ xa. Trong đó áp dụng quy tắc 5W1H (What, Where, Who, When, Which, How sẽ giúp HTX giải quyết những khúc mắc.

“Chẳng hạn như What (cái gì), tức là HTX xác định dịch vụ gồm những gì, có bao nhiêu phòng, đón được bao nhiêu khách, có dịch vụ ăn uống không… Nếu như homestay của HTX có dịch vụ ăn uống (How- như thế nào) nhưng dịch vụ đó cách homestay 500m (Where – ở đâu) thì đồng nghĩa với rất nhiều phát sinh đi kèm (dịch vụ vận chuyển, nhân viên…). Điều này cho thấy nếu HTX xã định dịch vụ sai, địa điểm sai, xác định tệp khách sai (What), thời điểm phục vụ, thời gian kết nối các dịch vụ, thời điểm dọn dẹp phòng sai (when – khi nào) ngay từ đầu thì ngay cả quản trị trực tiếp cũng khó chứ nói gì đến quản trị từ xa”, ông Hân Võ nói.

Khi xác định được rõ các yếu tố, việc triển khai quản trị vận hành từ xa cũng cần phải thực hiện theo quy trình. Trong đó, yếu tố con người được xác định là quan trọng nhất. Đặc biệt là nhân viên, người lao động ở các homestay của các HTX chủ yếu là người địa phương, họ chưa được học ngành du lịch, khách sạn bao giờ, chưa bưng bê theo cách chuyên nghiệp. Hay HTX thuê người lao động làm bảo vệ, họ chỉ làm đúng công việc của người bảo vệ, không làm những việc khác.

Điều này, theo các chuyên gia là đúng nhưng nếu HTX muốn quản lý được người lao động theo hướng đa năng mà giám đốc HTX có thể điều hành được từ xa thì phải xem xét cụ thể đến mức lương, chế độ đãi ngộ, đào tạo.. để nhân viên, người lao động trong HTX cảm thấy vui vẻ khi trở thành 1 người đa năng. Trong khi giám đốc HTX muốn quản trị thuận lợi được từ xa thì phần lớn là phụ thuộc vào hệ thống nhân sự đa năng, sau đó mới đến báo cáo từ xa, kiểm soát từ xa, vận hành và kiểm tra chéo-kiểm tra bất ngờ. HTX cũng cần rút kinh nghiệm sau quá trình chạy thử mô hình quản trị vận hành từ xa để đưa ra quy trình quản trị vận hành online một cách phù hợp.

Muốn vậy, bà Phương Nhi cho rằng HTX cũng phải xây dựng được các tiêu chuẩn để quản trị vận hành từ xa một cách phù hợp. Chẳng hạn như khi bị hỏng đèn, nhắc một lần nhân viên chưa thay thì nên khiển trách hay phạt như thế nào. Hay đèn hỏng thì mua cố định ở địa điểm nào, giá như thế nào, sau đó giám đốc HTX chỉ cần duyệt theo tiêu chuẩn.

“Dù thế nào thì lãnh đạo HTX cũng phải nhớ, cần đa năng trong quản trị vận hành từ xa, nhất là trong quản trị con người để khai thác hiệu quả được nguồn nhân lực, tạo nền tảng để lãnh đạo HTX yên tâm lưu trú ở nơi xa mà homestay vẫn được vận hành trơn tru, mang về nguồn thu theo mục tiêu mà HTX đề ra”, bà Nhi cho biết.

Theo Huyền Trang

Bộ Khoa học và Công nghệ lần đầu tiên công bố Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII)

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng gọi tên 10 địa phương có số điểm cao nhất, trong đó Hà Nội dẫn đầu.

Chiều 12/3, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 (viết tắt là PII – Provincial Innovation Index), sau một năm xây dựng. Bộ chỉ số cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.

Kết quả, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất, đạt 62.86 điểm, xếp hạng 1. Sau đó là TP HCM (hạng 2), Hải Phòng (hạng 3), Đà Nẵng (hạng 4), Cần Thơ (hạng 5), Bắc Ninh (hạng 6), Bà Rịa- Vũng Tàu (hạng 7), Bình Dương (hạng 8), Quảng Ninh (hạng 9) và Thái Nguyên (hạng 10).

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc tại buổi công bố. Ảnh: Tùng Đinh

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc buổi công bố. Ảnh: Tùng Đinh

Hà Nội đứng đầu cả nước ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần. Hà Nội có điểm cao về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, trong đó có đầu tư cho nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế xã hội như chỉ số phát triển con người.

TP HCM xếp thứ hai, với 12/52 chỉ số thành phần có điểm cao. Trong đó TP HCM có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và một số sản phẩm về tài sản trí tuệ.

PII 2023 cũng được xếp hạng theo 6 vùng kinh tế xã hội. Các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng có điểm trung bình cao nhất 45.17 điểm, tiếp đến là các địa phương vùng Đông Nam Bộ với 44.81 điểm. Các địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long có điểm số trung bình sát nhau, lần lượt là 36.96 điểm và 36.36 điểm. Hai vùng Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc có điểm số thấp gần như nhau, lần lượt là 32.72 điểm và 32.19 điểm. Bộ chỉ số cũng đưa ra top các địa phương dẫn đầu từng vùng và phân tích đánh giá theo nhóm thu nhập.

Các địa phương dẫn đầu chỉ số PII theo vùng kinh tế.

Các địa phương dẫn đầu chỉ số PII theo vùng kinh tế.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc so sánh trực tiếp giữa các địa phương chỉ mang tính tương đối, không phải là mục đích chính của bộ chỉ số, bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau. Bộ chỉ số PII chỉ cung cấp căn cứ khoa học và các minh chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết cho biết đây là công cụ định lượng mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển từng địa phương.

“Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương là tài liệu hữu ích, cung cấp căn cứ khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp để ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách thúc đẩy phát triển, cũng như cung cấp thông tin hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương”, Bộ trưởng nói.

Từ trái qua: Thứ trưởng Hoàng Minh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn nút công bố kết quả PII. Ảnh: Tùng Đinh

Từ trái qua: Thứ trưởng Hoàng Minh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn nút công bố kết quả PII. Ảnh: Tùng Đinh

Trước đó Chuyên gia độc lập quốc tế, TS William Becker, đánh giá Bộ Chỉ số PII 2023 đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về tính đúng đắn dưới góc độ thống kê và phương pháp luận. Bộ chỉ số nhằm tạo công cụ giám sát hiệu quả, đáng tin cậy để đánh giá về đổi mới sáng tạo cấp địa phương tại Việt Nam.

Năm 2022 bộ chỉ số đã được xây dựng thử nghiệm với 20 địa phương. Sau khi có kết quả, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ “triển khai xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023” (Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023). Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) là đơn vị xây dựng bộ chỉ số.

PII (với 52 chỉ số) được xây dựng bám sát cấu trúc của bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index với 80 chỉ số) do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hàng năm và được Chính phủ sử dụng trong quản lý, điều hành từ năm 2017. Những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Việt Nam liên tục được tổ chức WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Các số liệu được thu thập từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác (Cải cách hành chính; Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chuyển đổi số; Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh).

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, với phạm vi rộng, toàn diện, bộ chỉ số PII sẽ là công cụ để mỗi tỉnh/thành phố soi chiếu được chi tiết góc độ ở các khía cạnh đầu ra, đầu vào, xác định rõ điểm mạnh, yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

PII_2023_Report

Nguồn vnexpress.net