Thế giới có hơn 35.000 loài thực vật được dùng làm thuốc, trong đó, khoảng 2.500 cây thuốc đã được thương mại hoá trên thị trường. Có ít nhất 2.000 cây thuốc được sử dụng ở Châu Âu, nhiều nhất ở Đức 1543. Ở Châu Á, các cây dược liệu có nhiều nhất ở Trung quốc với 5000 loài, tiếp đến là ấn độ với 1700 loài. Ở Việt Nam, cây dược liệu có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước như: Hoà Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắc Nông…. Trong đó, Nghệ An là tỉnh được đánh giá là địa phương có nguồn dược liệu phong phú bậc nhất với gần 1000 loài cây dược liệu quý hiếm. Do vậy, phát triển dược liệu không chỉ mang tính chất bảo tồn nguồn gen nguyên liệu quý mà các dự án trồng dược liệu đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân trong vùng.
Cây Vằng sẻ trồng tại HTX Nông dược Nam Châu, Nghệ An
Trước những năm 2000, có đến 90% thảo dược thu hái từ tự nhiên. Hiện nay, do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, số lượng thu hái tự nhiên không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Mặt khác, có đến 50% các nguồn dược liệu tự nhiên bị khai thác kiệt quệ do không có kế hoạch tái tạo, đất bị bạc màu, chai cứng, thoái hoá…. Do vậy, nhiều nơi đã chuyển đổi diện tích canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp sang canh tác cây dược liệu. Chính vì vậy, diện tích canh tác không ngừng được gia tăng. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang canh tác cây dược liệu theo hướng hữu cơ cần phải có các biện pháp thải độc, cải tạo đất trồng để dư lượng phân hoá học, thuốc trừ sâu hoá học được loại bỏ ra khỏi đất. Thậm trí là cải tạo các vùng đất hoang hoá bạc màu thành các khu canh tác dược liệu cho năng suất cao. Tuỳ vào tính chất và mức độ thoái hoá của đất trồng, các biện pháp thường được áp dụng hiện nay bao gồm:
- Che phủ cho đất: là biện pháp canh tác cần áp dụng ngay để có thể khôi phục lại nền đất đã bị thoái hóa, bạc màu. Nếu đất trồng không được che phủ, dưới tác động của nắng, mưa và gió khiến đất trở nên khô cằn, nén chặt, chai cứng, rửa trôi dinh dưỡng, hạn chế sự phát triển của các sinh vật trong đất.
- Bổ sung hữu cơ: Có thể bổ sung 2 nguồn hữu cơ cho đất để cải tạo là phân hữu cơ và các vật chất hữu cơ. Các loại phân hữu cơ giúp cải tạo đất cực tốt như phân chuồng (phân bò, trâu), phân ủ từ rác nhà bếp,…Các loại vật chất hữu cơ nên bổ sung như phân xanh (dã quỳ, cỏ lào, bèo hoa dâu, lục bình,…) xác bã thực vật (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, vỏ hạt, thân ngô đậu,..). Các nguồn hữu cơ này sẽ giúp đất trồng tơi xốp, mềm mịn, phì nhiêu, giữ ẩm tốt. Cải thiện lại nền đất khô cứng, bạc màu, tạo cấu trúc đất thông thoáng.
- Bổ sung vi sinh vật có lợi: Vi sinh vật là một phần cực kỳ quan trọng của đất trồng. Nếu đất trồng không có vi sinh vật và các sinh vật khác thì đó là một nền đất chết. Đất trồng chỉ được coi là một nền đất tốt, đất khỏe khi có sự phát triển của các sinh vật đất. Các vi sinh vật trong đất đóng vai trò quan trọng trong chu trình đất, giúp phân hủy các chất hữu cơ, chuyển hóa dinh dưỡng, cố định nitơ, cạnh tranh, đối kháng nấm bệnh để bảo vệ cây trồng.
Để đánh giá hiệu quả cải tạo đất của vi sinh vật, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, Công ty Cổ phần tập đoàn Bometa đã triển khai thực hiện mô hình cải tạo đất trồng bằng chế phẩm vi sinh vật tại vùng trồng dược liệu theo hướng hữu cơ của HTX Nông Dược Nam Châu, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Mô hình cải tạo đất trồng dược liệu được thực hiện tại Vùng trồng dược liệu theo hướng hữu cơ Vạn Lộc của HTX Nông dược Nam Châu, huyện Nam Đàn – nghệ An.
Để thực hiện mô hình, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường cung cấp chế phẩm vi sinh bố trí cán bộ vào làm việc trực tiếp tại HTX với 2 lô thí nghiệm trên cây Vằng sẻ và cây Xạ đen với diện tích mỗi lô là 100 m2. Trong đó, có bố trí các ô thí nghiệm và ô đối chứng để kiểm chứng, đánh giá hiện quả của quy trình cải tạo chất lượng đất trồng bằng chế phẩm vi sinh vật. Các ô thí nghiệm được bố trí trong cùng một thửa đảm bảo tính đồng đều về đặc điểm nông hoá, khí hậu và được chăm sóc với một chế độ như nhau trong suốt quá trình đánh giá.
Các chủng vi sinh hữu ích được đưa vào đất trồng theo hai cách:
- Rắc trực liếp lên đất trồng
- Dùng chế phẩm vi sinh ủ với chất thải hữu cơ của HTX, sau đó, sử dụng mùn compost để bón cho cây trồng.
Cả hai phương pháp này đều được thực hiện trực tiếp tại đất canh tác dược liệu của hợp tác xã với mục đích thực nghiệm, đánh giá hiệu quả của quy trình trước khi nhân rộng ra quy mô lớn hơn. Trong quá trình thực hiện, cán bộ của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường trực tiếp triển khai, lấy mẫu đất định kỳ và phân tích các chỉ tiêu: TN, TP, P2O5, K2O, OM, TOC, dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, mật độ vi sinh vật hữu ích…. để đánh giá tác động của vi sinh đến thành phần hoá sinh trong đất.
Một số hình ảnh triển khai tại HTX Nông Dược Nam Châu: