Sơn La: Chiềng Lương tìm hướng sản xuất, giảm nghèo cho nhân dân

Khai thác những lợi thế, linh hoạt thực hiện tiêu chí giảm nghèo, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, đã chỉ đạo các bản thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế, triển khai các chương trình, dự án, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước nâng cao đời sống.
Nông dân xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn nuôi bò nhốt chuồng.
Ông Cầm Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã có 2.132 hộ, 10.376 nhân khẩu. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đa dạng hóa cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế. Cùng với đó, vận động các hộ phối hợp với các HTX trên địa bàn sản xuất theo hướng tập trung, khoanh vùng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, UBND xã gắn phong trào thi đua của các đoàn thể chính trị địa phương như: “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”… Năm 2023, duy trì trên 1.400 ha mía, cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn La; chăm sóc 359 ha cây ăn quả các loại, gần 90 ha cà phê. Xã hiện có 12 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, với địa hình có nhiều đất đồi và nguồn thức ăn, xã vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, nhất là chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo hướng trồng cỏ, nuôi nhốt; triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Năm 2023, nhân dân đã trồng mới trên 100 ha cỏ. Đến nay, toàn xã có trên 12.000 con gia súc các loại, gần 52.400 con gia cầm, nhiều hộ vay vốn, đầu tư chăn nuôi, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định.
Gia đình anh Thào A Lù, bản Kéo Lồm, phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp kinh doanh vận tải. Anh Lù cho biết; Năm 2019, được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH, cùng với tiền vay của người thân, tôi mua ô tô làm dịch vụ vận tải. Năm 2020, tôi tiếp tục mua 2 con bò, trồng cỏ để nuôi nhốt. Chí thú làm ăn, hiện gia đình đã có thu nhập ổn định, các con có điều kiện học hành tốt hơn, năm 2023, gia đình đã thoát nghèo.
Trong số các mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn xã, không thể không kể đến HTX nông nghiệp Bảo Sam. Các thành viên đều là người dân tộc thiểu số, nhưng nhanh chóng thích ứng với thị trường, tham gia liên kết trồng cây ăn quả. Thành lập tháng 11/2018, với 18 thành viên, sản xuất 30 ha chanh leo và liên kết trồng gần 70 ha chanh leo. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật, từ giữa năm 2023, HTX đã xây dựng thành công mã số vùng trồng chanh leo, đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm. Hiện nay, bình quân thu 25 tấn quả/ha, trừ chi phí thu khoảng 250-300 triệu đồng/ha.
Chị Lò Thị Hóa, bản Chi, xã Chiềng Lương, nói: Tôi và một số hộ dân trong bản liên kết với HTX nông nghiệp Bảo Sam, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bao tiêu sản phẩm. Với 7.000 m2 chanh leo, mỗi năm, gia đình thu hoạch trên 15 tấn, thu gần 200 triệu đồng.
Ngoài việc phát huy những lợi thế của địa phương, vận động nhân dân liên kết sản xuất, xã còn tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH; mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả đi đôi với vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Đồng thời, triển khai thực hiện các chương trình dự án kịp thời đến đối tượng thụ hưởng, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề…
Với hướng đi cụ thể trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đi đôi với xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đã giúp tỷ lệ hộ nghèo xã Chiềng Lương giảm còn 11,6%. Những kết quả đạt được đã khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, lựa chọn trúng các khâu, việc làm khó để đề ra các giải pháp thực hiện sát cơ sở, hướng mục tiêu vào chăm lo đời sống của nhân dân, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng quê rẻo cao.
Bài, ảnh: Nguyễn Yến/ Theo báo Sơn La