Chuyển đổi số hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Chuyển đổi số sẽ giúp khắc phục những hạn chế về chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu… để từ đó hình thành nền nông nghiệp hiện đại, đem lại giá trị, thu nhập cao.

Và đó cũng là những mục tiêu mà ngành Nông nghiệp Thủ đô đang nỗ lực hướng tới.

             Ứng dụng công nghệ cao sản xuất nho hạ đen ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ. Ảnh: Ánh Ngọc

Những dấu ấn ban đầu

Đến thăm khu trồng rau của Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) mới thấy rõ, công nghệ 4.0 đang được ứng dụng rõ nét trong sản xuất.

Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý cho biết, HTX thực hiện nghiêm ngặt theo đúng nguyên tắc “5 không” (không sử dụng thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, giống biến đổi gen). Đáng chú ý là trong sản xuất, HTX đều sử dụng phân bón hữu cơ và men vi sinh, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy từ trong ra ngoài, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng máy phun sương chờ ngày thu hoạch.

Đặc biệt, hiện nay HTX đang sử dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội để tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm. Với sự chủ động trong ứng dụng công nghệ số, HTX đã quảng cáo các sản phẩm của mình thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… Nhờ đó, những năm qua, thương hiệu rau hữu cơ của HTX đã nổi tiếng khắp trong và ngoài thành phố Hà Nội. Trên mỗi bó rau được đóng gói, khách hàng chỉ cần cầm điện thoại thông minh quét mã vạch là có thể biết được địa chỉ, quy trình sản xuất… Đến nay, toàn bộ 5ha rau hữu cơ với 17 sản phẩm rau hữu cơ được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp thành phố và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Một mô hình điểm nữa trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất của Hà Nội là mô hình trồng lúa chất lượng cao tại HTX nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai).

Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên, HTX đã ứng dụng công nghệ vào quản lý, giám sát vùng sản xuất trên quy mô 20ha trồng lúa. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng, thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử Egap… Quy trình sản xuất lúa hữu cơ được camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh. Hiện nay, sản phẩm gạo của HTX đều được dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc và kết nối giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Đánh giá về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp Hà Nội hiện nay, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hà Nội xác định dựa trên nền tảng dữ liệu, tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản…; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các khâu trong quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Hiện toàn ngành có trên 900ha ứng dụng công nghệ số. Đây là diện tích đã được quy hoạch gọn vùng gọn thửa, thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm.

  Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau hữu cơ tại Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng).

Tiếp sức để tạo sức bật mạnh mẽ

Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, với nền nông nghiệp Thủ đô hiện nay, những nơi ứng dụng công nghệ số mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, do đó chưa tạo được sức bật lớn cho ngành bứt phá.

Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh chỉ rõ những hạn chế trong chuyển đổi số nông nghiệp hiện nay, đó là cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn nhiều hạn chế; cơ sở dữ liệu phục vụ nông nghiệp còn chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Mặt khác, chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp còn nhiều bất cập, khó tích hợp đồng bộ.

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong ứng dụng công nghệ số, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến Nguyễn Thị Huyền cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất cần phải có quy hoạch vùng, kế đó là tập huấn kiến thức cho người sản xuất.

“Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất đã bắt đầu có những thuận lợi, tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ, quảng bá sản phẩm vẫn đang là điều khó khăn với nông dân, xã viên bởi nhiều người thiếu kiến thức về công nghệ và máy móc” Giám đốc Nguyễn Thị Huyền cho biết. 

Thực tế, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, khi thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, huyện yêu cầu các xã ứng dụng công nghệ số, định vị điểm soát xuất, thiết lập hồ sơ về chất lượng nguồn đất, nước và những tác động môi trường khi sản xuất để hình thành bộ dữ liệu vùng phục vụ cho việc ứng dụng các mô hình sản xuất công nghệ cao.

Đồng thời, đối với định hướng phát triển các sản phẩm OCOP – Chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện yêu cầu các sản phẩm tham gia xếp hạng, đánh giá phải có nguồn gốc rõ ràng, có dữ liệu quản lý điện tử, có tem nhãn phục vụ truy xuất nguồn gốc để kết nối trên các sàn thương mại điện tử.

Về phía ngành Nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở sẽ bám sát những văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu vùng sản xuất; cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng. Đồng thời, Sở sẽ cùng các địa phương, đơn vị tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức – kết hợp cả hình thức trực tuyến và trực tiếp – để đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua những sàn giao dịch như Voso, Sendo… Đặc biệt, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển các chuỗi sản xuất gắn với công nghệ số. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp còn hướng đến mục tiêu tạo mối liên kết giữa các thành phần của hệ sinh thái nông nghiệp một cách tự nhiên theo chuỗi giá trị; kết nối người dân, doanh nghiệp và thị trường; kết nối người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường. Giải quyết bài toán chuyển đổi số cũng chính là giải quyết bài toán về kết nối giữa các thành phần kinh tế từ sản xuất đến tiêu thụ.

 

Theo Đỗ Minh, báo Hà Nội Mới