Bà Cao Xuân Thu Vân: Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh HTX sẽ hợp lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể

Bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định việc triển khai thực hiện Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng trong việc tăng số lượng, chất lượng quy mô các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Thưa bà, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 182/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trong nông nghiệp đến năm 2030”. Bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Đề án đối với việc phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn nói chung?

– Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong số các tổ chức kinh tế tập thể thì số lượng HTX và tổ hợp tác (THT) của nông dân chiếm tỷ lệ lớn do nước ta vốn là một nước nông nghiệp.

Trong suốt quá trình phát triển kinh tế tập thể, Hội Nông dân Việt Nam có vai trò quan trọng là thực hiện chức năng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên, nông dân; phổ biến các mô hình HTX hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả để nông dân thấy được việc tham gia vào HTX là một yêu cầu khách quan, mang lại lợi ích cả về kinh tế và xã hội cho chính họ; góp phần xây dựng xã hội nông thôn ổn định, dân chủ, văn minh, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bà Cao Xuân Thu Vân: Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh HTX sẽ hợp lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể- Ảnh 1.

Bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Thực hiện Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động phối hợp, trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm. 

Việc triển khai thực hiện Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng trong việc tăng số lượng, quy mô các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động; củng cố, đổi mới, mô hình tổ chức và hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới; từng bước thay đổi nhận thức của hội viên, nông dân về sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường và có đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương.

Đồng thời tạo sự phát triển về chất đối với kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp, nông thôn, giúp các HTX của nông dân hoạt động ngày càng hiệu quả thông qua các hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.

Một điều quan trọng nữa là Đề án tạo tiền đề hỗ trợ nông dân phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ, mở rộng kinh doanh, tăng cường năng lực nội tại và tích lũy cho HTX, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên, nông dân; thúc đẩy việc hình thành các tổ chức kinh tế dưới hình thức các HTX, THT, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình đăng ký kinh doanh; góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu xây dựng quốc gia khởi nghiệp.

Trong thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có những chương trình phối hợp nhằm phát triển bền vững kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, nhân rộng các mô hình và đã mang lại những kết quả tích cực. Bà đánh giá như thế nào về vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp?

– Liên minh HTX Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết và thực hiện các Chương trình phối hợp số 897/2005/CTrPH, ngày 11/8/2005 về “Phát huy vai trò, sức mạnh của nông dân trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2005 – 2010”;

Chương trình phối hợp số 31-CTrPH/HNDVN-LMHTXVN ngày 21/11/2016 về “Phối hợp đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020”;

Chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội NDVN với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Liên Minh hợp tác xã Việt Nam ngày 18/4/2018 về thực hiện mục tiêu 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo Nghị quyết của Quốc hội.

Bà Cao Xuân Thu Vân: Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh HTX sẽ hợp lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể- Ảnh 2.

Bà Cao Xuân Thu Vân thăm mô hình vườn bưởi Đoan Hùng của HTX Bưởi và Dịch vụ tổng hợp xã Vân Đồn (khu 2, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng).

Thực tiễn đã chứng minh vai trò quan trọng của Hội Nông dân Việt Nam trong việc phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp, đó là:

Đa dạng hóa mô hình HTX nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tạo được sự gắn kết giữa đầu tư cơ sở vật chất của HTX với quá trình xây dựng nông thôn mới, khắc phục dần tình trạng yếu kém của khu vực kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.

Việc tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp không chỉ là vấn đề về kinh tế mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế là nông dân nghèo, cận nghèo; phù hợp với xu thế đổi mới tư duy tăng trưởng của đất nước về gắn tăng trưởng với tiến bộ và công bằng xã hội; đảm bảo bình đẳng về tiếp cận cơ hội và thành quả của tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình.

Trong phần tổ chức thực hiện Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”, Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ có nêu rõ các nhiệm vụ, tổ chức thực hiện của Hội Nông dân Việt Nam, các bộ, ngành trong đó có Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Để thực hiện Đề án này hiệu quả, thời gian tới, Liên minh HTX sẽ có những giải pháp, chương trình hoạt động cụ thể nào thưa bà?

Trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động phối hợp tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, trong đó tập trung vào một số hoạt động sau:

Thứ nhất: Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, chia sẻ thông tin, vận động thực hiện các nội dung hoạt động của Đề án;

Thứ 2: Nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức kinh tế tập thể, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp tháo gỡ khó khăn của khu vực kinh tế tập thể, HTX;

Thứ 3: Tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho việc hình thành và phát triển của THT, HTX do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập;

Thứ 4: Phối hợp thực hiện hỗ trợ xúc tiến thương mại, triển khai Chương trình 503/CTr-LMHTXVN kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm cho HTX; tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; tư vấn kiện toàn tổ chức, hoạt động và kiểm toán HTX nông nghiệp;

Thứ 5: Phối hợp hoạt động về kế hoạch thúc đẩy trong quan hệ với các tổ chức trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn Bà!

Theo Thu Hà (thực hiện)/ Theo báo Dân Việt

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc phát biểu tại buổi làm việc

(Thanhuytphcm.vn)- Chiều 23/2, Đoàn công tác của Đảng đoàn Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) Việt Nam do đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LMHTX Việt Nam làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Thường trực Thành uỷ TPHCM về công tác cán bộ và một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024.

Tiếp đoàn công tác có Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đã trao đổi về triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW theo Nghị quyết số 09/NQ/CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ; Luật Hợp tác xã năm 2023 về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Triển khai tháng hành động vì hợp tác xã; Công tác tổ chức cán bộ…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Phước Lộc ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của LMHTX TP đã tổ chức được một số hoạt động, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Bên cạnh đó, Quỹ trợ vốn của HTX hoạt động ổn định, tích cực đến sự phát triển kinh tế HTX, kinh tế tập thể của TP; gắn cùng hoạt động của HTX và kinh tế hợp tác của Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân TP cũng tạo ra những bước phát triển trong những năm qua.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc đề nghị Ban Dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ và LMHTX TP cần tham mưu báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP thực hiện Nghị quyết 20 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới trong năm qua. Qua đó, kịp thời định hướng, chỉ đạo, thúc đẩy, tăng cường một số nội dung trọng điểm, cốt lõi để nâng cao các hoạt động hợp tác kinh tế, hợp tác tập thể… trong đó cần chú ý, mở rộng đối tượng gắn với các hoạt động đoàn thể.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc cũng đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp Sở Nội vụ TP làm rõ về năng lực, hiệu quả hoạt động của LMHTX, nhất là công tác cán bộ; phối hợp rà soát, ban hành các văn bản đúng quy định pháp luật về quản lý các nguồn quỹ ngoài ngân sách Nhà nước.

Về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Phước Lộc đề nghị Đảng đoàn LMHTX Việt Nam cùng Thành ủy TPHCM kiến nghị Trung ương cho phép LMHTX TP thành lập Đảng đoàn. Qua đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để phát triển kinh tế; nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp trong LMHTX.

Chủ tịch LMHTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch LMHTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LMHTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh, thời gian qua, Thành ủy TP đã chỉ đạo sâu sắc đối với kinh tế hợp tác xã, tạo cơ hội cho LMHTX có nhiều thành viên, trong đó mô hình HTX của Saigon Coop là điểm sáng trong hệ thống LMHTX trong thời gian qua. Đồng chí Cao Xuân Thu Vân mong muốn TP tiếp tục quan tâm hỗ trợ LMHTX, góp phần phát triển kinh tế tập thể, HTX ngày càng phát triển; ký kết phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ qua đó thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, TP cần kiến nghị thực hiện mô hình liên đoàn hợp tác xã.

Theo Long Hồ – hcmcpv.org.vn

Cà Mau: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động hợp tác xã

Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để hợp tác xã (HTX) nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau cho hay, những năm gần đây, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất đang được Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhằm tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của khoa học công nghệ vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phải chú trọng đến HTX, doanh nghiệp để liên kết tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, trong đó người nông dân là chủ thể của sản xuất. Việc tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ thông qua HTX, doanh nghiệp là con đường ngắn nhất và nhanh nhất ở Cà Mau để đưa khoa học công nghệ trở thành động lực kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ.
9.jpgNhiều HTX ở Cà Mau đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ số vào mua bán, tăng doanh thu – Ảnh: CTV
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 275 HTX, trong đó, có 225 HTX đang hoạt động. Thời gian qua, một số HTX đã mạnh dạn chuyển đổi theo hình thức sản xuất hiện đại, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao như: ứng dụng công nghệ sime-biofloc và nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức siêu thâm canh; ứng dụng công nghệ nuôi tôm theo quy trình nuôi trồng thủy sản tốt – VietGAP; HTX ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh nhanh, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản; ứng dụng công nghệ cơ giới hóa trong thu hoạch, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất dưa hấu; ứng dụng thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP và ICM trong sản lúa; có 2 HTX ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất lúa – tôm.
Nổi bật là HTX ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức siêu thâm canh ở mức độ nhỏ lẻ, diện tích nuôi tôm từ 36 – 52 ha/HTX, thành viên tham gia từ 32 – 36 người, năng suất bình quân trên 22 tấn/vụ/ha, cá biệt đạt trên 50 tấn/vụ/ha. HTX Lý Văn Lâm (TP.Cà Mau) thực hiện canh tác dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gieo trồng 17ha, năng suất đạt bình quân 40 tấn/ha, đã được hỗ trợ đầu tư thực hiện chứng nhận, liên kết đầu ra, cung ứng vào các siêu thị Co.opmart Cà Mau, Co.opmart Sài Gòn.
Năm 2023, Trung tâm Đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác (CCD) thuộc Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp – PTNT II kết hợp Công ty Sorimachi Việt Nam lựa chọn 21 công ty, doanh nghiệp, HTX tham gia thử nghiệm miễn phí 2 phần mềm gồm: Nhật ký sản xuất điện tử (FaceFarm) và Hạch toán chi phí sản xuất – kế toán (WACA).
Theo đó, đối với phần mềm nhật ký sản xuất (FaceFarm) đã có 11 đơn vị đăng ký. Lĩnh vực kế toán dành cho HTX (WACA) có 10 đơn vị đăng ký. Đến nay, có 2 đơn vị đã áp dụng là HTX Ba Khía Đầm Dơi, HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Dân Phát.
2..jpgĐể kinh tế tập thể phát triển, HTX cần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh – Ảnh: CTV
Theo đánh giá từ Chi cục NN-PTNT tỉnh Cà Mau, mặc dù thời gian qua, Cà Mau đã quan tâm, đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX còn nhiều hạn chế.
Để phát huy hiệu quả, cần nâng cao nhận thức của HTX đối với công tác chuyển đổi số. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có một số HTX ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng các HTX này chủ yếu chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ về phương pháp và kỹ thuật sản xuất, còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý, kinh doanh sản phẩm chưa được chú trọng. Phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh đang hoạt động với phương thức nhỏ lẻ, theo lối truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
Về nguồn nhân lực, phần lớn cán bộ, thành viên HTX xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học công nghệ còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất, chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, tiếp cận thị trường số, làm việc trên môi trường mạng hay mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế. Đồng thời, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa thường xuyên.
“Chuyển đổi số trong phát triển HTX nông nghiệp là vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX. Trong khi đó, hầu hết các HTX nông nghiệp đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Hoạt động của HTX nông nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất kinh doanh truyền thống. Năng lực tài chính yếu nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đánh giá.
3(1).jpgỨng dụng chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể – Ảnh: CTV
Cùng với đó, năng lực, trình độ của cán bộ quản lý, điều hành HTX nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Lực lượng lao động, thành viên của HTX nhìn chung thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc, thiếu kỹ năng trong tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin…
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của HTX nông nghiệp còn lạc hậu, nhiều HTX nông nghiệp chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng.
Để thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, việc áp dụng chuyển đổi số được xem là sự phát triển mang tính tất yếu trong tình hình hiện nay. Để các HTX mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh theo hướng hiện đại, hiệu quả, theo ông Nguyễn Chí Thuần – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, việc cần làm đầu tiên là tập trung tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về quá trình chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX các cấp; cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX; tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, tập trung vào kỹ năng tiếp thị, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao…
Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ cho các HTX để HTX phát huy được vai trò cầu nối, dẫn dắt nông dân trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm…
Cần xây dựng hệ thống tiện ích, giám sát, tăng hiệu năng quản trị nội bộ bằng công nghệ số cho các HTX như: quản trị nhân sự, xuất nhập tồn kho, định giá vốn, giá bán; quản lý sản xuất, vùng canh tác, quản trị hàng hóa theo lô, theo mã; quản lý chuỗi cung ứng (đóng gói, vận chuyển, kho lưu trữ)… cho phép theo dõi, tư vấn, hướng dẫn thực hiện các quy trình sản xuất, vận hành, thao tác từ xa; tạo và kết thúc hoạt động trên hệ nhật ký điện tử chuyên biệt của hệ thống. Đồng thời, phải giúp HTX kết nối với các kênh thông tin về chính sách, kỹ thuật, thị trường với các đơn vị cung ứng vật tư, vận chuyển, tiêu thụ để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Theo tạp chí Một thế giới

HTX vươn tầm nhờ không bỏ lỡ ‘chuyến tàu công nghệ’

Ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ giúp nhiều HTX chuẩn hóa quy trình sản xuất, mà còn mở ra nhiều cơ hội trong liên kết hợp tác cho HTX với doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa.

Đến thăm HTX nông nghiệp Tân Tiến (Vĩnh Long) sẽ thấy sự thích ứng với thời đại 4.0 của các thành viên khi không chỉ nhanh nhạy ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 30ha mà còn ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số vào việc quản lý, điều hành để mang lại hiệu quả tối ưu trong nông nghiệp.

Hành trình nông dân số

Theo đó, HTX đã sử dụng nền tảng “mạng nhà nông” để giải quyết nhiều khó khăn của quy trình sản xuất nông nghiệp thủ công trước đó. Nếu như trước đây, các thành viên gặp nhiều khó khăn vì sản xuất tự do, không có kế hoạch thì khi ứng dụng công nghệ, việc lập kế hoạch sản xuất cũng đơn giản hơn, cụ thể hơn và phù hợp với thực tiễn hơn.

HTX có thể dự kiến được sản lượng/dịch vụ, dự kiến được tất cả chi phí đầu vào, dự kiến được giá bán và tỷ suất phần trăm lợi nhuận. Ngoài ra, HTX còn có thể ghi được nhật ký đồng ruộng cả trên ứng dụng, thống kê báo cáo được quá trình sản xuất một cách dễ dàng.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Tân Tiến, cho biết việc lập kế hoạch từng vụ mùa sản xuất bằng công nghệ số giúp HTX dễ dàng và thuận lợi hơn trong tiếp cận các tổ chức tín dụng và bảo hiểm.

Ngay như tỷ lệ chi phí theo từng mùa vụ của năm thực hiện bán sỉ cũng được HTX thống kê và có bảng kế hoạch chi tiêu, sản xuất cụ thể với mức phí chi tiết từ các hoạt động: trồng lúa thương phẩm, vận chuyển lúa đi xay xát, chi phí xay xát đóng gói, chi phí sấy lúa, lãi ngân hàng. Từ đó, HTX biết được từng hoạt động chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng chi phí đầu vào. HTX cũng có thể so sánh với các mùa vụ của những năm trước để quản lý dòng tiền, điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.

Và với dòng tiền thu cũng vậy, HTX quản lý theo biểu đồ từng tháng. Các thành viên cũng lập được hồ sơ chấm điểm sản phẩm khi đưa gạo đi thi chương trình OCOP để tự kiểm tra năng lực sản phẩm và tạo thuận lợi cho hội đồng có thể chấm và phân hạng sản phẩm thuận tiện hơn.

-8848-1708415142.jpg

Kế hoạch mùa vụ của HTX Tân Tiến được lập một cách cụ thể trên ứng dụng điện tử, tạo thuận lợi trong minh bạch tài chính, từ đó dễ dàng trong khâu vay vốn.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, nếu chỉ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thì HTX vẫn gặp khó trong khâu tiêu thụ, quyết định giá cả. Nhưng sau khi ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, giám sát sản xuất kinh doanh, nhiều khó khăn trong liên kết đã được giải quyết, từ đó giúp HTX nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo được niềm tin với doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ giúp HTX hóa giải những khó khăn về tài chính, đưa ra những dự báo cụ thể để có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.

Còn tại HTX Ba khía Ðầm Dơi (Cà Mau), ngoài đầu tư máy móc vào sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, HTX còn sử dụng phần mềm lĩnh vực kế toán dành cho HTX (WACA) để minh bạch tài chính.

Trước đó, HTX gặp những khó khăn về kinh doanh không ổn định và đầu ra nhỏ giọt nên cần minh bạch thông tin về tài chính và quản lý quy trình sản xuất để hạn chế rủi ro, tạo niềm tin cho thành viên.

Từ khi ứng dụng phần mềm kế toán, HTX giải quyết được các khó khăn trong công tác kế toán theo quy định của pháp luật, quản lý tín dụng nội bộ, cảnh báo và phân tích dữ liệu. Đây là một trong những giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý HTX, từ đó giúp HTX nâng cao được niềm tin với thành viên, ổn định được thu chi.

Những “cánh đồng không dấu chân”

Có thể thấy, nhiều HTX đã không ngừng nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý. Nhà nước và các địa phương cũng không ngừng hỗ trợ người dân, HTX ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, góp phần đưa nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh.

Như tại Hải Dương, thấy được vai trò quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở KH&CN, Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị có liên quan triển khai hỗ trợ nông dân, HTX ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các HTX nông nghiệp là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ.

Giai đoạn 2013-2022, đã có 12 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm… Ngoài ra, Sở KH&CN thường xuyên triển khai các đề tài, dự án thông qua các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó kịp thời phổ biến tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật cho nông dân và các thành viên của HTX. Đến nay, 21 nhãn hiệu tập thể của các HTX nông nghiệp như: nhãn Chí Linh, rau Gia Lộc; gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn; hành, tỏi Kinh Môn… đã được xây dựng thành công trên thị trường.

-1415-1708415142.jpg

Nhiều thành viên HTX đã trở thành nông dân sản xuất hiện đại nhờ chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo thống kê của Bộ NNN&PTNT, cả nước đã có gần 1.800 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, giai đoạn 2013-2020, 5.876 HTX được hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương.

Hàng năm, các bộ, ngành đã phối hợp với các địa phương triển khai hoạt động hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ thông qua hoạt động của các hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công.

Việc ngày càng nhiều HTX ứng dụng công nghệ đang hỗ trợ đắc lực người nông dân trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chính vì vậy mà xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt 53,01 tỷ USD. Điều này giúp xuất siêu của Việt Nam năm 2023 lại lập kỷ lục với 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với năm 2022. Trong đó, nhóm ngành nông sản có mức đóng góp ấn tượng, đặc biệt từ mặt hàng rau quả và gạo…

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mà ở nhiều địa phương đã hình thành được những cánh đồng lớn không dấu chân người, những cánh đồng đạt mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Người dân, thành viên HTX cũng không phải chịu cảnh chân lấm tay bùn nhờ cơ giới hóa đồng bộ trong quy trình sản xuất.

Ông Đinh Văn Pha, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Thái Thịnh (Thái Bình), cho biết việc HTX sử dụng cơ giới hóa, nhất là ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu không chỉ giúp giảm chi phí mà còn nâng cao sức khỏe cho người dân và tăng chất lượng nông sản. Hiện, nếu thuê người phun thuốc, thành viên phải mất 30.000 đồng/sào mà cũng rất khó thuê, trong khi phun thuốc bằng máy bay không người lái chỉ là 15.000 đồng/sào.

Trong xu thế bùng nổ công nghệ hiện nay, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất sẽ giúp các HTX thuận tiện trong xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, từ đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên.

Theo ông Nguyễn Ái Hữu, nhà sáng lập Worldsoft – Mạng nhà nông, một thực tế là nhiều HTX, hộ nông dân sản xuất hiện nay không có kế hoạch sản xuất và không biết lập kế hoạch sản xuất, không biết đầu tư vào công nghệ gì, như thế nào nên dù trồng cây này, nuôi con kia nhưng chính họ cũng không biết rõ cây, con đó đó có mang lại lợi nhuận hay không. Điều này cho thấy muốn ứng dụng được khoa học công nghệ thì quản trị HTX quan trọng. Vậy nhưng, chính các HTX đang thiếu và yếu trong vấn đề này.

Về vấn đề nguồn lực, hầu hết các HTX khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, đề án và các định chế bảo hiểm. Đi liền với đó, vấn đề tiêu thụ còn bị động trong mua và bán hàng. Do đó, việc đầu tư cho máy móc, khoa học công nghệ còn gặp những hạn chế nhất định, chưa tạo được đồng bộ.

Đánh giá của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong khu vực kinh tế tập thể, HTX diễn ra chậm, tỷ lệ ứng dụng tin học, chuyển đổi số còn nhỏ. Nhiều nông dân, HTX còn thụ động và yếu thế trong ứng dụng khoa học công nghệ nên khó tạo ra các quan hệ liên kết sản xuất, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn và ổn định.

Để các HTX thuận lợi trong ứng dụng khoa học công nghệ cũng như nhân rộng các HTX ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số hiệu quả, bà Hoàng Thị Hồng Vân, Phó trưởng Phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết cơ quan quản lý cần thay đổi phương thức hỗ trợ HTX, trong đó chú trọng đào tạo và phát triển nhân lực nhằm tạo thuận lợi cho nông dân, HTX ứng dụng khoa học công nghệ, tiêu chuẩn, GAP, công nghệ số.

Đi liền với đó là hỗ trợ hạ tầng sản xuất kinh doanh, nhất là các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, kho bãi tập kết nguyên liệu để tạo thuận lợi và mang lại hiệu quả tối ưu cho HTX trong đầu tư khoa học công nghệ, phát triển theo chuỗi giá trị bền vững.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn

Cú hích bán hàng cho HTX thời 4.0

Sự ảm đạm trong mua bán theo hình thức truyền thống và sự trỗi dậy mạnh mẽ của mua bán online đã khiến nhiều HTX thức tỉnh và có những thay đổi để không rơi vào cảnh ‘chết yểu’. Tuy nhiên, bán hàng online cũng phải cạnh tranh rất lớn, và không phải HTX cứ đăng bài, cứ livestream là có được doanh thu.

Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên như nấm sau mưa. Nếu các HTX mãi giữ cách bán hàng truyền thống sẽ rất khó tồn tại. Đó là cảm nhận của rất nhiều giám đốc, thành viên HTX.

Bán hàng truyền thống lui vào ngõ hẹp

Thực tế tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ Vương Ngọc Thảo (Lào Cai) là một ví dụ. Dù phát triển được rất nhiều sản phẩm là đặc sản của Lào Cai và chọn được địa điểm mở cửa hàng ở một trong những nơi thu hút đông khách du lịch trên địa bàn tỉnh nhưng mới đây, HTX cũng buộc phải sang nhượng cửa hàng vì không thể kham nổi chi phi, tiền sản xuất, vận chuyển… trong khi khách đến mua hàng trực tiếp tại cửa hàng dường như vắng bóng.

“Dù bỏ rất nhiều công sức, chi phí vào đầu tư cửa hàng bán đặc sản nhưng HTX buộc phải đóng cửa vì lượng khách du lịch đến tham quan rất thưa thớt. Trong khi dự báo năm tới, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm, đi du lịch của người dân”, chị Vương Ngọc Thảo, Giám đốc HTX cho biết.

Tuy gặp khó khăn bởi hình thức bán hàng trực tiếp nhưng HTX Vương Ngọc Thảo lại tìm thấy tia sáng từ bán hàng online đa kênh. Và chính hình thức bán hàng này đang là cứu cánh giúp HTX gồng gánh hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho 10 thành viên và một số lao động thời vụ. Đặc biệt, nhiều đặc sản của Lào Cai đã đến được với người tiêu dùng ở nhiều tỉnh thành.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung (Kon Tum), cho biết để có được các đơn vị phân phối ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước và xuất khẩu được như hiện nay, chỉ có bán hàng online mới giúp HTX làm được điều đó.

Có thể thấy, sự bùng nổ của công nghệ, internet và các loại hình vận chuyển hàng hóa thời 4.0 giúp thị trường mua-bán online ngày một sôi động. Nếu như việc bán hàng theo hình thức truyền thống ở một số HTX đang gặp những khó khăn thì bán hàng trực tuyến đang ngày càng đa dạng về hình thức, giúp nhiều HTX đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của người tiêu dùng.

-8066-1708334124.jpg

Tiếp cận kênh bán hàng hiện đại giúp nông dân, HTX giải quyết được khó khăn về đầu ra cho nông sản.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho rằng xu hướng thương mại điện tử đã phát triển rất nhanh và mạnh trong thời gian gần đây. Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân cũng đã thay đổi theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ.

Trong khi người dân, HTX, doanh nghiệp đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Mỗi sản phẩm, nông đặc sản đặc trưng đã được nông dân, HTX chuyển thể bằng những câu chuyện cụ thể, thông qua những video ngắn, từ đó tạo ra cảm xúc cho người xem, người mua. Điều này không chỉ giúp người dân, HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua kênh online thuận lợi mà còn giúp việc tiêu thụ nông sản online được rộng mở hơn.

Thống kê của Metric cho thấy, năm 2023, 5 sàn thương mại điện tử (Tiki, Tik Tok Shopee, Lazada, Sendo) đạt 232.134 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Không chỉ tăng trưởng so với năm 2023, đơn vị này cũng dự báo doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử này vào năm 2024 có thể đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 35% so với năm 2023. Trong đó, livestream và bán hàng đa kênh vẫn là hình thức kinh doanh chính nâng cao doanh thu cho nhà bán lẻ trong năm 2024.

Thực tế, sau mỗi lần livestream, nhiều HTX đã kết nối với các cơ sở sản xuất, nhà phân phối, chốt được các đơn hàng trên kênh của mình. Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Farm (Hòa Bình) cho biết có thời điểm HTX chốt bán được 3 tấn cam/ngày nhờ livestream. Ngoài ra kênh facebook với hơn 1.000 theo dõi giúp HTX giới thiệu sản phẩm online một cách thuận tiện.

Tránh bị động

Thực tế, ngày càng nhiều nông dân, HTX nhận thức được vai trò của khoa học công nghệ trong việc quảng bá, tiêu thụ nông sản và tiếp cận người tiêu dùng. Đặc biệt, các HTX hiện nay đã chú trọng bán hàng đa kênh trên sàn thương mại điện tử, trên website, trên trang facebook, tiktok, trong đó có sử dụng hình thức livestream.

Trong đó, hình thức đang mang lại hiệu quả cao cho các HTX đó là kết hợp với những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội và xây dựng các video ngắn để giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất. Như tại HTX ba khía Đầm Dơi (Cà Mau), dù 2 tuần đầu bán hàng online, HTX không có người mua, nhưng sau đó nhờ làm video giới thiệu cách ăn ba khía, ngày nào HTX cũng bán hết tất cả hàng hóa mà thành viên sản xuất.

Đối với chị Nguyễn Thị Tường Thảo (Lâm Đồng), nhờ làm video hoặc thực hiện các livestream giới thiệu rau củ quả đặc trưng, sau 6 tháng thành lập kênh tiktok, từ 1 nhân viên bán hàng, Nguyễn Thị Tường Thảo đã thành Phó Giám đốc HTX nhà vườn Đà Lạt, đảm nhận khâu bán hàng trực tuyến cho HTX với doanh thu 1-2 tỷ đồng/tháng.

Theo các chuyên gia, làm video, livestream bán hàng tại nơi sản xuất là cách giúp HTX bán hàng, chốt đơn khá hiệu quả vì giúp người tiêu dùng, người xem tiếp cận được với người thật, sản phẩm thật và có thể mua tại gốc.

Bên cạnh đó, nhiều HTX thay vì thuê người livestream, người làm các video thì đã tự làm và thành chính nhân vật trong video, trong livestream đó.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan, – đơn vị cung ứng các giải pháp bán hàng đa kênh, cho rằng điều này vừa tăng tính xác thực cho video, livestream, vừa giúp các HTX giải quyết được khó khăn về vấn đề chi phí đầu tư. Đi liền với đó, thành viên, giám đốc HTX chính là người làm ra sản phẩm, gắn bó mật thiết với HTX nên họ hiểu rất rõ về sản phẩm. Việc giới thiệu sản phẩm vì thể cũng hạn chế được sai sót, nhất là đối với những sản phẩm có chiều dài về giá trị văn hóa, đặc sản vùng miền.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cho biết việc thành viên HTX tự làm nhân vật giới thiệu sản phẩm, thành đại diện hình ảnh cho HTX cũng tránh được tình trạng đứt gánh giữa đường khi thuê người ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay, các thành viên HTX vẫn còn chưa mạnh về công nghệ, marketing… nên ngành chức năng cần hỗ trợ HTX xây dựng đội ngũ chuyên về làm video, hình ảnh thay vì chỉ có 1 người chuyên làm để tránh tình trạng bị động. Đặc biệt, trong thời gian tới, công nghệ, hạ tầng phát triển mạnh, việc bán hàng online tại HTX cũng cần chuyên nghiệp hơn nên việc chú trọng đầu tư nhân lực trong mảng này sẽ giúp các HTX trở thành những đơn vị sản xuất kinh doanh thức thời, tránh rơi vào ngõ hẹp như hình thức bán hàng truyền thống.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn

Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực

Trong bối cảnh nhu cầu thị trường trong và ngoài nước chú trọng các sản phẩm thân thiện môi trường, ưu tiên sản xuất tuần hoàn thì việc hỗ trợ các HTX mây tre đan tìm kiếm đơn hàng, thúc đẩy xuất khẩu sẽ khai thác được thế mạnh ở ngành hàng này.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023, xuất khẩu mây tre đan, cói của Việt Nam đạt hơn 733,2 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Khó tìm kiếm khách hàng mới

Việc xuất khẩu mặt hàng này giảm là do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới khiến các thị trường tiềm năng giảm nhập khẩu. Điều đó không chỉ khiến các doanh nghiệp mà cả các HTX trong ngành hàng mây tre đan gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng. Nhiều HTX trước đây có thời gian làm việc gần như kín năm nhưng năm 2023 đã phải giảm bớt lao động, đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng ở trong nước cũng như ở những thị trường mới.

Ông Lê Viết Sơn, Giám đốc HTX Mây tre đan Vân Sơn (Quảng Bình) cho biết trước đây các HTX, doanh nghiệp nhỏ thường tập trung vào sản xuất, việc tiếp cận với khách hàng nước ngoài thường không diễn ra theo hình thức trực tiếp mà thông qua trung gian. Chính vì thế mà khi thị trường thế giới gặp khó khăn, các HTX thiếu kỹ năng tìm kiếm khách hàng mới.

-7632-1707057686.jpg

Sản phẩm mây tre đan phải có “hồn cốt” mới cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Việc muốn bán hàng thủ công mỹ nghệ trực tiếp cho khách hàng sử dụng sản phẩm là rất khó với các HTX. Bởi thực tế, HTX mới đi các hội chợ, festival ở một số địa điểm trong nước, còn các hội chợ quốc tế thì chưa có điều kiện tham gia vì chi phí mở gian hàng rất tốn kém.

“Vì vậy, chúng tôi rất mong được hỗ trợ để sản phẩm tiếp cận được với các khách hàng nước ngoài và xuất khẩu trực tiếp mà không phải qua các khâu trung gian. Bởi thực chất, xuất khẩu qua trung gian cũng khiến lợi nhuận của HTX chưa thực sự lớn, thậm chí không đủ để HTX tái đầu tư”, ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, nhiều HTX thủ công mỹ nghệ tuy có quy mô lớn với hàng chục, thậm chí hàng trăm lao động nhưng khi khách hàng, doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu đến tận nơi tìm hiểu sản phẩm, quy trình sản xuất thì số lượng cũng như chủng loại hàng hóa trưng bày của các HTX rất hạn chế, đơn điệu nên khó ký kết hợp đồng.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT HTX mây tre đan An Khê (Đà Nẵng), cho biết mỗi năm sản phẩm của HTX vẫn xuất khẩu với số lượng khác nhau nhưng chủ yếu là khách hàng đã quen biết và giao dịch định kỳ.

Nhìn về tương lai

Dù xuất khẩu mặt hàng mây tre đan, thảm năm 2023 giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng nhìn nhận chung đây vẫn là một trong những mặt hàng tiềm năng và chủ lực trong xuất khẩu của Việt Nam. Hiện, Việt Nam đang là một trong ba quốc gia xuất khẩu mây tre đan lớn nhất thế giới cùng với Trung Quốc và Philippines.

Theo các chuyên gia, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: CPTPP, RCEP, EVFTA… đã giúp cánh cửa xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam rộng mở, nhất là những thị trường có nhu cầu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… vì người dân ở các nước này ưa dùng các vật liệu thân thiện môi trường, dễ phân hủy.

Trong khi đó, Việt Nam đang có diện tích tre lên đến 1,5 triệu ha với nhiều chủng loài. Đây là cơ hội lớn cho các HTX, làng nghề mây tre đan.

Vậy nhưng để tăng khả năng xuất khẩu và khai thác được những thế mạnh này, các chuyên gia cho rằng hàng mây tre đan của Việt Nam phải tìm được dấu ấn riêng để cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc công ty mây tre đan Việt Quang (Hà Nội) chia sẻ nếu như Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng gia dụng từ tre thì Indonesia đẩy mạnh sản xuất nội thất từ mây tre đan. Philippines thì rất chú trọng đến thiết kế, đổi mới mẫu mã và đầu tư mạnh vào các mặt hàng cao cấp. Còn sản phẩm mây tre đan của Việt Nam vẫn chưa có được nét riêng tạo dấu ấn trên thị trường. Phần thiết kế sản phẩm cũng chưa sáng tạo, chủ yếu dựa trên yêu cầu của khách hàng ở các nước.

Rõ ràng yếu tố thiết kế, đầu tư cho mẫu mã đang là một trong những khó khăn khiến không ít HTX khó mở rộng khách hàng mới. Việc sản xuất đại trà, làm theo ý của khách hàng đã khiến mặt hàng mây tre đan khó cạnh tranh trên thị trường và chưa mang lại giá trị gia tăng cho chính các HTX.

Song song với đó, xúc tiến thương mại vẫn chưa được quan tâm nên cũng chưa giúp HTX mở rộng được khách hàng. Ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cho biết đã có những doanh nghiệp nhỏ, HTX sau khi được hỗ trợ mở khu vực trưng bày sản phẩm, tham gia các hội chợ trực tiếp và trực tuyến thì họ đã nhận ra rằng, xúc tiến thương mại có vai trò vô cùng quan trọng, là giải pháp cấp bách để mở rộng đầu ra, giúp các đơn vị sản xuất tìm kiếm, kết nối được những khách hàng mới, tiềm năng.

Nhưng để làm được điều này, trong khâu xúc tiến thương mại, các HTX, làng nghề cần lưu ý doanh nghiệp nước ngoài luôn muốn biết sản phẩm của HTX làm bằng vật liệu gì, cách thức để tạo ra sản phẩm và yếu tố văn hóa, truyền thống được thể hiện trong sản phẩm đó như thế nào? Khi trả lời được những câu hỏi đó, đồng nghĩa với việc giá cả không phải là yếu tố hàng đầu mà sâu xa hơn là “hồn cốt” của sản phẩm mới quyết định sự thành công của đơn hàng. Muốn sản phẩm có “hồn cốt” thì cần phải đầu tư theo chiều sâu, không nên tập trung vào sản xuất đại trà. Vì nếu sản xuất đại trà, hàng mây tre đan của Việt Nam cũng khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.

Ngoài ra, một trong những giải pháp, hướng mới để các HTX tìm kiếm được khách hàng, mở rộng đầu ra cho sản phẩm mây tre đan đó chính là là ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia. Đây được coi là một hướng đi quan trong trong thời đại 4.0 để giúp các HTX thiết lập hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm mây tre đan nói riêng và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung.

Tuy nhiên, dù muốn xúc tiến thương mại hay thực hiện liên kết với các sàn thương mại xuyên biên giới hiệu quả, thì các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương cần nâng cao vai trò cầu nối thiết lập và củng cố mối liên kết giữa các HTX và các đơn vị liên quan như các sàn thương mại, các ngành chức năng ở các nước nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất và bán hàng cho các HTX.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn

Thủ tướng: Kinh tế tập thể, hợp tác xã phải chủ động thoát khỏi rào cản để vươn lên

Sáng 2/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-/NQ/TW ngày 16/6/2022 – Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp gần 4% GDP cả nước

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là sự kiện thường niên của Chính phủ – nơi các đại biểu chia sẻ, trao đổi, đưa ra những định hướng, quyết sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX).

Tại diễn đàn, các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ trong khu vực kinh tế tập thể, HTX thời gian tới…

Các đại biểu đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư…; đề xuất các chính sách hỗ trợ để khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới. Trong đó, các đại biểu đề nghị rà soát pháp luật, đồng bộ hóa các quy định liên quan đất đai, thuế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, thông tin, lao động, việc làm…

Ghi nhận, cơ bản nhất trí với các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu những ý kiến xác đáng; sớm hoàn thiện quy trình ban hành văn bản phù hợp để tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX tại Việt Nam.

Kết luận diễn đàn, điểm lại nội dung các nghị quyết, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chiến lược, chương trình các Nghị quyết, nghị định, quyết định của Chính phủ liên quan phát triển kinh tế hợp tác, HTX, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế tập thể, HTX đã có nhiều bước phát triển và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ. Trong đó, đã có sự thống nhất chung trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX; thể chế, cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, HTX phát triển được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ; khu vực kinh tế tập thể, HTX được hỗ trợ nhiều mặt về đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chuyển giao công nghệ; tiếp cận vốn; đầu tư kết cấu hạ tầng…

Theo Thủ tướng, khu vực kinh tế tập thể đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của thành viên.

Khu vực kinh tế tập thể, HTX vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tập thể, HTX đóng góp gần 4% GDP. Ở nhiều địa phương như Thái Nguyên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau…, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả đáng ghi nhận đã đạt được thời gian qua; đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, ngày càng chủ động của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ, khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu, đòi hỏi; đặc biệt chưa tương xứng với sự quan tâm, chủ trương, chính sách và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước dành cho khu vực kinh tế này.

Phân tích bối cảnh tình hình thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kinh tế tập thể, HTX phải nhận thức rõ, tự chủ động thoát khỏi những rào cản và vướng mắc mang tính cố hữu để vươn lên; chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy và hành động theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ hiện đại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát triển cả số lượng và chất lượng các thành viên, lực lượng lao động tham gia; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị.

Kinh tế tập thể, HTX góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính khai mạc Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Thủ tướng, Nghị quyết số 20-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước sẽ có 45 nghìn HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1,7 nghìn HTX thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Đến năm 2045, Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết.

“Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng…; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để phát triển kinh tế hợp tác, HTX, Thủ tướng yêu cầu thấm nhuần quan điểm chỉ đạo: Quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII; phát triển kinh tế tập thể, HTX là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển. Do đó, phải đổi mới tư duy, nhận thức, có tầm nhìn xa, tổng thể; phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức, nói không đi đôi với làm; làm phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp để đem lại những kết quả thiết thực.

Thủ tướng chỉ rõ, chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể, HTX một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực đòi hỏi sự tham gia, chung sức của cả hệ thống chính trị, các HTX và người dân; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đối với những vấn đề “đã chín, đã rõ”, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình sẽ tiếp tục thực hiện, phát huy. Những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau, chưa có quy định hoặc vượt quy định sẽ mạnh dạn đổi mới, làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Trên quan điểm đó, thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sớm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2023, đồng bộ và thống nhất về thời gian áp dụng với Luật Hợp tác xã 2023. Các bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định, ban hành 01 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã; tích cực hoàn thiện Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2026-2030.

Cùng với đó, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định đối với hoạt động cho vay nội bộ trong HTX, liên hiệp HTX tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hỗ trợ người lao động, thành viên HTX, góp phần xóa bỏ “tín dụng đen” ở nông thôn; nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng dành riêng cho khu vực kinh tế tập thể; sớm có hướng dẫn chế độ kế toán HTX, liên hiệp HTX phù hợp; hoàn thiện các quy định về thuế phí, trong đó ưu tiên hỗ trợ phù hợp cho đối tượng HTX.

Các bộ, ngành hoàn thiện các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và theo định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển HTX nông nghiệp trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, trong đó phải cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ đất đai cho HTX theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW và Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng chỉ đạo xây dựng các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX phải đổi mới toàn diện theo hướng bảo đảm yêu cầu đơn giản, thông thoáng và công khai, minh bạch, thiết thực hiệu quả và có tính kế thừa, chuyển tiếp; tránh những xáo trộn, gây khó khăn; các hỗ trợ phải theo hướng tiếp cận các nguyên tắc thị trường, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các HTX và tạo cơ hội, động lực cho các HTX tự lực vươn lên; nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách hỗ trợ HTX và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách.

Theo đó, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế giao vốn đầu tư phát triển thực hiện các dự án hỗ trợ hạ tầng HTX theo hướng giao thành khoản mục riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể, HTX; cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ HTX theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhất là những chính sách thuộc trách nhiệm bảo đảm của ngân sách Trung ương.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị tăng cường hơn nữa vai trò của Diễn đàn Kinh tế hợp tác xã trong việc thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác và với các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học; nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ cho các HTX.

“Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong việc thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu  xây dựng, phát triển HTX trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng và hoạt động sản xuất kinh doanh vì mục tiêu chung của thành viên và của HTX; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý HTX được đào tạo bài bản, có kiến thức về kinh tế, tài chính, kinh doanh và các kỹ năng cơ bản khác.

“Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Vì vậy, khu vực kinh tế tập thể, HTX phải phát triển theo hướng tự lực, tự cường gắn với tăng cường liên kết giữa các thành viên, giữa khu vực kinh tế tập thể với các khu vực kinh tế khác và mở rộng hợp tác quốc tế”, Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, đóng góp ngày càng tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.

Phạm Tiếp (TTXVN)

 

Sơn La: Chiềng Lương tìm hướng sản xuất, giảm nghèo cho nhân dân

Khai thác những lợi thế, linh hoạt thực hiện tiêu chí giảm nghèo, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, đã chỉ đạo các bản thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế, triển khai các chương trình, dự án, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước nâng cao đời sống.
Nông dân xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn nuôi bò nhốt chuồng.
Ông Cầm Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã có 2.132 hộ, 10.376 nhân khẩu. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đa dạng hóa cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế. Cùng với đó, vận động các hộ phối hợp với các HTX trên địa bàn sản xuất theo hướng tập trung, khoanh vùng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, UBND xã gắn phong trào thi đua của các đoàn thể chính trị địa phương như: “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”… Năm 2023, duy trì trên 1.400 ha mía, cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn La; chăm sóc 359 ha cây ăn quả các loại, gần 90 ha cà phê. Xã hiện có 12 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, với địa hình có nhiều đất đồi và nguồn thức ăn, xã vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, nhất là chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo hướng trồng cỏ, nuôi nhốt; triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Năm 2023, nhân dân đã trồng mới trên 100 ha cỏ. Đến nay, toàn xã có trên 12.000 con gia súc các loại, gần 52.400 con gia cầm, nhiều hộ vay vốn, đầu tư chăn nuôi, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định.
Gia đình anh Thào A Lù, bản Kéo Lồm, phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp kinh doanh vận tải. Anh Lù cho biết; Năm 2019, được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH, cùng với tiền vay của người thân, tôi mua ô tô làm dịch vụ vận tải. Năm 2020, tôi tiếp tục mua 2 con bò, trồng cỏ để nuôi nhốt. Chí thú làm ăn, hiện gia đình đã có thu nhập ổn định, các con có điều kiện học hành tốt hơn, năm 2023, gia đình đã thoát nghèo.
Trong số các mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn xã, không thể không kể đến HTX nông nghiệp Bảo Sam. Các thành viên đều là người dân tộc thiểu số, nhưng nhanh chóng thích ứng với thị trường, tham gia liên kết trồng cây ăn quả. Thành lập tháng 11/2018, với 18 thành viên, sản xuất 30 ha chanh leo và liên kết trồng gần 70 ha chanh leo. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật, từ giữa năm 2023, HTX đã xây dựng thành công mã số vùng trồng chanh leo, đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm. Hiện nay, bình quân thu 25 tấn quả/ha, trừ chi phí thu khoảng 250-300 triệu đồng/ha.
Chị Lò Thị Hóa, bản Chi, xã Chiềng Lương, nói: Tôi và một số hộ dân trong bản liên kết với HTX nông nghiệp Bảo Sam, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bao tiêu sản phẩm. Với 7.000 m2 chanh leo, mỗi năm, gia đình thu hoạch trên 15 tấn, thu gần 200 triệu đồng.
Ngoài việc phát huy những lợi thế của địa phương, vận động nhân dân liên kết sản xuất, xã còn tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH; mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả đi đôi với vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Đồng thời, triển khai thực hiện các chương trình dự án kịp thời đến đối tượng thụ hưởng, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề…
Với hướng đi cụ thể trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đi đôi với xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đã giúp tỷ lệ hộ nghèo xã Chiềng Lương giảm còn 11,6%. Những kết quả đạt được đã khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, lựa chọn trúng các khâu, việc làm khó để đề ra các giải pháp thực hiện sát cơ sở, hướng mục tiêu vào chăm lo đời sống của nhân dân, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng quê rẻo cao.
Bài, ảnh: Nguyễn Yến/ Theo báo Sơn La

HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?

Nhiều HTX đang có mục tiêu xuất khẩu hàng hóa để mở rộng đầu ra và khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Nhưng việc tìm và thuyết phục được khách hàng nội địa đã khó, việc chinh phục được khách hàng nước ngoài còn khó hơn. Chính vì vậy, chuẩn bị kỹ lưỡng để có sản phẩm chất lượng cũng là một trong những cách tạo ấn tượng và hấp dẫn khách hàng nước ngoài.

HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch (Bà Rịa Vũng Tàu) đang đầu tư trồng bưởi đạt tiêu chuẩn cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối, bán lẻ. HTX cũng tận dụng những quả bưởi không đạt chất lượng để làm tinh dầu vỏ bưởi, tinh dầu hạt bưởi. Ngoài ra HTX còn làm chè bưởi, bưởi sấy dẻo để rộng đầu ra. Mong muốn của các thành viên trong HTX là ngoài xuất khẩu được bưởi tươi còn xuất khẩu những sản phẩm chế biến từ bưởi để nâng cao thu nhập, giữ được vùng bưởi truyền thống của địa phương.

Bỡ ngỡ khi xuất khẩu

Chị Sầm Thị Tình, Giám đốc HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (Nghệ An), cho biết tiêu thụ trong nước chủ yếu cho người nước ngoài nhưng để xuất khẩu được thổ cẩm ra nước ngoài là điều không hề dễ vì HTX gặp khó khăn trong việc đổi mới mẫu mã cũng như bất đồng ngôn ngữ.

Mong muốn xuất khẩu là điều mà không ít HTX mong muốn và hướng tới. Bởi theo những người đứng đầu HTX, nhiều nông sản, sản phẩm trong nước ngày càng được đầu tư sản xuất theo quy mô lớn, chế biến sâu. Các HTX cũng sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới, nếu chỉ tiêu thụ trong nước, thị trường khá chật chội. Trong khi tâm lý của không ít người Việt hiện nay là chuộng hàng ngoại. Xuất khẩu không chỉ giúp HTX đa dạng thị trường, gia tăng quy mô thương mại, cải thiện cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực mà còn thể hiện sự quan tâm của các HTX trên thị trường khi tận dụng ưu đãi từ các FTA đã ký kết.

Hiện nay, bằng nhiều cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đã có không ít HTX tham gia xuất khẩu hàng hóa, nông sản, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

-9155-1706259976.jpg

Nhiều HTX sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, HTX xuất khẩu đều gặp không ít khó khăn, nhất là đối với những HTX mới khởi nghiệp do thiếu vốn, chất lượng sản phẩm chưa cạnh tranh, chưa theo kịp xu hướng tiêu dùng…

Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, cho biết phần lớn các HTX, nhất là các HTX mới khởi nghiệp được thành lập nhưng chưa hoặc ít được đào tạo bài bản nên khó nắm bắt thông tin về các quy trình từ hưởng các chính sách hỗ trợ đến thủ tục, hồ sơ, quy trình xuất khẩu. Nếu thuê người làm hồ sơ, hỗ trợ xuất khẩu thì chi phí có thể rất cao, trong khi nguồn vốn của các đơn vị này thường có hạn.

Bên cạnh đó, một trong những điều mà các HTX quan tâm hàng đầu lại chính là sản phẩm làm ra có bán được không? Và muốn xuất khẩu được thì phải làm gì bởi vì chỉ khi bán được hàng, xuất khẩu được thì HTX mới có thể tái đầu tư cho sản xuất.

Xây dựng Profile ấn tượng

Những điều mà HTX hướng đến là điều dễ hiểu nhưng theo ông Nguyễn Trung Dũng, CEO của Dh Foods, trước khi muốn xuất khẩu được, các HTX cần phải nhìn nhận lại bản thân xem đã xây dựng một profile đủ ấn tượng, hấp dẫn chưa?

Muốn làm được điều này, HTX phải tuân thủ các bước trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Cụ thể là sản phẩm của HTX phải đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và sau đó đăng ký tại các thị trường xuất khẩu mà HTX hướng tới xuất khẩu. Chi phí cho hoạt động này không cao, chỉ tốn thời gian nhưng giá trị mang lại rất lớn khi giúp HTX cạnh tranh thuận lợi, hạn chế kiện cáo khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Theo vị CEO này, nhiều HTX chưa quan tâm xây dựng và vận hành website. Trang web thường là nơi đầu tiên mà khách hàng nước ngoài tìm hiểu sau khi nhận được offer của HTX. Muốn vậy, website của HTX cần đẩy đủ thông tin, thiết kế logic, bắt mắt, đảm bảo tốc độ đường truyền. Đặc biệt, khi hướng tới mục đích xuất khẩu, website của HTX phải có ít nhất song ngữ Việt-Anh để bảo đảm liên kết với khách hàng. Nếu website không tối ưu thì khả năng cao, khách sẽ rời đi.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nguyễn Anh Holding, cho biết để xuất khẩu được thuận lợi, ngoài chất lượng, các HTX cần đa dạng hóa sản phẩm để khách hàng các nước có thể cân nhắc, lựa chọn. Bởi nếu danh mục sản phẩm của HTX quá ít thì việc tiếp cận với khách hàng nội địa cũng rất khó chứ chưa nói đến khách hàng nước ngoài. Nếu ít sản phẩm, việc cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, điểm yếu mà các HTX hay mắc phải chính trọng lượng và kích thước bao bì. Nhiều sản phẩm hàng Việt xuất khẩu hiện đóng gói lớn nên ngay khâu gửi cho đối tác dùng thử cũng làm tăng chi phí của HTX. Trong khi xu hướng của người tiêu dùng nước ngoài đối với sản phẩm mới là thường thích dùng thử, nếu thấy được thì mới dùng tiếp. Còn nếu đóng túi lớn, người tiêu dùng nước ngoài cũng e dè ngay từ lần đầu sử dụng.

Bà Đỗ Thu Ngân, chuyên gia tài chính đầu tư ở Canada, cho biết dù xuất khẩu sang đâu thì đều có công thức chung đó là tìm hiểu thị trường, tìm hiểu các đối tượng khách hàng. Có làm tốt các bước này thì HTX và doanh nghiệp mới tiết kiệm chi phí về quảng bá, marketing…

Nhưng có một điều là muốn tiếp cận khách hàng tốt thì ngay từ web đến bao bì sản phẩm, tài liệu quảng cáo phải song ngữ hoặc đáp ứng được ngôn ngữ của thị trường hướng đến. Như muốn tiếp cận thị trường Canada, bao bì, web, tài liệu cần phải có cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Đơn vị xuất khẩu cũng phải tính toán ngay cả phương pháp vận chuyển, việc vận chuyển hàng về tận các địa phương cần tính toán cụ thể vì mỗi bang, mỗi thành phố của nước đó thường có chính sách, cách thức, con đường vận chuyển khác nhau.

Đặc biệt, khách nước ngoài cũng thường tìm hiểu nhu cầu, lượng khách trong nước để thấy được tính hiệu quả, chất lượng của sản phẩm. Do đó, việc phát triển thị trường nội địa cũng là nền tảng quan trọng đến thúc đẩy xuất khẩu, tiếp cận khách hàng nước ngoài.

Một điều đáng lưu ý là ở Canada, khâu thủ tục hành chính rất lâu, chậm. Điều này không phải vì quy trình, công nghệ của họ chưa phát triển mà mọi người dân đều rất muốn đọc văn bản, họ muốn để cân đối tất cả các vấn đề một cách hoàn chỉnh trước khi ra quyết định. Chính vì vậy, hối thúc đối tác thường không mang lại hiệu quả cao khi làm việc với doanh nghiệp ở Canada.

Theo Huyền Trang – Vnbusinessvn

HTX ‘biến nguy thành cơ’ trong điều kiện rét đậm rét hại

Tác động tiêu cực từ rét đậm, rét hại đến sản xuất nông nghiệp là rất lớn khiến các HTX trồng trọt, chăn nuôi ở những vùng chịu ảnh hưởng của nhiệt độ giảm sâu gặp không ít khó khăn. Nhưng nếu các thành viên HTX biết chuyển đổi sản xuất kinh doanh một cách phù hợp thì có thể “biến nguy thành cơ”.

Lúc 6h sáng 25/1, miền Bắc vẫn chìm trong giá rét do không khí lạnh mạnh tăng cường, 20 tỉnh, thành có nhiệt độ dưới 10 độ C, trong đó đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -2,6 độ C, thấp nhất trong 11 năm qua. Sau đó là Sa Pa (Lào Cai) 2,7 độ C; Đồng Văn (Hà Giang) 2,8 độ C; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 3,3 độ C; Trùng Khánh (Cao Bằng) 3,6 độ C… Các địa phương ở khu vực Bắc Trung Bộ cũng chịu thời tiết rét hại với nhiệt độ 9 – 12 độ C.

Khung cảnh đối lập

Theo lịch thời vụ, các thành viên HTX nông nghiệp Thống Nhất (Thạch Hà-Hà Tĩnh) đã tiến hành xuống giống vào ngày 17-18/1. Tuy nhiên, khi gặp nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa những ngày sau đó đã khiến một số diện tích mạ của thành viên bị ngập chết hoặc kém phát triển, nguy cơ phải xuống giống lại lần hai rất cao. Hiện, các thành viên HTX phải thường xuyên bám đồng để dùng nilon che cho diện tích còn lại và bơm, tháo nước để duy trì mực nước trên mặt ruộng từ 2 – 3 cm để mạ không bị chết.

Còn tại HTX Sản xuất kinh doanh nông lâm nghiệp xã Hồng Thái (Lạng Sơn), dù đã không chăn thả nhưng chuồng trại chủ yếu đầu tư theo hình thức mở nên các thành viên khá lo lắng cho sức khỏe đàn trâu, bò vì nền nhiệt độ đã xuống mức rất thấp. Các thành viên đã thực hiện bật đèn ở khu vực chuồng nuôi 24/24h, cho bò ăn thức ăn ủ chua, che thêm bạt để hạn chế gió lùa…

Hiện nay, tình trạng băng tuyết mới xảy ra ở một số địa phương nhưng theo các HTX, nếu tình trạng này kéo dài, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp là không hề nhỏ vì ngành nông nghiệp hiện nay vẫn sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên.

Thống kê nhanh của các tỉnh miền núi đến 20h ngày 24/1 cho thấy, đợt rét đậm, rét hại này đã làm 38 con gia súc bị chết; trong đó Cao Bằng là tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất với 27 con (23 con trâu, 4 con bò). Tiếp đến là Bắc Kạn với 10 con (1 con trâu, 7 con nghé, 2 con dê), Điện Biên đã có thiệt hại 1 con nghé.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng tình trạng vật nuôi như trâu, bò, dê… chết do rét đậm rét hại vẫn xảy ra hàng năm ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra, nhiều cây trồng cũng cũng thiệt hại do nền nhiệt xuống thấp. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng cũng như tổng đàn vật nuôi của cả nước mà còn trực tiếp làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, HTX.

-2828-1706175598.jpg

Đường lên đỉnh Mẫu Sơn ùn tắc cho thấy tiềm năng từ du lịch băng tuyết.

Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ bởi rét đậm rét hại nhưng chính từ nền nhiệt độ và điều kiện thời tiết như vậy lại lại là động lực cho nhiều người hứng khởi đến các địa điểm như đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn), đỉnh Phia Oắc (Cao Bằng), đỉnh đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai)… để ngắm băng tuyết.

Thống kê từ khu du lịch Mẫu Sơn cho thấy, chỉ trong hai ngày 23 và 24/1 đã có đến hơn 5.000 du khách lên đỉnh Mẫu Sơn xem băng tuyết dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài.

Việc cây trồng, vật nuôi bị chết và người dân ùn ùn đi xem băng tuyết đã tạo ra khung cảnh đối lập. Người dân, HTX làm nông nghiệp lo lắng khi nhiệt độ xuống thấp thì lại là cơ hội cho một số điểm du lịch bởi băng giá, mưa tuyết ở Việt Nam vốn là điều xa xỉ mà thiên nhiên ban tặng. Vì thế, băng tuyết xuất hiện tạo sự hấp dẫn khó cưỡng đối với nhiều người. Thậm chí trong thời đại hiện nay, du lịch ngắm băng tuyết trở thành trào lưu.

Thay đổi để thích ứng

Trước thực tại trên, nhiều ý kiến cho rằng thay vì lên án việc nhiều người hứng khởi khi đi ngắm băng tuyết thì nên có những hoạt động thiết thực giúp đỡ những người nông dân chăn nuôi, sản xuất bị thiệt hại khi rét đậm rét hại.

Nhưng cũng có ý kiến nêu vấn đề, trước khó khăn trên, thay vì chịu đựng thì cơ quan quản lý, người dân, HTX ở những vùng này cũng cần thay đổi tư duy trong sản xuất kinh doanh. Bởi băng tuyết làm cho ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề thì lại là cơ hội cho ngành dịch vụ, du lịch phát triển.

Bà Nguyễn Thu Liên (Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch) cho biết trên thế giới cũng xuất hiện băng tuyết và đây được coi là điều kiện tự nhiên bình thường, cũng là cơ hội để phát triển nhiều ngành nghề khác như du lịch, thể thao…, từ đó kéo theo nhiều ngành nghề đi kèm phát triển.

Chính vì vậy, cơ quan quản lý, người dân, HTX cũng cần thay đổi tư duy cũng như thay đổi cách làm kinh tế để phục vụ mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập, lợi nhuận. Và băng tuyết là do thời tiết gây ra nên thay vì ngồi yên chịu thiệt hại thì nên có biện pháp ứng phó, thích ứng với điều kiện tự nhiên và biến nó từ khắc nghiệt thành lợi thế. Việc người dân, HTX thay đổi để thích ứng, phục vụ du lịch cũng là một cách phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Phúc Thắng, Giám đốc HTX Nông trang sinh thái Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cho biết, dần dần, việc sản xuất của nông dân, HTX sẽ thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên thông qua việc đầu tư vào khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến. Ngay như việc sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu rét, đẩy mạnh chế biến, sử dụng nhà kính cũng giúp hạn chế tác động của thời tiết, từ đó thu hút khách du lịch thuận lợi.

“Nhiều khi nghịch cảnh cũng lại là cơ hội cho người dân, HTX. Nên thuận theo nó có khi lại mang lại hiệu quả hơn là nghịch. Nếu vùng lạnh làm nông nghiệp không hiệu quả thì có thể chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sang canh tác mùa khác thuận lợi hơn như làm vụ sớm, hoặc thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh khác”, ông Thắng nói.

Có thể thấy, thay đổi tự nhiên là điều không thể, chỉ có con người phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện tự nhiên thì mới không bị thiên nhiên “nhấn chìm”. Do đó, việc tìm biện pháp để giảm thiểu thiệt hại, thay đổi dịch vụ, hướng sản xuất kinh doanh một cách phù hợp cần được xem xét và thực hiện ở các HTX, các chủ trang trại và cả người dân. Nhưng muốn có được hiệu quả cao, cần sự hỗ trợ trực tiếp từ các cơ quan quản lý để các HTX, người dân có kế hoạch chuyển đổi một cách phù hợp với điều kiện địa phương cũng như thích ứng với nhu cầu thị trường.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn