Người dân thắt chặt chi tiêu khiến các siêu thị đứng trước áp lực bán hàng. Điều này càng khiến cơ hội đưa hàng vào siêu thị của các HTX dường như bị thu hẹp hơn.
Từ cuối năm 2023 đến nay, Big C Mê Linh (Mê Linh, Hà Nội) đã có những đợt thay đổi về vị trí các quầy kệ, thực hiện sắp xếp, bố trí lại các gian hàng nhằm thu hút người tiêu dùng quan tâm và lựa chọn các sản phẩm.
Áp lực dây chuyền
Việc đơn vị này quan tâm bố trí, sắp xếp lại quầy kệ, không gian bán hàng được giới chuyên môn đánh giá là do sức mua của người dân từ sau đại dịch COVID-19 đến nay phục hồi chậm. Đặc biệt, thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình vẫn còn hàng hóa, thực phẩm dự trữ và tâm lý chi tiêu tiết kiệm sau Tết nên sức mua yếu. Chính vì vậy mà lượng khách đến mua sắm tại các siêu thị cũng không được đông đúc.
Để kích cầu người tiêu dùng, nhiều siêu thị đã thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Như ở Big C Mê Linh, thịt, cá tươi sống được giảm giá 30% hay hình thức mua 1 tặng 1 được áp dụng với một số sản phẩm như mua tương cà tặng tương đậu nành, mua hạt nêm tặng hạt nêm…
Bà Đặng Thanh Mai, cố vấn chuyên môn về giải pháp cho doanh nghiệp, cho biết việc giảm giá, khuyến mãi, tặng hàng là một trong những chiến dịch, kế hoạch cụ thể của các siêu thị nhằm kích cầu mua sắm trong từng giai đoạn nhất định.
Bên cạnh đó, thay đổi, sắp xếp lại không gian, bố trí lại quầy kệ, sản phẩm cũng phần nào cho thấy áp lực tăng doanh số và cạnh tranh thị phần giữa các siêu thị. Bởi bản chất của kinh doanh là lợi nhuận. Các siêu thị phải bảo đảm làm sao có được dòng tiền ra vào liên tục vì dù khách mua ít nhưng đến cuối tháng, siêu thị vẫn phải chi tiền cho hàng loạt hạng mục như tiền nhân viên, tiền hàng hóa, thuê mặt bằng, quảng cáo…
Áp lực đưa hàng vào siêu thị của HTX là không hề nhỏ trước sức mua của người dân đang yếu. |
Đặc biệt, để cạnh tranh được trên thị trường, theo bà Mai, mỗi siêu thị sẽ có một kế hoạch khác nhau nhưng nhìn chung với khả năng đánh giá và phân tích thị trường, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng của mình, các siêu thị sẽ biết đâu là mặt hàng bán chạy để ký hợp đồng nhập hàng, đâu là những hàng bán kém chạy để… siết đầu vào.
Đặc biệt trong điều kiện sức mua được đánh giá là phục hồi chậm như hiện nay, việc các siêu thị siết đầu vào khiến các chủ thể, HTX, doanh nghiệp nhỏ càng cảm thấy khó khăn, áp lực hơn khi đưa hàng vào siêu thị. Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Đông Triều (Quảng Trị), cho biết yêu cầu về thủ tục, giấy tờ, chứng nhận là đòi hỏi từ trước đến nay của các siêu thị. Nhưng trong điều kiện hiện nay, các siêu thị còn đòi hỏi sản phẩm phải có sự khác biệt, mới mẻ, có thương hiệu. Ngoài ra, còn một quá trình dài đàm phán về giá cả, chiết khấu, vận chuyển… mới có thể đi đến ký kết hợp đồng
“Dù sản xuất hàng ra và có chứng nhận đàng hoàng nhưng các thành viên vẫn cảm thấy hoang mang vì các sản phẩm cùng loại trên thị trường rất nhiều trong khi đưa hàng vào các siêu thị thì thường bị siết giá, nếu giảm giá quá nhiều thì chắc chắn HTX không thể có lời được”, ông Nguyễn Việt Đức nói.
Sản phẩm cần tiện lợi
Áp lực bán hàng từ siêu thị kéo theo việc siết các tiêu chuẩn cung cấp đầu vào khiến không ít HTX cảm thấy uể oải, thậm chí không muốn đưa hàng vào các siêu thị. Ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lũng Cút (Lạng Sơn), cho biết nhiều HTX vẫn quyết tâm đưa hàng vào siêu thị nhưng bên cạnh đó vẫn còn những HTX gặp khó khăn trong đàm phán với các siêu thị và cũng có những HTX đang phân vân không biết có nên đưa hàng vào siêu thị không, nhất là trong điều kiện các siêu thị ngày càng yêu cầu cao về sản phẩm và siết đầu vào như hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, chiết khấu, chi phí đưa hàng là một trong những vấn đề quyết định đến tính hiệu quả của các cuộc đàm phán đưa hàng vào siêu thị của các HTX, doanh nghiệp nhỏ.
Còn việc có nên đưa hàng vào siêu thị hay không? Theo ông Phú, đây là vấn đề chỉ dành cho các sản phẩm đã đủ giấy tờ ra thị trường, có thể xuất VAT, có mong muốn phát triển sản phẩm với quy mô lớn… Các HTX cũng phải xác định được những khó khăn khi đưa hàng vào vào siêu thị đó là sản phẩm có chất lượng đồng đều, số lượng đúng theo yêu cầu khi đàm phán giữa các bên. Vấn đề công nợ lâu, có nhiều siêu thị phải mất phí: phí thuê kệ trưng bày, phí vào hàng, các loại phí khác. HTX cũng phải bảo đảm được khâu vận chuyển tận nơi, có đổi trả hàng bán chậm và đặc biệt là chiết khấu cao, theo dòng sự kiện của siêu thị. Đặc biệt khi làm việc với các siêu thị, HTX phải xác định hàng có thể sẽ không bán được phải thu hồi và có thể dẫn đến cắt mã hàng.
Nhưng ngược lại, khi đưa được hàng vào siêu thị, HTX sẽ có thêm một kênh bán hàng và khi mở được kênh bán hàng cũng là cách tăng khả năng tiếp cận người dùng, mở rộng đầu ra, từ đó tạo vị thế, chỗ đứng cho HTX. Đây cũng được coi là tiền đề để HTX tính toán những bước xa hơn là hướng tới xuất khẩu, mở rộng quy mô.
Trước những phân tích này, ông Phú cho rằng việc có nên đưa sản phẩm vào siêu thị hay không sẽ tùy vào chiến lược sản phẩm, chiến lược bán hàng của mỗi HTX mà ban giám đốc tự quyết định những điều được – mất khi vào siêu thị.
“Đưa được hàng vào siêu thị là tốt nhưng không nên chạy đua theo thành tích để rồi mất thời gian và nguồn lực. Ngay như các siêu thị khác nhau thì tệp khách hàng đã khác nhau, chưa kể việc bán sản phẩm của các HTX phần lớn là các đặc sản, hàng OCOP nên cần phải tư vấn, truyền thông rất nhiều”, nguyên Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội nói.
Bà Trần Thị Vượng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Cao Bằng, đơn vị có sản phẩm thạch đen Cao Bằng đưa vào một số hệ thống siêu thị, cho biết trong điều kiện hiện nay, bán hàng đa kênh là cần thiết và đưa hàng vào siêu thị bên cạnh bán hàng online là một cách mở rộng kênh cho nhiều đơn vị. Nhưng có một điều là trong điều kiện thị trường hiện nay, nếu sản phẩm của các chủ thể sạch nhưng không tiện lợi thì cũng khó vào được các siêu thị.
Ông Bùi Văn Thành, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Gia Đình (Hải Phòng), cho rằng nhiều HTX không có đủ hàng để bán, cũng chưa thể mở rộng quy mô thường chưa hoặc ít quan tâm đến việc đưa hàng vào siêu thị…
Nhưng với các HTX có nhu cầu, các thành viên cũng không nên quá lo lắng. Bởi bản chất siêu thị cũng là một doanh nghiệp, HTX hãy đàm phán với vị thế ‘ngang cơ’ với họ. Không nhất thiết một lúc HTX phải đưa hàng vào cả chuỗi của siêu thị. Thay vào đó, HTX cứ gửi hồ sơ cho siêu thị duyệt, thậm chí họ sẽ hỗ trợ HTX chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ. Còn việc vào hay không là do các HTX quyết định nhưng có một điều là sau khi siêu thị duyệt hồ sơ cho sản phẩm của HTX tức là sản phẩm của HTX đã đi thêm được một bước dài.
Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn