Huyện Tràng Định và HTX Bản Quyền đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị trà hoa hồi thành sản phẩm OCOP, nhờ hiệu quả kinh tế.
Hoa hồi là một trong những nông sản chủ lực của tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Tràng Định nói riêng. Hiện toàn huyện Tràng Định có hơn 2.360 ha cây hồi, được trồng tập trung tại các xã như: Đề Thám, Tri Phương, Quốc Khánh, Tân Minh… Trong đó, có khoảng 1.850 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trung bình đạt trên 500 tấn một năm.
Năm 2021 Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền, thôn Bản Quyền, xã Đề Thám được thành lập, gồm 10 thành viên, hoạt động chủ yếu thu mua và chế biến nông sản. Để tìm hướng phát triển bền vững, các thành viên hợp tác xã đã tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và tiến hành nghiên cứu, sản xuất sản phẩm trà hoa hồi. Sau quá trình thử nghiệm, tháng 8 vừa qua, sản phẩm trà hoa hồi ra mắt thị trường.
Việc sản xuất trà hoa hồi trải qua nhiều công đoạn như: thu hái, làm sạch, sấy khô, chế biến, đóng gói… Để sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, hợp tác xã đầu tư khoảng một tỷ đồng tìm tòi, nghiên cứu, mua các loại máy phục vụ sản xuất, chế biến trà như: máy sao khô, máy nghiền, máy đóng gói… Đơn vị cũng chủ động tìm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho thành viên và các hộ dân trồng hồi trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, hợp tác xã đã thu mua trên 30 tấn hồi khô của người dân trên địa bàn huyện.
Ông Triệu Văn Nhất, thôn Bắc Ái, xã Đề Thám cho biết, gia đình ông có khoảng 2 ha hồi đã cho thu hoạch. Từ khi được hợp tác xã thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, gia đình ông không còn lo về đầu ra. “Vụ hồi năm nay, gia đình tôi đã thu được trên 2 tấn hoa hồi với giá từ 38 đến 40 nghìn đồng một kg, đem lại thu nhập trên 80 triệu đồng”, ông Nhất nói.
Song song với việc chế biến, hợp tác xã còn chủ động xây dựng thương hiệu với đầy đủ tem, nhãn mác, mã vạch truy xuất nguồn gốc và sản phẩm trà hoa hồi đã được kiểm nghiệm chất lượng tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (đơn vị trực thuộc Bộ Y tế), qua đó, tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.
Nhờ đầu tư bài bản và chú trọng đến chất lượng, sản phẩm không chỉ phục vụ khách hàng trong tỉnh mà còn có mặt tại một số trạm dừng nghỉ, siêu thị tại các tỉnh như: Ninh Bình, Phú Thọ… Hiện nay, sản phẩm trà hoa hồi của hợp tác xã được đóng gói thành dạng trà túi lọc, bao bì được thiết kế riêng với phụ đề cả tiếng Anh và tiếng Việt, với giá 80.000 đồng một hộp. Ngoài bán trực tiếp, hợp tác xã còn đẩy mạnh kinh doanh theo hình thức trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Tiktok…
Sau 3 tháng, đơn vị xuất bán ra thị trường gần 10.000 hộp trà, doanh thu trên 700 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 8 lao động và việc làm thời vụ cho 15 lao động tại địa phương.
Bà Trần Thị Thu Lan, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền cho biết, để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, thời gian tới, đơn vị tập trung nâng cấp mẫu mã, bao bì sản phẩm; điều chỉnh trọng lượng từng túi sản phẩm để phù hợp với từng phân khúc khách hàng; cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư thêm hệ thống máy móc để chế biến, bảo quản sản phẩm.
Bên cạnh đó, hợp tác xã tăng cường quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và dần tạo dựng chỗ đứng ổn định trên thị trường. Đơn vị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền để tiến tới xây dựng sản phẩm trà hoa hồi thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Thời gian tới, đơn vị mắt thêm các sản phẩm trà dược liệu như: trà huyết đằng, trà dây, trà đại toản…
Ông Nguyễn Như Bình, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định cho biết thời gian tới, phòng sẽ tạo điều kiện để hợp tác xã mang sản phẩm đi trưng bày, quảng bá tại các hội chợ thương mại, hội thảo, triển lãm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần giúp hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước đưa sản phẩm mang đặc trưng của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.
Theo Thế Đan – VnExpress.net