Nâng cấp tiêu chuẩn hữu cơ để mở rộng thị trường cho HTX

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi của không ít người dân, HTX, doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm sao để hạn chế được chi phí và bảo đảm đáp ứng yêu cầu thu mua của các quốc gia trên thế giới vẫn là mong muốn của HTX.

Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cho biết năm 2020, đã có không ít người dân, HTX và doanh nghiệp tại 46/63 tỉnh thành ở Việt Nam tham gia sản xuất hữu cơ. Diện tích canh tác hữu cơ đã tăng từ 53.000 ha năm 2016 lên 240.000 ha và có khoảng 60 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hữu cơ đi các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… với mức kim ngạch 335 triệu USD.

Chưa tự tin với tiêu chuẩn Việt Nam?

Với mong muốn phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân, thời gian qua đã có không ít HTX đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ. Tiêu biểu như HTX nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong (Quảng Trị) đã được chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia (TCVN 11041-1:2017).

Tuy nhiên, theo Giám đốc Nguyễn Hữu Đạt, sản phẩm gạo hữu cơ của HTX mới chỉ đáp ứng được thị trường trong nước thông qua các hệ thống siêu thị Coop.mart, hệ thống cửa hàng Bác Tôm và các kênh phân phối khác ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và một số tỉnh, thành khu vực miền Trung. Còn việc xuất khẩu ra nước ngoài thì rất khó vì hiện mỗi thị trường yêu cầu một chứng nhận khác nhau.

Tương tự như HTX Triệu Phong, HTX dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (Hà Nội) sản xuất rau theo tiêu chuẩn PGS (được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia) nhưng nông sản của HTX chỉ tiêu thụ trong nước, trong đó tập trung vào hệ thống cửa hàng nông sản sạch ở Hà Nội.

3914-nha-kinh-2-9886-1637578288.jpg

Dù dạt tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam nhưng nhiều HTX vẫn chưa thể xuất khẩu.

Chia sẻ với VnBusiness, bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thanh Xuân, cho biết đã có doanh nghiệp Nhật về khảo sát vùng trồng rau của HTX nhưng họ không thu mua với lý do dù sản xuất theo hướng hữu cơ nhưng tiêu chuẩn HTX đang áp dụng chưa đủ nghiêm ngặt. Muốn xuất khẩu sang nước này, HTX phải đáp ứng sản xuất theo tiêu hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản- JAS.

Thực trạng của hai HTX trên cho thấy, tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ trong nước là TCVN 11041-1:2017 dù đã được chính thức ban hành vào năm 2019, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất của các HTX cho thấy vẫn còn bộc lộ những nhược điểm nhất định.

Chẳng hạn như hiện nay, bộ tiêu chuẩn này mới chỉ quy định khi sản xuất, người dân, HTX, doanh nghiệp phải sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Tuy nhiên, đó là những loại phân nào, thuốc nào thì lại không nêu cụ thể nên gây khó cho HTX trong quá trình sản xuất.

“Không biết tất cả các phân hữu cơ trong danh mục của Bộ NN&PTNT có được dùng cho sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Việt Nam hay không? Trong khi trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm ghi nhãn là hữu cơ nhưng chưa chắc đã đạt tiêu chuẩn trong sản xuất” là băn khoăn của bà Hoàng Thị Hậu.

Không chỉ vậy, do mới được ban hành vào năm 2019 nên việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn TCVN 11041-1:2017 vào sản xuất vẫn chưa lâu nên quá trình kiểm tra, giám sát và chứng nhận vẫn chưa được chặt chẽ. Chia sẻ vấn đề này, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho biết việc tính phí để một tổ chức làm chứng nhận hữu cơ vẫn còn chưa rõ ràng nên mỗi nơi làm một kiểu. Có nơi thì thu theo sản lượng nông sản, có nơi thì đóng theo số lượng thành viên, có nơi thì đóng theo diện tích sản xuất.

Nguyên nhân là do trong bộ tiêu chuẩn hữu cơ chưa có quy định mức chi phí cụ thể  cho diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên không có căn cứ cho các tổ chức chứng nhận thu phí của nông dân, HTX. Chính vì vậy, việc thu phí làm chứng nhận hữu cơ hiện nay vẫn bị thả nổi. Trong khi HTX, người dân chỉ làm theo cảm tính.

Chính vì chưa có những quy định chặt chẽ, rõ ràng nên việc áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam đang gây ra những khó khăn cho các HTX. Mà điều rõ ràng nhất là nông sản dù được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ nhưng không đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật của các nước trên thế giới.

Nâng cấp tiêu chuẩn, giảm chi phí chứng nhận

Vì chưa đảm bảo các yêu cầu nhất định trong quy trình sản xuất nên bộ tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia của Việt Nam vẫn chưa thu hút nhiều HTX thực hiện. Thay vào đó, nhiều HTX đã áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ phổ biến khác như: JAS (Nhật Bản),  USDA ORGANIC (Mỹ), EcoVeg (Đức)…

HTX Phước Hưng (Bình Phước) chuyên sản xuất hạt điều hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế (FLO). Tiêu chuẩn này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu của các thị trường “khó tính” như Đức, Hà Lan, Hàn Quốc…  Điều đó đã khẳng định chất lượng điều của HTX trên thị trường và bảo đảm thu nhập cao cho người nông dân.

HTX-Nga-Hai-2-5714-1587281071-9984-2109-

Nâng cấp tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia sẽ thu hút nhiều HTX mở rộng sản xuất theo hướng này.

Thế nhưng, điều lo lắng của các HTX sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế là chi phí chứng nhận rất cao. Chia sẻ với VnBusiness, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Phước Hưng Vũ Đức Bộ, cho biết với 1.400 ha điều sản xuất theo tiêu chuẩn FLO, mỗi năm HTX phải đóng tiền tỷ để làm chứng nhận.

“Chỉ có chứng nhận hữu cơ quốc tế mới có thể xuất khẩu được. Nhưng hiện, HTX phải tự lo liệu trong khi chi phí chứng nhận rất cao, năm nào cũng phải chứng nhận lại. Chính vì vậy, việc duy trì chứng nhận hữu cơ chính là gánh nặng đối với HTX”, ông Bộ nói.

Để giải quyết những khó khăn này, theo các chuyên gia, việc làm cần thiết lúc này là cần hoàn thiện tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam để làm sao tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam sẽ tương đồng và được các tổ chức hữu cơ quốc tế chứng nhận. Điều này vừa giúp nông sản sản xuất ra có thể xuất khẩu, vừa giúp các HTX giảm bớt gánh nặng về chi phí.

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết tại Đề án  885/QĐ-TTg của Chính phủ về phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, nhiều cấp ngành đã nhận ra những điểm chưa hợp lý trong bộ tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, việc hoàn thiện bộ tiêu chuẩn  này là cần thiết để thu hút người dân, HTX sản xuất theo hướng hữu cơ.

“Hiện, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đang làm việc với Nhật Bản và Nhật Bản cũng đang hỗ trợ Việt Nam “nâng cấp” chứng nhận hữu cơ sao cho tương đương với chứng nhận hữu cơ của Nhật Bản”, ông Duy chia sẻ.

Còn đối với các nước khác, Việt Nam phải tiếp cận với các tổ chức chứng nhận của họ, từ đó mời chuyên gia của các nước cùng đánh giá, tìm hiểu những vướng mắc trong bộ tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Nếu chúng ta đáp ứng đủ về chuyên môn, tài chính, công nghệ, nhân lực… thì họ sẽ chấp nhận hỗ trợ Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam

Tuy nhiên, dù như thế nào thì theo ông Duy, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia phải hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với tiêu chuẩn đã thống nhất trong ASEAN để đảm bảo yêu cầu hội nhập, đồng thời phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục xem xét việc tổ chức xây dựng tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia phải đảm bảo hướng dẫn chi tiết quá trình sản xuất cụ thể ở từng lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… và gắn với một số sản phẩm cụ thể có tiềm năng xuất khẩu lớn như gạo, cà phê, tôm… Điều này sẽ giúp người dân, HTX dễ dàng áp dụng, đồng thời sẽ phát triển sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu quốc gia.

Theo khảo sát mới nhất do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam thực hiện, có đến hơn 40% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho thực phẩm sạch. Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ chính là hướng đi đúng đắn của các HTX để vừa nâng cao được giá trị vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần nhanh chóng nâng cấp tiêu chuẩn hữu cơ riêng cho thị trường trong nước. Đi kèm với đó là có những chính sách hỗ trợ bằng nhiều cách để  HTX bớt tốn kém chi phí trong việc xin chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức quốc tế.

Huyền Trang 

Nguồn: vnbusiness.vn