Trà chùm ngây hữu cơ là một trong những sản phẩm tiêu biểu, sản xuất theo chuỗi với công nghệ hiện đại của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín).
Đây cũng là sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội.
Năm 2018, xã Hồng Vân đã trở thành “Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh” thành phố Hà Nội. Nhằm tăng cường thêm các sản phẩm du lịch chào đón du khách khi đến thăm Hồng Vân, Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất trà chùm ngây theo công nghệ hiện đại – sản phẩm trà hữu cơ tốt cho sức khỏe.
Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân Nguyễn Văn Tứ cho biết, Hồng Vân có hơn 5ha vùng nguyên liệu chùm ngây. Các vườn trồng chùm ngây làm nguyên liệu chế biến trà đều phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng hữu cơ. Theo đó, các hộ phải thường xuyên cải tạo đất, trồng đúng mật độ, ngắt ngọn, tỉa lá để cây không bị gãy khi có gió, bão mạnh. Chùm ngây là cây dễ trồng, ít sâu hại và ưa môi trường sống sạch. Vì vậy, chỉ cần tưới nước sạch và bón phân hữu cơ bảo đảm 90% cây sống và phát triển đến khi thu hoạch. Chùm ngây sau khi thu hoạch làm trà phải được cắt cả cành bằng tay, lấy lá và cành sấy khô, nghiền nhỏ làm trà túi lọc. Quá trình sản xuất, hợp tác xã không sử dụng chất bảo quản, bảo đảm các quy trình về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thành viên Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, chùm ngây là cây thân gỗ, dễ trồng, dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên, ưa đất bãi phù sa bồi ven sông. Mỗi năm, chùm ngây cho thu hoạch 3 lứa, 3 tháng/lứa (trừ 3 tháng mùa đông). “Nếu chỉ trồng để làm rau phục vụ bữa ăn hằng ngày thì hàng chục năm mới phải thay cây 1 lần. Còn thu hái quanh năm để sản xuất trà, khoảng 3 năm phải thay cây. Cành lá tươi vào mùa hè có giá 8.000 đồng/kg; mùa đông 13.000-15.000 đồng/kg. Ngoài bán nguyên liệu cho hợp tác xã chế biến trà, gia đình cũng bán lá cho khách hàng để làm bột cho trẻ hoặc nấu cháo dinh dưỡng”, bà Loan chia sẻ.
Các sản phẩm từ cây chùm ngây của hợp tác xã khá đa dạng, gồm: Trà chùm ngây, bột chùm ngây, rễ chùm ngây, thân, rau chùm ngây, cây giống, hạt giống… Hiện tại, 1 hộp trà chùm ngây trọng lượng 200g có giá bán 60.000 đồng/hộp; 24 hộp đóng thành 1 thùng. Bình quân một tháng, hợp tác xã xuất bán hơn 100 thùng.
Không chỉ chú trọng vào sản xuất sản phẩm, hợp tác xã còn quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường. Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân Nguyễn Văn Tứ chia sẻ, quá trình chế biến trà chùm ngây phải cần một lượng nước để thực hiện các công đoạn sơ chế, vệ sinh máy móc, nông cụ…, nên việc xả thải ra môi trường là điều khó tránh khỏi. Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại. Nước trong quá trình sản xuất được thu gom theo đường ống, sau đó đi qua các bể lắng lọc nên khử được mùi và bảo đảm các điều kiện trước khi xả ra môi trường. Chính vì vậy, ở Hồng Vân không có tình trạng nước sản xuất tràn ra mặt đường hay cống thoát nước bị ứ đọng, ô nhiễm.
Đánh giá về sản phẩm trà chùm ngây của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho rằng, chùm ngây là loại thảo dược giàu chất dinh dưỡng và an toàn với sức khỏe con người. Trong cây chùm ngây chứa đến 46 loại chất chống ô xy hóa, đặc biệt là giàu vitamin A và C. Đồng thời, chùm ngây chứa tới 18 axit amin thiết yếu. Do vậy, loài cây này được coi là nguồn protein “hoàn hảo” và là loại cây rất quý trong thế giới thực vật. Việc trồng, chế biến các sản phẩm trà chùm ngây hữu cơ theo chuỗi khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với vùng đất bãi tại Hồng Vân. Với tính ưu việt như trên, năm 2019, sản phẩm trà chùm ngây hữu cơ của hợp tác xã đạt chứng nhận 4 sao OCOP.
Việc phát triển các sản phẩm nông sản của địa phương kết hợp du lịch sinh thái đã và đang giúp Hồng Vân trở thành điểm sáng của thành phố Hà Nội về du lịch nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp xanh. Với sản phẩm đa dạng, được chứng nhận OCOP sẽ mở ra nhiều tiềm năng hơn nữa cho Hồng Vân trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, giàu bản sắc, vững kinh tế… và trở thành miền quê xanh, đáng sống của Thủ đô.
Theo Đỗ Minh – Báo Hà Nội Mới