Sáng nay Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ trả lời chất vấn

Từ 9h sáng 7/6, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Sau khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh kết thúc trả lời chất vấn, từ 9h đến 11h30 và 14h đến 14h50, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt sẽ trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu. Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng sẽ đăng đàn.

Các vấn đề mà Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ sẽ làm rõ gồm chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp ứng dụng sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến, phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; việc quản lý, sử dụng ngân sách cho nghiên cứu khoa học; chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của đơn vị nghiên cứu, viện, trường; cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Tham gia trả lời chất vấn nhóm vấn đề này còn có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, giải trình các vấn đề liên quan.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giải trình tại Quốc hội, chiều 31/10. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giải trình tại Quốc hội, chiều 31/10/2022. Ảnh: Hoàng Phong

Kết quả chuyển giao công nghệ có chuyển biến tích cực

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường đang có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Giai đoạn 2009-2019, Đại học Bách khoa TP HCM thu khoảng 1.300 tỷ đồng, tương đương 55 triệu USD nhờ chuyển giao công nghệ. Trong đó năm 2018, 2019 lần lượt 182 và 198 tỷ đồng. Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2010-2020 cũng thực hiện chuyển giao công nghệ với doanh số́ trung bình khoảng 25 tỷ đồng một năm. Trường thành lập hệ thống doanh nghiệp (BK Holding) hỗ trợ nhà khoa học trong trường bắt tay với doanh nghiệp bên ngoài, rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn.

Theo Bộ trưởng, công tác thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được đẩy mạnh với sự hưởng ứng và vào cuộc của doanh nghiệp, chuyên gia từ viện nghiên cứu, trường đại học tại địa phương.

Khuôn viên Đại học Bách khoa TP HCM. Ảnh: hcmut.edu.vn

Khuôn viên Đại học Bách khoa TP HCM. Ảnh: hcmut.edu.vn

Về cách thức chuyển giao, chủ sở hữu kết quả nghiên cứu/tác giả tự đầu tư khai thác, chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng sáng chế, hợp tác với các bên để khai thác, chuyển giao. Ngoài ra, họ thành lập mô hình doanh nghiệp khởi nguồn từ trường đại học, viện nghiên cứu. Trong số này phải kể đến Trung tâm đổi sáng tạo nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm đổi mới sáng tạo của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trung tâm đổi mới sáng tạo thuộc Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh.

Một số viện, trường đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp và bước đầu cho thấy thành công mang lại lợi ích thiết thực cho cả các bên liên quan trong thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu.

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn gặp khó

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu là những vấn đề được rất nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý trong nước và quốc tế quan tâm. Chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu thúc đẩy thị trường khoa học; đẩy nhanh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào cuộc sống.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, viện, trường đã ban hành nhiều quy chế, văn bản liên quan đến chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.

Tuy nhiên, Bộ cũng cho rằng viện, trường công lập chưa thực sự chú trọng vào việc thực hiện quy định để quản lý và khai thác tài sản trí tuệ; nhiều kết quả, sản phẩm sáng tạo chưa được quan tâm đăng ký, bảo hộ để để trở thành hàng hóa có thể mua bán được.

Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống trung tâm chuyển giao chưa phát huy được vai trò hỗ trợ, kết nối; viện, trường còn tâm lý phụ thuộc vào đơn vị và Nhà nước, chưa thực sự chủ động kết doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, định hướng thị trường.

Thủ tục triển khai nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách nhà nước còn rườm rà, cơ chế đặt hàng chưa thực sự gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường và chưa có sự kết hợp thực sự giữa các bên tham gia trong quá trình triển khai đề tài, dự án nghiên cứu theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế phù hợp để tăng cường gắn kết giữa viện – trường – doanh nghiệp để hình thành và phát triển lực lượng doanh nghiệp khoa học.

Bộ cũng thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với tổ chức khoa học công nghệ, tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo.

Bộ cũng sẽ tìm giải pháp để xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước, đặc biệt là tài sản là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu; sửa đổi quy định về quản lý tài sản công. Bộ mong muốn cho phép giao tài sản là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học cho cá nhân, tổ chức không phân biệt công lập hay tư nhân có khả năng triển khai thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Nhà nước thay vì cơ chế phân chia lợi nhuận trực tiếp chuyển sang cơ chế thu lại phần Nhà nước đầu tư ban đầu qua việc thu thuế.

Nguồn: VnExpress.net