(ĐCSVN) – Các chính sách của Nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới để kinh tế tập thể tham gia tích cực vào quá trình khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó kỳ vọng sẽ góp phần tác động vào thành công chung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021- 2025.
KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ RẤT QUAN TRỌNG VÀO THÀNH TỰU PHÁT TRIỂN CHUNG CỦA KHU VỰC KINH TẾ HỢP TÁC XÃ
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) hiện có gần 12 nghìn hợp tác xã (HTX). Quá nửa trong số đó đang hoạt động hiệu quả với mức thu nhập bình quân của thành viên, người lao động khu vực HTX nông nghiệp đạt từ 0,7 – 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực HTX phi nông nghiệp đạt từ 1,8 – 3 triệu đồng/người/tháng.
Tỷ trọng lúa, gạo, hồ tiêu, rau, quả do các HTX, liên hiệp HTX, Tổ hợp tác (THT) và các thành viên sản xuất chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của cả nước; tỷ trọng các nông sản khác và thuỷ sản chiếm từ 25 – 30%; tỷ trọng sản xuất sản phẩm OCOP chiếm 45%; tỷ trọng dịch vụ vận tải hành khách và hàng hoá chiếm 29%; tỷ trọng bán lẻ hàng hoá tiêu dùng thiết yếu chiếm 28%; tỷ trọng dư nợ tín dụng ở địa bàn nông thôn chiếm 14%; các HTX nông nghiệp vùng biên giới, HTX đánh bắt hải sản còn góp phần tích cực vào bảo vệ chủ quyền đất nước.
Số HTX vùng DTTS&MN hiện chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, chưa kể con số 35 liên hiệp HTX, 61.471 THT; trong đó có hơn 600 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị (chiếm 30% của cả nước). Như vậy có thể khẳng định, các HTX, liên hiệp HTX, THT vùng DTTS&MN đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu phát triển chung của khu vực kinh tế HTX, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
Kinh tế HTX ở vùng DTTS & MN có những đóng góp sau:
Thứ nhất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động
Khu vực kinh tế này thu hút hơn 3,7 triệu thành viên, chiếm 37% tổng số thành viên HTX trên cả nước, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn; tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu lao động. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới ở vùng DTTS&MN đều có THT hoặc HTX hoạt động và đây là thành phần kinh tế có tác động tích cực đến thực hiện tiêu chí thu nhập ở nông thôn.
Thứ hai, thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động
Tham gia THT, HTX, người dân dần loại bỏ những phong tục lạc hậu, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, để tập trung sản xuất ở quy mô lớn hơn, theo tiêu chuẩn cao hơn. Hầu hết người nông dân tham gia vào THT, HTX được đào tạo cách thức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, thực hiện sản xuất gắn với chuỗi giá trị, có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó giảm chi phí sản xuất từ 8 – 15% nhưng lại tăng thu nhập từ 14 – 18%/năm.
Nhà nước còn hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ quản trị và lao động nông thôn có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, kỹ thuật sản xuất, công nghệ… Nhiều HTX có đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ cao, có khả năng quản trị hiệu quả, đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của HTX.
Thứ ba, tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao.
Các HTX đã tích tụ, tập trung được hơn 1 triệu ha đất để sản xuất quy mô lớn, hiệu quả hơn, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Một số tỉnh phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu, điển hình như: Sơn La, Gia Lai, Phú Yên…
Ở nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, HTX là đơn vị chủ trì xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, sắp xếp, bố trí sản xuất cho thành viên… Nhiều HTX đã đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lao động tăng 3 – 5 lần. Một số HTX sử dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại.
Thứ tư, tạo ra liên kết giữa các HTX, giữa HTX với doanh nghiệp để sản xuất gắn với chuỗi giá trị
Nhiều HTX đã liên kết với các tập đoàn kinh tế ứng trước vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi để tạo vùng nguyên liệu tập trung cung ứng cho các nhà máy, cơ sở sản xuất; ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, xử lý môi trường; tiêu thụ sản phẩm, tạo vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp vùng DTTS&MN.
Thứ năm, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Hầu hết các HTX đã trích một phần lãi để xây dựng đường giao thông, điện, kênh mương thuỷ lợi, trường học, nhà trẻ, trạm y tế, nhà văn hoá… Các thành viên HTX đã góp công sức và vật liệu, hỗ trợ phương tiện vận tải, vật liệu để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng ở nông thôn.
Nhiều HTX phát triển sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như các HTX du lịch cộng đồng, du lịch homestay ở Lào Cai, Sơn La… đã kết hợp du lịch với mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống như thuốc tắm truyền thống, thổ cẩm, tinh dầu, vừa mang lại lợi ích kinh tế – xã hội, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống.
Thứ sáu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Các HTX môi trường, HTX nước sạch, HTX y tế, HTX trường học, HTX lâm nghiệp đã góp phần phát triển ngành nghề và dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế của các địa phương, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống của người dân; góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển bền vững… Các HTX thuỷ, hải sản còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta.
Trong một số lĩnh vực, HTX còn tạo thêm nhiều ngành nghề phát triển kinh doanh tổng hợp nhằm giải quyết nhu cầu, lợi ích chính đáng của thành viên và người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động… trên tinh thần hợp tác, tương thân, tương ái, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng DTTS & MN.
CẦN TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC XÃ Ở VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
Theo xu hướng chung, cơ cấu kinh tế của các tỉnh vùng DTTS&MN đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch chậm, lao động chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp theo quy mô hộ gia đình, sản xuất phân tán, kỹ thuật canh tác nhìn chung kém phát triển.
Giá trị sản xuất của các tỉnh vùng DTTS&MN hiện vẫn được cấu thành chủ yếu từ nông, lâm nghiệp. Đó cũng là lý do vì sao 65% số doanh nghiệp, HTX ở vùng DTTS&MN hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản.
Vùng DTTS&MN hiện có gần 3,7 triệu hộ, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước, 86% dân số DTTS sống ở nông thôn. Sinh kế của đồng bào DTTS chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp. Tỷ trọng lao động có việc làm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là 72,3%, cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. 20/53 dân tộc có chỉ tiêu này cao trên 95%.
Tỷ lệ hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chế biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Xuất phát từ những khó khăn về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, trình độ kinh tế – xã hội, dân trí chưa cao… vùng DTTS&MN dù có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn bị hạn chế về khả năng hấp dẫn, thu hút đầu tư của khối doanh nghiệp lớn.
Theo nghiên cứu của TS. Lương Văn Khôi, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội quốc gia, khoảng 98% doanh nghiệp và đầu tư của doanh nghiệp vào vùng DTTS&MN là doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào khu vực I (khu vực bước đầu phát triển), tiếp đến là khu vực II, trong khi rất cần thu hút vào khu vực III (khu vực đặc biệt khó khăn) lại chiếm tỷ lệ rất thấp.
Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Mô hình kinh tế này được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc các thành viên cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.
Tuy nhiên, tỉ trọng các HTX, doanh nghiệp, cơ sở chế biến vùng DTTS&MN so với toàn quốc vẫn còn khiêm tốn (5,9%). Vì vậy, dù đã có những thành quả ban đầu nhưng đóng góp của khu vực HTX, THT chưa cao.
Phát triển kinh tế HTX là nhu cầu khách quan, bởi vùng DTTS&MN có điều kiện về diện tích, khí hậu, thổ nhưỡng… để phát triển nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Vấn đề là diện tích canh tác nông, lâm nghiệp và mặt nước phân bố không đều. Phần lớn hộ dân có diện tích canh tác nhỏ hơn 0,8ha. Chỉ có tổ chức sản xuất theo mô hình THT, HTX thì mới tập trung được ruộng đất, giúp nông dân có điều kiện đảm bảo sản xuất đủ số lượng và chất lượng, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Mặt khác, THT, HTX kiểu mới được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, công bằng, dân chủ, minh bạch sẽ là cầu nối giúp hộ cá thể và người dân huy động các nguồn lực về tài chính, đất đai, nhân lực, khoa học công nghệ, thông tin kinh tế, khả năng tiếp thị, nghiên cứu thị trường… phục vụ cho phát triển. Thúc đẩy HTX phát triển sẽ đóng góp cho phát triển KT – XH vùng DTTS&MN.
Với những đóng góp to lớn đã được khẳng định trong thực tiễn, cộng với dư địa phát triển còn rất rộng thì tập trung phát triển kinh tế HTX tại vùng DTTS&MN là phù hợp với mục tiêu, quan điểm, giải pháp trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 88/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030.
Ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã bỏ phiếu thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, nhưng một số quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2023 nhằm thể chế hóa 8 chính sách tại Nghị quyết 20-NQ/TW.
Trong đó có các chính sách của Nhà nước về phát triển THT, HTX, liên hiệp HTX tại địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện Nghị quyết số 88/QH14 của Quốc hội, trong Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng DTTS&MN đã thiết kế một số tiểu dự án liên quan đến hỗ trợ hoạt động của HTX, nhất là những HTX chế biến nông, lâm sản.
Tại Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN cho phép HTX, liên hiệp HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người DTTS, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại Nghị định này được vay vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay.
HTX, liên hiệp HTX tham gia vào Dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý có thể được vay không vượt quá 45% tổng mức đầu tư dự án và không vượt quá 96 tỷ đồng trong thời hạn tối đa là 10 năm; lãi suất cho vay 3,96%/năm; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người DTTS được vay tối đa là 02 tỷ đồng/khách hàng, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm. Lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Những chính sách tín dụng ưu đãi với cơ chế đặc thù về thủ tục, mức vốn, lãi suất được kỳ vọng là đủ sức hấp dẫn, tạo xung lực mới để HTX, liên hiệp HTX tham gia tích cực vào quá trình khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng DTTS & MN.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, trong những năm gần đây và trong những năm tới, hoạt động của Liên minh HTX sẽ tiếp tục tập trung vào địa bàn vùng DTTS&MN, vì đây là địa bàn tiềm năng để phát triển chuỗi giá trị. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn DTTS&MN khá cao.
Đồng chí Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX sẽ tạo cơ hội về công ăn việc làm, tạo ra những sản phẩm có khối lượng lớn, chất lượng cao, hướng đến thị trường lớn cho vùng đồng bào DTTS; góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh, tri thức vùng DTTS.
Về phía Ủy ban Dân tộc đã giao các Vụ, đơn vị tham mưu hoạt động phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam thực hiện một số nội dung tiểu dự án, dự án về nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng DTTS&MN…