Biến phiên livestream thành công cụ đắc lực để bứt phá doanh thu

“Sóng” livestream đang trở thành phương tiện thuận lợi để giúp nông dân, Hợp tác xã (HTX) quảng bá, tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu và thu hút doanh nghiệp liên kết. Nhưng với mỗi HTX và với mỗi lần livestream, mục tiêu cũng sẽ khác nhau. Chính vì vậy, khi HTX xác định được rõ mục tiêu của những phiên livestream sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn.

Nếu như ở thời điểm 1-2 năm trước, một số HTX ứng dụng hình thức livestream chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh, thì hiện nay, đã có những đơn vị đầu tư với các thiết bị mới như máy quay, máy tính, các thiết bị kỹ thuật hiện đại.

Không ít lo ngại

Có HTX còn thành lập riêng một tổ livestream với những thành viên chuyên trách từ xây dựng kịch bản, kỹ thuật, chụp ảnh, bình luận, chốt đơn… Mỗi người có một nhiệm vụ, với trình độ chuyên môn nhất định để đảm bảo livestream chuyên nghiệp hơn. Tiêu biểu như HTX Vườn nhà Đà Lạt (Lâm Đồng), HTX Sinh Dược (Ninh Bình)…

Có HTX đã phối hợp với các Tiktoker, những đơn vị công nghệ để mang lại hiệu quả trong livestream. Điều này đang được Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên và một số Liên minh HTX ở các tỉnh thành khác làm rất tốt khi hỗ trợ các HTX tổ chức các buổi livestream gắn với văn hóa đặc trưng của từng huyện. Qua đây cũng là cơ hội để giúp các HTX trao đổi kinh nghiệm, học hỏi thêm về kỹ năng livestream.

Dù đã có sự đầu tư nhưng nhìn chung nhiều thành viên HTX cũng có những lo ngại trước những phiên live khủng của những KOL/KOC trong thời gian gần đây. Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (Sơn La) cho biết trong những phiên livestream này, các nhãn hàng luôn có những hình thức khuyến mại lớn, chiết khấu khủng. Điều này là rất khó đối với những HTX là những nhà sáng tạo nội dung nhỏ có quy mô sản xuất chưa lớn và khả năng tính toán về marketing, bán lẻ còn hạn chế. Và hiện nay, người tiêu dùng cũng đang có xu hướng chờ những phiên livestream của những KOL/KOC lớn để mua hàng với giá hời.

Xác định đúng mục tiêu, chuẩn bị kỹ lưỡng trước những phiên livestream giúp mang lại hiệu quả kinh tế, quảng bá thương hiệu cho những người làm nông nghiệp.

Nhiều HTX hiện nay vẫn chủ yếu là bán các nông sản tươi, nên việc tặng quà, khuyến mãi, đóng gói sản phẩm, vận chuyển làm sao để hạn chế hao hụt, đảm bảo doanh thu cũng là lo lắng của thành viên HTX.

Chị Nguyễn Thị Hoa, thành viên của HTX ong mật Hưởng Hoa (Thanh Hóa), cho biết lợi ích khi livestream bán hàng đã rõ nhưng đối với HTX, làm sao để tuân thủ chính sách của các nền tảng thương mại, tránh xảy ra những trường hợp như khóa kênh, vi phạm cộng đồng… cũng không đơn giản.

Chưa kể, nếu thực hiện những chính sách khuyến mãi trong khi livestream không phù hợp, HTX cũng có nguy cơ bị mất khách hàng là các đại lý, nhà phân phối vì thông thường, livestream là hình thức bán lẻ.

Bứt phá nhờ mục tiêu rõ ràng

Có thể thấy, kinh doanh bằng livestream có nhiều tiềm năng vì nhu cầu thị trường lớn nhưng cũng khiến các thành viên, HTX gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Những HTX có đội ngũ nhân sự trẻ, có chuyên môn thực sự hay thuê được những đơn vị livestream chuyên nghiệp có thể sẽ khắc phục được những rào cản và thu được hiệu quả về mặt doanh số cũng như quảng bá thương hiệu.

Theo các chuyên gia, muốn tận dụng hình thức livestream hiệu quả, cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các nhà sản xuất và nhà sáng tạo nội dung, nhà bán hàng nhằm bổ trợ cho nhau. Bởi các HTX với vai trò là các nhà vườn nếu livestream trực tiếp được sẽ tiết giảm chi phí, chủ động trong kinh doanh nhưng với nhiều HTX, việc bán lẻ bằng công nghệ vẫn là những điểm yếu cần được bổ trợ trong khi nông sản thường chỉ có theo mùa vụ.

Một điều có thể nhận thấy đó là nếu livestream, bán hàng online với nhiều đơn hàng cùng với sự hỗ trợ của các ứng dụng, máy móc như in hóa đơn, theo dõi đơn hàng/doanh thu sẽ giúp HTX minh bạch và công khai về tài chính cũng như bớt được một số công việc như thống kê lượng hàng xuất, hàng lưu kho, số tiền thu được… Điều quan trọng là HTX cần tận dụng khả năng sáng tạo để hấp dẫn người xem cũng như nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm để tạo độ uy tín.

Một vấn đề nữa là HTX cần xác định được mục tiêu mỗi khi livestream, bởi đây là nền tảng để HTX gặt hái thành công. Ông Phạm Sỹ Lợi, chuyên gia đào tạo livestream cho rằng nếu HTX chỉ đơn giản là livestream để bán hàng thì điều cần làm là phải xem xét có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng kịch bản thu hút và thực hiện livestream theo lịch đều đặn. Nếu lượng người xem ít, HTX vẫn có thể tạo doanh thu ổn định.

Còn đối với HTX muốn livestream để tăng nhận diện thương hiệu, tăng tương tác và xa hơn là muốn kết nối với cả các KOL/KOC thì việc xây dựng những phiên livestream với các gói khuyến mãi, giảm giá, tặng quà cần được tính toán nhằm hút người xem. Đi liền với đó là HTX cần đầu tư chuyên nghiệp và bài bản cho từng phiên livestream.

Ngoài ra, nếu mục tiêu là đưa sản phẩm lên vị trí top, thì phiên livestream đó, HTX phải có được sản phẩm độc đáo, chất lượng, có sức hút, giá cả cạnh tranh. Muốn vậy, HTX phải tính toán kỹ giá vốn và hình thức khuyến mãi để bảo đảm về mặt lợi nhuận. Ngoài ra, việc kết hợp với những người có tầm ảnh hưởng để gia tăng sức hút cũng cần tính toán.

Còn một khi HTX muốn tăng lợi nhuận, tạo hiệu quả kinh tế cao từ những phiên livestream thì thực hiện các hình thức up-sale để gia tăng giá trị đơn hàng sẽ tốt hơn. Với những phiên livestream như vậy, HTX cần tối ưu hóa nguồn nhân sự bằng các hình thức thưởng theo hiệu quả công việc để gia tăng lợi nhuận.

Có thể thấy, hiệu quả trong livestream phụ thuộc không nhỏ vào việc HTX, nông dân phải xác định được mục tiêu đúng và trúng. Đồng thời cần phát huy tính sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đó. Có như vậy, livestream mới trở thành công cụ hữu ích để HTX thích ứng với thời đại công nghệ và thu được những thành công về doanh thu cũng như quảng bá thương hiệu.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn