Sáng 19/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đến dự và phát biểu tại Hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cùng với sức mạnh của doanh nghiệp, cần quan tâm đến kinh tế tập thể và hợp tác xã. Các địa phương phải thực sự quan tâm đến sự phát triển của hợp tác xã, coi đó là một phần không thể tách rời của kinh tế nông thôn.
Việc đầu tư cho nông nghiệp sẽ không thành công nếu không có hợp tác xã. Phát triển hợp tác xã sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều trong hợp tác và liên kết, bảo tồn giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường ở nông thôn, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nông nghiệp.
“Có thể hợp tác xã không mang lại nhiều về tăng trưởng cho địa phương và ngân sách Nhà nước, nhất là hợp tác xã trong khu vực nông nghiệp, nhưng nó chính là nền tảng cho sự liên kết, hợp tác, chia sẻ trong chuỗi ngành hàng. Hợp tác xã chính là nơi để huy động sức mạnh cộng đồng, nông dân cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để tạo ra một sức mạnh đa chiều hơn. Sự kết nối tạo ra sự bền vững hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết 13) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, cả nước có 34.871 tổ hợp tác nông nghiệp, giảm hơn một nửa so với năm 2001. Nhiều tổ hợp tác hoạt động hiệu quả đã phát triển lên thành các hợp tác xã.
Đến ngày 31/12/2021, cả nước có khoảng 18.327 hợp tác xã nông nghiệp và 79 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Như vậy, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng 12.569 hợp tác xã; còn so với thời điểm 31/12/2013, khi Luật Hợp tác xã có hiệu lực thì số lượng hợp tác xã nông nghiệp cả nước tăng khoảng 7.917 hợp tác xã.
Không chỉ tăng nhanh về số lượng, mà chất lượng và hiệu hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp cũng đã được cải thiện. Tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt đã tăng từ 10% (năm 2013) lên 33% (hết năm 2016) và trên 60% năm 2020.
Cả nước có khoảng 3,23 triệu thành viên, tăng 473 nghìn thành viên so với năm 2001 nhưng giảm khoảng 1,87 triệu thành viên so với năm 201). Trung bình 1 hợp tác xã nông nghiệp có 176 thành viên. Số lượng thành viên giảm do các hợp tác xã giải thể đa số là các hợp tác xã kiểu cũ, đông thành viên, trong khi các hợp tác xã mới thành lập quy mô thành viên ít.
Chất lượng và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã còn thể hiện qua việc có 2.297 hợp tác xã nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã. Cùng với đó còn có 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, tương ứng bằng 13% và 12% tổng số hợp tác xã nông nghiệp cả nước. Đặc biệt đã có trên 4.339 hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số hợp tác xã nông nghiệp; tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ từ 5-7%.
Từ thực tế làm đầu mối thực hiện liên kết ngành hàng chủ lực của Bến Tre là bưởi da xanh, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp bưởi da xanh Bến Tre chia sẻ, khó khăn với hợp tác xã hiện nay không phải là vận động người dân tham gia, mà là tìm được người lãnh đạo, quản lý hợp tác xã. Muốn cho nông dân gắn bó thì hợp tác xã phải kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận đáp ứng được những mong muốn của các thành viên. Như vậy thì mới thu hút thành viên tham gia và gắn bó với hợp tác xã. Nếu chưa làm được điều này rõ ràng hợp tác xã chưa thể làm tốt được vai trò và rất khó nâng cao được hiệu quả của mình trong việc tổ chức sản xuất và cơ cấu lại nông nghiệp.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, triển khai Nghị quyết số 13 trong ngành nông nghiệp đã làm chuyển đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tính cấp thiết của việc phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp, mô hình hợp tác xã kiểu mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng được môi trường thể chế, hệ thống các cơ chế, chính sách phù hợp và đặc thù trong nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định, kinh tế tập thể, hợp tác xã là công cụ, giải pháp trụ cột để thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông, nông thôn.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 13 còn chậm, tại nhiều thời gian, thời điểm chưa quyết liệt. Nghị quyết số 13 đặt ra mục tiêu 10 năm sau (đến năm 2010) là đưa kinh tế tập thể, hợp tác xã thoát khỏi những yếu kém. Tuy nhiên, đến nay (chậm 10 năm so với yêu cầu của Nghị quyết) mục tiêu này mới cơ bản được hoàn thành.
Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng mạnh, nhưng số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững; quy mô thành viên và doanh thu của các hợp tác xã nông nghiệp còn nhỏ bé. Các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, số lượng các hợp tác xã có khả năng liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên hợp tác xã và nông dân cũng chưa nhiều, mới đạt 24% tổng số hợp tác xã.
Trước xu thế phát triển mới, có những thách thức và thời cơ; trong đó có vấn đề tiếp cận thị trường rộng mở trong nước và thế giới; biến đổi khí hậu; dịch bệnh đang là thách thức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, vấn đề này đòi hỏi các hợp tác xã phải nâng cao năng lực nội sinh của mình để chủ động trong kinh tế thị trường và ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, quan điểm phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới là lấy hợp tác xã và thành viên của hợp tác xã là trung tâm để hỗ trợ chính sách và huy động nguồn lực cộng đồng để hợp tác xã tổ chức lại sản xuất trong điều kiện mới.
Để hợp tác xã đủ sức hoạt động cần tạo cơ chế để họ phát huy nội lực, đó là nguồn nhân lực, tạo ra nguồn vốn từ nội lực, vốn liên doanh liên kết. Các hợp tác xã cần thu hút được nhiều thành viên và đảm bảo các dịch vụ cho thành viên thì mới hiệu quả, do đó cần tăng các dịch vụ lên trong thời gian tới.
“Hợp tác xã phải tổ chức mô hình đa dịch vụ, hợp tác xã không chỉ sản xuất nông nghiệp như trồng rau, chăn nuôi… mà hợp tác xã nông nghiệp phải cung ứng theo chuỗi giá trị – hợp tác xã làm dịch vụ là chính nên cần đa dịch vụ, đa mục tiêu thì mới đảm bảo thu nhập cho các thành viên. Đồng thời định hướng đa chức năng cho hợp tác xã trong kinh tế thị trường. Theo đó, hợp tác xã cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kiến thức thị trường, quản trị hợp tác xã, ứng dụng khoa học công nghệ,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.