Ngày 18/7, Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) tổ chức lớp tập huấn “Ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây lúa” cho 260 học viên là cán bộ quản lý và thành viên của HTX nông nghiệp Hùng Việt, HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Hùng Việt (Cẩm Khê); HTX nông nghiệp Cao Xá, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại (Lâm Thao).
Tại lớp tập huấn, giảng viên là chuyên gia từ Viện KHCN&MT trao đổi về sự cần thiết, lợi ích có được của người sản xuất, người tiêu dùng khi áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất; các yêu cầu cần tuân thủ đối với người lao động, cơ sở vật chất, giống, đất, nước, thuốc BVTV, phân bón, rác thải … trong quá trình sản xuất. Quy trình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP được đảm bảo từ nguồn nguyên liệu đầu vào, khâu chăm sóc đến thu hoạch, cung ứng ra thị trường được quản lý chặt chẽ, minh bạch và sự an toàn cho sản phẩm lúa gạo. Việc thực hiện quy trình trồng lúa theo đúng tiêu chuẩn VietGAP giúp các HTX dễ dàng mở rộng thị trường, nâng cao giá trị và chất lượng lúa gạo trong nước. Đồng thời, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng cũng như trong việc liên kết sản xuất.
Tại lớp tập huấn, giảng viên đã đưa ra những vướng mắc thường gặp, cách xử lý trong quá trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn chi tiết cách ghi chép sổ nhật ký sản xuất gồm: theo dõi nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Các học viên được thực hành ghi sổ nhật ký quy trình sản xuất lúa của chính mình và nhận được sự tham gia góp ý của các thành viên trong lớp và giảng viên.
Các chuyên gia của Viện KHCN&MT cũng đã tiến hành lấy mẫu đất, nước tại khu vực sản xuất lúa của HTX nông nghiệp Hùng Việt, HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Hùng Việt (Cẩm Khê); HTX nông nghiệp Cao Xá, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại (Lâm Thao) để kiểm nghiệm, đánh giá hàm lượng kim loại nặng đối với tầng đất, mặt đất nông nghiệp và chất lượng nước mặt phục vụ tưới tiêu trong sản xuất lúa. Đây là điều kiệu làm hồ sơ cấp chứng nhận vietGAP cho vùng sản xuất của các HTX.
Trong chương trình tập huấn, đại diện HTX mì gạo Hùng Lô (TP.Việt Trì) cũng có những trao đổi về nhu cầu thu mua gạo an toàn làm nguyên liệu sản xuất mì và cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm gạo của các hộ thành viên HTX nếu các thành viên thực hiện đúng theo quy trình sản xuất VietGAP và đảm bảo chất lượng gạo an toàn. Chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo giúp các thành viên HTX có đầu ra ổn định, yên tâm sản xuất. Đồng thời là điều kiện HTX mì gạo Hùng Lô, có vùng nguyên liệu an toàn từ địa phương, hỗ trợ HTX trong quá trình lập hồ sơ đánh giá và phân loại sản phẩm OCOP 5 sao.
Kết thúc lớp tập huấn, hầu hết các học viên đều nắm được sự cần thiết và quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, phương pháp ghi sổ nhật ký sản xuất. Đây là nội dung rất thiết thực và cần thiết giúp cho các HTX nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; kiểm soát tốt các yếu tố gây ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV; dần thay đổi nhận thức, thói quen, biết cách sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao trình độ thâm canh lúa, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.