Giải bài toán nguồn vốn cho HTX từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX

Tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được coi là một giải pháp tháo gỡ về vốn cho các HTX. Chính vì vậy, việc tạo thuận lợi cũng như tháo gỡ những khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp lại Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP sẽ giúp các quỹ hoạt động thống nhất trên cả nước, tạo nền tảng thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển.

Tại Hội nghị Giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, tổ chức ngày 25/12, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, cho biết một trong những vấn đề cấp thiết mà nhiều HTX đang gặp phải và muốn có lời giải kịp thời đó là khó khăn về vốn. Khi giải quyết được khó khăn này cho HTX, nhất là giúp HTX tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX sẽ thúc đẩy được các HTX phát triển.

Mới có 11 quỹ tổ chức, sắp xếp lại theo Nghị định 45

Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, ước tính đến hết 2023, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương đã ký hợp đồng cho vay 376 dự án tại 55 tỉnh thành phố. Còn các quỹ địa phương đã cho vay 11.500 lượt HTX, 2.200 lượt tổ hợp tác, 750.000 lượt thành viên HTX.

-4750-1703486756.jpg

Hội nghị thực hiện Nghị định 45/2021/NĐ-CP nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

Nhìn chung hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã góp phần thúc đẩy quá trình thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể.

Vậy nhưng, qua thực tiễn hoạt động của các quỹ cho thấy, quy mô vốn nhỏ, các HTX tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ còn khó do thủ tục vay vốn từ các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX còn phức tạp, quy trình chặt chẽ, đơn vị nhận ủy thác chưa thực sự mặn mà cho vay do còn mặc cảm với HTX kiểu cũ, đặc thù cho vay HTX là món vay nhỏ, chi phí lớn, rủi ro cao.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Bá Châu, cho biết hiện nay, nhu cầu vay vốn của các HTX để đầu tư sản xuất là rất lớn, nhưng các HTX khó tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, do quy chế cho vay đối tượng là HTX, trong khi quy định về tài sản thế chấp thì phần lớn các HTX khó đảm bảo, nhất là các HTX nông nghiệp. Bên cạnh đó, mục đích, đối tượng cho vay vốn còn bó hẹp, chưa cho vay vốn bổ sung, vốn lưu động và không có đối tượng vay vốn là Tổ hợp tác và thành viên, người lao động của HTX. Do vậy, đến nay quỹ mới chỉ cho vay được 11 HTX với tổng kinh phí là 4 tỷ 980 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định 45/2021/NĐ-CP, các quỹ thành lập và đang hoạt động trước khi nghị quyết này có hiệu lực, các quỹ phải rà soát, tổ chức lại. Tuy nhiên đến nay, việc chuyển đổi, sắp xếp lại các quỹ tại địa phương theo Nghị định 45 còn chậm vì gặp vướng mắc.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An cho biết thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ- CP, Liên minh HTX tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh cho sắp xếp lại Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình, quy định của các bộ ngành liên quan về việc sắp xếp lại quỹ chưa cụ thể, nên tỉnh chưa đủ cơ sở để thuyết minh, tạo sự đồng thuận của các sở ngành trong việc sắp xếp, chuyển đổi quỹ theo mô hình công ty TNHH một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ông Bùi Quang Tùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng đưa ra dẫn chứng cụ thể, hiện nay 1 sào đất muốn đầu tư theo hình thức nông nghiệp công nghệ cao, HTX cần 300 triệu đồng, với diện tích 1ha, HTX cần đến 3 tỷ đồng. Như vậy, nhu cầu tiếp cận vốn phát triển sản xuất của HTX là rất lớn. Và trong thực tế ở tỉnh, các HTX tại Lâm Đồng đã được vay tổng khoảng 30 tỷ đồng để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng KHKT. Điều này đã vượt quá số vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh (20 tỷ đồng).

Thực tế từ Lâm Đồng cho thấy, nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của một số tỉnh thành còn hạn chế. Vì theo thống kê hiện chỉ có 7/50 quỹ địa phương có vốn hoạt động trên 50 tỷ đồng. Nhưng nếu các quỹ thực hiện sắp xếp tổ chức lại theo quy định của Nghị định 45 và hoạt động theo phương thức ủy thác thì quỹ sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là trong việc thu hút nguồn vốn tài trợ, viện trợ cho nền kinh tế tập thể để mở rộng nguồn vốn cho quỹ. Điều này không phù hợp với tinh thần và nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW đó là: “Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể,… tranh thủ các hỗ trợ tài chính, kỹ thuật dành cho kinh tế tập thể…”.

-6502-1703486756.jpg

Ông Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ HTX Việt Nam cho rằng nhiều Quỹ vẫn còn vướng mắc trong thực hiện tổ chức, sắp xếp lại.

Ông Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ HTX Việt Nam thừa nhận, việc triển khai thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP của các quỹ tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn bởi cơ chế chính sách vẫn chưa phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, Nghị định 45 đã quy định về trích lập dự phòng rủi ro theo thông tư 15/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Quy định này là không phù hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Vì theo quy định tại khoản 3, điều 4 Thông tư 15, các tổ chức tài chính vi mô khi trích lập dự phòng cụ thể chỉ bao gồm số dư tiết kiệm bắt buộc, tiền ủi tự nguyện, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, trong khi các quỹ không được nhận tiền gửi bắt buộc, tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản nhưng không được khấu trừ. “Mức trích dự phòng cụ thể theo quy định này rất lớn, vượt khả năng tài chính của nhiều quỹ”, ông Phạm Công Bằng cho biết.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP, các quỹ được phép cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Tuy nhiên thực tế cho vay vốn đối với HTX nói chung, HTX nông nghiệp, nông thôn nói riêng lại có độ rủi ro cao, trong khi các quỹ cho vay với lãi suất thấp, không thể trích lập đủ quỹ dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro. Đi liền với đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 45 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nên không áp dụng cơ chế xử lý rủi ro như đối với ngân hàng thương mại. Do đó, các quỹ rất khó khăn trong việc thực hiện cho vay tín chấp.

Những vướng mắc trên dẫn đến hiện nay mới có 11 tỉnh thành phố chính thức có quyết định của UBND tỉnh đã tổ chức, sắp xếp lại Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX theo Nghị định 45. Trong khi theo quy định của Nghị định số 45, chậm nhất đến 15/5/2024, các quỹ phải rà soát tổ chức lại hoạt động, bổ sung vốn điều lệ tối thiểu, nếu không đáp ứng được các điều kiện phải giải thể bắt buộc.

Nhu cầu bức thiết

Đánh giá cao vai trò của mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trong việc giải quyết khó khăn về vốn cho các HTX, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng hiện đã có cơ chế phát triển Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, cụ thể là việc ra đời của Nghị định 45. Song song đó, Nghị quyết 20-NQ/TW có quy định về việc tăng cường nguồn vốn để hỗ trợ các HTX. Chính vì vậy, địa phương nào chưa có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thì cần tiến hành thành lập ngay theo Nghị định 45, còn nếu địa phương nào đã có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trước khi Nghị định 45 ra đời thì tiếp tục tiến hành tổ chức, sắp xếp lại theo quy định.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cũng cho rằng việc ra đời của các quỹ đã khó, việc đưa quỹ hoạt động hiệu quả còn khó hơn. Nhưng hiện nay, vẫn có những địa phương chưa thành lập được Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX vì Bộ kế hoạch đầu tư chưa ban hành mã định danh cho quỹ, cụ thể như tại Cần Thơ. Do đó, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng các cơ quan quản lý cần giải quyết vấn đề này để các địa phương thuận lợi trong hình thành quỹ vì đây là nhu cầu bức thiết tại nhiều địa phương, trong đó có Cần Thơ.

-2949-1703490847.jpg

Ông Nguyễn Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân hàng và Tổ chức tài chính-Bộ Tài Chính gợi mở cách giúp Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX hạn chế gặp rủi ro.

Trước những khó khăn của các quỹ trong việc thực hiện Nghị định 45, ông Nguyễn Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân hàng và Tổ chức tài chính-Bộ Tài Chính cho biết hiện nhiều địa phương đã hoàn thành sắp xếp bộ máy, triển khai các bước tiếp theo để đưa quỹ vào hoạt động theo Nghị định 45.

Nhưng có một điều cần lưu ý đó là các món vay của HTX nhỏ, có rủi ro nên đối với các quỹ khi cho vay cũng cần kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ. HTX vay vốn tại quỹ cũng cần có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp để bảo đảm an toàn.

“Đề nghị Liên minh HTX các địa phương và các tỉnh, thành phố cần rà soát lại bộ máy của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để có phương án bổ sung vốn điều lệ cho quỹ vì đây là điều quan trọng và gấp gáp, tránh tình trạng quỹ bị giải thể. Trong khi quỹ vẫn là một kênh cho vay được đánh giá là hiệu quả đối với HTX. Muốn vậy cần học tập của địa phương đã chuyển đổi, sắp xếp lại Quỹ thành công như Ninh Bình, TP HCM…”, ông Nguyễn Việt Hưng, nhấn mạnh.

Đi liền với đó cần quản lý giám sát quỹ chặt chẽ các quỹ để tránh tình trạng nợ xấu, gây khó khăn cho các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trong quá trình phát triển dẫn đến giải thể quỹ.

-3726-1703486756.jpg

Ông Phạm Hoàng Dương, Văn phòng Chính phủ cho biết việc bổ sung nguồn vốn cho các Quỹ cần sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương.

Ông Phạm Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế tổng hợp Văn phòng Chính phủ cho biết các địa phương cần toàn tâm để bố trí nguồn vốn cho các quỹ để nâng cao năng lực của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Nhưng việc bổ sung thêm vốn cũng cần bản thân các quỹ nỗ lực để tăng tính chủ động. Bởi hiện có nhiều quỹ có nguồn vốn thấp nên rất khó thuyết phục địa phương bổ sung thêm vốn.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cần quan tâm, tháo gỡ những khó khăn trong Nghị định 45 để tạo thuận lợi cho các quỹ hoạt động cũng như chuyển đổi, sắp xếp lại tổ chức, từ đó thúc đẩy kinh tế tập thể cũng như nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển.

Theo Huyền Trang-Phạm Hòa – Vnbusiness.vn