Nhiều giải pháp đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX một cách đồng bộ như: giải pháp kỹ thuật – công nghệ, giải pháp quản lý hệ thống, giải pháp tuyên truyền, vận động…đã đem lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường cho các Hợp tác xã ở khu vực nông thôn, miền núi hiện nay.
Cùng với các lĩnh vực kinh doanh khác, dịch vụ môi trường là một hoạt động đã và đang được nhiều hợp tác xã (HTX) trên nhiều địa phương trong cả nước quan tâm và tiếp cận, đặc biệt khu vực nông thôn và miền núi, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, tạo ra công ăn việc làm đảm bảo đời sống và xóa đói giảm nghèo cho lực lượng lao động tại chỗ. Tuy nhiên, các HTX hoạt động trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn như: về nguồn vốn, quy mô hoạt động còn nhỏ, công nghệ xử lý rác thải còn lạc hậu, nhận thức của người dân về phân loại rác thải tại nguồn, kinh phí cho công tác thu gom, xử lý rác thải còn thấp …..
Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường đã thực hiện nhiệm vụ: “Đánh giá hiệu quả hoạt động và đề xuất giải pháp tổ chức dịch vụ môi trường cho các hợp tác xã ở khu vực nông thôn, miền núi” trong hai năm 2022-2023 và tổ chức nghiệm thu cấp ngành thành công kết quả của nhiệm vụ ngày 15/3/2024 vừa qua.
Thông qua khảo sát thực tế và các kết quả quan trắc chất lượng môi trường tại khu vực tập kết rác thải, khu vực tập kết không được trang bị đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật gây ra tình trạng trạng ô nhiễm không khí cục bộ, ô nhiễm nguồn nước do các với nền chống thấm, mái che, đặc biệt các rác thải hữu cơ chưa được tận dụng để làm phân bón sinh học. Thực tế khảo sát cũng cho thấy việc xử lý rác thải của nhiều HTX chủ yếu theo phương pháp thủ công, chôn lấp tại chỗ, đốt nilon, bao bì… không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trước thực trạng như trên, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường đã đề xuất những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX một cách đồng bộ như giải pháp kỹ thuật – công nghệ, giải pháp quản lý hệ thống, giải pháp tuyên truyền, vận động, giải pháp đào tạo, tư vấn.
Để kiểm chứng các giải pháp đề xuất, nhiệm vụ đã lựa chọn và hỗ trợ xây dựng 03 mô hình tại 3 HTX: HTX Hùng Việt (tỉnh Phú Thọ), HTX Hưng Khánh (tỉnh Yên Bái), và HTX Phú Riềng (tỉnh Bình Phước). Điểm mới và tiêu biểu trong đó là việc hỗ trợ về công tác quản lý, tư vấn, hướng dẫn và áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015 đã giúp các HTX quản lý và tổ chức hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh thu của 03 HTX tăng lên từ 15,2%- 33%; Thu nhập của người lao động hàng tháng tăng 5-12,5 %. Bên cạnh đó, chất lượng môi trường tại điểm tập kết rác thải đã được cải thiện, giảm ô nhiễm rõ rệt, đồng thời nhận thức của chính quyền, người dân địa phương và các tổ chức đoàn thể trong quản lý chất thải đã được nâng cao.
Sau 2 năm hoạt động, nhiệm vụ đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: đánh giá tình hình hoạt động, tổ chức dịch vụ môi trường tại các HTX ở khu vực nông thôn, miền núi; đề xuất giải pháp tổ chức dịch vụ môi trường cho các HTX khu vực nông thôn, miền núi… giúp HTX tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người lao động.