Tháo gỡ bất cập chính sách cản trở hợp tác xã giữa ‘tứ bề thọ địch’

Sức chống chọi của khu vực kinh tế hợp tác xã (HTX) giữa tác động của dịch Covid-19 đợt 4 được ví như “tứ bề thọ địch”. Và điều mà họ cần không chỉ ở chính sách hỗ trợ mà là mong muốn tháo gỡ những bất cập về chính sách mang tính chồng chéo, thiếu bình đẳng, thiếu đồng bộ… đang cản trở sức phát triển của HTX.

Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, đại đa số các HTX đều bị giảm doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, thu nhập của người lao động và thành viên gặp nhiều khó khăn. 

Cớ sao “bỏ quên” địa vị HTX?

Chính vì vậy khu vực kinh tế HTX (vốn thu hút hơn 8 triệu thành viên là đại diện hộ gia đình, tác động đến đời sống và thu nhập của khoảng 30 triệu người, chủ yếu là địa bàn nông thôn) đang cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ để phục hồi và vượt qua đại dịch.

HINH-8329-1629973685.jpg

Giữa khó khăn do dịch Covid-19, các HTX mong muốn ngoài một số giải pháp khẩn trương nhằm hỗ trợ thì cần tháo gỡ các bất cập về chính sách đang cản trở sức phát triển của khu vực kinh tế này.

Theo đó, ngoài một số chính sách, giải pháp khẩn trương nhằm hỗ trợ cho việc duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh thì các HTX cũng mong muốn được tháo gỡ các bất cập ở khâu chính sách, cũng như củng cố địa vị pháp lý của họ.

Như vừa qua Liên minh HTX Việt Nam đã có kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức quản lý và hoạt động của HTX có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, dẫn đến gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của các HTX.

Nhất là khi theo quy định luật Hợp tác xã năm 2012 được hiểu, trong các ngành nghề đầu tư kinh doanh với các điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có) sẽ được áp dụng chung cho cả doanh nghiệp (DN) và HTX. HTX sẽ được phép tham gia vào tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh mà DN được phép tham gia.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi rà soát các điều kiện kinh doanh thì thấy rằng, một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng chỉ có DN được phép tham gia còn HTX lại không được tham gia.

Cụ thể, một số điều kiện kinh doanh quy định “là DN được thành lập theo quy định của pháp luật” trong hồ sơ cấp phép yêu cầu “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” hoặc quy định điều kiện cụ thể đối với từng loại hình DN. Trong khi đó, lại không có quy định liên quan đến HTX, liên hiệp HTX.

Đơn cử như dịch vụ kinh doanh logistics; kinh doanh, bảo hành, bảo dưỡng ô tô; dịch vụ làm kế toán; dịch vụ làm thủ tục về thuế; dịch vụ làm thủ tục hải quan; dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; dịch vụ cho thuê lại lao động; dịch vụ thông tin tín dụng; dịch vụ việc làm…

Thực ra, đây là những dịch vụ mà khu vực HTX hoàn toàn có thể đảm đương được, thậm chí đang hoạt động khá tốt. Chẳng hạn những HTX đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, cho thuê lại lao động. 

Điển hình như HTX xếp dỡ hàng hóa Quyết Tiến (ở xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai) với doanh thu mỗi năm trên 60 tỷ đồng từ việc đa dạng các dịch vụ bốc xếp hàng hóa, cho thuê nhà và xe, đóng gói bao bì linh kiện hàng hoá, cho thuê lại lao động… Qua đó, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động làm việc cho phía đối tác là hơn 30 nhà máy.

Hiệu quả của HTX Quyết Tiến trong lĩnh vực hậu cần logistics, cho thuê lại lao động như vậy đã được khuyến khích nhân rộng ra toàn quốc. Tuy nhiên, với những điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này lại không đả động đến địa vị pháp lý HTX, rõ ràng đây là khiếm khuyết lớn, làm giảm đi cơ hội phát triển cho các HTX.

Cần bình đẳng để cùng phát triển

Theo Liên minh HTX Việt Nam, với những điều kiện kinh doanh như quy định hiện tại thì HTX xem như không thể tham gia vào hoạt động kinh doanh của một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như trên. 

Điều này rõ ràng là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 5 luật Hợp tác xã năm 2012 là sẽ: “bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng giữa HTX, liên hiệp HTX với các loại hình DN và tổ chức kinh tế khác”.

Do đó, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị bổ sung điều kiện về chủ thể tham gia các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở một số ngành có bao gồm HTX, liên hiệp HTX.

Ngoài vấn đề nêu trên thì một loạt bất cập khác trong khâu chính sách khi “bỏ quên” địa vị HTX cũng cần được “điểm mặt chỉ tên” để các nhà hoạch định chính sách cần tự vấn để bổ sung, sửa đổi trong thời gian tới để mang lại sự cho bình đẳng cho các HTX phát triển.

Chẳng hạn như, nhu cầu được hỗ trợ để tiếp cận, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất đối với khu vực HTX hiện nay đang rất lớn, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Thế nhưng, trong Nghị định số 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 cũng không có dòng chữ nào nhắc đến HTX.

Theo đó, trong nghị định này có nêu khi có dự án thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư, nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ thì đối tượng được hỗ trợ quy định tại nghị định này (ở Điều 8, hỗ trợ DN”) chỉ có DN, hoàn toàn không có nêu gì đến việc hỗ trợ cho HTX, liên hiệp HTX.

Như vậy là việc bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng giữa HTX với các loại hình DN đã cho thấy có sự thiếu sót lớn từ một nghị định quan trọng như trên.

Không chỉ vậy, trong Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã cũng đã và đang bộc lộ một số hạn chế, trong đó có việc quy định tỷ lệ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà HTX cung ứng cho thành viên.

Cụ thể như ở Khoản 2 Điều 5 Nghị định 193/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 107/2017/NĐ-CP quy định, tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà HTX, liên hiệp HTX cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên, thành viên cho khách hàng không phải thành viên do điều lệ HTX quy định cụ thể, nhưng không vượt quá 50% tổng giá trị cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX đối với lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Theo giới chuyên gia, có rất nhiều HTX phát triển, kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực, giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà HTX cung ứng ngày càng nhiều, thành viên không thể sử dụng hết, cần phải bán ra bên ngoài, trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng đa dạng hơn so với khả năng cung ứng của các thành viên.

Còn theo phản ánh của một số HTX thì việc áp đặt cứng tỷ lệ này cho tất cả HTX đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. 

Trên thực tế, trong nhiều trường hợp thì thành viên HTX không có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của HTX nhiều (ít hơn tỷ lệ 50%). Thế nhưng vì bị khống chế tỷ lệ cung ứng sản phẩm ra bên ngoài, HTX lâm vào tình thế khó trong việc tiêu thụ sản phẩm và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động hiệu quả của các HTX.

Do đó, Liên minh HTX Việt Nam đã đề nghị cần bỏ tỷ lệ khống chế cung ứng dịch vụ ra bên ngoài và để cho HTX tự áp tỷ lệ phù hợp với đặc thù của mình.

Như vậy, trong quá trình rà soát các quy định pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn đã được Liên minh HTX Việt Nam chỉ ra và đề nghị điều chỉnh. Việc tiếp thu những góp ý này sẽ giúp loại bỏ được một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã còn gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.

                   Thanh Loan

Nguồn: https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/thao-go-bat-cap-chinh-sach-can-tro-hop-tac-xa-giua-tu-be-tho-dich-1080798.html