Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 5 năm 2021-2025.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 5 năm 2021-2025; đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Tờ trình số 2180/TTr-BKHĐT trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
Quan điểm xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 5 năm 2021-2025 là trở thành một công cụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030; đồng thời, cụ thể hóa được các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược trong giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương xây dựng các chương trình, đề án và kế hoạch hàng năm về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu và chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Quyết định và nội dung của kế hoạch; trong đó, dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 5 năm 2021-2025 gồm 5 phần: mục tiêu; định hướng phát triển; giải pháp thực hiện; kinh phí thực hiện và tổ chức thực hiện.
Theo Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thập kỷ tới, bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức mới cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, đòi hỏi khu vực này phải tự thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu và tận dụng được những cơ hội phát triển trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế;
Đồng thời, hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội đồng thời cũng là thách thức, buộc khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải năng động, sáng tạo, nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, phù hợp với thực tế Việt Nam.
Với bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và phát triển đa dạng của nền kinh tế, các hợp tác xã có nhiều cơ hội được học hỏi, cọ sát và nâng cao năng lực, cũng như tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới; thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ các đối tác lớn, có công nghệ nguồn; mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến…
Bên cạnh những cơ hội là những thách thức kèm theo như cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế. Những thuận lợi của thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” sẽ không còn duy trì được lâu;
Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ gia tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia vào thị trường bên ngoài, không thích ứng với tình hình mới và bị tụt hậu ngày càng xa hơn về công nghệ… Biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, trước sự phát triển không ngừng của đời sống, sản xuất, tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa mạnh mẽ và yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực, đã tạo sân chơi mới cho các các hợp tác xã. Khu vực kinh tế tập thể, các hợp tác xã phải đối mặt và giải quyết vấn đề về chất lượng và cạnh tranh.
Do vậy, để phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững với nhiều cơ hội và thách thức của kinh tế thị trường, trong thập kỷ tới cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã; đồng thời, đẩy mạnh vận động, tuyên truyền về bản chất, khẳng định vị trí, vai trò của hợp tác xã trong điều kiện mới…
Cục Phát triển Hợp tác xã cho biết, năm 2020, cả nước có hơn 26 nghìn hợp tác xã thu hút 6,1 triệu thành viên, 100 liên hiệp hợp tác xã thu hút hơn 630 hợp tác xã thành viên và hơn 119 nghìn tổ hợp tác với khoảng 1,6 triệu thành viên.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Cùng với đó, số lượng hợp tác xã tuy tăng nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội, hội quần chúng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả./.
Theo Bnews