Vá lỗ hổng trong chứng nhận hữu cơ

Việc quản lý chứng nhận hữu cơ chưa chặt chẽ đi liền với các quy định trong sản xuất vẫn còn bất cập đang dẫn đến tình trạng “hữu cơ tự phong”, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của các HTX, doanh nghiệp, người dân làm hữu cơ chân chính.

Ông Lê Quý Hòa Bình, Quản lý chứng nhận của Control Union, cho biết thực tế trong quá trình hỗ trợ các đơn vị xuất khẩu nông sản, thực phẩm cho thấy, có những đơn vị có chứng nhận hữu cơ nhưng nguồn gốc của chứng nhận như thế nào, quy trình được chứng nhận và quản lý chứng nhận ra sao vẫn chưa rõ ràng. Điều này tạo sự không công bằng trong cạnh tranh, nhất là đối với những HTX, doanh nghiệp có chứng nhận hữu cơ đảm bảo quy định.

Lỗ hổng quản lý

Thống kê của Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trên cả nước có gần 40 đơn vị đứng ra chứng nhận hữu cơ TCVN, 120 tổ chức đánh giá hữu cơ phù hợp từ các tổ chức trên thế giới. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều tổ chức chứng nhận hữu cơ nhưng chưa đăng ký. Điều này được cho là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng rất nhiều cửa hàng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có chứng nhận hữu cơ nhưng theo kiểu “tự phong”.

Có thể thấy, trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiện nay, đơn vị sản xuất có chứng nhận hữu cơ là điều quan trọng. Nhưng có lẽ, điều quan trọng hơn là lòng tin vì nếu chứng nhận chứng nhận hữu cơ một cách tràn lan thì không mang lại hiệu quả thiết thực cho nền nông nghiệp và cho cả người sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Quý Hòa Bình cho rằng, các nước trên thế giới kiểm soát chứng nhận hữu cơ rất chặt nên họ phải chịu sự kiểm soát rất chặt của đơn vị quản lý. Các đơn vị ở nước ngoài muốn sản phẩm của mình là hữu cơ thì phải có logo có mã code để kiểm tra. Nếu cơ quan quản lý kiểm tra định kỳ mà sai sẽ bị phạt đến 11.000 USD. Điều này cho thấy, cơ quan chức năng của họ đang làm rất tốt vai trò quản lý các đơn vị chứng nhận trong ngành hữu cơ, còn Việt Nam chưa làm được.

Những quy định chưa rõ ràng trong chứng nhận, quản lý khiến nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chưa thực sự phát triển.

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là các tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế vẫn tự vào Việt Nam mà không có sự thông báo, không có sự quản lý của cơ quan nhà nước, dẫn tới không ít khó khăn cho Việt Nam trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Việc này cũng dẫn tới khó giải quyết tình trạng trăm hoa đua nở trong chứng nhận.

Bên cạnh vấn đề quản lý, những lỗ hổng từ các quy định trong chứng nhận hữu cơ TCVN cũng đang làm khó các đơn vị sản xuất, các tổ chức chứng nhận làm hữu cơ. Bà Nguyễn Thu Hà, Công ty cổ phần chứng nhận hữu cơ IQC, cho biết doanh nghiệp đang chứng nhận cho khách hàng nhưng các quy định về vấn đề vùng đệm không được ghi rõ ràng để nông dân, HTX áp dụng.

Còn đại diện Công ty cổ phần chứng nhận Quốc Tế, cho biết trong quá trình đánh giá và hỗ trợ thì người dân, HTX có thấy ý kiến phản hồi là họ vẫn còn vướng mắc về nguồn gốc, phân bón hữu cơ như thế nào để có thể yên tâm thực hiện theo quy định của nông nghiệp hữu cơ.

Không có HTX sẽ không có sản phẩm hữu cơ xuất khẩu

Thực chất, Chính phủ đã có nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp hữu cơ như Nghị định 98 về khuyến khích phát triển HTX, liên kết sản xuất, Nghị định 57 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… Nhưng vấn đề quản lý, giám sát chưa thực sự tốt không chỉ tạo ra lỗ hổng về chất lượng sản phẩm trên thị trường mà còn gây khó khăn cho người dân, HTX, doanh nghiệp trực tiếp làm nông nghiệp hữu cơ.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, cho biết vấn đề khúc mắc của chứng nhận hữu cơ TCVN là việc đánh giá vùng đệm không có điều gì là cố định. Thay vào đó, người tư vấn cho các đơn vị làm nông nghiệp hữu cơ phải dựa vào tình hình thực tế để tư vấn nên không có một con số cố định như vùng đệm phải 5m hay 10m.

Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn đầu vào, cụ thể là phân bón được sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ chỉ ghi là các chất được phép sử dụng và các chất không được sử dụng. Từ đây, người dân, HTX phải dựa rất nhiều vào đơn vị tư vấn, hỗ trợ vì họ không thể tự biết hết chất nào được phép sử dụng, chất nào không được phép sử dụng. Hoặc nếu không có đội ngũ tư vấn thì khi HTX, nông dân muốn sử dụng loại phân nào phải tiến hành kiểm tra, đi test tại các cơ sở uy tín thì mới biết loại phân đó có những chất đủ yêu cầu. Điều này là gây tốn kém đối với người dân, HTX.

Vì vậy, theo bà Từ Tuyết Nhung, cần có danh sách phân bón sử dụng trong sản xuất hữu cơ và các loại phân này phải được kiểm nhận, đánh giá và được công nhận là vật tư đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ. “Hiện chỉ quy định các chất được phép và không được phép nên chưa rõ ràng cho người dân, HTX trong thực tiễn thực hiện sản xuất”, bà Nhung chia sẻ.

Ngoài ra, theo Thông tư 16/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ thì các tổ chức chứng nhận hữu cơ phải đăng ký và phải cấp mã mới được thực hiện chứng nhận trên thị trường. Hiện, cơ quan quản lý mới nắm được 40 tổ chức đánh giá đã đăng ký nhưng để bảo đảm công bằng và thuận tiện cho những đơn vị sản xuất có nhu cầu chứng nhận, Nhà nước cần có một hệ thống danh sách các đơn vị chứng nhận đã được đăng ký để các đơn vị sản xuất biết và tìm các đơn vị chứng nhận đủ điều kiện một cách thuận tiện hơn.

Ông Lê Quý Hòa Bình, cho biết tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu cũ sắp hết hạn. Theo đó, doanh nghiệp, HTX Việt Nam muốn xuất sang châu Âu phải có chứng nhận theo quy định mới. Trong chứng nhận mới quy định, từ 1/1/2025 nhóm nông dân sản xuất hữu cơ phải được chứng nhận riêng, không nằm dưới tên của tổ chức xuất khẩu. Thay vào đó, nhóm nông dân phải có pháp nhân- tức là phải được chứng nhận thông qua HTX.

Quy định hữu cơ mới của châu Âu được cho là trùng với chỉ đạo của Chính phủ về phát triển HTX hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại không ít địa phương, việc thành lập HTX còn khó, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa vì quy trình đăng ký thành lập phải lên cấp huyện. Đi liền với đó, các chính sách hỗ trợ đối với các HTX đã có nhưng các điều kiện hỗ trợ bị ràng buộc rất nhiều yếu tố. Điều này khiến các HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn rất khó phát triển ở các địa phương.

“Nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ không thể có sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu đi châu Âu. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể để HTX sản xuất hữu cơ có thể phát triển một cách thuận lợi hơn”, ông Lê Quý Hòa Bình cho biết.

 

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn