Nhiều hoạt động hỗ trợ trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường về bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn cho các Hợp tác xã đã đạt được kết quả tích cực.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Hiện nay, tổng diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam khoảng 200.000 ha đã và đang đóng góp vai trò to lớn trong việc làm sạch môi trường và mang lại nguồn kinh tế cho người dân.
Nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các HTX trong bảo vệ, khai thác rừng ngập mặn, góp phần cải thiện đời sống kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tổ chức thực hiện và nghiệm thu cấp Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhiệm vụ: “Đánh giá Thực trạng ô nhiễm rừng ngập mặn sản xuất và đề xuất giải pháp xây dựng, phát triển mô hình HTX lâm nghiệp bền vững, chống biến đổi khí hậu” ngày 15 tháng 3 năm 2024.
Kết quả khảo sát và đánh giá mà nhiệm vụ đã thu được, cho thấy hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản với tần suất khai thác hàng ngày đã mang lại nguồn thu nhập chính cho các HTX và thành viên ở trong khu vực rừng ngập mặn.
Tuy nhiên qua khảo sát, môi trường nước rừng ngập mặn tại các HTX đang có dấu hiệu bị ô nhiễm Coliform, TSS, NH4+ và Fe. Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm nước tại các điểm quan trắc trên được xác định do hoạt động nuôi trồng thủy sản và do nguồn nước thải sinh hoạt của khu dân cư, nước thải chăn nuôi và nước thải công nghiệp ở các khu vực đầu nguồn và lân cận. Bên cạnh đó, các kết quả phân tích trầm tích tại các HTX cũng cho thấy các chỉ tiêu Cd, Pb và Fe ở hầu hết các HTX thuộc các vùng nghiên cứu đều cao và vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép của QCVN 43:2017/BTNMT. Nguyên nhân gây ô nhiễm được xác định chủ yếu do các hoạt động dân sinh cũng như hoạt động sản xuất ở các làng nghề ở các khu vực xung quanh.
Trước thực trạng trên, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường đã đưa ra là các giải pháp tổng hợp, ngắn hạn và dài hạn bao gồm: giải pháp đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của rừng ngập mặn; giải pháp quản lý là áp dụng các quy định của ISO 14001:2015, giải pháp công nghệ là áp dụng chế phẩm sinh học…
Kết quả sau 2 năm thực hiện, nhiệm vụ đã tập huấn đào tạo và tuyên truyền cho hơn 500 lượt học viên ở khu vực kinh tế tập thể, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò giá trị của rừng ngập mặn, bảo vệ rừng ngập mặn, quản lý chất thải hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường. Chất lượng nước sau khi hỗ trợ ở cả 2 HTX xây dựng mô hình đã đạt quy chuẩn cho phép trong nuôi trồng thủy sản. Kết quả này đã chứng tỏ hiệu quả môi trường mà nhiệm vụ mang lại, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.
Việc áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015 giúp cho các HTX kiểm soát tốt hơn các quá trình sản xuất, ngăn ngừa và xử lý kịp thời những rủi ro, đặc biệt là những yếu tố rủi ro gây ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải cũng như ý thức và nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Thông qua các sản phẩm hỗ trợ khác như; chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm môi trường, kinh phí kết quả theo dõi đánh giá sau 1-2 vụ nuôi trồng như lúa gạo, tôm, cá tại các HTX tham gia mô hình cho thấy sản lượng, chất lượng đều được cải thiện, doanh thu và lợi nhuận thu được sau hỗ trợ đều tăng đáng kể lần lượt 10,3% sau 1 vụ nuôi tôm thẻ chân trắng tại HTX DV NTTS 30/4; tăng 40,7% doanh thu đối các sản phẩm lúa, cá, và tôm của HTX NN Thuận Hòa.
Nhiệm vụ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các nội dung tư vấn và hỗ trợ của nhiệm vụ đã mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường cho cả 2 HTX tham gia xây dựng mô hình và được các nhà khoa học đánh giá cao.