Cần triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023, thực hiện chính sách hỗ trợ, phát triển, nâng cao chất lượng hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.
Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi nói về lĩnh vực kinh tế ngành khi phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8/11.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh cần rà soát, sửa đổi bộ tiêu chí về nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 bảo đảm phù hợp với từng địa phương, vùng, miền; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ sau khi được công nhận xã nông thôn mới.
Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong năm 2024, hoàn thành rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Giải quyết triệt để việc chậm chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng; nghiên cứu nâng định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phù hợp với thực tiễn và điều kiện ngân sách; phát huy giá trị đa dịch vụ hệ sinh thái rừng, tạo việc làm, sinh kế dưới tán rừng.
Sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai bảo đảm phù hợp với tập quán, văn hóa và sinh kế cho người dân.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Còn 310 đại biểu chưa được chất vấn và 15 đại biểu đăng ký nhưng chưa được tranh luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất các đại biểu Quốc hội gửi văn bản đến Thủ tướng và các thành viên có liên quan để được trả lời trực tiếp bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, 10 Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực theo sáng kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.
Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục, trong đó có các giải pháp kèm lộ trình cụ thể.
Theo vca.org.vn