Hợp tác xã đang làm tốt vai trò hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, từ đó thúc đẩy “tam nông” phát triển. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập và kinh tế số, muốn hợp tác xã (HTX) phát triển hiệu quả, bền vững rất cần có những chính sách thông thoáng, phù hợp với đặc thù của mô hình kinh tế tập thể (KTTT).
Phát biểu tại Tọa đàm khoa học “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua thực hiện Nghị quyết TW 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết TW 5, khóa IX về kinh tế tập thể”, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, phát triển KTTT, HTX là một trong những lực đẩy quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân thông qua việc xây dựng các mô hình nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp số, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Vẫn còn nhiều điểm nghẽn về đất đai
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, khu vực KTTT, HTX đã thu hút 65 triệu thành viên (cả THT và quỹ tín dụng nhân dân). Các HTX sản xuất theo chuỗi, chú trọng chế biến chiếm 25%, từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho thành viên.
Đặc biệt, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 khóa X và 20 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa IX, các HTX đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới thông qua việc hoàn thành tiêu chí 13, phát triển nguồn nhân lực và các đặc sản địa phương thông qua tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Đến nay, các HTX đã đóng góp 15-70% các mặt hàng cung cấp ra thị trường. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp đang cung ứng ra thị trường khoảng 70% lúa gạo, 20-30% thủy sản, 40-55% rau màu…
Có thể thấy, các HTX đã góp phần giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa hoạt động, giảm thiểu những rủi ro trong sản xuất, tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình. HTX đã giải quyết những vấn đề mà những hộ nhỏ lẻ khó thực hiện được như: Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm ngành hàng ở địa phương. Chẳng hạn như, HTX Sinh Dược (Ninh Bình) chuyên sản xuất tranh từ lá bồ đề và chế biến các sản phẩm từ dược liệu; HTX rau an toàn Tự Nhiên (Sơn La) chuyên trồng, tiêu thụ các nông sản như rau màu theo chuỗi giá trị hàng hóa…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, khu vực KTTT, HTX vẫn còn những điểm nghẽn cần được tháo gỡ để thúc đẩy khu vực này phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường. Điểm nghẽn lớn nhất được các đại biểu tham dự buổi Toạ đàm nhìn nhận chính là vấn đề đất đai.
Số liệu dẫn tại Toạ đàm cho thấy hiện nay chỉ có 3% HTX được nhận đất từ địa phương để phát triển sản xuất theo đúng chủ trương về phát triển KTTT của Nhà nước, còn tỷ lệ HTX góp đất vào làm vốn là 8,3%, đặc biệt, tỷ lệ HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ chiếm 9,5-18,5% (tùy khảo sát từng vùng). Điều này gây khó khăn cho HTX phát triển sản xuất.
Như HTX đồ gỗ Mỹ nghệ Hiệp Thắng (Bắc Ninh) đã có 4 cơ sở sản xuất với tổng diện tích 600m2, gồm: xã Song Giang (huyện Gia Bình) 180m2; xã Nghi Khúc (Thuận Thành) 190m2; thị trấn Từ Sơn 110m2; xã Dục Tú – Đông Anh (Hà Nội) 120m2.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Trần Hiệp, Giám đốc HTX, hiện HTX muốn mở thêm một cơ sở sản xuất quy mô lớn nữa tại Bắc Ninh, HTX nhiều lần kiến nghị lên chính quyền để được hỗ trợ đất phát triển sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ.
“Bắc Ninh là địa phương đất chật người đông nên bây giờ HTX muốn có đất để làm cơ sở sản xuất phải tự bỏ tiền túi ra thuê hoặc mua. Điều này gây khó khăn cho HTX vì hiện nguồn vốn để mua các loại gỗ đạt chuẩn rất đắt”, ông Hiệp bày tỏ.
Nhận thấy đất đai là một trong những khó khăn lớn của các HTX hiện nay, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng nếu không có đất để sản xuất, xây dựng trụ sở, nhà xưởng thì HTX không thể thu hút được doanh nghiệp. Trong khi hiện nay ở một số tỉnh, thành, nhất là các tỉnh thành ở phía Bắc vẫn còn tình trạng đất đai để hoang hóa do thiếu nguồn lao động để sản xuất hay do ô nhiễm, thoái hóa mà chưa được cải tạo.
“Mô hình HTX hiện đã phát triển theo đúng quy luật khách quan của thị trường. Nếu quy mô của HTX càng lớn thì càng quyết định được giá cả. Tuy nhiên do thiếu đất nên việc thực hiện sản xuất theo quy mô lớn rất khó khăn. Từ đó, HTX không xây dựng được vùng nguyên liệu đủ lớn nên giá cả bị phụ thuộc thị trường”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo phân tích.
Không chỉ khó khăn về đất đai, hiện nay, đầu ra cho quá trình sản xuất của HTX còn gặp khó khăn. Nguyên nhân một phần là do dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đi cùng với đó là các chính sách tuy đã được ban hành nhưng chưa đi vào thực tiễn.
|
HTX đang hỗ trợ “tam nông” phát triển thông qua xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững.
|
HTX khó khăn cả đầu vào và đầu ra
Hiện ngoài các chính sách hỗ trợ chung, HTX nông nghiệp còn được hưởng một số chính sách đặc thù riêng được quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật HTX, như hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh… Tuy nhiên, theo Liên minh HTX Việt Nam, trong giai đoạn 2015-2020, mới có 508 HTX được hỗ trợ với kinh phí (chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng số HTX nông nghiệp)… Ngoài ra còn các chính sách như hỗ trợ HTX chế biến, xúc tiến thương mại hay gần đây nhất là Nghị quyết 105/NQ-CP cũng chưa đến được với hầu hết các HTX bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Do các chính sách này chưa đến được với các HTX nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, 85% nông sản của các HTX nông nghiệp vẫn phải tiêu thụ qua chợ truyền thống, trong đó, chi phí logistics chiếm khoảng 19-25% quy trình sản xuất nên ảnh hưởng đến thu nhập của thành viên và người dân.
Không chỉ khó khăn về đầu ra mà ngay cả đầu vào, các HTX cũng đang bị phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Chẳng hạn như giống cây trồng, vật nuôi hay các vật tư như phân bón, thức ăn chăn nuôi, các HTX đều phải nhập từ nước ngoài.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, hiện nay, các HTX trồng cây ăn quả ở Sơn La đều phải nhập giống từ Trung Quốc về trồng hay ghép các giống lai ở nước ngoài để nâng cao năng suất. Còn về giá phân bón liên tục tăng cao từ 30-60% so với cùng kỳ năm ngoái nên ảnh hưởng trực tiếp đến vấn để mở rộng quy mô, tái phục hồi kinh tế sau dịch của các HTX.
Ngoài ra, các HTX vẫn còn gặp khó khăn vì Luật HTX 2012 tuy đã ban hành gần 10 năm nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như Luật HTX 2012 hiện quy định doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác không phải là thành viên HTX. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cả tổ hợp tác và doanh nghiệp tư nhân đều là những nhân tố không thể thiếu trong chuỗi giá trị và đang góp phần không nhỏ thúc đẩy KTTT, HTX về thành viên, nguồn vốn…
Bên cạnh đó, Luật HTX năm 2012 còn hạn chế vốn góp đối với thành viên HTX là không quá 20%, quy định về kiểm toán còn chung chung. Các quy định về thành lập mới hay giải thể HTX còn chưa rõ ràng, phức tạp. Ngay như việc thành lập HTX tuy đã được rút ngắn nhưng thời gian hoàn thiện thủ tục vẫn còn tới 21 ngày. Hay như hiện nay, dù công nghệ thông tin rất phát triển nhưng việc nộp hồ sơ thành lập vẫn chưa được triển khai theo hình thức online là chưa phù hợp thực tiễn.
Phát triển mô hình KTTT, HTX là hướng đi đúng đắn nhằm xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa chuyên nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế cho thấy những khó khăn HTX đang gặp phải một phần là do các chính sách hỗ trợ khu vực này còn phân tán.
Hiện nay, chưa có nguồn ngân sách chính thống nào hỗ trợ trực tiếp cho khu vực KTTT, HTX mà các nguồn hỗ trợ đều thông qua các nguồn từ các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Bên cạnh đó, công tác dự báo thị trường đầu vào và đầu ra vẫn chưa được quan tâm thích đáng nên gây khó khăn cho các HTX trong việc lên kế hoạch sản xuất. “Giá đầu vào vật tư nông nghiệp tăng nhanh hơn rất nhiều lần so với giá của các loại sản phẩm nông nghiệp. Trong khi ngay cả những mặt hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu như cà phê, tiêu, cây ăn trái, lúa gạo cũng chưa được dự báo cụ thể. Công tác khí hậu cũng chưa được quan tâm thì các HTX chưa thể yên tâm sản xuất”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
|
Gỡ khó các chính sách về đất đai, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số… sẽ tạo đà cho HTX phát triển.
|
Tạo đà cho HTX phát triển
Để tạo điều kiện cho khu vực KTTT, HTX phát triển hiệu quả, bền vững trong thời kỳ mới, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, cho biết Nghị quyết TW 5 khóa IX đã ban hành 20 năm. Trong bối cảnh mới đòi hỏi Hội đồng lý luận Trung ương nghiên cứu nghị quyết mới về KTTT, HTX sao cho phù hợp với tình hình kinh tế mới.
Hiện nay, phát triển KTTT, HTX phải xuất phát từ thực tiễn, lấy thành viên làm trung tâm. Để bảo đảm lợi ích cho thành viên và hỗ trợ HTX phát triển, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh, cần bố trí nguồn ngân sách hàng năm để phát triển KTTT, HTX. Bên cạnh đó, một loạt các chính sách như quy hoạch, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho HTX, đất đai, chuyển đổi số cần ban hành kịp thời và cần có bố trí ngân sách đi kèm.
Để phát triển được mô hình KTTT, HTX, cần sự vào cuộc của các cấp ngành từ trung ương và địa phương. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh, thực tế nơi nào cấp ủy chính quyền quan tâm thì nơi đó HTX phát triển. Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về mô hình KTTT, các địa phương cần quan tâm đúng mức đến các HTX.
“Hiện nay, vẫn có những HTX ra đời chỉ để thực hiện theo tiêu chí 13 của chương trình xây dựng nông thôn mới nên nhiều địa phương can thiệp quá sâu vào quá trình hoạt động của HTX. Điều này vô tình kìm hãm sự phát triển của mô hình này”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh dẫn chứng.
Để HTX phát triển cần có khung khổ pháp lý, vậy nên việc hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó có sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012 sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của từng loại hình HTX trong thời kỳ kinh tế hiện nay là rất cần thiết.
Cùng chia sẻ quan điểm tháo gỡ khó khăn cho các HTX, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị cho biết, Nhà nước đang khuyến khích phát triển HTX quy mô lớn. Để làm được điều này, HTX cần phải tích tụ ruộng đất, đầu tư nhà xưởng chế biến chuyên nghiệp. Chính vì vậy, các nghị quyết về đất đai cần theo kịp nội dung này để hỗ trợ thành viên, người dân góp đất vào HTX, từ đó mới có thể phát triển các HTX có quy mô lớn cấp huyện, cấp tỉnh.
“Cần quan tâm cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các HTX. Vì đây chính là tài sản đảm bảo để các HTX có tài sản thế chấp để vay vốn từ các ngân hàng”, Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, phát triển KTTT, HTX là một trong những lực đẩy quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân thông qua việc xây dựng các mô hình nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp số, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Chính vì vậy, Hội đồng lý luận Trung ương sẽ nghiên cứu các vướng mắc của HTX về cơ chế, chính sách, từ đó tháo gỡ để tạo điều kiện cho khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia và đưa HTX phát triển theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững…
Huyền Trang
Nguồn: vnbusiness