Xây dựng chuỗi thanh long theo hướng hữu cơ – hướng đi mới cho các HTX tại Tiền Giang, Long An

Năm 2020, Liên minh HTX Việt Nam giao cho Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường thực hiện xây dựng 02 mô hình điển hình về HTX sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ thuộc đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình HTX sản xuất trái cây hữu cơ gắn với hỗ trợ 02 mô hình HTX SXKD theo chuỗi giá trị sản phẩm”.

Hai HTX được lựa chọn xây dựng mô hình là HTX NN TH Quơn Long – xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo – tỉnh Tiền Giang và HTX NN Thanh Phú Long – xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả quan trọng của Việt Nam và là 1 trong 9 cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Thanh long hiện được trồng ở 30 tỉnh thành, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh Bình Thuận (29.000 ha), Long An (11.000 ha) và Tiền Giang (8.000 ha) chiếm 93,6% diện tích và 95,5 % sản lượng cả nước.

Tuy nhiên, người nông dân trồng thanh long có thu nhập rất bấp bênh do họ đang phụ thuộc hoàn toàn vào biến động của thị trường, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Chính vì vây, cần xây dựng một ngành thanh long nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung vững mạnh, có đầy đủ các lợi thế cạnh tranh như chất lượng, năng suất, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm,… để tiến vào các thị trường cao cấp như Mỹ, Châu Âu,…

Tháng 12/2020, Trung tâm KHCN&MT tổ chức nghiệm thu, bàn giao các nội dung hỗ trợ cho 2 HTX: tập huấn hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản trong quy trình canh tác cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận VietGAP; Xây dựng thương hiệu ( logo, bộ nhận diện văn phòng, bộ nhận diện sản phẩm, ấn phẩm marketing, mã số mã vạch, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu); Truy xuất nguồn gốc ( hệ thống truy xuất nguồn gốc, 5000 tem ); Xúc tiến thương mại ( thiết kế cổng thông tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX); phân bón hữu cơ. Tổng mức hỗ trợ cho 2 HTX lên đến gần 600 triệu đồng.

Tham dự Lễ nghiệm thu, bàn giao tại 2 HTX có đại diện Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, Liên minh HTX tỉnh Long An, lãnh đạo chính quyền địa phương và Hội đồng quản trị, ban giám đốc và thành viên của 2 HTX.

Lễ nghiệm thu, bàn giao tại HTX NN TH Qươn Long – Tiền Giang

Lễ nghiệm thu, bàn giao tại HTX NN Thanh Phú Long – Long An

Mô hình canh tác thanh long theo hướng hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường, đây là mô hình kinh tế tiêu biểu của nông nghiệp bền vững. Với những yêu cầu của thị trường không ngừng tăng cao về chất và lượng, nông sản nếu đáp ứng được các yêu cầu này thì sẽ không còn tình trạng được mùa mất giá, lợi nhuận bấp bênh và sự phụ thuộc vào thương lái. Người nông dân làm chủ được chất lượng sản phẩm nghĩa là làm chủ được thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX NN Thanh Phú Long cho biết, sau khi được hỗ trợ chứng nhận VietGAP và các nội dung về xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu thanh long tươi cho các hệ thống siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh như: Lotte mart, Big C, Aeon, Coop mart. Tín hiệu này hứa hẹn một tương lai phát triển bền vững của cây thanh long của HTX và tỉnh nhà.

Có thể nói, mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ là kết quả tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam sau một chặng đường dài phát triển và hội nhập. Mô hình không chỉ có ý nghĩa vì hiệu quả kinh tế cao, an sinh xã hội được đảm bảo mà còn là một giải pháp hữu hiệu để phòng chống và ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Trung tâm Khoa học Công nghệ & Môi trường

Hỗ trợ HTX xử lý đáy ao, nguồn nước nuôi tôm siêu thâm canh tại tỉnh Cà Mau

Sau 1 năm thực hiện công tác nghiên cứu và ứng dụng xây dựng mô hình xử lý nước ô nhiễm trong ao nuôi tôm tại hai hợp tác xã Hòa Hiệp, huyện Phú Tân và HTX NTTS Cái Bát, huyện Cái Nước. Trung tâm Khoa học công nghệ và môi trường Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Cà Mau tổ chức buổi hội thảo nhân rộng mô hình xử lý đáy ao, nguồn nước bằng chế phẩm sinh học cho các HTX nuôi trồng thủy sản với hơn 40 đại biểu đại diện cho các HTX nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Cà Mau tới tham dự.

Quang cảnh buổi hội thảo

Tại buổi hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hòa – Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường đã chỉ ra các nguyên nhân gây ô nhiễm trong ao nuôi tôm, các biện pháp khắc phục, vai trò của vi sinh vật trong nuôi trồng thủy sản và phương pháp xử lý ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi tôm bằng bằng chế phẩm sinh học COSTE MT02. Chế phẩm sinh học COSTE MT02 là sản phẩm nghiên cứu khoa học của để tài: “Nghiên cứu chuyển giao quy trình công nghệ xử lý đáy ao nguồn nước bằng chế phẩm sinh học cho các HTX nuôi trồng thủy sản gắn với hỗ trợ 01 mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm” do KS. Nguyễn Ánh Tuyết làm chủ nhiệm đề tài. Chế phẩm có chứa các chủng vi sinh vật vừa có hoạt tính phân giải mạnh các hợp chất hữu cơ cao phân tử vừa có khả năng đối kháng với các vi sinh vật gây bệnh cho tôm.

Tại buổi hội thảo đã nhận được ý kiến chia sẻ của các nhà khoa học, đại diện các HTX, ông Nguyễn Hoàng Ân- Giám đốc HTX NTTS Cái Bát cho biết: hiện nay, ngành nuôi tôm đang phải đôi mặt với tình hình ô nhiễm hữu cơ rất cao, tình hình dịch bệnh trong nuôi tôm diễn ra ngày càng phức tạp, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh nàng càng nhiều dẫn đến ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của các thành viên trong HTX. Khi sử dụng chế phẩm sinh học COSTE MT02 đã vừa xử lý được vấn đề ô nhiễm hữu cơ trong ao, giảm mùi hôi thối tạo môi trường tốt cho con tôm sinh trưởng. Chính vì vậy, đã giúp hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Khi sử dụng chế phẩm COSTE MT02, nước ao có màu nâu nước trà, đây là màu nước đẹp nhất cho nuôi tôm siêu thâm canh.

Ông Lương Văn Sơn – Kỹ sư thủy sản, phụ trách kỹ thuật của HTX Hòa Hiệp cho biết: sử dụng chế phẩm COSTE MT02 cho hiệu quả cả về tạo màu nước và xử lý nhớt đáy ao. Chất lượng của chế phẩm tương đương với các sản phẩm nhập ngoại có bán trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Chi phí xử lý môi trường nuôi tôm nếu dùng sản phẩm COSTE MT02 chỉ bằng ½ so với khi sử dụng các sản phẩm nhập ngoại. Hợp tác xã mong muốn tiếp tục được sử dụng sản phẩm sau khi dự án kết thúc.

Các bước xử lý nước ao nuôi tôm được thực hiện như sau:

  • Hoạt hóa: Lấy 100 lít nước sạch bổ sung 4 lít mật mía (rỉ đường) sau đó cho vào 500g chế phẩm vi sinh COSTE-MT02 sục khí liên tục trong 12-18 giờ.
  • Xử lý ao trước khi xuống giống: Lấy mem đã nhân tạt khắp mặt nước ao với thể tích từ 1000m3 nước, thực hiện liên tục như vậy trong 3 ngày nhằm tạo màu nước (kích thích tảo silic phát triển, xử lý chất ô nhiễm, diệt các vi sinh vật gây bệnh…)
  • Xử lý nước ao sau khi xuống giống:

+ Trong 30 ngày đầu thả tôm do lúc này tôm còn bé lượng thức ăn và chất thải ít sử dụng chế phẩm vi sinh với liều lượng 750g/1000m3 nước để xử lý ao nuôi, lặp lại 3 ngày/1 lần. Các bước xử lý chế phẩm vi sinh trước khi đưa xuống ao tương tự ở bước 4

+ Sau 30 ngày nuôi đầu tiên tôm đã lớn, bắt đầu quá trình lột xác và tăng trưởng mạnh về cả khối lượng và kích thước lướng chất thải nhiều và xiphong hàng ngày nên tăng liều lượng sử dụng chế phẩm vi sinh lên 500g/1000m3 nước, lặp lại 1 ngày/1 lần

Kết thúc buổi hội thảo, ông Đỗ Văn Sơn- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau khóa V, phát biểu bế mạc, cám ơn các đại biểu đã tham dự, thảo luận sôi để tìm hiểu, đánh giá về hai mô hình đã thực hiện tại địa phương; cám ơn Liên minh HTX Việt Nam đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến tại tỉnh Cà mau. Cuối cùng, ông bày tỏ sự cảm kích với nhóm nghiên cứu và mong muốn tiếp tục hợp tác với Trung tâm Khoa học công nghệ và môi trường và là cầu nối để đưa sản phẩm COSTE MT02 ứng dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Liên minh HTX tỉnh Cà Mau