Sáng ngày 6/12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, từ tháng 12/2019 đến nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt về kinh tế – xã hội thế giới.
Kinh tế toàn cầu năm 2020 suy thoái sâu, GDP giảm 3,1%, thu nhập bình quân giảm 6%, việc làm năm 2021 giảm 100 triệu và dự báo năm 2022 giảm khoảng 26 triệu lao động. Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron nguy cơ làm tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 giảm từ 0,2 – 0,4 điểm %.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. |
Việt Nam cũng đang chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19 đến các hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, ảnh hưởng lâu dài đến cả cung và cầu. Lần đầu tiên tăng trưởng quý III/2021 giảm sâu (- 6,17%), đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, ước tính GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ước đạt 2-2,5%.
Đồng thời, ông Tuấn Anh cho biết quá trình phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch COVID- 19 và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng Công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn. Điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải tập trung giải quyết để đạt được các mục tiêu đến năm 2025. Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, ông Tuấn Anh cho biết.
Hiện nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, cho rằng nói đến kinh tế là nói đến sản xuất, trao đổi, tiêu dùng. Nói đến kinh tế số là sản xuất số, trao đổi số và tiêu dùng số. Muốn phát triển kinh tế số thì việc đầu tiên là cần có thể chế số, đóng vai trò kiến tạo, phát triển.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT dẫn ví dụ cần xây dựng thể chế cho chữ kỹ số, thanh toán số… Bên cạnh đó, người đứng đầu Ngành TT&TT cho rằng kinh tế số cũng cần hạ tầng số, doanh nghiệp công nghệ số, thị trường số, công dân số và xã hội số.
“Cái mới bao giờ cũng có nguy cơ mới như đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia trên không gian mạng. Muốn quản lý, thúc đẩy được thì phải đo lường đánh giá được rủi ro. Từ năm 2022, Bộ sẽ thực hiện đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế số, chuyển đổi số”, ông Hùng cho hay.
Lê Thúy
Nguồn: vnbusines.vn