Mô hình điểm về ứng dụng công nghệ cho môi trường xanh

Để giải quyết bài toán môi trường nông thôn, mô hình HTX dịch vụ môi trường (DVMT) đang nổi lên như là một trong những giải pháp góp phần thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn. HTX Nông nghiệp và Môi trường Xanh Trường Phát là một trong những mô hình điển hình trong hoạt động thu gom, phân loại và xử lý hiệu quả rác thải nhựa vùng nông thôn.

Việt Nam đang quan tâm, định hướng phát triển kinh tế – xã hội gắn với hoạt động bảo vệ môi trường. Bên cạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn bước đầu hình thành đã đáp ứng yêu cầu giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, thì việc giải quyết bài toán môi trường nông thôn vẫn còn là vấn đề nan giải.

Theo báo cáo tại hội thảo góp ý dự thảo “Đề án Tăng cường bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” thì lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn nước ta trung bình mỗi năm khoảng 11 triệu tấn; chất thải chăn nuôi khoảng 127 triệu tấn; chất thải trồng trọt 80 triệu tấn chất thải rắn và hàng triệu khối nước thải.

Hiện, tới 80% khối lượng rác thải rắn từ trồng trọt (rơm, rạ) được xử lý bằng cách đốt hoặc vứt tại ruộng. Ngoài ra, trung bình mỗi năm lượng rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khoảng 19.000 tấn…

Mô hình HTX dịch vụ môi trường

Trong những năm vừa qua, để giải quyết bài toán môi trường nông thôn, mô hình HTX dịch vụ môi trường (DVMT) đang nổi lên như là một trong những giải pháp góp phần thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá chung cho thấy, thực trạng hoạt động của đa số các HTX DVMT còn chưa hiệu quả, mang tính hình thức. Các HTX DVMT hầu hết chỉ tổ chức được hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt rồi vận chuyển đến nơi chôn lấp hoặc lò đốt tập trung của địa phương, một số nơi còn có các bãi rác lộ thiên tập trung sát khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cư dân.

Hầu hết các HTX DVMT chưa tổ chức được hoạt động phân loại đầu nguồn, công nghệ tái chế, kỹ thuật chôn lấp rất thô sơ, không đảm bảo tiêu chuẩn, lò đốt quy mô nhỏ có nguy cơ gây ô nhiễm thứ cấp cao… Bên cạnh rác thải hữu cơ thì rác thải sinh hoạt và sản xuất ở khu vực nông thôn hầu hết là túi nylon, chai nhựa, kim loại khó phân hủy.

Bên cạnh nguyên nhân do nội lực của các HTX DVMT còn yếu về tài chính, sản phẩm dịch vụ đơn lẻ do thiếu kiến thức về kỹ thuật, công nghệ xử lý môi trường, thì vấn đề chính sách hỗ trợ cho các hoạt động xử lý chất thải quy mô nhỏ và mức thu phí của người dân trả cho các DVMT tại nông thôn còn thấp (từ 3.000 đồng – 7.000 đồng/người/tháng) chỉ đủ cho các hoạt động thu gom, trong khi các HTX DVMT cũng chưa có nguồn lực để đầu tư cho các hoạt động vận chuyển và xử lý rác thải.

Với mức phí này, không những không hạn chế được mức độ xả thải của người dân, mà còn không tạo được động lực để xã hội hóa các hoạt động dịch vụ bảo vệ môi trường. Nhận thấy những vấn đề tồn tại trong các mô hình HTX DVMT, Liên minh HTX Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động thành viên HTX tham gia bảo vệ môi trường, hỗ trợ thanh niên được đào tạo, có trình độ khởi nghiệp xây dựng HTX thì đồng thời cũng khuyến khích các loại hình HTX nông nghiệp tổ chức thêm các hoạt động DVMT để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, nâng cao thu nhập cho thành viên, đồng thời giải quyết vấn đề tồn tại trong ngắn hạn của các HTX DVMT về thu nhập và nguồn lực đầu tư.

Một điển hình về khởi nghiệp và phát triển mô hình HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường là HTX Nông nghiệp và Môi trường Xanh Trường Phát tại xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc HTX là anh Trần Văn Trường sinh năm 1987, người con quê hương, sau thời gian học tập tại Thành phố, đem kiến thức trở về góp phần xây dựng kinh tế quê hương.

Được sự ủng hộ của gia đình có truyền thống về cơ khí chế tạo máy nông nghiệp và đặc biệt được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, anh Trường đã vận động thành lập HTX Nông nghiệp và Môi trường Xanh Trường Phát vào năm 2020. Với nhiệt huyết, trí tuệ và tinh thần dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, HTX đã tận dụng những lợi thế của địa phương để phát triển và thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

trung-tam-khcn-1640854863-4462-164085525

Anh Trần Văn Trường cùng cán bộ Trung tâm KHCN&MT đánh giá hiệu quả của thiết bị phân loại rác thải.

Ban lãnh đạo HTX bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nhận thấy những vấn đề về ô nhiễm môi trường ở địa phương, đã đề xuất và được sự ủng hộ của chính quyền để đầu tư, tổ chức dịch vụ thu gom, xử lý rác thải.

Ban đầu, HTX Nông nghiệp và Môi trường Xanh Trường Phát cũng chỉ tổ chức hoạt động đơn giản về thu gom và chôn lấp rác thải sinh hoạt, đồng thời huy động nguồn lực từ thành viên, đầu tư xây dựng khu giải trí thể thao trên nền bãi rác của địa phương để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhưng với những kiến thức tham khảo từ tài liệu và thực tiễn tại nhiều cơ sở xử lý rác thải, ban lãnh đạo HTX đã quyết tâm tổ chức hoạt động DVMT theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.

HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt với đầy đủ dây chuyền thiết bị gồm thiết bị phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ, nylon…, thiết bị làm sạch và sấy khô rác nylon, lò đốt, khu xử lý rác hữu cơ… Mặc dù công suất còn khá nhỏ so với các xí nghiệp xử lý rác thải chuyên nghiệp, nhưng các khâu quan trọng, HTX đều có thể đảm nhiệm.

Rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình được thu gom tập kết về xưởng sản xuất đã được phân loại thành các phần riêng biệt, rác thải hữu cơ được tái chế thành phân hữu cơ thông qua chế phẩm sinh học, rác thải nhựa cứng được phân loại, rác thải nylon mỏng được làm sạch, khô để bán cho đơn vị tái chế nylon. Phần còn lại rất nhỏ là các sành sứ, gạch đá, vải được đốt hoặc chôn lấp.

trung-tam-khcn1-1640854944-2581-16408552

Ban lãnh đạo HTX đã quyết tâm tổ chức hoạt động dịch vụ môi trường theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.

Mạnh dạn đầu tư công nghệ

Được sự giới thiệu của Liên minh HTX tỉnh Nam Định, Trung tâm Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) – Liên minh HTX Việt Nam đã khảo sát và nhận thấy HTX Nông nghiệp và Môi trường Xanh Trường Phát là một điểm sáng, đầy tiềm năng trở thành một mô hình điển hình trong tổ chức dịch vụ bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn. Nhận thấy những khó khăn trong việc tiếp nhận các công nghệ, kỹ thuật mới về xử lý rác thải và sản xuất các sản phẩm tái chế, Trung tâm đã tập trung xây dựng phương án hỗ trợ và chuyển giao công nghệ phù hợp với điều kiện của HTX như hoàn thiện hệ thống thu gom, tái chế rác thải hữu cơ chôn lấp sau xử lý thì sử dụng chế phẩm sinh học phối trộn với các phụ gia có sẵn tại địa phương để sản xuất phân hữu cơ vi sinh.

Trung tâm cũng đã hỗ trợ thêm các xe đẩy tay, thùng rác cùng quần áo bảo hộ lao động và chuyển giao công nghệ sản xuất hạt nhựa tái chế từ rác thải nhựa (nylon, vỏ chai, thùng nhựa) đã phân loại cho HTX. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tư vấn cung cấp cho HTX hệ thống quản lý môi trường ISO 14000:2015, đây là chứng chỉ cần thiết khẳng định trình độ quản lý của HTX đối với hoạt động kinh doanh cũng như quảng bá hình ảnh, khẳng định thương hiệu cho HTX trên thị trường.

trung-tam-khcn2-1640855045-3229-16408552

Trung tâm đã tổ chức lớp tập huấn với mục đích nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa, chuyển giao công nghệ thu gom, phân loại, xử lý hiệu quả rác thải nhựa cho thành viên của HTX Môi trường Xanh và các HTX trong khu vực.

Song song với việc tư vấn và triển khai hỗ trợ, Trung tâm đã tổ chức lớp tập huấn với mục đích nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa, chuyển giao công nghệ thu gom, phân loại, xử lý hiệu quả rác thải nhựa cho thành viên của HTX Nông nghiệp và Môi trường Xanh Trường Phát và các HTX trong khu vực. Lớp tập huấn diễn ra thành công với sự có mặt của 30 đại biểu đại diện cho các HTX trong tỉnh. Qua lớp tập huấn, Trung tâm cũng nhận thấy hầu hết các HTX DVMT chỉ đang dừng lại ở công đoạn thu gom rác mà chưa có kiến thức nhất định trong việc áp dụng các công nghệ xử lý và tái chế rác thải vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngày 17/12/2021, tại huyện Xuân Trường, Trung tâm KHCN&MT đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Nam Định tổ chức nghiệm thu và bàn giao các nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình HTX thu gom, phân loại và xử lý hiệu quả rác thải nhựa cho HTX Nông nghiệp và Môi trường Xanh Trường Phát (xã Thọ Nghiệp).

Tham dự buổi lễ bàn giao nghiệm thu có ông Trần Văn Phiệt – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định, ông Lê Tuấn An – Tổng giám đốc Trung tâm KHCN&MT, ông Lê Thanh Huy – Chủ tịch UBND xã Thọ Nghiệp, cùng toàn thể Hội đồng quản trị của HTX Nông nghiệp và Môi trường Xanh Trường Phát.

Đại diện Liên minh HTX tỉnh Nam Định, ông Trần Văn Phiệt cho biết: Tuy HTX mới thành lập nhưng hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Chính vì thế, sự hỗ trợ của Trung tâm KHCN&MT, Liên minh HTX Việt Nam rất kịp thời, phù hợp với tình hình và mục tiêu phát triển của HTX.

trung-tam-khcn3-1640855119-5733-16408552

Trung tâm KHCN&MT – Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Nam Định tổ chức nghiệm thu và bàn giao các nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình HTX thu gom, phân loại và xử ý hiệu quả rác thải nhựa.

Đây không chỉ là hoạt động hỗ trợ cho HTX mà còn là hoạt động hỗ trợ cho phong trào bảo vệ môi trường tại địa phương nói riêng và khu vực nông thôn nói chung. Ông Phiệt đề nghị Trung tâm tiếp tục hỗ trợ HTX về công nghệ kỹ thuật để HTX phát triển bền vững, tài sản hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả cao.

Ông Lê Thanh Huy – Chủ tịch UBND xã Thọ Nghiệp cho biết tình hình phân bổ dân cư trên địa bàn xã Thọ Nghiệp ngày càng cao dẫn đến mức độ phát sinh rác thải từ hộ gia đình, trường học, cơ sở… ngày càng nhiều. HTX đã đảm trách nhiệm vụ thu gom và xử lý rác thải giúp địa phương là một điều rất đáng khích lệ.

Trước kia, khi chưa được thu gom xử lý, trên địa bàn xã phát sinh rất nhiều các bãi rác tự phát gây mất mỹ quan. Nhưng đến nay, môi trường, cảnh quan của địa phương đã đi vào quy củ, xanh – sạch – đẹp. Bên cạnh đó, HTX đã tạo ra công ăn, việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Qua các hoạt động hỗ trợ của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, chính quyền địa phương thấy rất hiệu quả và đây là nguồn động viên to lớn từ Trung ương đối với địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.

T.A

Nguồn Vnbusiness.vn