Khai phá tiềm năng, mở rộng cơ hội cho nông đặc sản Phú Bình

Ngày 25/11, Hội nghị xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm gà đồi Phú Bình và các sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên 2023 đã được tổ chức nhằm lan tỏa các sản phẩm nông sản đặc trưng, từ đó tạo lợi thế cho người dân, HTX tiếp cận khách hàng, xây dựng thương hiệu, mở rộng đầu ra.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh, Thái Nguyên có tiềm năng phát triển nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, thu nhập cho người dân. Trong đó, huyện Phú Bình được biết đến là địa phương có nhiều thế mạnh về phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm như gà đồi Phú Bình, tương nếp Úc Kỳ, nếp Thầu Dầu…

Nhằm mở rộng đầu ra cho nông đặc sản địa phương, Hội nghị xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm gà đồi Phú Bình và các sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên 2023 đã được tổ chức. Đây là một trong những giải pháp tích cực, thiết thực nhằm giải quyết hướng đi cho nông nghiệp, trong đó có sản phẩm gà đồi và các sản phẩm nông đặc sản trên địa bàn.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đánh giá Hội nghị sẽ giúp các sản phẩm đặc trưng của địa phương có đầu ra rộng hơn.

“Hội nghị sẽ tạo cơ hội giúp các đối tác được tiếp cận hợp tác với các HTX, người dân trong tiêu thụ gà đồi và các sản phẩm thế mạnh của địa phương, từ đó có các kế hoạch liên doanh liên kết trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kết nối cung cầu, phát triển thị trường trong nước cũng như đẩy mạnh Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.

Ông Lê Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết, tổng đàn vật nuôi của huyện Phú Bình đang lớn nhất tỉnh, trong đó huyện có đến 4 triệu con gia cầm và có 25 sản phẩm OCOP. Đặc biệt, Gà đồi Phú Bình, tương nếp Úc Kỳ là những sản phẩm đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

“ Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại là lực đẩy, động viên các HTX, doanh nghiệp trong sản xuất để tiếp tục đầu tư, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu”, ông Lê Thanh Sơn nhấn mạnh.

Một trong những sản phẩm tiêu biểu của Phú Bình là gà đồi. Với nền tảng sẵn có cùng sự đầu tư trong suốt thời gian qua, huyện đã khuyến khích, thu hút 13 nghìn hộ tham gia chăn nuôi gà, chủ yếu là nuôi theo hình thức thả đồi.

Nhờ đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa gà đồi, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn, hữu cơ thông qua phát triển các HTX và hỗ trợ các HTX liên kết với HTX, HTX liên kết với doanh nghiệp, đến nay, sản phẩm gà đồi Phú Bình đã có thị trường tiêu thụ rộng khắp tại các cửa hàng, siêu thị và chợ đầu mối lớn trong và ngoài tỉnh.

Xác định gà đồi là một trong 8 sản phẩm chủ lực của địa phương, từ năm 2021 đến nay, huyện đã hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi gà, đặc biệt là tham gia chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện đã có 8 cơ sở chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn VietGAP, 3 sản phẩm thịt gà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Tiêu biểu như HTX Gà đồi hữu cơ Tân Phú đã chú trọng chăn nuôi theo chuỗi giá trị hàng hóa, áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ và đẩy mạnh sơ chế, chế biến các sản phẩm từ gà. Đến nay, HTX đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là Khô gà lá chanh và Gà đồi Tân Phú.

“HTX sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thêm nhiều sản phẩm và các sản phẩm đó có giá trị hơn nữa”, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc HTX thông tin.

Không chỉ có gà đồi, Phú Bình còn nổi tiếng với gạo nếp Thầu Dầu. Đến nay, sản phẩm này đã được cải tạo sản xuất theo hướng an toàn, khoa học, được công nhận nhãn hiệu tập thể. Gạo nếp Thầu Dầu đang được HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ liên kết với nhiều HTX khác để sản xuất cơm cháy, các loại bánh…

Ông Dương Văn Duy, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ cho biết, HTX luôn chú trong đến vấn đề liên kết để mở rộng đầu ra để nâng cao thu nhập cho người dân, thành viên. Việc tham gia Hội nghị xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm lần này giúp HTX có thêm nhiều cơ hội giới thiệu, ký kết hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp, siêu thị, và với cả các HTX trong và ngoài huyện.

Chủ tịch UBND huyện Phú Bình Lê Thanh Sơn khẳng định, xúc tiến thương mại sẽ giúp cung-cầu gặp được nhau.

Bên cạnh các sản phẩm chủ lực, huyện còn có nhiều sản phẩm chất lượng như trám đen, cao ngựa bạch, đậu đỗ, nhung hươu…. Các sản phẩm này đều được chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa, với sự dẫn dắt của các HTX. Nhiều sản phẩm đã được sơ chế, chế biến sâu, đầu tư bao bì, nhãn mác để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Là một trong những đơn vị đang tham gia liên kết phát triển và tiêu thụ gà đồi Phú Bình, ông Nguyễn Hoàng Nguyên, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Dabaco chia sẻ, việc liên kết với HTX, doanh nghiệp ở Phú Bình để sản xuất, tiêu thụ gà đồi đang đóng góp vào việc thúc đẩy chuỗi giá trị gà đồi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp yên tâm hơn về nguồn nguyên liệu, mở rộng hợp tác đầu tư theo hướng bền vững.

Các HTX, doanh nghiệp, siêu thị ký kết hợp đồng hợp tác, tiêu thụ nông đặc sản của huyện.

Ông Dương Thế Hùng, Công ty TNHH Thái Hưng chi nhánh Thái Nguyên cho biết, siêu thị đã bày bán các sản phẩm của huyện Phú bình như gạo, tương, đậu, đỗ… Qua Hội nghị có thể thấy huyện có rất nhiều sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục tiếp cận được với các nhà sản xuất, các HTX và ký kết các hợp đồng hợp tác tiêu thụ để đưa các sản phẩm chất lượng của huyện đến với đông đảo người tiêu dùng.

Thời gian tới, huyện Phú Bình sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, HTX phát triển chăn nuôi, sản xuất theo quy mô tập trung; liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh quảng bá, kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm. Huyện phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thịt gà hơi đạt 21.000 tấn; giá trị sản phẩm gà đạt gần 1,6 nghìn tỷ đồng/năm…

 

Theo Huyền Trang – Phạm Hòa – Vnbusiness.com