Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã thôi thúc một số HTX tìm kiếm những hướng đi mới để đa dạng cách thức quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn lý do khiến các “chợ trực tuyến” chưa thể trở thành kênh phân phối chủ lực mặt hàng nông sản của các HTX.
Dịch Covid-19 diễn ra làm thay đổi thói quen sản xuất, kinh doanh của không ít HTX. Nhiều HTX trước đây chưa từng bán nông sản trực tuyến, nay bắt đầu tham gia “cuộc chơi” để có thể bảo đảm khả năng duy trì hoạt động.
Xoay chuyển tình thế
Trước đây, HTX thanh long Quê Mỹ Thạnh (Long An) chỉ bán hàng trực tiếp thông qua các đại lý ở các tỉnh, thành phố. Nhưng từ khi các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các cửa hàng, đại lý liên kết với HTX đều ngưng hoạt động, khiến doanh thu của HTX bị giảm sút gần 80% so với thời điểm bình thường.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, HTX đã đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm qua mạng xã hội Zalo hay Facebook, thực hiện livestream và liên kết với các sàn giao dịch thương mại điện tử như Tiki, Shopee… Nhờ đó, HTX từng bước ổn định hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh.
Hay tại HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu (Hưng Yên), các thành viên đã bớt được phần nào nỗi lo về tìm đầu ra cho quả nhãn tươi thông qua việc tổ chức các buổi livestream bán hàng. Sau mỗi buổi livestream đã có hàng tạ nhãn của thành viên được đặt hàng tiêu thụ.
Người dân, HTX đã bước đầu tiếp cận công nghệ, thực hiện bán hàng trực tuyến để mở rộng đầu ra cho nông sản ngay trong mùa dịch. |
Theo Ban giám đốc HTX Nễ Châu, với diện tích 50ha, sản lượng quả năm nay đạt khoảng 200 tấn. Ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống, năm nay, HTX thực hiện bán hàng trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và các mạng xã hội Facebook, Zalo nên đầu ra không bị nghẽn. Đặc biệt, nhiều người đã biết đến sản phẩm của HTX thông qua kênh thương mại điện tử.
Với các hình thức mới mẻ như livestream, bán hàng online, thông qua đội ngũ giao vận của sàn hoặc đơn vị vận chuyển, nông sản sẽ đến trực tiếp tay người dùng, cắt giảm đến 50% các khâu trung gian so với cách phân phối truyền thống, giúp tiết giảm chi phí của các HTX. Đây cũng là kênh tiêu thụ phù hợp với nhu cầu mua sắm online của người dân, nhất là khi nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Theo Sách Trắng thương mại điện tử năm 2021, tỷ lệ người Việt Nam dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% năm 2019 lên 88% năm 2020. Đặc biệt từ tháng 4/2021 đến nay, làn sóng dịch Covid-19 lan rộng đã khiến 19 tỉnh, thành phía Nam, Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến số lượng giao dịch thương mại điện tử cũng tăng theo.
Tiêu biểu như tại trang bán hàng điện tử Lazada, trong 7 tháng đầu năm ghi nhận lượng khách hàng giao dịch qua ứng dụng tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hay tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Aeon…, các đơn hàng trực tuyến cũng tăng 8-10 lần so với bình thường.
Tuy nhiên, việc triển khai bán nông sản trực tuyến thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn khiến đây chưa thể là kênh phân phối chủ lực trong ngày một ngày hai đối với các HTX.
Ông Bùi Văn Khắp, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình (Long An) cho biết, khi mà cung đường tiêu thụ hàng hoá đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì việc đưa chanh tươi và các sản phẩm chế biến từ chanh của HTX lên sàn thương mại điện tử được xem lối đi tốt nhất hiện nay.
Thế nhưng, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là vấn đề không hề dễ dàng vì các thành viên HTX đều không sành về công nghệ. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm.
“Do chưa quen với môi trường mạng, thao tác trên điện thoại thông minh nên tôi phải nhờ con cháu chỉ dẫn thêm để cập nhật thông tin sản phẩm tại các sàn thương mại và trên mạng xã hội”, ông Khắp chia sẻ.
Khó khăn của HTX Thuận Bình cũng là tình trạng chung của hầu hết các HTX. Đa số HTX mới chỉ tập trung vào khâu sản xuất mà chưa có kỹ năng ứng dụng công nghệ vào bán hàng, xây dựng thương hiệu.
Hiện, cả nước có 26.145 HTX, thu hút hơn 8,1 triệu thành viên, chủ yếu ở địa bàn nông thôn tham gia. Hoạt động của các HTX tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập và sức mua của không ít người dân. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, hiện chỉ có 6,8% cán bộ chủ chốt HTX có trình độ từ đại học trở lên, trên 30% cán bộ HTX vẫn chưa qua đào tạo. Đây chính là những rào cản của các HTX trong tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, nhất là áp dụng công nghệ vào thực hiện giới thiệu và bán hàng online. 70% thành viên HTX sử dụng điện thoại thông minh chỉ để phục vụ lướt mạng, chưa coi đây là công cụ bán hàng.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, ông Trần An Định cho biết, mặc dù internet, công nghệ giúp các HTX tăng khả năng tiếp cận thông tin cũng như tiếp cận khách hàng, nhưng mới chỉ tập trung ở bộ phận cán bộ quản trị trẻ, được đào tạo chuyên nghiệp. Trong khi đó, tỷ lệ cán bộ quản trị HTX chưa khai thác các tiện ích công nghệ thông tin còn cao dẫn đến khả năng tiếp cận công nghệ, thị trường thương mại điện tử rất thấp.
Ông Vũ Quang Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) khẳng định, một trong những khó khăn hiện nay là phần lớn thành viên HTX chưa quen với việc sử dụng công nghệ cũng như chưa từng tiếp xúc với bán hàng online nên còn nhiều bỡ ngỡ khi thực hiện các thao tác và xử lý đơn hàng trên sàn thương mại điện tử. Thậm chí, nhiều hộ thành viên có sản phẩm đã định vị được thương hiệu cá nhân tại địa phương nhưng vẫn không muốn thay đổi cách tiêu thụ hàng hóa.
Cần hỗ trợ để “nhập cuộc” chuyên nghiệp
Theo các chuyên gia, thương mại điện tử được đánh giá sẽ góp phần không nhỏ thúc đẩy và khơi thông dòng chảy hàng hóa, hỗ trợ các HTX có nhiều cơ hội thâm nhập và mở rộng thị trường.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây ra, có khả năng còn kéo dài, hoạt động kinh doanh truyền thống cũng chậm lại nên việc hỗ trợ các HTX triển khai thương mại điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là rất cần thiết.
Theo ông Vũ Quang Phong, thương mại điện tử là một trong những kênh quan trọng nhằm quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm của các HTX. Chính vì vậy, trong quá trình kết hợp với các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, BigC hay các trang thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Postmart và Voso…, Liên minh HTX Việt Nam đều chú trọng kết nối để các đơn vị này hỗ trợ HTX về việc quản lý bán hàng, sử dụng công nghệ để cập nhật thông tin sản phẩm đầy đủ…
Ngoài sự hỗ trợ của các cấp ngành, người dân và HTX cần nắm bắt cơ hội bán hàng qua các mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để thích ứng nhu cầu thị trường. |
Đặc biệt, khi Cổng thông tin kết nối cung – cầu đi vào hoạt động, Liên minh HTX Việt Nam đã đẩy mạnh tổ chức đào tạo nhằm hướng dẫn, trang bị các kỹ năng số cần thiết để các HTX quen với kinh doanh và tương tác trên môi trường số.
Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị Liên minh HTX các tỉnh, thành rà soát các HTX có hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn để có cơ sở hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Theo các chuyên gia, bán hàng qua sàn thương mại điện tử khá tiện lợi và dễ sử dụng. Khách hàng có thể đặt mọi lúc mọi nơi, nhưng để khách từ vào xem sản phẩm đến bước “chốt đơn” cũng cần nhiều yêu cầu khác. Ngoài thông tin minh bạch, rõ ràng, hình ảnh thu hút, thì chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất để “giữ chân” khách hàng lựa chọn sản phẩm ở những lần tiếp theo.
Tại các trang bán hàng điện tử còn phần đánh giá, nhận xét trải nghiệm mua hàng cũng như sản phẩm vừa mua. Do đó, nếu nắm bắt tốt cơ hội, thương mại điện tử là cơ hội để các HTX thu thập thông tin quan trọng, từ đó tự cải thiện và nâng tầm sản phẩm cũng như dịch vụ của mình.
Huyền Trang