Sự cần thiết để tham gia điều phối chuỗi cung ứng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX thành viên

Hội thảo Tham vấn Đề án thí điểm thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 18/12, tại trụ sở cơ quan, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tham vấn Đề án thí điểm thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 100 đại biểu tham dự là đại diện cho các tổ chức hợp tác xã quốc tế; lãnh đạo các Vụ, Cục; cán bộ chuyên trách thuộc các Bộ, ngành Trung ương; Liên minh hợp tác xã 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long; thành viên Ban chỉ đạo, tổ biên tập của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong xây dựng đề án.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết Hội thảo được diễn ra với mục đích nhằm trao đổi, thảo luận làm rõ cơ sở lý luận, nhu cầu thực tiễn cho việc thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời cho rằng đây là Hội thảo rất quan trọng và là cơ sở để hoàn thiện, phê duyệt Đề án.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị các đồng chí tham dự Hội thảo cho ý kiến cụ thể ở một số vấn đề như: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế; Thẩm quyền phê duyệt đề án, phê duyệt điều lệ và quy chế quản lý, điều hành, nguồn lực; Ý kiến của các doanh nghiệp về nhu cầu thực tiễn trong liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, tổ chức sản xuất và hiệu quả sản xuất khi thành lập liên đoàn; Góp ý cho nội dung đề án, các cơ sở lý luận và thực tiễn trong thành lập và vận hành thí điểm Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại Hội thảo

Theo dự thảo Đề án thí điểm thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long, Ngành lúa gạo có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Sản xuất lúa gạo không những đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Ước tính sản lượng lúa trung bình một năm của Việt Nam đạt 43-45 triệu tấn, tương đương khoảng 26-28 triệu tấn gạo, trong đó khoảng 20 triệu tấn được dành cho tiêu thụ trong nước. Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích 40.577,6 km² và có tổng dân số gần 17,8 triệu người, được xác định là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo của Việt Nam.

Thực tế, trong những năm gần đây, một số mô hình liên kết giữa các thành viên HTX, giữa HTX với các doanh nghiệp đã bước đầu thành công ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như HTX nông nghiệp Vĩnh Cường tỉnh Bạc Liêu, tập đoàn Lộc Trời,…. tuy quy mô và tính liên kết đã tăng nhưng chưa hệ thống, chưa tập trung đầy đủ sức mạnh tổng hợp của các tổ chức sản xuất, kinh doanh lúa gạo toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 100 đại biểu tham dự

Thành lập Liên đoàn là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới, khi có một tổ chức theo ngành dọc, vừa đại diện cho thành viên, vừa là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân độc lập và tiến hành trực tiếp điều phối hoạt động của các HTX thành viên, thực hiện các hoạt động kinh tế riêng, điều phối chuỗi cung ứng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX thành viên.

Thành lập Liên đoàn cũng phù hợp với kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới, Liên đoàn HTX các nước cũng là cánh tay nối dài nắm bắt, phổ biến chính sách của nhà nước tới các thành viên. Thành lập Liên đoàn để hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo, liên kết sản xuất, hướng tới sản xuất lớn, trên cơ sở đó, tiến hành các biện pháp, “giảm thuốc, giảm phân”, sản xuất theo quy mô lớn, đồng bộ theo tất cả các khâu, truy xuất được nguồn gốc, quy hoạch vùng trồng, chế biến sâu… để giảm giá thành, nâng chất lượng, bán được giá cao.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đều thống nhất cao tính thiết yếu của việc thành lập Liên đoàn tại Việt Nam. Tuy nhiên việc thí điểm thành lập Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long cần cần xem xét kỹ các yếu tố trong thành lập và hoạt động của mô hình này để hạn chế những khó khăn trong hỗ trợ người dân sản xuất lúa gạo hoạt động hiệu quả, cũng như nghiên cứu để đề xuất những kiến nghị cụ thể cho mô hình này.

 

Theo Lê Huy – vca.org.vn