Gỡ rào cản để nâng cao hiệu quả tích tụ đất cho HTX

Đất là tư liệu sản xuất quan trọng đối với các HTX. Tuy nhiên, do quy mô diện tích manh mún, nhỏ lẻ, tình trạng bỏ hoang đất ngày càng nhiều khiến việc tích tụ ruộng đất sản xuất trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, trong khi việc thuyết phục người dân cho HTX thuê đất vẫn còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, những chính sách về hạn điền cũng đang khiến HTX không thể tích tụ đất đai phục vụ sản xuất theo quy mô lớn.

HTX chăn nuôi gia cầm Minh Tâm (xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương) đang mở rộng sang trồng dưa chuột theo hướng hàng hóa để cung cấp cho các doanh nghiệp trong tỉnh Tuyên Quang và TP Hà Nội. Tuy nhiên, theo Ban giám đốc, HTX phải liên kết với người dân trồng dưa ở nhiều huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Na Hang và Chiêm Hóa thì mới có đủ 60ha trồng dưa chuột cung cấp cho đối tác.

Nhu cầu lớn

Giám đốc Trần Văn Phúc cho biết,  HTX Minh Tâm rất muốn có quỹ đất rộng, liền bờ, liền thửa để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng lợi nhuận cho thành viên, người lao động. Thế nhưng, khi thương lượng thuê đất với người dân rất khó vì có hộ đồng ý, có hộ không đồng ý. Những hộ đồng ý thì chưa thống nhất được giá thuê đất.

Còn tại xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, mặc dù địa phương đã có quyết định hỗ trợ về vốn, cơ sở hạ tầng, đất đai cũng như tiền thuê đất, nhưng đến nay, quá trình tích tụ đất đai của HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân là nhiều hộ nông dân không sản xuất nông nghiệp nhưng cũng không muốn cho HTX thuê đất vì sợ mất đất sau khi cho thuê. Trong khi đó, với đất công ích của xã, HTX muốn thuê phải thông qua phương thức đấu giá nên giá cao, vượt quá khả năng của HTX.

mt-7768-1622626818.jpg
Nếu sản xuất được liền vùng, liền thửa, HTX Minh Tâm sẽ nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm.

“Vì vậy, HTX mong được tạo điều kiện thuê diện tích đất lớn với giá bình ổn, thuê dài hạn và trả tiền một lần để tránh biến động về giá theo từng năm”, Giám đốc Cao Thị Thủy bày tỏ.

Có thể thấy, nhu cầu tích tụ ruộng đất để phục vụ sản xuất của các HTX là rất lớn vì đòi hỏi của thị trường buộc HTX phải phát triển theo hướng tập trung, xây dựng được chuỗi giá trị hàng hóa bền vững. Muốn vậy, HTX phải có đất để phục vụ sản xuất, xây dựng trụ sở, xưởng sơ chế, chế biến… Khi tích tụ được đất đai để phục vụ sản xuất theo quy mô lớn, HTX sẽ thu hút được doanh nghiệp liên kết, từ đó nâng cao được thu nhập cho người dân.

Hiện nay, đã có những tỉnh, thành phố thực hiện tích tụ đất đai như Hà Nam, Hà Nội… nhưng thực tế mới chỉ tập trung vào doanh nghiệp, còn đối với HTX thì vẫn còn rất gian nan. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các địa phương, bởi nhiều nông dân vẫn còn tâm lý giữ đất, thậm chí lo sợ mất đất sau khi cho thuê. Đồng thời, quy định về hạn điền trong Luật Đất đai cũng hạn chế tình trạng tích tụ ruộng đất của HTX khi không được thuê quá 10 lần hạn mức, tương đương với khoảng 30ha, tùy theo từng vùng.

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, đối với đất công điền, một số địa phương chỉ được phép cho thuê thời gian tối đa 5 năm theo Khoản 5, Điều 126, Luật Đất đai năm 2013, nên không khuyến khích được HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất mang tính chất lâu dài và bền vững.

“Thêm nữa, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Khoản 1, 2 và 3, Điều 129 là quá thấp, nên ảnh hưởng đến sự tích tụ, dồn ghép ruộng đất tổ chức sản xuất quy mô lớn”, PGS.TS. Đào Thế Anh phân tích.

Đó là những nguyên nhân dẫn tới việc, cả nước có 26.040 HTX nhưng đến nay chỉ có khoảng 20% số HTX được giao đất, cho thuê đất để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thay đổi căn cơ

Thực tế, để HTX tập trung được một vùng đất rộng từ 20-30 ha là rất khó khăn, vì phải làm việc, thống nhất được mọi điều kiện với khoảng 200 – 400 hộ dân.

Chính vì vậy, về cơ chế tích tụ ruộng đất, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những mô hình hiệu quả nhất hiện nay là người dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp, HTX; hoặc cho HTX, doanh nghiệp thuê đất, trở thành lao động làm việc cho HTX, doanh nghiệp và được trả lương hàng tháng.

ruong-dat-8541-1622626818.jpg
ích tụ ruộng đất hiệu quả sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.

Tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), HTX Nông nghiệp thanh niên Thăng Bình đã được tạo điều kiện thuê thêm 7ha đất phục vụ sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn vào năm 2019. Theo Ban giám đốc HTX, việc thuê đất thuận lợi là do một phần HTX vừa trả tiền thuê đất cho người dân, vừa tạo điều kiện cho họ có thể làm việc trên chính diện tích đất của mình. Điều này vừa giải quyết được tình trạng đất bỏ hoang, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời giúp HTX thuận lợi hơn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng và liên kết với doanh nghiệp.

Ngoài cách làm trên, PGS. TS Đoàn Xuân Thủy, Học viện Chính trị Quốc gia TP.HCM cho rằng, cần phải sửa Luật Đất đai năm 2013 một cách căn cơ. Luật phải ghi nhận được quyền tài sản về mặt đất đai và quyền lĩnh canh đối với người dân, HTX. Bên cạnh đó, Luật phải đảm bảo được quyền tiên mãi, trưng thu đất đai và đặc biệt là nên bỏ cụm từ “Nhà nước thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế xã hội”. Cụm từ này rất chung chung, khó phân định khiến người cho thuê đất hoang mang, từ đó khiến quá trình tích tụ ruộng đất khó khăn.

Hiện nay, việc tích tụ, tập trung đất đai bao gồm các hình thức: cá nhân, doanh nghiệp thuê đất làm nông nghiệp; người dân tự nguyện góp đất và hình thức sản xuất để tham gia các HTX. Chính vì vậy, theo PGS. TS Đoàn Xuân Thủy, khi có hành lang pháp lý rõ ràng, vấn đề chuyển nhượng, cho thuê đất đai nông nghiệp giữa cá nhân, HTX, doanh nghiệp với nhau sẽ thuận lợi hơn.

Nếu giải quyết tốt vấn đề tích tụ thông qua hình thức thuê, mượn đất nông nghiệp, ngoài lợi ích chung là hạn chế tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên, tăng giá trị sử dụng đất, thì cả nông dân, HTX và doanh nghiệp đều được lợi.

Huyền Trang