HTX vì lợi ích của thành viên và khách hàng

Giữa lúc vật giá leo thang, chi phí sản xuất tăng cao mới thấy vai trò quan trọng của mô hình kinh tế tập thể với những lợi ích thiết thực giúp người dân, thành viên giảm chi phí sản xuất. Không những vậy, các HTX cũng lên kế hoạch sản xuất phù hợp nhằm tiết giảm chi phí sản phẩm, bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng, khách hàng.

Thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu mới từ ngày 1/7 sắp tới được cho sẽ khiến hàng hóa có thể rơi vào guồng quay tăng giá. Điều này khiến các HTX tiếp tục gặp khó khăn trước vấn đề giá nguyên liệu đầu vào tăng đẩy chi phí sản xuất tăng theo. Chính vì vậy, nhiều HTX đã phải tìm cách để tiết giảm chi phí, ổn định sản xuất.

Đồng hành cùng thành viên, khách hàng

Tại HTX Trung An (Thái Bình), để tiết giảm chi phí, ban giám đốc HTX đang tích cực hướng dẫn thành viên, nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng kỹ thuật, hạn chế chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, HTX tăng cường liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế, cá nhân nhằm mở rộng các dịch vụ giúp hạ chi phí sản xuất, tăng giá trị thu nhập cho thành viên. Nếu như năm 2021, HTX đã liên kết với với Công ty TNHH Quang Long đảm bảo thu mua bao tiêu lúa tươi tại ruộng thì mới đây, HTX hoàn thiện hợp đồng liên kết với công ty thứ 2 là Công ty TNHH chế biến Đại Long (Hải Dương), quy hoạch từ 30 – 50 ha sản xuất giống lúa chất lượng cao ST25. Với mối liên kết này, HTX được doanh nghiệp đầu tư toàn bộ đầu vào và thu mua toàn bộ thóc tươi tại đầu bờ (với giá 7.000 đồng/kg).

Ông Trịnh Văn Điều, Giám đốc HTX Trung An, cho biết chỉ riêng việc được doanh nghiệp thu mua tại ruộng đã giúp thành viên HTX không phải mất công, chi phí vận chuyển, phơi, bảo quản thóc sau thu hoạch.

Tại HTX Chư A Thai (Kon Tum), những người đứng đầu HTX cũng đẩy mạnh liên kết với với các tập đoàn, các công ty giống, phân bón cho hộ thành viên và hộ dân theo mô hình liên kết cung ứng tập trung, thanh toán sau thu hoạch, không tính lãi. Điều này giúp giảm chi phí đầu vào cho hộ thành viên, nông dân lên đến trên 150 triệu đồng/năm.

Nhiều HTX đang đồng hành với thành viên, nông dân để tiết giảm chi phí, tránh khó khăn trước những đợt “bão giá”.

Không dừng lại ở đó, HTX Chư A Thai đang tiếp tục rà soát tất cả các khâu sản xuất để làm sao có thể tiết giảm chi phí, nhất là giảm chi phí ở vận chuyển. Vì chỉ riêng khâu vận chuyển cũng có thể chiếm đến 15-20% chi chí của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Hoa Thành (Nghệ An) cho biết nhiều khách hàng, người tiêu dùng của HTX những ngày gần đây đã bày tỏ lo lắng các mặt hàng từ thóc, gạo, phân bón do HTX cung cấp sẽ có đợt tăng giá vì từ 1/7 sẽ có đợt tăng lương. Trong khi thời gian qua, giá xuất khẩu mặt hàng lúa gạo cũng tăng đã kéo chi phí sản xuất tăng theo.

Theo ông Định, HTX luôn đồng hành và chia sẻ với thành viên và nhân dân. Chính vì vậy để tiết giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm, HTX ngoài cố gắng lồng ghép các hỗ trợ của cấp trên, phấn đấu mỗi khâu đầu vào giảm cho bà con được một ít, cộng lại cũng sẽ đỡ được phần nào chi phí sản xuất, khắc phục phần nào những khó khăn do giá cả vật tư đầu vào tăng cao.

HTX cũng sẽ cân đối , sắp xếp để thời gian tới có thể tổ chức các chương trình như giờ vàng bán hàng, giảm giá trực tiếp cho một số loại phân bón, bả diệt chuột… trong khung giờ cụ thể căn cứ theo giá công khai của đại lý cấp một để nông dân, thành viên yên tâm sản xuất.

Cần trợ lực

Việc giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng thời gian qua cùng với việc tăng lương thời gian tới làm cho nhiều người tiêu dùng lo ngại sẽ có đợt tăng giá hàng hóa cũng là điều dễ hiểu. Nhưng những cách mà các HTX đã đang và sẽ triển khai chính là lợi thế của mô hình kinh tế tập thể. Những lợi ích của mô hình này càng phát huy giá trị khi thị trường biến động, giá cả leo thang.

Cụ thể là những HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối được với các doanh nghiệp, dự án từ đó tạo điều kiện cho chính HTX mở rộng nhiều dịch vụ cho thành viên nên HTX không cần phải ký kết trung gian qua các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất, làm tăng giá trị nông sản hàng hóa, tăng thêm thu nhập cho thành viên. Các thành viên cũng được hưởng lợi khi sử dụng các dịch vụ của HTX với giá tiết kiệm, phù hợp.

Theo GS Võ Tòng Xuân, ngay như việc các HTX trở thành đại lý cấp một đối với các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào cũng đã giúp thành viên, nông dân hưởng lợi. Đặc biệt, khi các HTX sử dụng phân bón đúng cách có thể giúp tiết giảm chi phí lên đến 50%.

Cụ thể như mô hình bón lót để hạn chế việc sử dụng phân bón về sau này trong trồng lúa tại HTX Tân Tiến (Đồng Tháp) đã giúp HTX này hạ giá thành 1 kg lúa từ 4.000-5.000 đồng xuống chỉ còn khoảng 2.000-2.500 đồng. Đây chính là động lực để tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp HTX vượt qua được những đợt sóng tăng giá từ thị trường.

Theo các chuyên gia, dù Chính phủ đã có những giải pháp để hạn chế tình trạng giá hàng hóa tăng theo giá lương nhưng thực tiễn giá cả ngoài thị trường vẫn rất khó quản lý. Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng tăng chi phí sản xuất, tăng giá cả hàng hóa tiêu thụ ra thị trường, các HTX nên ưu tiên cho các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, bán hàng trực tuyến. Điều này có thể giúp các HTX tiết kiệm chi phí mà vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác, khách hàng ở trong ngoài nước. Đặc biệt, đối với các sàn thương mại điện tử ở trong nước và quốc tế có thể cho HTX tận dụng hệ thống giao hàng hoặc nhà kho nên sẽ giúp HTX giảm được những chi phí ở những khâu này.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ hiện đại cần được các HTX quan tâm vì thực chất đầu tư máy móc hiện đại chỉ tốn chi phí ban đầu. Nếu HTX tối ưu được các máy móc sẽ không chỉ nhanh bù lại vốn mà còn gia tăng nguồn thu.

Tuy nhiên, để việc tiết giảm chi phí được diễn ra đồng bộ, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý trong điều hành giá cả, quản lý nguyên vật liệu đầu vào cần được quan tâm nhiều hơn. Ngay như các HTX chăn nuôi hiện nay dù chủ động trồng trọt, tận dụng rau màu trong nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi nhưng thực tế về tình trạng phụ thuộc, phải nhập khẩu đến 70% thức ăn chăn nuôi và nguồn giống sẽ mãi khiến các HTX này gia tăng chi phí, khó đảm bảo lợi nhuận.

Bà Nguyễn Thị Phượng, thành viên của HTX chăn nuôi dịch vụ Thanh An (Bình Phước), cho rằng nếu có tận dụng thóc, gạo thay một số nguyên liệu như ngô, sắn làm thức ăn chăn nuôi thì cũng không phù hợp về khía cạnh kinh tế vì giá gạo, thóc hiện rất cao, cao hơn cả giá ngô, sắn.

Còn theo ông Trịnh Văn Điều, khi giá thành sản xuất tăng thì giá sản phẩm, nông sản đưa ra thị trường sẽ tăng và người tiêu dùng sẽ phải chịu mua hàng với giá đắt. Điều này sẽ khiến HTX khó duy trì lượng khách hàng. Muốn vậy, ngoài sự thay đổi, kiểm soát trong sản xuất của HTX thì địa phương cũng cần có cơ chế chính sách đầu tư hỗ trợ HTX, nông dân kinh phí để xây dựng hạ tầng đồng ruộng theo hướng hiện đại nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào cho sản xuất, chủ động được tưới tiêu theo nhu cầu của từng loại cây trồng. Ngoài ra, địa phương cần hỗ trợ kinh phí cho các HTX xây dựng cơ sở vật chất cho việc bảo quản, sơ chế nông sản phẩm trước khi tiêu thụ để nâng cao giá trị, tối ưu sản xuất.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn