Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ

Khoa học công nghệ là gì?

Theo Luật Khoa học Công nghệ năm 2013:

Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.

Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.

Bởi đó, khi nhắc đến khoa học công nghệ là nhắc đến dây chuyền công nghệ, kỹ thuật sản xuất, quy trình sản xuất, bí quyết công nghệ, thiết bị công nghệ, nhân sự công nghệ cao… Ngày nay, khoa học công nghệ quyết định rất lớn đến sự thành công của mỗi doanh nghiệp, bởi khoa học công nghệ không chỉ tác động làm tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm mà còn góp phần vào chuỗi cung ứng, công tác tiếp thị sản phẩm, chuỗi bán lẻ… Có thể nói khoa học công nghệ đã tác động vào tất cả các khâu, các mắt xích của chuỗi giá trị mọi sản phẩm có trên thị trường hiện nay.

Với 30 năm kinh nghiệm, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường đã thực hiện hàng trăm dự án, nhiệm vụ, đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phù hợp cho thực tiễn sản xuất tại các HTX trên cả nước. Qua thời gian, các dự án đạt được những thành công nhất định, Trung tâm đã và đang khẳng định vị trí và vai trò nòng cốt trong hoạt động tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Một số công nghệ Trung tâm đã nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao thành công cho các HTX:

– Công nghệ xử lý chất thải rắn chăn nuôi thành phân bón hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học COSTE-TV05:

 Năm 2018, Trung tâm đã chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi bò sữa thành phân bón hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học COSTE-TV05 cho HTX Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Sử dụng chế phẩm trong chăn nuôi giúp hạn chế sinh khí gây mùi hôi thối, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ sinh vật có hại, phân giải nhanh chất thải chăn nuôi. Sau 45 ngày xử lý bằng chế phẩm, chất thải đạt tiêu chuẩn làm phân bón hữu cơ vi sinh, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng phân bón hữu cơ vi sinh được lưu hành tại Việt Nam.

– Công nghệ bảo quản nông sản tươi bằng chế phẩm sinh học Chitosan-nano bạc CT01:

Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường đã chuyển giao công nghệ bảo quản nông sản (bưởi, cam) bằng chế phẩm sinh học chitosan-nano bạc CT01 cho HTX Nông sản sạch Đông Lai, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Chế phẩm sinh học chitosan-nano bạc CT01 giúp bảo quản quả có múi (bưởi, cam, quít) lâu hơn gấp 3 lần so với phương pháp bảo quản truyền thống. Tổn thất sau bảo quản dưới 12% sau 50 ngày. Công nghệ bảo quản trái cây bằng chế phẩm chitosan-nano bạc CT01 đã mở ra triển vọng mới trong bảo quản các sản phẩm quả dễ héo như vải, nhãn, mận, đào… phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hình a. Chế phẩm chitosan-nano bạc CT01 Hình b. Hỗ trợ chuyển giao dây chuyền thiết bị phủ màng chitosan-nano bạc

– Công nghệ sản xuất chè ướp hương hoa:

Năm 2019, với mục đích đa dạng hóa, gia tăng giá trị sản phẩm, tạo ra các sản phẩm chè chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trung tâm đã chuyển giao quy trình sản xuất chè ướp hương hoa bằng công nghệ sấy lạnh cho HTX Tây Côn Lĩnh, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Chè ướp hương bằng công nghệ sấy lạnh giúp giữ nguyên được phẩm chất chè ban đầu, không bị mất màu, biến chất, tiết kiệm thời gian sấy và mang hương đặc trưng của từng loại hoa trong từng sản phẩm.

– Công nghệ trồng dược liệu dưới tán cây công nghiệp:

Tận dụng diện tích đất dưới tán cây công nghiệp lâu năm, Trung tâm đã nghiên cứu và chuyển giao quy trình công nghệ trồng dược liệu đinh lăng dưới tán cây công nghiệp cho 2 HTX tại tỉnh Đồng Nai. Đề tài đã chứng minh hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của mô hình xen canh này rất tốt. Đặc biệt, công nghệ dễ dàng ứng dụng cho các HTX và đảm bảo môi trường tự nhiên.

– Công nghệ sấy nông sản bằng quang năng:

Năm 2020, qua kết quả thực hiện đề tài khoa học công nghệ, HTX Nông nghiệp Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã được Trung tâm hỗ trợ thiết bị và chuyển giao công nghệ sấy lúa bằng công nghệ quang năng. Công nghệ này giúp rút ngắn thời gian sấy xuống chỉ còn 12 giờ so với phơi tự nhiên (mất đến 24 giờ), mang lại hiệu quả thiết thực cho các thành viên, góp phần giảm chi phí sấy, nâng cao chất lượng sản phẩm cho HTX. So sánh với các công nghệ thiết bị sấy khác (sấy vỉ ngang, sấy tầng sôi, sấy tháp) công nghệ này đảm bảo chất lượng lúa xuất khẩu, giảm phát khí thải độc hại, đó là chưa kể các ích lợi khác do sử dụng năng lượng sạch – năng lượng mặt trời.

Liên hệ tư vấn miễn phí: Hotline 036.385.4402 (Phòng Ứng dụng và chuyển giao công nghệ – COSTE)

COSTE – ĐỒNG HÀNH CÙNG HỢP TÁC XÃ

Địa chỉ: Tòa nhà NEDCEN, Số 149 Giảng Võ, Phường Cát Linh, Quận Đống Đa, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 0243.8234.456 | Email: coste@vca.org.vn | Website: www.coste.org.vn