Không ít người dân, HTX nguyện gắn bó và có ý thức trong sản xuất hữu cơ nhưng có những khó khăn phát sinh cả trong sản xuất và đầu ra khiến họ thêm nặng gánh và mất niềm tin với lĩnh vực này.
Để có được sản phẩm hữu cơ, các HTX phải thực hiện và đáp ứng nhiều yêu cầu rất khắt khe. Các HTX phải mời đơn vị chuyên môn về kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, phải trải qua thời gian dài để cải tạo chất đất, nguồn nước, quy trình chăm sóc nên chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao. Chính vì vậy mà hiện nay, mô hình sản xuất hữu cơ quy mô lớn vẫn còn khiêm tốn.
Nặng gánh cả hai đầu
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc HTX hữu cơ Trực Trang (TP Hải Phòng), cho biết diện tích thanh long hữu cơ của HTX chỉ còn 40 ha, dù diện tích thực lên đến 50ha do trừ đi diện tích vùng đệm theo quy định trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Ngay như tại Hà Nội, theo tính toán của ngành nông nghiệp địa phương, dù đã có những HTX, mô hình đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng phải đến 2025, diện tích nông nghiệp hữu cơ của địa phương này mới có thể đạt khoảng 1,5% tổng diện tích đất trồng trọt, còn tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ mới đạt khoảng 2% tổng sản phẩm chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thu Hà, Công ty cổ phần chứng nhận hữu cơ IQC, cho biết sản xuất nông nghiệp hữu cơ kiểm soát chặt chẽ về đầu vào và đầu ra là cần thiết nhưng trong tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam hiện có rất nhiều chỉ tiêu đang tạo ra gánh nặng cho người nông dân, HTX. Vậy liệu làm nông nghiệp hữu cơ có nhất thiết phải cần nhiều kiểm nghiệm đầu vào với nhiều tiêu chuẩn như vậy hay không?
Chẳng hạn như việc đưa mẫu đất, mẫu nước, mẫu phân bón đi kiểm tra ở các trung tâm, đơn vị nghiên cứu, phải kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch phải thực hiện hàng vụ, hàng năm… vô tình gây áp lực về tài chính cho người dân, HTX. Điều này cũng khiến người dân không mấy mặn mà tham gia các HTX nông nghiệp hữu cơ.
Tạo điều kiện cho người tâm huyết sản xuất hữu cơ sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển. |
Các chuyên gia cho rằng người nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện đang gặp gánh nặng cả hai đầu ‘đòn gánh’ đó là đầu vào và đầu ra. Đầu vào với các quy định nghiêm ngặt, buộc HTX phải đáp ứng trong khi người dân, HTX là những mô hình sản xuất nhỏ, bó hẹp về nguồn vốn. Còn đầu ra, dù nông sản hữu cơ được thị trường, người tiêu dùng thời gian gần đây quan tâm nhưng tiêu thụ vẫn không dễ dàng. Ngay như việc đưa sản phẩm vào các siêu thị cũng tiêu thụ chậm, đặc biệt là thời gian thanh toán kéo dài khiến người dân, HTX khó thu hồi vốn, quay vòng sản xuất.
Ngay như một vài vụ lúa gần đây, nông dân, HTX rất mừng vì lúa được giá. Vậy nhưng so với cách đây 10 năm, giá lúa hiện tại có cao thì người trực tiếp làm ra những hạt lúa vẫn không lãi nhiều.
Tránh đánh úp người sản xuất tâm huyết
Chia sẻ về vấn đề này, bà Từ Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, cho biết đồng hành với nông nghiệp hữu cơ gần 20 năm nay, bà rất thấu hiểu độ khó, độ gian nan của những người dám sản xuất hữu cơ phải tuân thủ những quy định khắt khe nên luôn trân trọng nể phục họ.
Theo bà Nhung, thực chất có nhiều người, nhiều HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ tốt nhưng cái khó của họ hiện nay là không tiếp cận được tổ chức chứng nhận uy tín. Vì mong muốn của họ là sản xuất thực và chứng nhận thực. Nếu nhiều đơn vị, nhiều doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ có nguồn lực thì có thể làm các chứng nhận từ các đơn vị, tổ chức khác nhau cả ở trong và ngoài nước. Nhưng có những nông dân, HTX nhỏ thì điều khó khăn của họ chính là không đủ chi phí để làm các chứng nhận.
Hiện, đã có những trường hợp HTX chú trọng sản xuất tốt, đáp ứng tiêu chuẩn và tự có đơn vị chứng nhận đến tiếp cận và hỗ trợ họ chứng nhận. Nhưng những mô hình như trên còn rất ít.
Bên cạnh vấn đề chứng nhận, bà Nhung còn cho rằng việc phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện còn khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng là do người sản xuất và người tiêu dùng mất niềm tin.
Dẫn chứng về điều này, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam cho biết, gần đây có một đơn vị ở Đà Lạt rất tâm huyết với sản xuất hữu cơ, đã lấy được chứng nhận hữu cơ quốc tế trên diện tích hơn 60ha. Nhưng biến cố xảy ra sau khi người tiêu dùng tự mang sản phẩm của đơn vị đi test thì mới thấy không đảm bảo một số tiêu chí.
Câu chuyện đặt ra ở đây là chủ đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ này đầu tư rất lớn, có tâm trong sản xuất nhưng vẫn khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Và đơn vị sản xuất này dù đã đảm bảo theo các tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ nước ngoài nhưng không ngờ sản phẩm lại vẫn không đạt một số tiêu chí khi người tiêu dùng trong nước đi kiểm tra.
Theo bà Nhung, từ đây phải xem xét rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ những người sản xuất hữu cơ như thế nào thay vì khi thấy kết quả test của khách hàng như vậy thì vội quay lưng, “đánh úp họ” và quy chụp tất cả những gì họ làm là sai. Bởi trong sản xuất hữu cơ có rất nhiều yếu tố bị động, có thể từ một khâu nào đó mà người dân, HTX với năng lực của mình không thể kiểm soát hết được. Nhưng nếu có những hỗ trợ phù hợp, họ vẫn có thể vừa phát triển sản xuất, từ đó thúc đẩy ngành nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, vừa không mất niềm tin của người tiêu dùng. Trong khi để đầu tư được diện tích 60ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, đơn vị sản xuất này phải đầu tư rất lớn và đánh đổi rất nhiều thứ.
Chia sẻ về việc tiêu thụ nông sản hữu cơ cũng như lợi nhuận trong sản xuất mặt hàng này, PGS TS Mai Quang Vinh, chuyên gia nông sinh học cho rằng, biến động thị trường với sự lên xuống của giá cả nhưng các siêu thị, nhà phân phối hiện đại lại không cho thay đổi giá cho sản phẩm. Đi liền với đó là hình thức thanh toán tiền chậm với nhiều lý do có lợi cho các siêu thị.
Do đó, Nhà nước cần quản lý các siêu thị một cách phù hợp để bảo đảm lợi ích cho người nông dân, HTX. Bởi thực tế, các bộ ngành cũng đã nghiên cứu và cho thấy, một sản phẩm khi đưa ra thị trường thì người dân chỉ hưởng 20-30% giá trị. “Như vậy, sự buông lỏng trong quản lý hệ thống siêu thị đã diễn ra quá lâu nên cần có sự thay đổi thì mới tạo niềm tin cho người dân, HTX phát triển nông nghiệp hữu cơ”, PGS TS Mai Quang Vinh nói.
Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn