Cần cú hích chính sách cho khu vực KTTT, HTX

Từ thực tiễn cho thấy, việc bổ sung, sửa đổi những cơ chế chính sách để khu vực KTTT, HTX phát triển là rất cần thiết, trong đó đặc biệt là sự hỗ trợ của Nhà nước để tăng cường nguồn lực cho HTX. Làm sao để những hỗ trợ của Nhà nước với khu vực này chỉ là ban đầu, sau đó khu vực KTTT, HTX sẽ tự “lớn lên”, mang lại lợi ích cho hàng triệu thành viên.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam vào chiều ngày 14/6, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, chia sẻ ông muốn lắng nghe những ý kiến cụ thể, chạm tới vấn đề mà hệ thống Liên minh HTX đang gặp phải. Làm sao để đời sống của thành viên HTX được nâng lên. Đặc biệt, đặt trong tình hình dịch bệnh xuất hiện đã ảnh hưởng không nhỏ tới khu vực KTTT, HTX nhưng nhiều yếu tố cơ hội khác cũng mở ra. 

Nhiều hỗ trợ chưa tới với HTX

Chia sẻ với lãnh đạo Bộ KH&ĐT, ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX Hòa Bình bày tỏ nỗi niềm về câu chuyện “giải cứu” nông sản, bình thường 1kg quả su su được bán ngoài chợ với giá 20.000 đồng, khi được giải cứu, dù các ban ngành vào cuộc nhưng cũng chỉ bán được với giá 5.000 đồng/kg. Nông dân vẫn chịu thiệt.

dsc05268-ok_1623678842-1623679064.jpg
Các đại biểu dự buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng với Liên minh HTX Việt Nam.

Theo đó, ông Định cho rằng hỗ trợ tiêu thụ nông sản thì phải đem hàng ra bên ngoài mới giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, để đem hàng hóa đi tiêu thụ ở địa phương khác, chỉ HTX, hộ nông dân sẽ không làm được mà cần doanh nghiệp vào cuộc.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cũng lo ngại, không chỉ vải thiều mà vài tháng tới cam, bưởi có thể sẽ phải “giải cứu” vì sản lượng rất lớn, trong khi đầu ra không ổn định.

Rõ ràng vấn đề đầu ra rất cấp bách nhưng việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn đang vướng điểm nghẽn. Cụ thể, ông Định cho biết Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã có nhưng đến giờ số chuỗi liên kết đã được xây dựng thì chưa nhiều. Ở Hòa Bình, nhiều dự án mới thực hiện được 1 năm đã phải dừng vì không có nguồn lực hỗ trợ.

Trong khi đó, bà Phan Thị Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị trong thời gian tới Chính phủ cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, mở lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức hiểu rõ chức năng thế nào KTTT, HTX. Khi hiểu rõ thì sự quan tâm của các ngành, các cấp tới khu vực KTTT, HTX mới sâu sát hơn.

Đi vào kiến nghị cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX Hải Dương, cho biết, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cần được hỗ trợ chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Mặt khác, HTX cần được hỗ trợ xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, thúc đẩy liên kết với DN trong tiêu thụ sản phẩm.

Nhìn nhận Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, gần 25 triệu hộ cá thể trên toàn quốc, trong đó thành thị 8 triệu hộ, nông thôn gần 17 triệu hộ, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, đang có nhu cầu rất lớn trong liên kết và hợp tác theo mô hình THT, HTX để sản xuất và giải quyết nhu cầu của đời sống. 

“KTTT, HTX dần trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững, xu hướng phát triển các HTX quy mô lớn, liên hiệp HTX; liên kết chuỗi giá trị sẽ diễn ra mạnh mẽ. Từ thực tiễn ở nước ta và kinh nghiệm phát triển HTX ở các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới cho thấy, sự hỗ trợ của Nhà nước để tăng cường nguồn lực cho HTX phát triển theo quy hoạch là rất cần thiết”, ông Bảo đánh giá.

Theo đó, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận được nguồn lực để phát triển, đồng thời cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường hoạt động quản lý HTX. Khi soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, thì quy định HTX, liên hiệp HTX, cá nhân thành viên của tổ chức này thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh.

“Đề nghị Bộ KH&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định riêng về phát triển KTTT, HTX cho các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho phù hợp”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị.

Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ, Bộ KH&ĐT bổ sung vốn điều lệ và tạo điều kiện hoạt động cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương, kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với các Trung tâm tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, hình thành và phát triển HTX…

Thiết kế chương trình ODA riêng cho khu vực KTTT, HTX

Nhìn nhận quá trình phát triển trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, đánh giá có nhiều dấu ấn về chính sách trong phát triển KTTT, HTX. Trong đó, sự phối hợp của Bộ KH&ĐT và Liên minh HTX Việt Nam ở cấp lãnh đạo rất hiệu quả. Song đâu đó ở các Cục, Vụ, Viện… còn hạn chế chưa tương xứng với quá trình phối hợp. Vì vậy, ở khâu hoàn thiện, ban hành chính sách còn bỏ lọt, thiếu nội dung quan trọng.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho rằng cần khắc phục sự “lãng quên” khu vực này khi xây dựng các cơ chế chính sách ở các Bộ, ngành địa phương. Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT cần nghiên cứu sửa Luật HTX 2012, đưa vào kế hoạch xây dựng lập pháp của năm 2022. Nếu không sửa sớm thì sẽ cản trở sự phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới.

Liên quan tới đầu tư công, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng cần hỗ trợ phát triển hạ tầng KTTT, HTX, vì đây đang là vùng trũng nhất. Trong đó, cần tập trung đầu tư hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi, nhà xưởng, hạ tầng về công nghệ thông tin liên quan tới chuyển đổi số 4.0 để khu vực KTTT, HTX không tụt hậu so với khu vực kinh tế khác.

Trước kiến nghị của Hệ thống Liên minh HTX về hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng rất quan trọng và cần nghiên cứu kịp thời, đánh giá, phân tích để không phải chỉ có thể chế liên quan trực tiếp tới KTTT, HTX mà còn các chính sách của các ngành, lĩnh vực khác cũng phải hiện diện ở khu vực này.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có thể thiết kế chương trình ODA riêng cho khu vực KTTT, HTX để giải quyết các vấn đề ở Trung ương và địa phương, tất nhiên chọn vấn đề, nội dung cho cụ thể như hỗ trợ thu hút được DN, liên kết tạo được chuỗi, xây dựng cơ sở hạ tầng về chế biến, bảo quản; đào tạo nhân lực, hạ tầng; xây dựng cơ sở về dữ liệu HTX, sản phẩm HTX.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết, về 3 Trung tâm tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, hình thành và phát triển HTX thì phải xây dựng đề án khả thi về chọn địa điểm, nhân rộng cách làm hay, có mô hình phát triển tốt.

“Đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận, nâng công nghệ cao lên một bước nữa. Liên minh HTX Việt Nam cần quán triệt tinh thần tới các HTX, thành viên HTX trong thời gian tới”, ông Dũng đánh giá.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, sẽ sửa đổi chính sách để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, cân đối cung cầu trong sản xuất, thay vì việc loanh quanh chuyện cam, chè, lợn mán mà phải tính đến mở rộng sang những phân khúc cây trồng khác.

“Việc sửa đổi chính sách cần phải tạo hỗ trợ thiết thực cho hệ thống Liên minh HTX từ Trung ương tới địa phương để giúp người dân nhận thấy rõ lợi ích từ việc tham gia HTX, đóng góp sức lực của mình vào phát triển KTTT, HTX. Làm sao để những hỗ trợ của khu vực này chỉ là ban đầu, sau đó khu vực này sẽ tự lớn lên được”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chia sẻ.

Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, lấy hiệu quả là mục tiêu hàng đầu, chọn việc cụ thể để làm. Về gói ODA mà Bộ trưởng KH&ĐT đề cập, Liên minh HTX Việt Nam sẽ phối hợp cùng với với các đơn vị chức năng của Bộ KH&ĐT để thiết kế. 

Nhật Linh