Sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ: Một nhu cầu cấp thiết

Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ nhằm hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

                   Các đại biểu tham quan triển lãm gian hàng trưng bày sản phẩm khoa học, công nghệ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tháng 10-2023.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Luật Khoa học và Công nghệ ra đời từ năm 2000, được sửa đổi vào năm 2013, phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học và công nghệ. Hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp nâng cao chất lượng tăng trưởng; các quy định về tổ chức khoa học và công nghệ, trọng dụng, sử dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hoàn thiện; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hội nhập quốc tế…

Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật còn gặp những khó khăn, vướng mắc do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa phù hợp với quy định của các luật liên quan, dẫn đến chưa thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ với vai trò là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Cho đến nay, khoa học Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, chưa giải quyết được triệt để ở nhiều khía cạnh của quá trình quản lý, nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu: Chưa thu hút được vốn xã hội và tư nhân đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), vẫn tồn tại những rắc rối, nhiêu khê trong thủ tục giấy tờ ở các dự án nghiên cứu do Nhà nước tài trợ, chưa khuyến khích được chuyển giao công nghệ từ trường, viện cho doanh nghiệp, chưa có nhiều công ty spin-off, startup trên nền tảng công nghệ từ trường, viện, chưa có nhiều nhà khoa học được hưởng chế độ đãi ngộ và khuyến khích làm việc từ Nhà nước; còn thiếu quy định về đạo đức trong nghiên cứu, rủi ro trong nghiên cứu… Đồng thời, Luật Khoa học và Công nghệ cũng chưa có quy định liên quan đến quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban soạn thảo dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ 2013 chỉ rõ, một số vấn đề quan trọng mà Luật 2013 đã giải quyết được như khuyến khích thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, định hướng xây dựng các tổ chức khoa học và công nghệ tầm quốc gia, mở rộng hợp tác quốc tế, bảo đảm sự đầu tư từ ngân sách nhà nước và thu hút nguồn đầu tư từ bên ngoài… Tuy nhiên, đây vẫn là các quy định chung, Việt Nam thực sự mới bắt đầu bước vào kinh tế thị trường nên thiếu kinh nghiệm, chưa có các chính sách cụ thể, vì thế không thực hiện được hoặc thực hiện không tốt. Vì vậy, Luật Khoa học và Công nghệ cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong gần 10 năm thi hành cũng như những bất cập nảy sinh giữa quy định của Luật Khoa học và Công nghệ với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành gần đây.

Từ đó, hoàn thiện thể chế theo hướng thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các quy định về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, có 6 nhóm chính sách được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm: Hoàn thiện quy định thành lập và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cường quản lý và nâng cao vai trò của tổ chức khoa học và công nghệ; hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; bổ sung quy định về chức danh công nghệ và các chính sách ưu đãi; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ khoa học và công nghệ; sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện quy định hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

 

Theo Trần Nhân, báo Hà Nội Mới