Dù sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định nhưng các HTX vẫn mạnh mẽ vươn lên khẳng định mình và thích ứng với các quy định mới ở trong nước và quốc tế.
Cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, đòi hỏi tinh thần, bản lĩnh của mỗi giám đốc, chủ tịch HĐQT HTX ngày càng phải được trau dồi, bồi đắp. Trong đó, hoàn thiện những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm mà các thị trường yêu cầu thực sự là điều không hề đơn giản với nhiều HTX.
Những đòi hỏi mới
Ngay mặt hàng cà phê của Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất khẩu vào châu Âu (chiếm khoảng 60-70% sản lượng cà phê cả nước xuất khẩu). Nếu HTX vi phạm hoặc không đáp ứng được các quy định về Chống phá rừng và chống phát thải carbon (trường hợp HTX là đơn vị trực tiếp xuất khẩu) sẽ bị phạt 4%/tổng doanh thu của HTX/năm.
Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao (Sơn La) cho rằng, những quy định trên có lẽ sẽ khiến các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ gặp khó khăn, nhất là trong vấn đề truy xuất nguồn gốc. Còn đối với những HTX đã đầu tư bài bản từ trước thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và bền vững không quá khó khăn. HTX chỉ cần điều chỉnh ở một số bước cho phù hợp với quy định của từng thị trường.
Còn đối với HTX nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (Gia Lai), việc sản xuất và chế biến hồ tiêu, cà phê hữu cơ đạt chứng nhận USDA và EU theo tiêu chuẩn sạch từ trang trại đến bàn ăn và với kinh nghiệm xuất khẩu sang những thị trường này nhiều năm thì các thành viên HTX coi đây chính là cơ hội lớn để nâng cao giá trị và thương hiệu.
Không dừng ở những quy định xuất khẩu sang EU, việc tiêu thụ, xuất khẩu cả bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp hiện nay, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ luôn là điều khó khăn với các HTX vì chi phí lớn, thời gian xét duyệt các hồ sơ đăng ký dài. Còn khi chưa đăng ký sở hữu trí tuệ, HTX cũng gặp những rủi ro trong xuất khẩu như bị đánh cắp thương hiệu, kiện tụng…
Tuy nhiên, thống kê của Cục sở hữu trí tuệ cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2022 đến tháng 10/2023, đơn vị này đã tiếp nhận từ các tổ hợp tác, HTX với tổng số 816 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (3 đơn về giải pháp hữu ích, 25 đơn về kiểu dáng công nghiệp, 788 đơn về nhãn hiệu) và đã cấp 27 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Điều này cho thấy, các HTX đã quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và mở ra nhiều cơ hội trong liên kết, tìm kiếm đầu ra, xuất khẩu.
Vượt rủi ro
Để giúp các HTX nâng cao năng lực, chủ động thích ứng với những quy định của thị trường, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với các bộ ngành, triển khai, hỗ trợ các HTX trong việc thực hiện, áp dụng các tiêu chuẩn, đo lường chất lượng và sở hữu công nghiệp như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), thực hành nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh, truy xuất nguồn gốc, cải tiến năng suất. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, ISO 22000, ISO 14000, tiêu chuẩn thương mại công bằng, Halal… và đạt các chứng nhận như OCOP, truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế tại các HTX cũng được quan tâm thực hiện.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Long Hiệp (Trà Vinh) đã được hỗ trợ phát triển chuỗi lúa gạo sản xuất sạch. HTX đang áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 HACCP nhằm hướng đến quản lý chất lượng nông sản ở tất cả các khâu từ đầu vào đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ, vận chuyển. Điều này đã giúp HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, hạn chế rủi ro cho mỗi chuyến ‘ra khơi’ cả ở thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH&CN), cho biết thời gian qua, Bộ đã cùng với các đơn vị liên quan hoàn thiện đề xuất, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật về khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ nhằm tạo môi trường cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, trong đó có HTX tích cực đổi mới sáng tạo đi liền với các quy định về xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ nhằm tạo điều kiện cho những HTX sản xuất chân chính.
Trong Thông tư 02/2024/TT-BKHCN ngày 28/3/2024 của Bộ KH&CN đã có những quy định mới về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Do đó, các HTX khi thực hiện kinh doanh sản phẩm hàng hóa cần phải phải sử dụng tem, vật mang dữ liệu phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc được các thông tin như: thông tin HTX; sản phẩm; tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng; ghi nhận thời điểm của quy trình sản xuất đảm bảo minh bạch và có thể tra cứu nhanh trên cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia; ký hiệu sản phẩm, lô, mẻ sản phẩm; thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm; hạn sử dụng… nhằm đảm bảo minh bạch, tin cậy về dữ liệu trong truy xuất nguồn gốc. Từ đây, các HTX có thể tin tưởng và đảm bảo rằng mọi người tiêu dùng sẽ được sử dụng đúng sản phẩm và giá trị từ sản phẩm mà HTX đã tạo ra.
Theo các chuyên gia, những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng vệ thương mại sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Đi liền với đó là những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng và môi trường trên thế giới. Do đó, không có cách nào khác, HTX phải tìm cách nâng cấp bản thân để thích ứng.
Có thể thấy, số lượng HTX sản xuất đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hay đăng ký sở hữu trí tuệ đã có chiều hướng gia tăng nhưng theo ông Nguyễn Tiến Tài, số lượng đơn và bằng về bảo hộ của chủ đơn là các HTX, tổ hợp tác vẫn còn khiêm tốn trong tổng số đơn và bằng bảo hộ của người Việt Nam.
Do đó, việc đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định, tiêu chuẩn sản xuất ở trong nước và quốc tế dành riêng cho khu vực KTTT, HTX cần được “đậm đặc” hơn, thay vì thực hiện chung chung cùng với các doanh nghiệp, từ đó mới có thể giúp khu vực này bám sát thực tiễn nhiều hơn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc phát triển thị trường cho các HTX, nhất là các thị trường về mua bán bản quyền giống cây, con hay đặt hàng của các HTX với các tổ chức về giống cây con cũng cần được thúc đẩy nhằm giải quyết những khó khăn trong ứng dụng công nghệ, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh tại HTX.
Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn