Hợp tác xã thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

Qua 4 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã tạo được hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo thành phần kinh tế, trong đó có các HTX nông nghiệp.
Nhờ tích cực tham gia, các HTX đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ…
HTX tích cực tham gia
Để xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, phát huy thế mạnh của vùng, năm 2021, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) đã đưa sản phẩm nước lau sàn sinh học Đồng Din tham gia Chương trình OCOP và vui mừng khi sản phẩm được Hội đồng OCOP tỉnh thẩm định, đánh giá công nhận đạt hạng 3 sao. Tháng 4/2022, HTX tiếp tục đăng ký và đạt thêm 8 sản phẩm OCOP 3-4 sao gồm: Trái khóm, bánh khóm, giấm khóm, rượu khóm…
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này chia sẻ: “Sản phẩm OCOP của HTX được thị trường đón nhận, giá trị nông sản nhờ đó cũng tăng lên. Hiện HTX tiếp tục hoàn thiện những sản phẩm nông sản mới để làm phong phú thêm sản phẩm OCOP mang thương hiệu HTX”.
Tương tự, năm 2023, sản phẩm muối sạch của HTX Muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu) đạt chứng nhận OCOP 3 sao, đã tạo nền tảng giúp đơn vị từng bước nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX Muối Tuyết Diêm, việc xây dựng thương hiệu độc quyền theo hướng OCOP đã giúp giá trị và khả năng tiêu thụ nông sản tăng, bởi đó chính là phương tiện để mở rộng giao thương, tạo niềm tin với khách hàng trên phạm vi rộng. Trong quan hệ sản xuất, HTX với thành viên không còn là quan hệ phụ thuộc mà trở thành đối tác cùng nhau phát triển.
“HTX đang mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt lên hơn 20ha; đồng thời liên kết với các thành viên xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm muối sạch để tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP, giúp kinh tế tập thể tại địa phương ngày càng phát triển”, ông Bình cho biết.
Theo Liên minh HTX tỉnh, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 31 sản phẩm của 18 HTX nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao. Để các HTX tham gia hiệu quả Chương trình OCOP, đơn vị đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn hỗ trợ như: Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thủ tục hồ sơ đăng ký tham gia; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bao bì sản phẩm và quảng bá, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng nhiều kênh tiêu thụ…
Hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã hỗ trợ các HTX tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của HTX lên các sàn giao dịch thương mại điện tử http://phuyentrade.gov.vn, htx.cooplink.com.vn/connect, sanocop.vn, ocop.vn…
Đồng thời xây dựng các điểm giới thiệu, khu trưng bày và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm của HTX đã có mặt trên các gian hàng trong siêu thị, cửa hàng như: Bột sen, gạo thơm Hoa vàng, rượu tằm, bánh khóm, rau quả…
Cũng theo ông Thắng, hiện nay, các HTX đang có sản phẩm OCOP chiếm ưu thế về mặt thị trường và thương hiệu, đã tạo động lực để các tổ hợp tác, HTX ở các địa phương nỗ lực tham gia chương trình. Đây còn là cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bà Trần Thị Nguyệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Hòa cho hay: “Đến thời điểm hiện nay, toàn huyện có 20 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao, trong đó có tới 15 sản phẩm OCOP của 6 HTX nông nghiệp. Hiện các HTX đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, đăng ký tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu trong năm 2024 sẽ có thêm 5-10 sản phẩm OCOP được công nhận”.
Với sự trợ lực từ Chương trình OCOP, hiện sản phẩm gạo chất lượng cao của các HTX đã gầy dựng thương hiệu và đạt sản phẩm OCOP tỉnh. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An), cho biết: “Sản phẩm gạo thơm Hoa vàng An Nghiệp đã giúp HTX có chỗ đứng trên thị trường, góp phần tăng doanh thu khoảng 40% so với trước đây. Hiện HTX đang tiếp tục triển khai mô hình liên kết sản xuất, tạo ra 2 sản phẩm mới đó là: gạo thơm Hoa vàng và gạo lứt Hoa vàng với giống lúa Huyết rồng để tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP trong năm 2024”.
Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP trong các HTX, một trong những định hướng trong thời gian tới là tiếp tục phối hợp với các địa phương, tuyên truyền các nội dung của Quyết định 919 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể HTX triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến Chương trình OCOP thông qua nhiều hình thức như: Cấp phát tờ rơi, xây dựng pano giới thiệu, các chương trình phóng sự truyền hình và truyền thanh, xây dựng sổ tay hướng dẫn tham gia Chương trình OCOP.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, phát triển sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Đến nay, Phú Yên đã xây dựng và công nhận 249 sản phẩm OCOP của 112 chủ thể, trong đó có 18 chủ thể là HTX (chiếm 16%) với 31 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao. Việc tham gia Chương trình OCOP là cơ hội tốt để HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đây còn là cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Bà Đặng Th Thy, Phó Giám đc S NN&PTNT

Theo NGC HÂN / Báo Phú Yên