HTX khó vươn ra thị trường vì khó khăn trong tái chứng nhận sản phẩm OCOP

Một số sản phẩm của HTX được công nhận OCOP nhưng đang gặp khó khăn trong tái chứng nhận, nâng sao, một phần vì các quy định đã được nâng lên trong khi các HTX lại vướng về nguồn lực để đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt.

Theo quy định, 36 tháng kể từ ngày được công nhận, sản phẩm OCOP sẽ hết hạn chứng nhận, nên nếu có nhu cầu, chủ thể phải chuẩn hóa hồ sơ để chứng nhận lại. Khi đó, chủ thể có sản phẩm OCOP sẽ tránh được việc phải thay đổi bao bì, mẫu mã, tránh việc gián đoạn trong kinh doanh.

Nhiều thách thức

Hiểu được điều đó nhưng không ít chủ thể OCOP là các HTX cũng gặp không ít thách thức trong tái chứng nhận sản phẩm OCOP.

Giám đốc một HTX nông nghiệp hữu cơ ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) cho biết, HTX đã có sản phẩm cây ăn quả đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và đến năm 2024 này là đến hạn phải đăng ký lại. Tuy nhiên, một trong những cây trồng chủ lực của HTX là bơ từ năm ngoái đến nay vẫn trong cảnh đầu ra khó khăn nên diện tích bị thu hẹp. Điều này khiến HTX không có đủ nguồn lực để làm hồ sơ chứng nhận lại. Trong khi muốn chứng nhận lại, HTX cũng phải nâng cao được chất lượng sản xuất, phát triển hoặc nâng cấp được sản phẩm mới. Đi liền với đó là các khâu thủ tục hồ sơ cũng khá vất vả, trong khi HTX phải “tự bơi” là chính.

Có thể thấy, nút thắt lớn nhất hiện nay khiến cho các sản phẩm OCOP của HTX chưa thể vươn xa, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường là vấn đề liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngay ở chợ truyền thống, sản phẩm OCOP cũng không nhiều, người tiêu dùng không biết sản phẩm OCOP là gì. Chính vì điều đó mà nhiều HTX dù đã có sản phẩm chứng nhận OCOP nhưng đầu ra vẫn còn khó khăn, thậm chí phụ thuộc sự lên xuống của thị trường. Điều này là một trong những lực cản khiến các chủ thể là HTX cảm thấy áp lực trong việc nâng cấp sao, tái chứng nhận cho sản phẩm OCOP.

-8532-1709286561.jpg

Nâng hạng, tái chứng nhận sản phẩm OCOP sẽ thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm của các chủ thể.

Bên cạnh đó, hiện nay, cả nước đang thực hiện đánh giá các sản phẩm theo bộ tiêu chí tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Do bộ tiêu chí có khá nhiều nội dung mới so với bộ tiêu chí trước đây nên các địa phương cũng không dễ trong hướng dẫn các chủ thể, HTX làm hồ sơ, dẫn đến việc đánh giá, phân hạng sản phẩm của nhiều HTX trễ so với thời gian quy định.

Đặc biệt, để nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao theo bộ tiêu chí mới, HTX phải đầu tư, cải tiến dây chuyền, quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như nâng cấp bao bì… mới đáp ứng đầy đủ điều kiện. Còn đối với HTX muốn nâng cấp từ 4 sao lên 5 sao, đòi hỏi chủ thể phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất chuyên nghiệp, có hệ thống phân phối sản phẩm trên quy mô toàn quốc và có sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận.

Vậy nhưng, nhiều HTX khó đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe này. Đặc biệt có những tiêu chuẩn cao về môi trường, sở hữu trí tuệ, HTX phải cần thời gian dài đi liền với nguồn vốn tương đối lớn để hoàn thiện. Do đó, dù hiểu về lợi ích của việc nâng cấp, tái chứng nhận sản phẩm OCOP nhưng nhiều HTX vẫn bị lỡ hẹn.

Bà Nguyễn Như Oanh, Giám đốc HTX tinh dầu Như Oanh (Quảng Bình), cho biết theo quy định, phần công bố chất lượng sản phẩm OCOP tinh dầu yêu cầu chủ thể phải có hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm; tiêu chuẩn nguyên liệu; phiếu kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn tại cơ quan kiểm nghiệm độc lập. Đặc biệt, cơ quan quản lý không đánh giá các bước tiếp theo nếu chủ thể không có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định.

Theo bà Oanh, tinh dầu có thể là mỹ phẩm, thiết bị y tế, sản phẩm thông thường. Nếu quy định như vậy thì đại đa số các chủ thể OCOP đều không đáp ứng được vì không đủ điều kiện công nhận do sản xuất mỹ phẩm không hề đơn giản với các tổ chức kinh tế tập thể, cũng như các tổ chức cộng đồng.

Hỗ trợ HTX tái cấu trúc

Là một quốc gia có hơn 80% dân số sống ở vùng nông thôn nên việc triển khai Chương trình OCOP ở Việt Nam có tác động rất lớn đến việc cải thiện thu nhập của người dân. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có hơn 10.800 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó gần 38% chủ thể là các HTX.

Thực tế đã có những sản phẩm OCOP của các HTX sau khi nâng cấp, tái chứng nhận đã khẳng định được thương hiệu và mở rộng được đầu ra trên thị trường như HTX chè Phìn Hồ (Hà Giang), HTX miến Việt Cường (Thái Nguyên)…

GS.TS. Trần Văn Ơn, Cố vấn Chương trình OCOP, cho biết Việt Nam đang trong tình trạng giống như ở Nhật Bản cách đây 4 thập kỷ đó là dòng người từ nông thôn ùn ùn chuyển về các đô thị và khu công nghiệp, nhằm mưu cầu thu nhập cao hơn, có điều kiện phát triển bản thân hơn, có cuộc sống sinh động hơn. Đảng và Nhà nước có Chương trình Tam nông, Chương trình nông thôn mới và Chương trình OCOP nhằm một phần giải quyết tình trạng này.

Về tổng thể chung, việc phân cấp sản phẩm OCOP sẽ giúp định vị và phân cấp rõ ràng hơn về sản phẩm, giúp người tiêu dùng hiểu và nắm rõ hơn về đặc điểm của sản phẩm. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của các cấp trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP.

Các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP cũng như tái đánh giá, cấp chứng nhận theo bộ tiêu chí mới khó hơn nhưng cần nhìn nhận một cách khách quan đó là càng yêu cầu cao thì giá trị của sản phẩm OCOP của các chủ thể sau khi được công nhận sẽ lên tầm cao hơn.

Tuy nhiên, có một thực tế là mô hình HTX khi tham gia OCOP vẫn gặp những khó khăn trong đầu tư, nâng cấp sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn OCOP. Để hạn chế khó khăn trong tái chứng nhận, nâng cấp sản phẩm OCOP, GS.TS. Trần Văn Ơn cho rằng cần đẩy mạnh tư vấn phát triển mô hình HTX, bởi bản thân mỗi HTX là một chuỗi giá trị đầy đủ. Do đó, cần hỗ trợ HTX thiết kế mặt bằng, xây dựng các quy chế, phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng phần cứng (cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị), phần mềm (hệ thống các quy trình, thao tác chuẩn, hồ sơ, đào tạo nhân lực,…) để đạt các tiêu chuẩn nhà sản xuất theo luật định của chương trình OCOP.

Hầu hết các HTX hiện nay khó khăn trong tái chứng nhận là do vấn đề tài chính. Vì vậy, cần xác định phải tư vấn tài chính cho các HTX. Trong đó, xác định nhu cầu vốn, nguồn vốn, phương pháp tiếp cận, quản lý tài chính, ứng dụng công nghệ phù hợp…

“Cần thiết phải tái cấu trúc lại HTX đã tham gia OCOP. Nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, Chương trình OCOP sẽ có đóng góp rất lớn trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tập thể ở vùng nông thôn và ngược lại”, GS.TS. Trần Văn Ơn phân tích.

Ông Võ Tấn Sanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Bình Đào (Quảng Nam), cho biết để nâng cấp sao cho sản phẩm gạo, HTX phải bảo đảm yêu cầu về sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, khâu duyệt hồ sơ, cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ hiện kéo dài cả năm nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nâng hạng sao của HTX.

“Để có một bộ hồ sơ hoàn thiện, HTX gặp rất nhiều khó khăn nên cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các ban ngành để tạo thuận lợi cho HTX tham gia chương trình OCOP và đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Sanh bày tỏ.

Theo Huyền Trang – Theo vnbusiness.vn